THƯA QUÝ BẠN, hồi còn nhỏ, khoảng 8 – 9 tuổi, tôi có được đọc truyện Qui-li-ve phiêu lưu ký của ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch của tác giả Jonathan Swift (1667 – 1745), một vị mục sư người Ái Nhĩ Lan (Ireland), có cha mẹ là người Anh, viết văn bằng tiếng Anh. (Tên cuốn sách này tiếng Anh là Gulliver’s Travels nhưng ông Nguyễn Văn Vĩnh có lẽ dịch lại theo bản dịch tiếng Pháp nên phiên âm là “Qui-li-ve”). Đây là cuốn sách tái bản tại Hà Nội năm 1950 (hồi đó nhiều sách tái bản dùng cho trẻ em lắm, ví dụ Tây Du Ký, Trần Minh Khố Chuối, Phạm Công Cúc Hoa, Hoàng Trừu v.v…).
Hơn 60 năm đã qua rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ trong đó có truyện “Lạc tới xứ Li-li-pút…” : Qui-li-ve bị đắm tàu, trôi giạt tới xứ Li-li-pút người bé tí nỵ , thân hình chỉ cao khoảng 15 cm tức cỡ một gang tay. Những chuyện kỳ cục trong xứ Li-li-pút diễn ra, trong đó chủ yếu là cuộc chiến tranh giữa Li-li-pút và xứ Blê-fút-cu (Blefuscu). Hai xứ này cách nhau bởi một “đại dương” là … một vũng nước sâu gần tới rún Qui-li-ve. Tàu bè hải quân của hai nước dàn san sát đầy hai bên đại dương để chuẩn bị chiến tranh. Tại sao lại có chiến tranh? Tại vì tư tưởng chính trị cũng như phong tục tập quán của hai nước khác nhau: Phía bên Li-li-pút thì chủ trương rằng khi ăn trứng phải đập đầu nhọn trước, còn phía bên Blê-fút-cu thì ngược lại, lại chủ trương phải đập đầu lớn trước. “Lý tưởng” khác nhau như thế nên hai xứ chia rẽ, luôn luôn xảy ra chiến tranh, bây giờ lại sắp có “đại chiến”. Qui-li-ve ra sức hòa giải nhưng không được, chàng bèn… lội xuống “đại dương”, tóm hết các tàu bè của cả hai bên bỏ vào trong túi rồi tuyên bố, nếu bên nào không chịu hòa giải để từ bỏ chiến tranh thì chàng sẽ bóp nát các tàu bè của họ ném xuống “biển”. Hai xứ sợ quá bèn ký kết hòa ước và tuyên bố từ nay trở đi dân chúng ăn trứng, ai muốn đập đầu nào cũng được, không bị ngăn cấm…
Tại sao Jonathan Swift, một vị mục sư mà lại viết một tác phẩm đùa nghịch dùng cho trẻ em như vậy? Không, ông không đùa nghịch. Trong thời đại của Swift (thế kỷ thứ 17), hai nước Anh và Pháp chỉ cách nhau một “vũng nước” (tức eo biển Manche, chỗ hẹp nhất chỉ có 34 km) nhưng luôn luôn kình chống nhau, xảy ra chiến tranh, ông viết truyện này chỉ trích cả hai bên. Ngoài ra, trong Qui-li-ve phiêu lưu ký, khi Qui-li-ve đi lạc tới xứ “người khổng lồ” Brô-đi-nhắc (Brodignac, tượng trưng cho nước Trung Quốc), ông nói đó là những con người tuy cũng có tình cảm nhưng ngu si, cổ điển, lạc hậu, rất ít tiến bộ. Có lẽ đúng thế, lại thêm ở thời đại nào họ cũng có tính chất phong kiến, coi mình là… nhất thiên hạ!
