Một cành hoa phượng
Mùa hạ, mùa của hoa phượng.
Mùa hạ, mùa của tiếng ve gọi hè.
Mùa hạ, mùa của chia tay và trao gửi ân tình.
Mùa hạ, mùa của những ca khúc mùa hè và tuổi học trò.
Cát Linh mời quí vị quay về tháng năm học trò với chùm hoa phượng đỏ và những ca khúc mùa hè
Sài Gòn lúc này đã vào hạ. Có lẽ trong khuôn viên của những sân trường đã rợp một màu hoa phượng vỹ, loài hoa đỏ chỉ nở một mùa trong năm.
Hình như đâu đó ở nơi kia là hình ảnh chiếc ghế đá nơi góc sân của ngôi trường, với một nhóm bạn áo trắng chia thành hai phe, nghịch ngợm dùng nhuỵ của bông hoa phượng làm trò chơi gà chọi…
Trong chúng ta ai cũng đã từng ít nhất một lần ép cho mình một vài cánh phượng giữa những trang vở học trò mang đầy nét chữ nắn nót của dòng lưu bút. Để rồi có người thì mang những trang vở cùng cánh hoa ép khô ấy theo suốt chặng đường đời họ đi qua. Có người thì không thể nào quên những chiều tan trường, vội vã nhặt cho đầy phượng vào chiếc giỏ xe rồi ngại ngùng chờ ai cùng tan lớp.
Không biết có phải vì cũng đã từng là chàng khờ ngọng ngịu mở miệng chẳng thành thơ hay không mà khi đọc bài thơ “Chút tình đầu” của nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhạc sĩ Vũ Hoàng lại cảm tác ngay thành ca khúc Phượng hồng, bài hát biểu tượng cho thời áo trắng?
“Câu chuyện đó hơi dài một chút xíu. Chuyện rất là dài, còn bài hát Phượng hồng thì ngắn thôi.”
Câu chuyện của nhạc sĩ Vũ Hoàng có thể dài như chính ký ức của chàng khờ nay đã lớn, và đó cũng chính là kỷ niệm của những ai đã từng có một “Chút tình đầu” của thời “Phượng hồng.”
Ai đã từng nhặt hoa phượng, ai đã từng ngồi trên chiếc xe chở đầy hoa phượng thì có bao giờ thắc mắc vì sao phượng màu hồng?
“Tên bài thơ anh Đỗ Trung Quân viết là Chút tình đầu, tình yêu có chút xíu, nó sẽ phôi pha thôi. Nhưng với mình thì mình lại nghĩ khác. tình yêu nó bao la lắm, nó lớn mạnh lắm, vĩ đại lắm nên phải đặt tên khác thôi. Tình đầu thì ai là người yêu ai là người phụ không thể biết. Do đó phải đặt tên khác đi, không thể là ‘Chút tình đầu’ được. Trong cuộc sống nó trôi dạt từ nơi này sang nơi kia, nơi kia sang nơi nọ. Cuối cùng chốt lại là bài Phượng Hồng, là một tình yêu luôn luôn mãi mãi là một tình yêu. Tình yêu của tôi, của bạn, hoặc của mọi người.”
Những cây hoa phượng thường hay được trồng trong sân trường
Cái tuổi học trò trắng tinh khôi. Trắng từ cơn mưa cho đến giấc mơ nằm trong vở. Có lẽ Vũ Hoàng là người đầu tiên gửi mối tình đầu vào những chùm phượng vỹ, rồi nhờ chuyến xe mùa hè chở đến nói hộ với người ta.
Biết bao nhiêu người đã bước qua tuổi học trò, vẫn còn vấn vương mãi chiếc xe chở đầy hoa phượng ấy. Để rồi mỗi khi tháng năm về, bồi hồi nhớ lại khuôn viên sân trường đỏ rực hoa phượng, nhớ cô bạn ngày xưa cùng đi chung đến lớp mỗi ngày, nhớ ghế đá nơi góc sân là nơi hỏi nhau bài vở.
Ba tháng hè trôi qua dài đến có thể tưởng như ươm được một cành nỗi nhớ xuống sân trường. Rồi tình nguyện làm con ve sầu, cất giọng hát tỏ nỗi lòng muốn nói. Không phải ai cũng có thể dùng cây đàn buông những tiếng xa xôi để gửi đến mối tình đầu như Vũ Hoàng. Mà có những người bước vào mùa hạ, lặng lẽ như sân trường trong những tháng hè không có tiếng trống.
