Ừ, thì còn gì tốt hơn là việc mỗi ngày đi làm được tận tay chăm sóc cho sức khỏe và sinh mạng của biết bao người. Rồi
thì thu nhập cao. Rồi thì gia đình sẽ tự hào. Và nhất là khi ngành Y đang rất cần bạn, theo một báo cáo của Hiệp Hội Các
Đại Học Y Khoa (AAMC) dự đoán năm 2025, Hoa Kỳ sẽ thiếu hụt đến hơn 100,000 bác sĩ.
Hoa Kỳ có thật sự thiếu đến hơn 100,000 bác sĩ trong 10 năm tới?
(Hình: Getty Images)
Trong những năm gần đây, nhiều trường mới về Y, và cả Nha, Dược, Nhãn Khoa... liên tục xuất hiện. Cũng dễ hiểu, vì mất
cả chục năm trời mới đào tạo được một bác sĩ. Để phục vụ cho nhu cầu lớn của 2025, người ta phải hành động từ bây
giờ.
Nếu ngành bác sĩ thực sự là ước mơ mà bạn sẽ theo đuổi bất kỳ giá nào, thì chẳng có lý do gì cản trở được bạn.
Nhưng nếu bạn còn đang phân vân giữa những sở thích nghề nghiệp, thì hãy đừng vội tin vào dự đoán của hiệp hội
AAMC.
Nhiều chuyên gia đang bày tỏ lo ngại về con số quá lớn mà AAMC đưa ra, mặc dù nhu cầu bác sĩ dễ dàng giải thích
được, như việc già đi của thành phần tuổi "baby boomer" đông đảo và luật cải tổ y tế "Obamacare" tạo điều kiện cho tất
cả mọi người có bảo hiểm.
Nhìn vào lịch sử, đây chẳng phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ được dự đoán là sẽ thiếu hụt bác sĩ. Trong những năm 1960 và
1970, cũng vì sợ thiếu bác sĩ mà Mỹ đầu tư để tăng gấp đôi lượng sinh viên y khoa. Kết quả, số bác sĩ những năm 1980
trở nên quá dư thừa so với mức cần thiết. Ngược lại, cũng có lúc Mỹ dự đoán sẽ thừa bác sĩ, nhưng hóa ra sau đó lại bị
thiếu hụt.
Với các nhà kinh tế và làm luật, "dư còn hơn thiếu," họ có thể mở các chương trình để AAMC có thể đào tạo thêm thật
nhiều bác sĩ. Nhưng đối với các bạn trẻ, việc chọn ngành học có thể là quyết định cả tương lai của một người. Điều này
càng đúng hơn với nghề bác sĩ.
Cái giá để trở thành một bác sĩ là gì thì còn tùy câu trả lời của từng cá nhân, nhưng nói chung sẽ bao gồm: những năm
học miệt mài với điểm số phải gần như hoàn hảo, những sinh hoạt ngoại khóa để phát triển kỹ năng xã hội, những tuần
luyện thi MCAT và viết bộ hồ sơ xin nhập học để vượt qua tỉ lệ 50% sẽ trúng tuyển, sau khi may mắn được nhận học là
khoảng chục năm nữa ở giảng đường đại học Y khoa, số nợ trung bình khoảng $200,000 một khi ra trường, những năm
thực tập gian khổ, và sau đó là công việc hằng ngày chẳng dễ dàng và những bài thi định kỳ để giữ bằng hành nghề sau
khi đã là bác sĩ... Chẳng ai lại muốn mình chọn lầm nghề.
Vì vậy, khi đọc dự đoán của AAMC là sẽ thiếu hụt đến hơn 100,000 bác sĩ trong 10 năm tới nên cần tăng việc đào tạo
thêm hàng ngàn bác sĩ mỗi năm, thì các bạn trẻ cũng nên tìm hiểu thêm ý kiến từ phía phản bác báo cáo của AAMC.
Một số chuyên gia lập luận rằng Hoa Kỳ sẽ không cần mở thêm thật nhiều trường Y và tăng số sinh viên Y, với nhiều lý do.