Vào trong Nam, lớn lên, đi dạy học, tôi có nghe kể nhiều chuyện…Việt Nam hết sức vô lý, rất lãng xẹt, ví dụ có mấy người ngồi ăn nhậu với nhau, người này nói con cào cào thì nhỏ, đầu nó bằng, còn con châu chấu thì lớn, đầu nó nhọn; người kia nói không phải, con châu chấu nhỏ, đầu bằng, còn con cào cào lớn, đầu nhọn. Hai bên cãi nhau rồi đi đến chỗ chửi bới nhau, đánh lộn nhau, thậm chí đâm chém nhau chẳng ra sao cả …
Bây giờ, xin mời quý bạn coi một vài câu chuyện mà tôi tạm gọi là những chuyện lãng xẹt. Họ “dùng võ lực” một cách hết sức phi lý, bạn không thể tưởng tượng được đó là những chuyện có thật đã xảy ra ở trong nước. Mời quý bạn xem qua cho biết…
I. Chuyện thầy giáo côn đồSau khi tay bắt mặt mừng là… ”choảng” nhau!
Một vụ án cố y gây thương tích hy hữu giữa một giáo viên dạy cấp 2 (Trung học Cơ sở) và một người bạn vừa xay ra tại Cà Mau. Một người đã phải nhập viện cấp cứu, còn một người đang bị điều tra.
Chiều ngày 15/5/2015, tiếp xúc với các phóng viên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, anh Trương Văn Nhịp (42 tuổi, ngụ tại xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) vẫn còn vô cùng buồn bực: ”Tôi không ngờ anh Ngô Trường Giang (34 tuổi, giáo viên trường Trung học Cơ sở Trần Quốc Toản, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau) lại ra tay nặng với tôi như vậy, trong khi nguyên nhân chẳng đáng gì cả, chỉ vì tranh cãi về cái tên ông hiệu trưởng trường Trần Quốc Toản ngày trước mà thôi”.
Anh Nhịp kể, khoảng 20 giờ ngày 12/5/2015, anh cùng vợ và người bạn đi đám giỗ. Trên đường về, do có uống nượu nên anh ghé vào quán nước ven đường gần xã Thạnh Phú uống nước, nghỉ ngơi, đợi khỏe thì sẽ đi tiếp. Tình cờ, gặp lại thầy Kiệt là thầy giáo cũ của mình ngày trước đang ngồi nhậu ở phía trong, nên anh Nhịp bước vào chào thầy, xin uống rượu cùng. Đây cũng là cách xã giao thân mật mà dân miền Tây hay sử dụng.
Lúc này trong bàn nhậu, ngoài thầy giáo cũ tên Kiệt của anh Nhịp thì còn có ông Ngô Văn Thuấn và con trai là Ngô Trường Giang (giáo viên dạy cấp 2 trường Trần Quốc Toản), và một người khác nữa ngồi nhậu.
Anh Nhịp kể: ”Gặp lại thầy Kiệt hồi trước dạy tôi tại trường Trần Độ (tên cũ của trường Trần Quốc Toản hiện nay), tôi vui miệng nhắc lại kỷ niệm rằng hồi thầy còn dạy ở trường Trần Độ thì thầy Quang làm hiệu trưởng và thầy Quang ngoài tên Quang ra còn có tên khác là “Bun” … Tôi chưa dứt lời thì ông Ngô Văn Thuấn nói chen vô bảo tôi nói tào lao, ông Quang là ông Quang, chẳng có tên Bun tên Biếc nào hết. Tôi tức quá cãi lại: “Chính ông mới tào lao thì có ấy. Thầy Quang là hiệu trưởng trường tôi học, còn ông là người ngoài, làm sao ông biết rõ bằng tôi được”. Tôi vừa dứt lời thì ông Thuấn nhào tới nắm lấy tay tôi, tay kia định tát vô mặt tôi. Con trai ông là Ngô Trường Giang cũng nắm tay mặt của tôi, tay kia đấm vô mặt tôi một cú như trời giáng. Tôi đau quá, cố chạy ra xe nhưng Giang chạy theo, đấm đá tôi túi bụi khiến tôi gục xuống”.
Bà Nguyễn Thị L., chủ quán nước, xác nhận sự việc: ”Hôm đó cha con thầy Giang có đến quán nhậu. Một lúc sau thì anh Nhịp cũng đến. Lúc đó tôi thấy mọi người tay bắt mặt mừng, vui vẻ với nhau. Nhưng chưa đầy nửa tiếng đồng hồ thì có tiếng cãi vã, sau đó là họ lục ục đánh nhau. Dù chưa biết nguyên nhân tại sao, tôi và những người có mặt vào can ngăn nhưng thầy Giang vẫn đánh anh Nhịp túi bụi. Tôi bèn gọi điện thoại báo với công an xã Thạnh Phú…”.
