Thính giả Nhất Thức ở Hà Nội hỏi như sau:
“Thưa Bác sĩ,
Tôi là Nhất Thức ở Hà Nội, 38 tuổi.
Cách đây 4 tháng tôi thường xuyên đánh răng chảy máu. Đi khám nha khoa, bác sĩ khám và lấy cao răng cho tôi, sau đó
tôi không bị chảy máu nữa. Nhưng khoảng nửa tháng nay trở lại tôi đánh răng lại chảy máu, thỉnh thoảng tự động cũng
chảy máu nơi chân răng mà tôi không đụng đậy gì. Đi khám bác sỹ cho tôi uống thuốc tên là Probilase, uống trong 5 ngày
nhưng không hết.
Mới vài ngày đây, đi khám lại, bác sĩ bảo tôi cần phải dùng cách chiếu laser thì mới hết. Chiếu từ 7 đến 10 lần (ngày 2
lần). Bác sĩ còn bảo nếu không hết chảy máu chân răng, tôi phải cần đốt laser nữa.
Tôi đang lo ngại, không biết dùng laser có tốt không, có ảnh hưởng sức khỏe về sau không? Laser có phải là tia phóng
xạ không? Vì đâu đó tôi có đọc rằng, người từng dùng tia phóng xạ về sau dễ bị ung thư, có đúng không?
Cũng cần nói là tôi vừa xét nghiệm đông máu, sinh hóa, và tế bào ngoại vị, bác sĩ nói máu tôi bình thường. Chảy máu là
hoàn toàn do răng.
Kính nhờ Bác sĩ tư vấn để tôi được rõ.
Xin cảm ơn Bác sĩ"
Bác sĩ Hồ Văn Hiền:
Tải để nghe hỏi đáp Y học: Chảy máu răng và tia laser trong nha khoa
http://av.voanews.com/cl...e3e2f1184d0_original.mp3Trả lời câu hỏi về chảy máu răng và tia laser trong nha khoa. Đây là lãnh vực chuyên môn của các bác sĩ nha khoa.Tôi chỉ
xin đưa ra một số thông tin tổng quát sau đây:
1.Chảy máu răng, đúng hơn ở nướu răng, có thể do nhiều nguyên nhân. Một số là nguyên nhân tổng quát liên hệ tới tình
trạng sức khoẻ chung như thiếu vitamin C, máu không đông bình thường, v.v.
Người thiếu vitamin C (scurvy) có thể sưng nướu răng và chảy máu, cũng như dễ chảy máu những nơi khác. Khác với đa
số các sinh vật khác, chúng ta không tổng hợp vitamin C được. Vitamin C lại cần thiết cho chất collagen trong mô liên kết
xương và mạch máu. Do mạch máu bị yếu đi, người thiếu vitamin C dễ chảy máu, nhất là trong niêm mạc miệng.
Chảy máu nướu răng (cũng như chảy các nơi khác như mũi, da, khớp xương) cũng có thể do máu không đông bình
thường. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, ví dụ như máu không đông bình thường do di truyền, do ung thư phá huỷ
các tiểu bản (platelet, tế bào nhỏ trong máu kết tụ khi cần hàn gắn các vết thương, làm ngưng chảy máu).
Ở đây chúng ta đã chắc chắn là nguyên nhân hoàn toàn do răng.
2.Bệnh chu nha (periodontal disease, periodontitis) là nguyên nhân về răng thường gặp nhất. Bệnh chu nha là bệnh
nhiễm khuẩn mãn tính của nướu răng và xương bao bọc quanh chân răng; nếu không chữa, bệnh nặng có thể đi đến rụng
răng. Viêm nướu răng (gingivitis) do nướu răng phản ứng với plaque, là những chất dẻo và dính (“cao” răng) do vi khuẩn
đọng lại, để lại trên mặt ngoài của răng. Dần dần, chất vôi calcium đọng thêm vào, biến thành đá răng (tartar hay calculus),
cần được nha sĩ dùng dụng cụ lấy ra. Viêm nướu là bước đầu, sẽ tiến triển thành viêm chu nha (periodontitis).
Bệnh chu nha là một yếu tố cơ nguy làm tăng tỷ lệ bệnh tim mạch, bệnh sưng phổi (pneumonia), tình trạng có bầu sinh
non (prematurity), sinh con nhẹ cân (low birth weight).
