Mặt có lẽ là phần quan trọng nhất của con người trong việc giao tiếp với người xung quanh. Nó là nơi biểu lộ cảm xúc từ
trong nội tâm, nhờ đó khi người khác nhìn vào có thể đoán được phần nào cảm nghĩ của người đối diện để có được
những phản ứng thích hợp. Câu chuyện lôi cuốn hay tẻ nhạt, thân mật hay lạnh nhạt một phần cũng là từ những nét trên
khuôn mặt ấy.
Một gương mặt vui vẻ bao giờ cũng có lợi điểm là dễ gây mối thiện cảm với người đối diện. Một gương mặt dễ nhìn, cho
dù là của một đứa bé hay của một người lớn, thì vẫn dễ tạo được sự thân thiện hơn. Vậy thì nếu được chọn, ai lại không
chọn một khuôn mặt tươi vui, dễ nhìn.
Thế nhưng, có những người sinh ra đã mang một gương mặt thiếu thiện cảm nên nhiều khi làm người đối diện hiểu lầm
về tính tình của người đó. Thậm chí có nhiều người còn biểu lộ mối ác cảm đối với những người thiếu may mắn đó mặc
dù họ chưa làm điều gì có lỗi cả.
Dạo gần đây, trên những trang mạng xã hội như Facebook, thậm chí trên những tờ báo lớn ở Mỹ, người ta bàn tán nhiều
đến đề tài này và được xem như hiện tượng của những người, phần đông là phụ nữ, mang một gương mặt thiếu thiện
cảm một cách tự nhiên. Cụm từ tiếng Anh có phần hơi độc ác chứ không nhẹ nhàng như trong bài viết nàyđể chỉ hiện
tượng trên: resting bitch face (RBF). Nghe mà cứ tưởng như ai đó đang mắng xối xả vào mặt người khác. Tại sao người
ta không dùng một cụm từ nào đó nhẹ nhàng hoặc tử tế hơn một chút? Nhưng thôi đành chịu vì có lẽ đó là lối hành xử
ngôn ngữ của thời đại mới, thời đại dot com. Mà ngay từ bitch ở đây rõ ràng là nhắm vào phụ nữ.
Tuy nhiên, người có gương mặt thiếu thiện cảm không hẳn là người xấu xí, mà trong nhiều trường hợp lại hoàn toàn
ngược lại. Người ta trưng ra một số tài tử, ca sĩ bị cho là có gương mặt thiếu thiện cảm: Tyra Bank, Victoria Beckham,
Kristen Stewart, Anna Paquin v.v… toàn là những cô trẻ đẹp, xinh xắn, nhưng chỉ vì một vài nét nào đó trên khuôn mặt
biến các cô thành những người bị cho là thiếu thiện cảm.
Bên phía nam giới tuy không nhiều nhưng người ta cũng trưng ra tên của anh chàng hát nhạc rap Kayne West. Anh này
không chỉ có khuôn mặt tự nhiên thiếu sự thiện cảm mà ngay ở ngoài đời cũng hay có những cử chỉ gây sự với người
khác. Có thể chỉ là cố tình để gây sự chú ý, đánh bóng tên tuổi.
Người có gương mặt bị cho là thiếu thiện cảm (RBF), vào những lúc bình thường, cũng bị hiểu lầm như đang bực tức,
cáu kỉnh, hoặc đang có tâm trạng buồn rầu không muốn thân thiện với ai, hoặc đơn giản là gương mặt không biểu lộ chút
cảm xúc nào, một gương mặt lạnh như nước đá.
Nhưng dường như đây không chỉ là hiện tượng mới xuất hiện gần đây mà từ xưa đã có rồi. Hãy nhìn khuôn mặt nàng
Mona Lisa trong tranh thì rõ. Khuôn mặt nàng mang rất ít cảm xúc, ra chiều có chút suy tư, và khi nhìn vào đôi mắt nàng
không ai có thể đoán được Mona Lisa của Leornado da Vinci đang vui hay buồn.
Một số người đề nghị xếp hiện tượng này vào chung với những tật bẩm sinh bởi vì những người có gương mặt thiếu thiện
cảm không phải vì họ cố tình làm ra vẻ như vậy mà tự nhiên là họ đã như thế.