Chị Trương Thị Huyền (vợ anh Nhịp) nói: ”Lúc đó, thấy chồng bị đánh, tôi quỳ lạy nhưng thầy Giang không tha mà cứ đánh tới tấp. Tôi phải kéo thầy Giang ra định giải vây cho chồng mà không được. Mãi đến lúc công an xã Thạnh Phú đến họ mới lôi được thầy Giang ra. Ngay sau đó, tôi và vài người khác đưa chồng tôi đến Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cấp cứu. Chồng tôi bị thầy Giang đánh nặng lắm mặc dầu đã 42 tuổi còn Giang mới 34 tuổi, kém chồng tôi tới 8 tuổi”.
Một người dân địa phương bất mãn: ”Sau khi hành hung chú Nhịp xong, cha con anh Thuấn ra về thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra… Cha nào con nấy, anh Thuấn là người vũ phu đã đành nhưng chú Giang, giáo viên mà làm như vậy thì còn dạy dỗ ai được nữa. Dạy cho học trò đặng nó bắt chước theo thói côn đồ của thầy hay sao? Côn đồ thì tuyệt đối không nên cho làm nghề dạy học”.
Một bác sĩ bệnh viện Đa khoa Cà Mau cho biết, tối 12/5/2015, anh Nhịp nhập viện trong tình trạng khó thở, người nhiều vết bầm do bị đánh rất nặng: ”Đa chấn thương phần mềm, nứt ba rẻ sườn phải, cần có thời gian khá lâu để điều trị”.
Về phía nhà trường, ông Đoàn Thanh Lũy, Hiệu trưởng trường THCS Trần Quốc Toản cho biết: ”Ngay khi người nhà anh Nhịp báo tin, chúng tôi đã mời anh Giang tới làm việc và đề nghị viết bản tường trình. Trong lời trình bày, anh Giang thừa nhận có ”xô đẩy” anh Nhịp, và ban giám hiệu nhà trường đã báo cáo lên Phòng Giáo dục huyện”.
Theo lời ông Lũy, Ngô Trường Giang giải thích rằng lúc xô đẩy anh Nhịp, trong người y cũng có hơi rượu nên không dằn đươc tánh nóng và những ngày qua, gã giáo viên côn đồ này cũng có phần hối lỗi.
Về phần anh Nhịp, anh cũng không hiểu tại sao chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt mà Ngô Trường Giang lại đánh mình đến mức phải nhập viện. Anh nói: “Tôi và Giang có quen biết nhau từ nhiều năm nay, nhưng không qua lại thường xuyên vì ai cũng có công việc riêng. Cũng do quen biết nên lúc tranh cãi với cha con Ngô Trường Giang về tên riêng của thầy Quang tôi mới mạnh miệng như vậy”.
Chị Trương Thị Huyền cho biết, trong những ngày qua anh Nhịp luôn khuyên nhủ gia đình không nên làm lớn chuyện, sợ làm ảnh hưởng đến việc dạy học của Ngô Trường Giang. Chị nói: “Chồng tôi khuyên vậy thì tôi cũng nghe vậy nhưng theo tôi nghĩ, Giang là người dạy học, sống phải có lễ nghĩa, phải biết người nọ người kia, vậy mà lại vũ phu, đánh người theo lối côn đồ như vậy thì không thể chấp nhận được.”
Thầy với bà, rõ chán! Hồi trước, sau 1975, người ta cứ toang toang “hô khẩu hiệu” giáo viên là kỹ sư tâm hồn. Ngày nay không còn thấy ai nói như thế nữa.
II. Chuyện chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệNhững điều thương tâm
Khoảng 22 giờ ngày 14/5/2015, tại quán cà phê vỉa hè trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phương 21 quận Bình Thạnh, Sài Gòn, đã xảy ra một vụ án mạng. Nạn nhân là Nguyễn Bình An,17 tuổi (sinh năm 1998), tạm trú tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, Sài Gòn, và Phạm Thế Minh, 19 tuổi (sinh năm 1996), ngụ tại phường 12, quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Còn hung thủ là tên Vũ Đức Tài, 18 tuổi, (sinh năm 1997), ngụ tại phường 13, quận Bình Thạnh, Sài Gòn.
