Các bác cao niên trong một công viên ở Hàng Châu - DR
Một phần năm nhân loại sống tại Trung Quốc. Đến năm 2030, 25% dân số ngoài 70 tuổi. Bắc Kinh không chuẩn bị đối mặt với thách thức đó. Cả một mảng được gọi là « Silver economy » chỉ nhằm phục vụ cho các bậc cao niên ''tóc bạc'' đang được phát triển.
Theo nghiên cứu gần đây của Viện dân số quốc gia Pháp INED, đến năm 2040 dân số Trung Quốc đạt 1,6 tỷ người trước khi rơi xuống còn 1,4 tỷ vào quãng năm 2100. Tỷ lệ sinh đẻ tại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải đã rơi xuống mức báo động : Ở Bắc Kinh tỷ lệ đó là 1,4 hay 1,5. Tại Thượng Hải, không nhất thiết một phụ nữ phải sinh một con. Ngày càng có nhiều phụ nữ Trung Quốc không muốn sinh con, từ chối vai trò làm mẹ.
Nếu như vào năm 1995, độ tuổi trung bình ở nước đông dân nhất địa cầu này là 27 tuổi, thì chỉ một chục năm nữa – tức vào năm 2025, tuổi trung bình của người dân Trung Quốc là 40.
Thêm vào đó, chính sách một con trên quên hương Mao Trạch Đông bắt đầu bị coi là « một quả bom nổ chậm ». Tình trạng trai thừa gái thiếu đã dẫn đến nhiều thảm kịch trong các hộ gia đình, ở thành thị cũng như nông thôn. Đến năm 2020 số lượng thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi từ 20 đến 30 không tìm được vợ, còn cao hơn so với tất cả các cô gái trên toàn lãnh thổ Đài Loan đến tuổi lập gia đình.
Căn cứ vào số liệu năm 2012, báo cáo về dân số của Liên Hiệp Quốc cho thấy hiện tại Trung Quốc đang có được một lợi thế vô cùng to lớn so với các nền kinh tế khác trên thế giới : 70 % dân số nước này trong độ tuổi từ 15 đến 59.
Để so sánh, tỷ lệ đó tại Brazil là 65%, của Ấn Độ là 60 %. Còn tại các nền công nghiệp phát triển như Tây Âu và Mỹ hay Nhật Bản, tỷ lệ đó rơi xuống còn có 54%. Có điều trong tương lai không xa, Bắc Kinh sẽ đánh mất nguồn nhân lực dồi dào mà Trung Quốc có được để phục vụ cho tăng trưởng đó.
Vẫn theo nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc đến năm 2050, dân số Trung Quốc trong tuổi lao động sẽ giảm đi 220 triệu so với thời điểm của năm 2012.
Những chuyển biến ảnh hưởng đến đời sống của 20 % nhân loại đang đặt ra nhiều thách thức cho các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh : từ vấn đề bảo đảm nhu cầu lương thực đến công việc làm, từ chính sách phát triển đô thị đến vấn đề chăm sóc người già. Bởi chỉ trong 15 năm nữa, sẽ có hơn 350 triệu dân Trung Quốc – tức 25 % dân số trên toàn quốc, bước vào tuổi thất thập.
Tới nay hệ thống hưu bổng và bảo hiểm xã hội, y tế ở quốc gia Cộng sản này gần như không có. Các bậc cao niên chỉ biết trông cậy vào con cái. Trung bình, mỗi cặp vợ chồng phải phụng dưỡng bốn bố mẹ già.
Hệ thống y tế, các sinh hoạt dành cho người già, các viện dưỡng lão đều không được phát triển. Chính vì vậy, từ những năm 2008-2009 Bắc Kinh đã khuyến khích tư nhân và nhất là các doanh nghiệp ngoại quốc, đầu tư vào khu vực « Silver Economy ».
Viện dưỡng lão, giải pháp du nhập từ phương Tây Trong phóng sự gần đây, thông tín viên đài RFI Delphine Sureau đã đến nhà dưỡng lão Kim Phúc ở Thượng Hải. Tại đây có 120 cụ già đang được chăm sóc. Một cụ bà, 97 tuổi, nói với phóng viên đài phát thanh quốc tế Pháp : Bà đến nhà dưỡng lão Kim Phúc vì tại nhà riêng, có đến 10 thành viên trong gia đình cùng chung sống, ba thế hệ sống dưới một mái nhà hai gian. Ở nhà lúc nào cũng ồn ào, con cháu ra vào như mắc cửu. Ở đây cụ được chăm sóc và lại có bạn già để nói chuyện.
Giám đốc điều hành viên dưỡng lão Kim Phúc cho biết trung tâm này đang đón nhận hơn 100 thành viên tuổi từ 70 trở lên.
