Phương cách giảm bớt độc chất thường có trong nhà
Các chuyên gia về sức khỏe và môi trường ở Canada vừa mới đưa ra một số phương cách, nhằm giảm thiểu năm nguồn độc chất thông dụng có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ em, theo MyHealthNewsDaily.
Mua baking soda tại cửa hàng. Tổ chức Canadian Partnership for Children's Health and Environment khuyên chúng ta nên dùng baking soda để lau chùi trong nhà. (Hình: Jacqueline Arzt/AFP/Getty Images)
Dưới đây là một số đề nghị do tổ chức Canadian Partnership for Children's Health and Environment (CPCHE) đưa ra:
Phủi bụi thường xuyên. Bụi bẩn là một trong những nguồn chứa chất độc hại chính mà các em dễ tiếp xúc hằng ngày, mà cách trừ khử tốt nhất là hút bụi hay lau chùi nhà hằng tuần. CPCHE còn đề nghị làm việc này hai tuần một lần nếu trong nhà có trẻ nhỏ hay bò trên nền. Việc chùi nền nên dùng khăn ẩm vì chùi khô thì cũng dễ đưa bụi bẩn bay vào không khí.
Bruce Lanphear, cố vấn cho CPCHE và cũng là chuyên gia về sức khỏe môi trường của trẻ em thuộc trường Ðại Học Simon Fraser, nói: “Bụi bẩn là nguồn chính khiến trẻ em tiếp xúc với độc chất, gồm có chất chì, dù rằng chỉ với liều lượng nhỏ. Chất này gây hại cho sự phát triển của não bộ.”
Ngoài ra, để giày ngoài cửa giúp bớt mang bụi, kể cả hóa chất độc hại vào nhà. Tránh chất đồ bừa bãi trong xó nhà và cất đồ chơi của các em trong tủ cũng giúp tránh bớt bụi bặm.
Dùng chất rửa tẩy ít hóa chất. CPCHE đề nghị chuyển sang dùng chất tẩy rửa đơn giản, không có độc tố. Dùng baking soda để chùi chậu tắm, bồn rửa mặt, trong khi dùng giấm pha nước để lau bàn, tủ, cửa sổ và nền nhà. Các nhà nghiên cứu khuyên tránh dùng thuốc tẩy để lau chùi, và tuyệt đối không dùng chất làm cho thơm nhà (air freshener). Khi giặt sấy áo quần, chọn thuốc giặt không có mùi thơm và tránh dùng giấy thơm khi sấy đồ, vì chất làm thơm nơi các sản phẩm này có thể có chứa hóa chất độc hại. Ðối với áo quần cần “hấp tẩy” (dry clean only), tìm nơi nào chỉ dùng phương pháp không độc chất.
Khi tân trang nhà cần phải làm đúng cách. Tân trang nhà thường gây hại cho trẻ em và phụ nữ mang thai, vì sơn, các keo dán và chất trét tỏa ra thứ hơi gây hại cho hệ thần kinh. Khu vực tân trang cần được phủ kín, cách biệt với nơi ăn ngủ, kể cả hệ thống thông hơi sưởi ấm hoặc làm mát khắp nhà cũng cần phải đóng kín. Nhà xây trước năm 1978 lại cần được cẩn thận hơn vì có chứa lượng chì cao hơn. Nếu cần phải sơn nhà, chọn loại sơn, hay chất keo ít độc, ví dụ chọn sản phẩm có ghi “VOC free,” “zero VOC” hay “low VOC”.
Cẩn thận khi dùng chất plastic. CPCHE khuyên đừng có tin vào nhãn có ghi “an toàn khi dùng microwave”. Không hâm đồ ăn bằng bất kỳ đồ chứa nào bằng plastic, kể cả plastic bọc để hâm nóng, vì hóa chất độc hại có thể từ chất plastic rỉ ra, ngấm vào trong thức ăn lẫn thức uống.
Thức ăn nên đựng trong đồ bằng sành hoặc bằng thủy tinh, thay vì bằng plastic. Nên ăn đồ tươi và đông lạnh để giảm tiếp xúc với Bisphenol-A (BPA), là hóa chất dùng để bảo quản thực phẩm và thức uống đựng trong đồ hộp. BPA có liên hệ đến sự phát triển của não bộ và có thể gây rối loạn cho chức năng của hormone.
CPCHE cũng khuyên bậc phụ huynh nên tránh mua đồ chơi bằng nhựa và những chất có chứa PVC, một loại plastic mềm thường gọi là vinyl. Những thứ nhựa này có chứa hóa chất độc hại tên phthalates, vốn bị cấm sử dụng để làm đồ chơi cho trẻ em từ Tháng Sáu 2011. Những đồ chơi bằng nhựa mềm chế tạo trước đây nên đem quăng bỏ hết.
Giảm thiểu chất thủy ngân, tức mercury. Thủy ngân là một thứ kim loại gây hại cho não, có nơi một số loại cá và sò, gồm cá ngừ (tuna) và cá kiếm (swordfish). Nên chọn cá có ít chất thủy ngân như cá thu (Atlantic mackerel), cá trích (herring), cá hồi rainbow trout, cá hồi salmon, và cá tilapia.
S.T