Thứ nhất, việc đào tạo bác sĩ nhiều hơn trong những năm qua càng tăng số bác sĩ tại những nơi thành thị và đã có quá
nhiều bác sĩ, còn những vùng hẻo lánh cần bác sĩ thì vẫn cứ thiếu bác sĩ. Thứ hai, dân số đông và già nhanh, chỉ các
ngành chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi là thực sự cần thêm bác sĩ. Thứ ba, kỹ thuật y tế ngày càng tiến bộ giúp
cho mỗi bác sĩ phục vụ được nhiều bệnh nhân hơn. Và thứ tư, hệ thống y tế có thể thay đổi để cách phục vụ bệnh nhân
được hiệu quả hơn, như dựa thêm vào y tá, dược sĩ hay các bác sĩ nhập cư, để giữ hoặc giảm tỉ lệ bệnh nhân/bác sĩ.
Một bên yêu cầu mở thêm trường và nhận thêm sinh viên, một bên mạnh mẽ phản đối. Tuy vậy, có những con số thực tế
mà hai bên đều đồng ý. Sau đây là một vài thông tin tổng hợp (*) mà các học sinh sinh viên yêu thích ngành Y có thể tham
khảo.
Có nên chọn nghề dựa theo dự đoán nhu cầu công việc trong tương lai?
(Hình minh họa: Getty Images)
1. Theo thống kê, cứ ba bác sĩ ở Mỹ thì có một người trên 65 tuổi. Theo khảo sát, 60% bác sĩ nói sẽ có một lượng lớn
bác sĩ nghỉ hưu trong ba năm tới.
2. So với các bác sĩ chuyên khoa, nhu cầu của bác sĩ đa khoa (bác sĩ gia đình) tăng cao hơn. Mức thu nhập cao hơn của
bác sĩ chuyên khoa là một trong những lý do giải thích nhiều bác sĩ ra trường không chọn đa khoa.
3. Trong số các chuyên khoa, các khoa về giải phẫu và ung thư cần nhiều bác sĩ. Số bệnh nhân ung thư của Mỹ được dự
đoán mức tăng cao nhất. Hiện tại, ở các vùng hẻo lánh, bác sĩ chuyên khoa về ung thư đã thiếu hụt. Lãnh vực giải phẫu
cũng tương tự.
4. Thành phần "baby boomers" sinh từ 1946-1964 chiếm đến khoảng 20% dân số hiện đang già đi, kéo theo nhu cầu
chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho người lớn tuổi trong 10 năm tới.
5. Về mặt địa lý, nhu cầu bác sĩ tại các vùng hẻo lánh ít người ngày càng tăng cao. Hiện tại thì nhiều vùng trên nước Mỹ
đã thiếu bác sĩ, như Arizona, Idaho, Illinois, Montana, North Dakota, South Carolina, South Dakota, Alabama, Missourii,
Wyoming, New Mexico, trầm trọng nhất là Louisiana và Mississippi.
6. Về thành phần dân số, thống kê cho thấy các bác sĩ sau khi ra trường có xu hướng trở về những cộng đồng mà họ
xuất xứ. Do đó, nhu cầu bác sĩ là cao nhất cho các cộng đồng thiểu số có ít người theo ngành bác sĩ.
7. Về nơi làm việc, khảo sát cho thấy các bác sĩ trẻ ít muốn làm việc cho chính phủ và quân đội.
8. Hiện có 18 tiểu bang cho phép y tá được định và chữa một số bệnh. Giới y tá được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng
trong việc giải quyết gánh nặng y tế của Mỹ trong thời gian tới.
9. Khảo sát cho thấy khoảng 1/3 các bác sĩ nói sẽ không khuyên người khác theo ngành Y, với lý do là sự thiếu cân bằng
về công việc và đời sống, cũng như về công sức và thu nhập.
10. Tỉ lệ thành công của các đơn xin vào trường Y hiện là 44.5%.
Thiên An/Người Việt (tổng hợp)
(*) Nguồn: AAMC, Health Affairs