« Ở đây chúng tôi có tổng cộng 42 phòng. Mỗi phòng được đặt từ 1 đến 5 giường. Hiện nay trung tâm chúng tôi đang chăm sóc cho 120 cụ. Một phần ba trong số các cụ ở đây phải nằm liệt giường. Số còn lại thì có người bị bệnh run tay Parkinson, có những trường hợp bị mất trí. Các cụ được đưa đến đây vì không có điều kiện để được chăm sóc chu đáo ở nhà riêng. Con cái không thể ở bên các cụ suốt cả ngày.
Giá trung bình hàng tháng với một đầu người là khoảng 450 euro. Năm 2009 khi vừa khai trương, có 40 người ghi danh cho bố mẹ già. Một năm sau chúng tôi đón nhận đến 70 vị và giờ đây chúng tôi đang chăm sóc cho 120 cụ. Toàn bộ phòng của viện đã chật người, mà vẫn còn 50 cụ trên danh sách chờ để được vào. Chính vì vậy ông chủ của Kim Phúc dự trù xây thêm một cơ sở thứ nhì cũng chỉ cách đây vài dãy phố, để đáp ứng nhu cầu đón nhận và chăm sóc các vị cao tuổi ».
Thượng Hải là nơi cứ trên 100 bô lão ngoài 60, thì có đến 18 % ngoài 80 tuổi, 52 % từ 70 đến 79 -và khoảng 30 % là các cụ từ 60 đến 69 tuổi. Mỗi năm trên toàn quốc có thêm 10 triệu cụ già. Tuổi thọ tại Trung Quốc đang được kéo dài. Giá nhà đất thì ngày tăng cao. Trường hợp nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà ở những thành phố lớn, nơi mà « tấc đất, tấc vàng », ngày càng hiếm.
Trung Quốc lại không có bảo hiểm y tế hay trợ cấp xã hội cho người già, hay gia đình để con cháu trông nom họ. Trong gần một chục năm qua, Bắc Kinh luôn xem mục tiêu ưu đãi các vị cao niên là một ưu tiên hàng đầu. Trên thực tế khi cha mẹ già yếu, thì con cái vẫn phải tự bề lo liệu.
Kế hoạch 5 năm thứ 12 – kết thúc vào cuối 2015, đề ra mục tiêu nhân lên gấp ba số giường tại các khu viện dưỡng lão, đang từ 3 triệu lên thành 9 triệu. Để thực hiện chương trình đầy tham vọng đó Trung Quốc trông cậy vào vốn của tư nhân.
Các dịch vụ y tế cho người già là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà Trung Quốc đã dễ dàng mở cửa cho các nhà đầu tư của Pháp, Mỹ. Mô hình bảo dưỡng người cao tuổi của Pháp được Trung Quốc đánh giá cao và được xem là thích hợp với người già Trung Quốc.
Trả lời phóng viên RFI, ông Nathaniel Farouz, giám đốc điều hành chi nhánh ORPEA tại Nam Kinh cho biết về dự án xây dựng nhà dưỡng lão tại thành phố với hơn 8 triệu dân này :
« Đây là một trung tâm với 240 giường với những tiêu chuẩn cao. Chúng tôi bảo đảm từ các dịch vụ y tế, thuốc men, đến các sinh hoạt hàng ngày cho các thành viên. Chủ trương của chúng tôi là đáp ứng nhu cầu của các cụ và đó là những dịch vụ cá nhân, tức là chúng tôi quan tâm đến từng chi tiết nhỏ, từng thói quen hàng ngày, tùy vào sở thích của từng cụ một và thậm chí là đề nghị các dịch vụ ytế tùy theo tình trạng sức khỏe của họ nữa, để các cụ cảm thấy thoải mái và dễ thích nghi với cuộc sống mới trong nhà dưỡng lão.
Thật sự là chúng tôi nhắm tới tầng lớp có thu nhập cao. Trung Quốc là một thị trường có nhiều cơ hội. Chỉ trong 15 năm nữa thôi đây sẽ là quốc gia có số lượng người cao tuổi lớn nhất thế giới. Xã hội Trung Quốc đang phải từng bước thay đổi cách nhìn về người già, thay đổi về nếp sống và kể các các sinh hoạt.
Thách thức lớn nhất là bảo đảm các dịch vụ chăm sóc y tế cho người cao tuổi. ORPEA của Pháp hay nhiều tập đoàn chuyên quản lý các viện dưỡng lão khác, như của Mỹ … đã hiện diện tại Trung Quốc. Chúng tôi đã bỏ vốn đầu tư và đang tạo ra một thói quen mới.
Hiện nay, người Trung Quốc coi nhà già, là một loại ‘nhà thương tế bần’, dành cho các vị nào không có phương tiện, không có con cái chăm sóc. Chính vì vậy chúng tôi đã có cả một chiến dịch thông tin để thuyết phục mọi người đưa bố mẹ vào nhà dưỡng lão, để các cụ được chăm sóc chu đáo hơn, trong những điều kiện tốt hơn. Điều đó phù hợp với cuộc sống tại Trung Quốc ngày nay, tại các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Nam Kinh.
