Hiện nay người trong nước sử dụng khá nhiều từ tiếng Anh trong đời sống khi những ký ức về chiến tranh như đã lùi dần vào
quá khứ. Cuộc hội nhập với văn minh thế giới thì lớp trẻ hôm nay đang hấp thụ văn hóa Tây phương rất nhanh. Vấn đề ngôn
ngữ trở thành phương tiện tiếp cận với thế giới bên ngoài khá rõ nét. Nên khi về Việt Nam, ta nghe nói nhiều về những từ tiếng
Anh như: No, Yeah, Cool, Ok, Alright, Yup, Hi, Stress, Style, Thank You, Sorry… trong văn nói sinh hoạt hằng ngày bình
thường.
Còn người Việt ở Hoa Kỳ (hay tại những quốc gia nói tiếng Anh), chuyện phải học ngôn ngữ mới để thâm nhập vào cuộc sống
hiện tại không có gì lạ. Tuy nhiên vì những lý do hoàn cảnh khác nhau, nhiều người không thể học nhanh được, học hoài mà
không vô, nên số lượng từ vựng tiếng Anh của họ thường ít ỏi, khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, dù không có nhiều tiếng Anh, những
từ tiếng Anh phổ thông vẫn được họ hiểu và sử dụng nhiều trong văn nói. Chẳng hạn như bill, driver liscene, insurance,
shopping, nails, court, police, income, bank, retire, 401k, discount, medicare, medicaid, business, tax… và child support.
Rồi nói tới child support, người ta nghĩ ngay tới những hoàn cảnh khá chung của các cặp vợ chồng không may mắn trong hôn
nhân. Vợ chồng chia tay. Ly dị. Người mẹ của đứa trẻ (thường) được ông tòa cho phép nuôi con (custodial parent). Và người
cha sẽ phải trả tiền child support hằng tháng vì không được quyền nuôi con (non-custodial parent). A real pain in the neck! Đó
là những gì người ta thoạt nhìn từ bên ngoài vào sẽ nhìn thấy khi một cặp vợ chồng đổ vỡ.
Nhìn kỹ hơn, child support là cả một kho truyện dài (nhiều tập) bàn hoài không hết. Nếu lấy tâm điểm là: Mình nuôi con mình
chứ có nuôi con người khác đâu mà lo. Lý lẽ này sẽ khóa chặt miệng những ông bố trong cảnh nợ child support. Họ ngậm
ngùi im lặng. Muốn cất tiếng thanh minh: Bộ tôi không thương con, không có trách nhiệm hay sao; nhưng không nói được?
Trong lòng họ ngổn ngang nhiều tâm sự. Dại một giờ, khổ một đời. Không thiếu những giây phút họ cảm thấy cuộc đời thật
đen đủi, đáng buồn. Họ lặng lẽ hát một mình: Anh đã lầm khi… Cuộc sống là vậy. Tình cạn thì nghĩa kiệt. Business is
business. Cái giá của đổ vỡ đối với những người đàn ông trong cảnh ly dị (nhiều lúc) thật khó nói cho cùng. Họ là nạn nhân?
Hay là người đáng trách khi họ trở thành những ông bố quỵt tiền child support trả cho con – a deadbeat – đơn giản vì họ trở
thành dead-broke – vì không thể trả nổi khoản tiền này.
Vì tương lai của những đứa trẻ có cha mẹ ly dị, các tiểu bang và chính phủ liên bang đã có những kế hoạch rất gắt gao trong
việc truy lùng những ông bố deadbeat. Chà. Đi đâu cũng không thoát. Ở đâu cũng bị moi ra. Di chuyển từ California đến
Vermont xa xôi cỡ vậy, chỉ ít tháng sau thôi, không biết có ai báo cáo hay không, vậy mà cơ quan CSC (Child Support
Collecetion) của tiểu bang mới sẽ gởi thư đến tận nơi. Mr. so and so… Your obligation is to pay…
Màn đòi nợ này (có lẽ) để giảm bớt chi phí cho chính phủ, vì đa phần các bà mẹ nuôi con nhỏ sau ly dị thường gặp khó khăn
tài chánh. Ta biết nuôi con thời hiện đại rất đắt đỏ, nên chính phủ siết chặt tay hơn. Bắt buộc các ông bố deadbeats phải trả số
tiền child support đó. (Với hy vọng các bà mẹ dễ thở hơn về mặt tài chánh sẽ lệ thuộc vào phúc lợi xã hội ít hơn). Trong
khoảng thời gian 2001-2012, văn phòng OCSE (Office of Child Support Enforcement) công bố đã tăng số tiền thu được nơi
các ông bố deadbeats (50%) từ 21 tỷ Mỹ kim lên tới 31.6 tỷ Mỹ kim.
Bằng cách nào OCSE có thể làm việc đó trong khi các ông bố deadbeats mỗi ngày vẫn đang phải vật lộn với cuộc sống khó
khăn hiện tại? Câu trả lời nằm ở chỗ, OSCE đã: (a) giúp các hình thức thanh toán nhẹ nhàng, dễ chấp nhận hơn (more
affordable), (b) giảm bớt, hoặc trong nhiều trường hợp xóa luôn khoản nợ child support trước đó (arrears), (c) cho phép các
ông bố được quyền thăm con thường xuyên hơn, (d) mở các lớp giáo dục con con cái để các ông bố cảm thấy mình có trách
nhiệm với con cái của mình. Ngoài ra, tại một số tiểu bang (trong đó có Texas) hệ thống đòi nợ child support đã có những thay
đổi với xu hướng cho rằng tiền child support chỉ là một phần tài chánh nuôi một đứa trẻ, thay vì tiền child support được coi là
khoản tài chánh duy nhất. Vì thế tiền child support có thể sẽ được giảm nhẹ đôi phần.