Là người trực tiếp chứng kiến cuộc gây lộn dẫn đến kết cục thương tâm, bà Nguyễn Thị Trinh (chủ quán cà phê) kể: “Sự việc lúc đó xảy ra quá nhanh khiến mọi người không ai có thể ngăn cản kịp. Nhìn hai cậu thanh niên trai trẻ bị đâm đổ gục xuống vỉa hè, khắp người đầy máu khiến tất cả chúng tôi đều đứng chết trân. Thật tội nghiệp, hai cậu cậu đó đều còn ít tuổi, bị chết một cách oan uổng”.
Theo ghi nhận của công an, vào thời điểm nói trên, tại quán cà phê do bà Trinh làm chủ có khá đông khách. Trong đó có bàn của cô gái tên Nguyễn Anh Thư, 17 tuổi, ngụ tại phường 13 quận Bình Thạnh, ngồi cùng với bạn là cô nhân viên phụ bán quán tên Nguyễn Hoàng Như, 18 tuổi, ngụ tại phường 24 quận Bình Thạnh cùng một vài người bạn khác.
Cách bàn của Nguyễn Anh Thư không xa là nhóm của Phạm Nguyễn Ngọc Trân, cũng 18 tuổi, ngụ tại phương 25 , quận Bình Thạnh.
Trong lúc uống cà phê, giữa Nguyễn Anh Thư và Phạm Nguyễn Ngọc Trân xảy ra cuộc gây lộn gay gắt. Sau đó, biết Thư là bạn của cô phụ bán quán Nguyễn Hoàng Như nên Ngọc Trân giận dữ kêu tính tiền rồi cùng nhóm bạn đứng dậy, bỏ đi.
Chưa đầy 20 phút sau, người ta thấy đứa con gái tên Ngọc Trân nói trên ngồi phía sau xe máy của một thằng thanh niên vẻ mặt hùng hổ, trở lại quán cà phê. Gã chính là kẻ thủ ác “chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ” Vũ Đức Tài.
Vừa dựng chiếc xe, tên Tài đã hung hãn chỉ tay về phía đứa con gái tên Nguyễn Anh Thư, hét lớn: ”Mày dám gây lộn với con Trân hả? Hồi nãy đứa nào trong bọn bay nói vô điện thoại với tao?”. Trước thái độ dễ sợ của thằng con trai ngỗ nghịch, các cô gái bạn với Anh Thư chỉ biết đưa mắt sợ hãi nhìn nhau.
Lúc này, Nguyễn Bình An và Phạm Thế Minh đang ngồi ở bàn gần đấy, lên tiếng khuyên can: “Có gì thì ngồi xuống đây uống cà phê, nói chuyện cho đỡ tức đã bạn ơi”.
Thấy hai kẻ lạ mặt dám can thiệp vào chuyện riêng của mình, Tài tức giận mắng hai chàng trai: “Chúng mày là thằng nào mà dám nói chuyện với tao hả?”. Nói xong, bất ngờ gã nhào tới đấm thẳng vào mặt Phạm Thế Minh, khiến Minh xiểng liểng nhưng vẫn cố gượng ngồi lại. Tài rút trong mình ra một con dao, đâm liên tiếp vào nạn nhân. Minh bị đâm trúng nhiều nhát quá nặng, gục xuống.
Trước tình cảnh thập tử nhất sinh của bạn, An vội vàng đứng dậy nhào vô giữ cánh tay Tài để y không đâm được Minh nữa. Nhưng Tài cao lớn, gã đẩy An ra và lại đâm An khiến An cũng bị ngã gục, máu me đầy người. Các khách uống cà phê thấy thằng du đãng dữ tợn, trong tay nó lại có dao nữa nên không ai dám khuyên can.
Gây án xong, thẳng du đãng lạnh lùng leo lên xe, chở đứa con gái tên Ngọc Trân bỏ đi. Hai chàng trai được các nhân viên trong quán và mấy người khác kêu xe taxi chở đến Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cấp cứu. Nhưng do các vết thương quá nặng, cả hai đều đã tử vong trước khi tới bệnh viện.
Hai đứa con gái cùng mê một thằng du đãng
Chỉ chưa đầy 2 tiếng sau khi gây án, tên du đãng Vũ Đức Tài đã bị công an quận Bình Thạnh tóm gọn. Gã thú nhận toàn bộ tội ác của mình, khai rằng vì không kiềm chế nổi sự nóng giận nên gã mới đâm Minh và An mà gã không hề quen biết hay có thù hằn gì.