Về mặt danh nghĩa thì mở viện dưỡng lão tạo Trung Quốc rất đơn giản và còn được các nhà chức trách khuyến khích. Thực tế không dễ dàng như vậy. Dự án của ORPEA bị nhiều chậm trễ cho dù chính quyền Trung Quốc tuyên bố ủng hộ và mở cửa đón nhận đầu tư của nước ngoài để mở mang các dịch vụ chăm sóc cho người già. Tôi phải mất nhiều tháng mới được cấp giấy phép hoạt động và tìm được địa điểm ưng ý để mở nhà dưỡng lao. Ngoài mặt thủ tục hành chính, thì khó khăn lớn nhất chúng tôi vấp phải là khâu tuyển dụng nhân viên phục vụ trong viện dưỡng lão ».
ORPEA là tập đoàn chuyên bảo đảm các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi lớn thứ nhì của Pháp. Hiện tại ORPEA đang quản lý gần hơn 45.000 giường tại 460 viện dưỡng lão tại nhiều quốc gia. Chủ yếu là châu Âu. Cũng ORPEA đang mở rộng thêm các cơ sở hoạt động để đón nhận thêm hơn 8.500 cụ. Trong dự án ở Nam Kinh, ORPEA có từ 180 đến 240 chỗ.
Một tập đoàn cũng chuyên cung cấp các dịch vụ y tế cho người giá khác của Pháp là Colisée thì kém may mắn hơn OREPA. Dự án hợp tác với phía Trung Quốc đã được khởi động từ 9 năm nay, nhưng cơ sở đầu tiên tại Quảng Đông vẫn chưa chính thức khai trương cho dù Colisée đã phải hợp tác với một tập đoàn của Trung Quốc là China Merchant. Dù vậy Colisée báo trước, mỗi thành viên sẽ phải đóng từ 1000 đến 1300 euro/ tháng.
Dịch vụ chăm sóc tại gia Mở nhà dưỡng lão không là giải pháp duy nhất để chăm sóc người già ở Trung Quốc. Các dịch vụ cung cấp nhân viên phục vụ hay y tế dành riêng cho các cụ cao niên cũng đang bắt đầu hình thành. Các cơ quan môi giới đó điều người đến tận nhà để bảo đảm từ khâu tắm giặt vệ sinh đến xoa bóp, từ nấu cơm đến dọn dẹp nhà cửa cho thân chủ.
Pine Tree hay còn có cái tên Trung Quốc là Thanh Tùng, là một trong số những cơ quan môi giới đó. Pine Tree hoạt động từ năm 2004. Phóng viên của RFI tìm đến với một gia đình ở Thượng Hải sử dụng các dịch vụ của Pine Tree. Mỗi ngày gia đình đó đều đón bác sĩ hoặc y tá đến nhà chăm sóc cho người mẹ ngoài 80, bán thân bất toại sau cơn tai biến mạch máu não.
Giá một giờ phục vụ do nhân viên chuyên nghiệp của Pine Tree cung cấp là 200 nhân dân tệ, tức khoảng 30 euro. Trung bình gia đình này tốn hơn 700 euro hàng tháng để chăm sóc cho bà mẹ già.
Giám đốc Pine Tree giải thích với phóng viên của RFI về những thách thức ông phải vượt qua khi mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người già :
« Tại Trung Quốc, chăm sóc người cao tuổi là một công việc không mấy ai thích làm, bởi họ không thể kiếm nhiều tiền khi giữ các cụ già. Ngay cả ở các viện dưỡng lão, một y tá chuyên chăm lo cho các bậc cao niên làm việc thì vất vả mà lương tháng chỉ cỡ khoảng từ ba đến bốn trăm euro, tức là chỉ bằng lương tối thiểu ở Thượng Hải. Thế rồi những người mà chịu đi làm nghề trông nom, săn sóc người già, thường họ lại không thích học hỏi thêm và cũng không có nhu cầu tiến thân. Rất khó khuyến khích họ hướng về một chuyên môn cụ thể -chẳng hạn như các bệnh lý về cơ, xương …
Tôi cũng xin nói thêm là cái nghề chăm cho người già không được chính quyền nhìn nhận, tới nay trong danh bạ đăng ký nghề nghiệp của Trung Quốc không có mục nào dành cho chúng tôi cả. Nhưng tôi nghĩ chỉ trong một hay hai năm nữa, Trung Quốc sẽ phải thay đổi dần dần. Tôi cũng hy vọng là chính phủ sẽ có chương trình bảo hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình có cha mẹ già. Bởi vì truyền thống của Trung Quốc là mỗi cặp vợ chồng phải phụng dưỡng tứ thân phụ mẫu ».
Trong tất cả những trường hợp thông tín viên của đài phát thanh quốc tế Pháp gặp được, những cụ già được chăm sóc đều có phương tiện tài chính để chi ra hàng trăm euro một tháng. Thế còn đối với đại đa số 10 triệu người hàng năm gia nhập thị trường « Siver Economy » của Trung Quốc thì sao ?
Theo RFI