Triển lãm ảnh các loài sâu với cơ chế tự vệ phức tạp để tồn tại được nhiếp ảnh gia Samuel Jaffe chụp tại New England, Hoa Kỳ.
Nếu vào rừng ở New England miền đông bắc nước Mỹ, bạn có thể tìm thấy hàng ngàn loài sâu với muôn vàn cách thức phức tạp được sử dụng để tránh bị tấn công. Đây chính là đề tài nhiếp ảnh gia Samuel Jaffe yêu thích từ nhỏ.
Niềm đam mê của ông đã khiến ông bắt đầu chụp ảnh sâu bọ từ năm 2008 và sau này thành lập Phòng thí nghiệm sâu bọ (Caterpillar Lab), một dự án giáo dục được DDHTH Antioch hỗ trợ với mục đích chia sẻ kiến thức về các loại sâu.
"Tôi nuôi sâu từ nhỏ", Jaffe nói. "Bố mẹ tôi thường tìm thấy chúng bò khắp nhà khi tôi chừng 4 tuổi vì tôi mang chúng từ vườn vào nhà nhưng họ không biết tôi là thủ phạm".
"Có gì đó rất đặc biệt về chúng - khi ở giai đoạn trước khi biến thành bướm và con ngài - chúng không phải lo chuyện tìm bạn đời hay tranh giành lãnh thổ. Chúng chỉ lo tự vệ vì thế chúng có các cơ chế tự vệ thật đặc biệt", Jaffe giải thích.
Nhiều loại sâu có cơ chế tự vệ đặc biệt để lừa các loài vật khác nhằm tránh bị để ý hay dùng cách mang vẻ nguy hiểm trước tránh bị tấn công.
Một số loài sâu có thể thay đổi hình dáng của mình để trông giống như một con rắn nguy hiểm hay có thể biến đổi trông giống như một chiếc lá hay một cành cây khô.
Chọn từ 5.000 loài sâu sống tại New England không phải là dễ nhưng Jaffe nói đây là một trong những loài sâu mà ông yêu thích nhất, đang quấn mình quanh những trái nhỏ.
Tìm chúng trong rừng đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn. "Nhìn tôi trong rừng cũng giống như nhìn một người đi trong bảo tàng vậy, đi rất chậm, nhìn từng chi tiết và lật từng chiếc lá", Jaffe nói.
Tại Phòng thí nghiệm sâu bọ, nhiều con sâu được nuôi từ trứng. Cứ hàng đêm mùa hè, Jaffe đi tìm bướm cái hay ngài cái và lấy trứng để có thể nuôi sâu nở từ trứng. Sau khi lấy trứng ông thả chúng về rừng.
Tại trung tâm, nhóm làm việc có cơ hội chia sẻ kiến thức với trẻ em đến thăm dự án. Khi sâu chuyển dần sang thành bướm hay ngài, có thể vài tuần hay một tháng, họ thả chúng ra rừng.
Theo BBC