Nói tới tiền nợ child support – đa phần nghĩ tới những ông bố. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ có nhiều bà mẹ nợ tiền child support vì
tòa trao quyền chăm sóc con cho những ông bố. Phụ nữ trả tiền child support như thế nào đây? Có đúng kỳ hạn và sòng
phẳng hơn đàn ông không? Điều này không ai trả lời rõ rệt được. Tuy nhiên một số tin rằng đa phần đàn ông “rộng rãi” hơn
trong việc này.
Nếu lấy thống kê, chỉ có 41.4% các ông bố gà trống nuôi con nhận được tiền child support so với 43.6% các bà mẹ nhận
được khoản tiền này, ta thấy đàn ông trả tiền child support (có phần) tử tế hơn (một chút). Hoặc nếu như ta biết 32% các ông
bố gà trống nuôi chẳng hề nhận được bất cứ khoản tiền child support nào, trong khi đó chỉ có 25.1% các bà mẹ rơi vào hoàn
cảnh không mấy vui vẻ này, ta thấy đàn ông có phần đàng hoàng hơn. Có người nói: Đòi nợ child support từ các ông bố có
phần dễ hơn các bà mẹ. Nhưng văn phòng đòi nợ child support cho biết họ không có ý đối-xử-phân-biệt như thế.
Theo báo cáo của Văn phòng Thống kê Hoa Kỳ (U.S. Census Bureau) số nợ child support chung các bà mẹ phải trả cho các
ông bố gà-trống-nuôi-con (năm 2011) là 3.7 tỷ Mỹ kim, trong khi đó số tiền child support các ông phải trả cho các bà mẹ lên tới
31.7 tỷ Mỹ kim. Hiện tại ở Mỹ có khoảng 16.2% các gia đình ông bố nuôi con rơi vào cảnh ngộ nghèo nàn.
Một điều khá thú vị nhiều ông bố sau khi thử DNA cho thấy họ không phải là bố đẻ (biological father) của đứa trẻ. Nhiều ông bố
khác không đi thử DNA, chấp nhận trả tiền child support. Có vẻ khó hiểu, nhưng đó là lý do cá nhân của riêng họ. Chẳng ai
cấm cản được. Hoặc như vài trường hợp hiếm hoi, một số ông bố của các cặp trẻ sinh đôi (twins) cứ tưởng hai đứa nhỏ đều
là con mình, nhưng khi xét DNA mới vỡ lẽ, còn có một người thứ ba khác liên can tới nữa.
Tâm sự với người rơi vào cảnh trả tiền child support mới thấy đây không phải là chuyện có-trách-nhiệm hay vô-trách-nhiệm.
(Mà) nó liên quan tới nhiều vấn đề gai góc, tế nhị khác. Nhiều ông bố than thở: Vẫn biết là mình có trách nhiệm với con, nhưng
vẫn cảm thấy tức anh ách. Tiền đi làm của mình nó “xiến thê thảm luôn”. Tại Texas, nếu ông bố nghèo đi làm lương dưới
$8.550/tháng, 20% thu nhập bị cắt cho một trẻ, 25% cho hai đứa, 30% cho ba đứa, 35% cho bốn đứa, 40% cho năm đứa, và
không dưới 40% cho sáu đứa. Mà tiền này bị trừ thẳng vào check đi làm. Còn bất mãn quá, nghỉ làm sở, đi làm lấy cash – số
nợ tăng lên. Có thể bị cấm xin passport hoặc bị tịch thu passport, tịch thu bằng lái…
Nhiều ông bố phải trả child support than thở họ gặp phải, hay có những ảnh hưởng rắc rối lên các cuộc hôn nhân sau này.
Cuộc sống mới khó giữ được sự bình an trong khi khoản tiền child support liên tục ám ảnh. Có những ông bố than vãn, tiền
mình trả child support nuôi con, nhưng vợ cũ lại lấy tiền đó sai con đi mua “beer” cho new daddy – Nghe sao mà nó nhói trong
lòng.
Cuối cùng là lời an ủi: Thằng nhỏ còn ba năm nữa là 18 tuổi. Nghe càng thấy nhói lòng hơn. Không lẽ sinh con ra cuối cùng lại
rơi vào cảnh tính toán chi ly kiểu đó. Thử hỏi xem mình có xứng đáng làm cha hay không? Nuôi con phải là trách nhiệm cả đời,
chứ đâu phải 18 năm là xong.
Thành ra, cuối cùng như nhiều người Mỹ vẫn hay nói đùa. It’s cheaper to keep her! Bởi lẽ giá phải trả cho một cuộc ly dị không
hề rẻ. Ngoài những tổn thất tinh thần, những xáo trộn tình cảm, nếu còn có con nhỏ, rất có thể một người cha sẽ rơi vào cảnh
paying child support. Và không trả được, họ sẽ trở thành deadbeat – chỉ vì không trả nổi (dead-broke) hoặc vì những lý do ấm
ức kiểu sống để dạ…
Nguyễn Thơ Sinh