Theo biên bản của công an, mâu thuẫn phát sinh từ việc hai đứa con gái Nguyễn Anh Thư và Phạm Nguyễn Ngọc Trân (Anh Thư 17 tuổi, Ngọc Trân 18 tuổi) cùng mê say tên Tài. Hai ”tình địch” bất ngờ gặp nhau ở quán cà phê bên lề đường và đã xảy ra cãi lộn.
Nguyễn Anh Thư vốn là người yêu cũ của Tài. Gần 6 tháng trước, chúng quyết định chia tay nhau. Trong thời gian này chúng không còn liên lạc với nhau nữa nhưng Anh Thư vẫn ấm ức rằng mình bị Tài ”đá”.
Biết Ngọc Trân là bồ mới của Tài, nên dù đã bỏ nhau nhưng Anh Thư vẫn ghen, khi bất ngờ gặp nhau tại quán cà phê thì có lời lẽ khiêu khích. Hai đứa gây lộn với nhau. Thấy Anh Thư quen với cô Nguyễn Hoàng Như phụ bán quán và mấy đứa bạn khác đang ngồi cùng bàn, Trân sợ mình yếu thế nên đứng dậy kêu tính tiền rồi bỏ đi.
Sau đó,Trân gọi điện thoại kể cho Tài nghe mọi chuyện. Tài lập tức gọi điện thoại chửi bới “người yêu cũ” thậm tệ. Trước những lời lẽ quá thô tục của Tài, đứa bạn ngồi bên cạnh Anh Thư bèn giật lấy máy điện thoại, cãi lại với thằng Tài và yêu cầu y ra quán cà phê nói chuyện trực tiếp. Tài thủ con dao bấm vào trong túi quần rồi chở Trân trở lại quán cà phê để đối chất, và sự việc đã xảy ra với hai cậu thanh niên Nguyễn Bình An và Phạm Thế Minh mặc dầu họ chỉ là khách ngồi uống cà phê, không có liên quan gì như bên trên đã nói. Người ta bảo sống ở Việt Nam tai bay vạ gió xảy ra dễ như chơi, không thể lường trước được.
Về phân hai chàng trai xấu số, An và Minh được bạn bè, hàng xóm hết mực quý mến bởi tính tính tình chăm chỉ, hiền lành. Dù sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng hai chàng trai luôn biết tìm cách vươn lên. Người thân của Phạm Thế Minh cho biết, vì không có điều kiện học lên cao nên Minh quyết tâm đi học nghề sửa xe hơi để có công việc ổn đinh. Cậu đã từng hứa với cha mẹ là sẽ cố gắng học nghề cho thật giỏi để vài năm nữa có thể kiếm được tiền nuôi gia đình. Cũng giống như đứa bạn thân, Nguyễn Bình An chọn con đường học tiếng Nhật để chờ ngày xuất khẩu lao động sang Nhật hầu mong đổi đời, giúp cha mẹ thoát cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, họ đã bị một tên chẳng ra gì đâm chết một cách lãng xẹt.
Theo luật pháp tại Việt Nam, chắc chắn thằng Vũ Đức Tài sẽ bị tử hình. Đến lúc nhìn thấy chiếc quan tài trong căn phòng chích thuốc độc, có lẽ bấy giờ nó mới nhỏ lệ thương cho số phận.
III. Thì ra đàn ông giá tới … 50 triệu đồng!
Thưa quý bạn, hồi tôi còn nhỏ, nghe câu nói: “Ba đồng một chục đàn ông, chị bỏ vào lồng chị xách đi chơi” tôi ngạc nhiên lắm, không hiểu tại sao đàn ông lại rẻ như thế. Bây giờ tôi mới biết mình lầm, thật ra đàn ông rất quý, rất mắc, giá tới… 50 triệu đồng tức cỡ 2.500 đô la một đấng chứ chẳng phải vừa. Sở dĩ tôi biết rõ giá cả như vậy là do câu chuyện sau đây:
Ông Trần Văn Thương (46 tuổi) và vợ là bà Bùi Thị Nhị cư ngụ tại ấp Kinh Đào, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Đôi vợ chồng này có với nhau ba mặt con (con trai lớn đã có vợ, cô thứ nhì sắp lấy chồng, còn con gái út hiện học lớp 2). Ông Thương trước là thợ hồ, sau làm thầu xây cất nhà. Khoảng 5 năm trước, ông có lãnh làm nhà cho bà Nguyễn Thị Hiền ở ấp Phú Tây, xã Phú Thuận cùng huyện Thoại Sơn, An Giang.
