NASA theo dõi chặt chẽ hành trình thiên thạch đang « áp sát » Trái đấtHình ảnh minh họa của NASA về khoảng cách giữa thiên thạch 2012 DA14 và trái đất
REUTERS/NASA/HandoutDù đã loại trừ khả năng một tảng thiên thạch trọng lượng 135.000 tấn va đập vào Trái đất, nhưng Cơ quan không gian Mỹ NASA vẫn tiếp tục bám sát vật thể có đường kính 45 mét này. Theo tính toán của các chuyên gia, thiên thạch sẽ tiến đến một vị trí gần mặt đất nhất vào tối nay, 15/02/2013, tính theo giờ Paris, ở một khoảng cách còn ngắn hơn một số vệ tinh nhân tạo được phóng lên trong thời gian qua.
Được phát hiện vào tháng Hai năm 2012, vào lúc 19 giờ 25, giờ GMT hôm nay (15/02/2013), thiên thạch mang ký hiệu 2012 DA 14 sẽ bay đến một điểm chỉ cách Trái đất 27.600 km, tức là chỉ bằng một phần mười khoảng cách từ Trái Đất lên Mặt trăng. Điểm này nằm trên bờ biển Sumatra ở Indonesia, phía đông Ấn Độ Dương.
Với tốc độ bay là 7,8 km / giây, thiên thạch sẽ xuất hiện như là một điểm sáng di chuyển trên bầu trời, và có thể được nhìn thấy bằng các loại kính thiên văn nghiệp dư bình thường từ vùng Đông Âu, cho đến khu vực Úc-Á vì lúc đó trời tối.
Hệ thống radar Goldstone Solar System của NASA, đặt ở vùng sa mạc Mojave tại California đã được huy động để bám sát thiên thạch trong các ngày từ 16 đến 20 tháng Hai. Các hệ thống kính thiên văn khác trên thế giới cũng nhập cuộc để cố gắng để xác định tốc độ quay quanh mình cũng như các thành tố của thiên thạch.
Sở dĩ thiên thạch 2012 DA 14 thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu, đó là vì đây là lần đầu tiên mà một thiên thạch lớn như vậy, áp sát Trái đất và được các nhà khoa học phát hiện. Thậm chí, thiên thạch còn gần Trái đất hơn khi so với mọt số vệ tinh.
Trên trang web của mình, cơ quan không gian Mỹ NASA nêu bật : « Sự kiện thiên thạch bay sát Trái đất như vậy là một cơ hội độc nhất vô nhị cho giới khoa học để nghiên cứu sát sao từ một khoảng cách ngắn như vậy một vật thể bay ngang Trái Đất ».
Ngoài ra, NASA còn nhấn mạnh đến ưu tiên tối cao của họ là « theo dõi hành trình của các thiên thạch bay gần quỹ đạo trái đất để bảo vệ hành tinh của chúng ta ».
Source: RFI