Lặng lẽ chiều nay lặng lẽ mùa hè, sân trường vắng và lòng tôi cũng vắng, muốn tặng em một chùm phượng thắm tôi nhờ mùa hè bẻ hộ tôi. Bẻ hộ tôi một nỗi nhớ xa vời cắm xuống đất để mọc lên trái đắng chút tình tôi thầm lặng hát thành lời ve kêu…
Khi mùa hè đến, họ bùi ngùi trao nhau những trang lưu bút, gửi vào đó tất cả những kỷ niệm của một năm chung lớp.
Mùa hè đâu phải chỉ có gã khờ ngọng ngịu đứng làm thơ hay người đứng đọi dưới sân trường vắng để tặng một chùm phượng thắm mới thấy ngẩn ngơ, lặng lẽ. Mùa hè còn là nỗi buồn cho những đôi bạn thân cùng nhau đến lớp mỗi ngày.
Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng
Biết ai còn nhớ đến ân tình không
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu
Những chiều hẹn nhau lúc đầu, giờ như nước trôi qua cầu
Giã biệt bạn lòng ơi thôi nay xa cách rùi
Kỷ niệm mình xin nhớ mãi…
Những cây hoa phượng thường hay được trồng trong sân trường
Nỗi buồn hoa phượng do nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác năm 1963 có thể được xem như là bài hát kinh điển của giới trẻ tầng lớp sinh viên học sinh Sài Gòn lúc đó. Ca khúc đi qua bao nhiều thế hệ, nhiều thay đổi của thời cuộc nhưng chưa bao giờ vơi đi hình ảnh đặc trưng của mùa hè. Không những thế, từ ca từ cho đến giai điệu đã thể hiện khá rõ chất trữ tình lãng mạn về cuộc sống của một tầng lớp học sinh ngày cũ. Hãy nghe một nữ sinh trường Gia Long ngày đó nói về bài hát này:
“Ngày xưa mỗi lần hè về, ở trường Gia Long trên đường Phan Thanh Giản, ve sầu kêu rền vang. Những cây phượng góc trường nở rực màu phượng đỏ, rơi rụng. các nữ sinh chúng tôi rủ nhau đi nhặt hoa, kết thành bó, trao nhau. Mỗi lần nghe bài nỗi buồn hoa phượng của Thanh Sơn thì lòng chúng tôi man mác nhớ về trường cũ không thể nào quên. Mỗi lần đi ngang trường là hình ảnh của cây phượng, những con ve…nhớ lắm.”
Rồi năm tháng qua đi, mỗi chúng ta ngày một bước đi xa hơn vào thế giới người lớn. Rất nhiều mùa hè tuần tự đi qua. Cho đến mùa hè cuối cùng trong cuộc đời học trò.
Mùa hè bâng quơ, bâng quơ nỗi nhớ,
những chiếc lá non vương trên cành cây khô.
Mùa hè bâng khuâng hoài, để tim xốn xang hoài
và lòng ta bỗng như mong chờ bóng ai…
Ngày đó, cho dù chia tay thầy cô, bè bạn trong luyến tiếc thì cũng chỉ là những cuộc chia tay trong một khoảng thời gian hữu hạn. ngày gặp lại không xa, chỉ là trong một thời gian khác, không gian khác.
Rồi cũng đến lúc câu chuyện Hoàng tử bé hay ngay cuốn lưu bút có ép cành hoa phượng ngày đó phải cất sâu vào ngăn tủ. Mùa hè thì cứ tuần tự đến. Hoa phượng vẫn đỏ rực một lần trong năm.
Đời một người ngẫm nghĩ có bao nhiều lần đi qua cái tháng năm ôm tròn mùa hạ ấy. Mỗi người chúng ta sẽ chọn cho riêng mình một sân ga và bước lên những chuyến tàu khác nhau, những chuyến tàu không có vé khứ hồi. Tuổi thơ đi qua. Tuổi học trò gửi lại nơi sân ga cũ. Không gian có thể vẫn còn đó, nhưng thời gian thì mãi mãi không quay về. Để mỗi lần mùa hạ đến, thì những cánh hoa phượng đỏ và những bài hát về mùa hè lại làm cho bao người học trò nay đã lớn thêm một lần bối rối
Theo RFA