3.Lúc mới bệnh chu nha các biện pháp sau đây có thể giúp lành bệnh:
Vệ sinh răng miệng: đánh răng 2 lần mỗi ngày (sáng, tối trước khi đi ngủ).
Dùng chỉ răng (dental floss) thường xuyên, hay dùng máy bơm xịt nước rửa các kẽ răng (waterpik).
Thuốc súc miệng để giảm plaque và giảm khuẩn (mouthwash), vd chlorhexidine (prescription in U.S.)
Ngưng hút thuốc lá; rất quan trọng. Dùng thuốc lá dưới mọi hình thức (thuốc điếu, thuốc tẩu, nhai) đều làm sức khoẻ tế
bào nướu răng kém đi (oxy do máu cung cấp cũng giảm), giảm sức đề kháng chống nhiễm trùng nên dễ bị viêm nướu
răng, và tăng lượng plaque ("cao răng"). Ngoài ra thuốc lá làm răng đen (staining), hơi thở hôi, và tăng cơ nguy ung thư
vùng miệng cũng như ung thư phổi.
Uống rượu có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ răng: người uống rượu, nhậu buổi tối, say và đi ngủ không đánh răng. Ngoài
ra, uống rượu nhiều có thể đi đôi với những thiếu sót trong ăn uống, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin.
Đi khám nha sĩ thường xuyên để được hướng dẫn vệ sinh răng miệng, cạo răng, lấy đá răng, chữa bệnh lúc còn sớm nếu
có.
4.Có những trường hợp cần bác sĩ nha khoa giải phẫu:
Phẫu thuật giảm thiểu các túi chứa vi khuẩn chung quanh răng (pocket reduction surgery): kéo nướu xuống, lấy các chất
bẩn ra, mài mặt xương răng bị lồi lõm hư hại nơi các vi khuẩn có thể "trốn" (sequestered bacteria) trong đó.
Phẫu thuật "cải tạo", "tái sinh" (regenerative surgery): kéo nướu xuống, dùng những màng, xương ghép (bone graft) hay
những protein kích thích xương và mô mọc lại (tissue stimulating protein).
Kéo đường nướu răng xuống thấp hơn (crown lengthening), để lộ phần răng lành mạnh ra nhiều hơn.
Hoặc nếu đường nướu răng bị tuột xuống quá thấp, làm lộ chân răng, là răng quá nhạy cảm, dễ ê răng, đau răng, dùng
ghép mô mềm lấy từ chỗ khác (ví dụ vòm họng)(soft tissue graft) để bảo vệ chân răng và làm cho nụ cười đẹp hơn.
Các dụng cụ dùng tia laser có thể được dùng trong các thủ thuật trên, với mục đích làm bệnh nhân thoải mái hơn, ít đau
hơn. Ở Mỹ Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Thuốc men ( FDA) chấp nhận các dụng cụ laser này, trên cơ sở là kết quả có
thể so sánh với kết quả theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, phương pháp laser chưa được chứng minh dứt khoát
là tạo nên kết quả tốt hơn hẳn phương pháp truyền thống. Các dụng cụ laser rất đắt tiền (chừng 40.000 đô la Mỹ so với
máy khoan răng [mechanical dental drill] giá 600 đô). Hội Bác sĩ Nha khoa Mỹ (ADA) không khuyến khích các dụng cụ này
(no ADA seal of acceptance) và hình như các trường đại học nha khoa Mỹ cũng không có môn này trong chương trình.
LASER: "khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích" ("light amplification by stimulated emission of radiation"). Laser là
một tia ánh sáng, dùng để chuyên chở năng lượng, dùng để cắt hoặc phá huỷ, không phải là một tia phóng xạ. Cho nên
theo như tôi biết dùng laser cho người bệnh không đem đến những rủi ro về phóng xạ.
Tóm lại, nếu bệnh nhân bị chảy máu vì sưng nướu răng, nên bàn với bác sĩ về những phương pháp trị liệu khác nhau,
như phẫu thuật theo lối truyền thống hay kết hợp với dụng cụ laser. Quan trọng không kém, là bệnh nhân cần chủ động và
kỷ luật tuân theo những biện pháp vệ sinh răng miệng mà bác sĩ đề ra, mà chúng ta bàn sơ ở phần trên.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền