DRÝ tưởng dùng virus để chữa trị ưng thư đã có từ lâu. Nhưng trong vài năm qua, phương pháp này lại được giới chuyên gia đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm, tạo ra nhiều hy vọng.
Tạp chí có uy tín Nature Medicine vừa cho công bố một trong những công trình nghiên cứu đạt được những bước tiến đáng kể trong phương pháp dùng virus chống ung thư: Đó là việc dùng một virus được biến đổi trong quá trình chế va-xin chống bệnh đậu mùa. Phương pháp này đã giúp kéo dài cuộc sống từ 6 đến 14 tháng của 30 bệnh nhân bị ung thư gan giai đoạn cuối.
Theo giới chuyên gia, hiện nay, có tới 5 – 6 loại virus khác nhau, như virus sởi, đậu mùa, đang được nghiên cứu và thử nghiệm trên thế giới về khả năng gây nhiễm và phá hủy các tế bào ung thư.
Giáo sư Jean Rommelaere, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu ung thư, ở Heidelberg, Đức, cho AFP biết, cách nay hơn một năm, trung tâm đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với 18 bệnh nhân : Dùng parvovirus – một loại virus gây viêm nhiễm, phá hủy thành mạnh máu – để chữa trị ung thư glioblastomne – khối u trong não. Kết quả cho thấy, trong một số trường hợp, virus đã trừ khử được hoàn toàn khối u, nhưng trong một số trường hợp khác thì hoạt động của virus lại chưa đủ.
Ông Marc Gregoire, giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Y tế và Nghiên cứu Y học Quốc gia Pháp – INSERM – hiện đang nghiên cứu về loại va-xin bệnh sởi, giải thích là phương pháp này dựa trên việc làm chuyển đổi các đặc tính của virus. Ông nhấn mạnh: Va-xin bệnh sởi đã được sử dụng từ 60 năm qua và đã chứng tỏ được sự vô hại của nó. Với mức độ tập trung cao, virus bệnh sởi có khả năng gây nhiễm và phá hủy các tế bào ung thư, đồng thời, kích hoạt các tế bào đề kháng để tấn công vào khối u.
Trong các thử nghiệm chống ung thư, virus được tiêm thẳng vào khối u, hoặc được tiêm vào mạch máu hoặc phun qua đường mũi.
Cho đến nay, chưa có một loại virus chống ung thư nào được chính thức đưa ra thị trường, ngoại trừ adenovirus - một loại virus ADN – được chấp thuận tại Trung Quốc để chữa trị chống ung thư ở cổ và đầu. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng về khả năng của adenovirus lại chưa được công nhận rộng rãi trên phạm vi quốc tế.
Theo giới chuyên gia, các nghiên cứu đang tiến triển nhanh, nhưng vẫn phải đợi thêm vài năm nữa thì mới có thể phát triển phương pháp dùng virus chữa ung thư.
Source: RFI