Bà Hiền hiện nay 48 tuổi (lớn hơn ông Thương 2 tuổi), đã ly dị chồng từ lâu và có hai con còn nhỏ. Trong thời gian làm nhà cho bà Hiền, ông Thương với bà Hiền nảy sinh tình cảm. Khi nhà của bà Hiền đã làm xong, ông Thương vẫn thường ghé thăm và không quên… “ngủ trọ qua đêm” tại đấy.
Chuyện mèo mỡ lâu ngày rồi cũng vỡ lở, tới tai bà Nhị. Hay tin chồng có bồ, bà âm thầm theo dõi và đã bắt tại trận chồng mình đang làm việc bất chính với bà Hiền.
Bà Nhị cố kiềm chế cơn tức giận, chỉ kêu hai người mặc quần áo lại cho đàng hoàng rồi từ nay thì chấm dứt, đừng thậm thụt với nhau như thế nữa. Chuyện oái oăm là bà Hiền thú nhận rằng mình “nhịn” từ lâu nên rất mê ông Thương, không rời ổng ra được. Ông Thương cũng thú nhận rằng mình rất mê bà Hiền, không rời bả ra được, nếu bà Nhị không đồng ý cho hai người gặp nhau, ông sẽ bỏ nhà qua ở luôn bên nhà bà Hiền.
Thương lượng với giá… 50 triệu đồng!
Người chồng đã nói như vậy thì người vợ còn làm gì được nữa! Bà Nhị chỉ biết khóc và cắn răng chịu đựng chứ chẳng lẽ con gái mình sắp lấy chồng, nhà chồng nó cũng ở trong xã, mình đánh ghen, việc tùm lum ra sẽ hại cho con gái mình. Bà đành chịu đựng. Nhân cơ hội đó bà Hiền bèn… thương lượng. Bà đề nghị bà Nhị “chuyển nhượng” ông Thương cho bà, bà sẽ trả 50 triệu đồng tiền mặt.
Dù rất đau lòng nhưng bà Nhị cũng đành chấp nhận, bởi vì bà nghĩ bây giờ chồng mình đã mê người ta, dù có giữ được cái thân xác ông Thương thì lòng dạ ổng cũng ở bên ấy, chẳng được ích gì. Hơn nữa bà cũng đang cần tiền để lo đám cưới cho con gái và lo cho mẹ chồng già yếu. Lâu nay, từ ngày ông Thương gian díu với người đàn bà này, ổng đâu có đưa cho bà được đồng nào, bà đang túng thiếu, rất khổ.
Cuối tháng 5/2012, cuộc chuyển nhượng chồng có một không hai ở xã Phú Thuận đã diễn ra. Hai bên đồng ý ký tên vào giấy tờ, đồng thời bà Hiền trao cho bà Nhị 50 triệu đồng không thiếu một cắc. Trong giấy có ghi là từ nay về sau ông Thương và bà Hiền toàn quyền chung sống với nhau như vợ chồng, bà Nhị không được đánh ghen hoặc làm điều gì phiền phức.
Kiện tụng để đòi lại tiền Sau khi đã bỏ ra 50 triệu đồng để có được ông Thương, bà Hiền đinh ninh mình sẽ toàn quyền “sử dụng” chồng của bà Nhị mà không bị quấy rầy. Còn về phần ông Thương, ông cũng hớn hở đem quần áo sang sống với “người tình lý tưởng”.
Tuy nhiên, sau khoảng hơn hai năm ăn ở với nhau, ông Thương cảm thấy mệt mỏi bởi tính tình cứng rắn của bà Hiền. Ông đi thầu xây cất được đồng nào đều bị bà Hiền giữ hết, còn việc cà phê cà pháo hoặc nhậu nhẹt với bạn bè thì khỏi, bà cấm ngặt! Từ đó luôn luôn xảy ra chuyện cãi cọ, bất đồng ý kiến giữa hai người. Và ông Thương, con người quen sống dễ dãi, buông thả, thấy chỉ còn cách… tẩu vi thượng sách! Ông trốn mất, không ở nhà bà Hiền nữa.
Bà Hiền vô cùng tức giận vì bà đã bỏ ra tới 50 triệu đồng, thời gian sử dụng chưa được bao lâu ông Thương đã đi mất. Hỏi ở nhà bà Nhị cũng không có. Bà bèn đòi lại số tiền 50 triệu đồng trước đây nhưng bà Nhị không trả, bởi vì bà cho rằng đó là tiền ông Thương đã làm ra hơn hai năm nay, thay vì mấy mẹ con bà được hưởng thì bà Hiền được hưởng. Từ khi qua sống với bà Hiền, ông Thương có đưa cho mẹ con bà đồng nào đâu trong khi bà phải lo cho cả mẹ chồng (mẹ ông Thương) nữa.
Bà Nhị không chịu trả nên bà Hiền làm đơn ra xã nhờ giải quyết. UBND xã Phú Thuận gửi thư mời hai người lên hòa giải mấy lần nhưng việc không thành. Bà Hiền bèn kiện lên TAND huyện Thoại Sơn để đòi bà Nhị số tiền nói trên. Tại tòa, bà Nhị nói rằng bà đã “giao hàng” rồi nhưng bà Hiền đối xử với “hàng” không khéo nên “hàng” bỏ đi, đó là việc giữa bà Hiền với “hàng” tức ông Thương, không liên quan gì tới bà. Tòa không biết giải quyết cách nào nên tạm ngưng xét xử.
Cuối tháng 6/2013, tòa đã tìm được ông Thương nên mời cả ba đến trao đổi. Tại đây, ông Thương đồng ý sẽ trả cho bà Hiền 50 triệu đồng với thời hạn là hai tháng, tòa cũng đồng ý.
Tuy nhiên, quá hạn hai tháng không thấy ông Thương trả tiền, bà Hiền tức, giận lại kiện nữa. Lần này bà trưng ra giấy thỏa thuận ”nhượng chồng” của bà Nhị dưới hình thức bà Nhị mượn của bà 50 triệu đồng với thời hạn 1 năm, tiền lời 1% mỗi tháng, tức 6 triệu đồng/năm. Như vậy ông Thương chỉ là “vật thế chấp” chứ không phải bà đã mua đứt ông Thương. Bà Nhị đã nợ của bà hơn 2 năm, vậy bà đề nghị tòa bắt bà Nhị phải trả cho bà 50 triệu đồng tiền gốc cộng với 12 triệu đồng tiền lời, tổng cộng là 62 triệu đồng.
Bà Nhị cãi lại rằng đúng là bà Hiền có đề nghị bà chuyển nhượng ông Thương cho bà Hiền với giá 50 triệu đồng thật, nhưng trong giấy tờ đưa cho bà ký lại ghi là bà vay nợ với tiền lời 1%/tháng. Ừ, đồng ý là bà đã ký thì bà phải chịu, nhưng đề nghị tòa hỏi xem trong hơn 2 năm nhận “vật thế chấp” là ông Thương, bà Hiền có ngủ với ông Thương hay không? Đã ngủ với ông Thương tại sao lại bảo rằng ông Thương chỉ là một vật thế chấp? Con người mà ngủ với “vật thế chấp” được hay sao? Ngoài ra (bà Nhị nói): “Chồng tôi trước đây là một thợ hồ tay nghề rất giỏi, sau đó đứng ra nhận thầu các công việc nho nhỏ nhưng gia đình cũng đủ sống. Sau khi dọn qua với bà Hiền, ổng không đem về nhà được một đồng nào, vậy tiền bạc ổng mần ra đi đâu? Hơn hai năm nay số tiền đó không đủ để “trả nợ” cho bả Hiền 62 triệu đồng, tức mỗi tháng khoảng 2,5 triệu đồng hay sao? Lương thợ hồ lành nghề đứng làm chủ thầu mà mỗi tháng có 2,5 triệu đồng, thua cả tiền công của ô-sin, Bà Hiền lời nhiều rồi, còn đòi gì nữa…”.
Hai bên tranh cãi rất hăng. Cuối cùng, tòa kết luận rằng việc “chuyển nhượng” chồng không phù hạp đạo lý của người Việt Nam. Còn nếu nói dùng ông Thương làm vật thế chấp để vay nợ hoặc cho vay nợ thì cũng không hạp đạo lý. Con người không thể dùng làm vật thế chấp được. Bởi vậy tòa tuyên bố đình chỉ, không cứu xét vụ án này!
Đoàn Dự