Khoa giải phẫu thẩm mỹ giải thích về hiện tượng này, nhưng là để nói riêng với nữ giới, và đưa ra một số những nét tiêu
biểu trên khuôn mặt có thể đưa tới những cảm nhận từ người đối diện khi nhìn vào, như: môi mỏng, mép cụp xuống =
hắc ám, không thân thiện, khó chơi; mắt ti hí, lúp xúp = mệt mỏi, chán chường, lãnh đạm; có đường nhăn giữa hai mắt =
nhìn giận dữ, cáu gắt, bẳn tính; lông mày thấp quá = vẻ căng thẳng; lông mày cao quá = hung hăng; lông mày chau lại =
muốn gây sự; mũi to gồ ghề = thiếu vẻ nữ tính, già.
Theo luật tự nhiên, một số nét trên thường xuất hiện ở người lớn tuổi, chúng dễ làm cho khuôn mặt trở nên khó đăm đăm.
Nhưng với những người có gương mặt thiếu thiện cảm tự nhiên thì không do tuổi tác nữa. Nó xuất hiện ở đủ mọi lứa tuổi.
Và như khoa học đã chứng minh từ lâu, người ta thường có thói quen đánh giá người khác dựa trên nét mặt. Nhiều
nghiên cứu cho thấy ở những người có gương mặt thân thiện thường được cho là người hiền lành, ít phạm tội; người có
khuôn mặt vui vẻ thì dễ được tin cậy.
Thế nhưng, thói quen đó dường như chỉ áp dụng cho nữ giới, trong khi nam giới lại không bị soi mói hay gán ghép như
thế. Khi người đàn ông có những nét nghiêm nghị hay khó chịu, thì đó chỉ là chuyện bình thường, coi như điều tự nhiên,
không có gì phải nói tới. Nhưng ở phụ nữ thì ngược lại, người ta thường mong đợi trên khuôn mặt phụ nữ một nụ cười.
Do đó, nếu ai đó không cười thì liền bị cho là người thiếu thân thiện. Trong trường hợp này, phụ nữ đã bị đối xử thiếu
công bằng.
Hiện nay ở Mỹ đang diễn ra cuộc tranh cử tổng thống ở vòng sơ bộ. Đảng Cộng hoà có tất cả 17 ứng viên chạy đua với
nhau. Trong số đó, ông tỉ phú Donald Trump là người có khuôn mặt hội tụ nhiều nét được xem là thiếu thiện cảm nhất:
mặt khó đăm đăm với đôi lông mày chổi xể gần như giao nhau, mép thì xệ xuống trông lúc nào cũng có vẻ khinh khỉnh.
Đáng lý ra, với khuôn mặt như thế sẽ khó lấy điểm với cử tri. Nhưng ông ta đang là người được sự ủng hộ mạnh nhất,
luôn đứng đầu trong các cuộc thăm dò. Điều này một lần nữa chứng minh cho thấy người ta không mấy quan tâm đến
khuôn mặt của đàn ông.
Trong nhiều năm qua, kết quả nghiên cứu đã xác định rằng phụ nữ thường cười nhiều hơn đàn ông, nhưng không hẳn là
vì họ hạnh phúc, vui vẻ hơn (sự thật là phụ nữ có tỉ lệ bị trầm cảm cao hơn). Nhà nghiên cứu tâm lý Nancy Henley đưa ra
lý thuyết cho rằng phụ nữ thường cười nhiều vì nguyên do là trước đây vai vế của họ trong xã hội bị đánh giá thấp, thế
nên họ cần có nụ cười để khoả lấp, và Henley gọi nụ cười đó là thứ “phù hiệu để tự an ủi” (badge of appeasement).
Nhưng cũng có người chỉ ra rằng phụ nữ thường làm việc trong lãnh vực dịch vụ, thường xuyên tiếp cận với khác hàng,
và công việc đòi hỏi luôn phải có nụ cười trên môi. Cho dù nguyên do là gì thì khi phụ nữ không chịu cười thì liền bị gán
cho là thiếu thiện cảm ngay.
Gần đây, giới chuyên gia về khoa giải phẫu thẩm mỹ cũng nhảy vào cuộc, tìm cách cứu vớt những phụ nữ có gương mặt
thiếu thiện cảm. Các chuyên gia này nói rằng khoa giải phẫu thẩm mỹ không chỉ giúp làm cho khuôn mặt khác đi (ở đây
phải hiểu là đẹp hơn), mà ảnh hưởng sau khi giải phẫu có thể còn đi xa hơn cái công việc là làm thay đổi diện mạo bề
ngoài. Một nghiên cứu mới đây nói rằng một người sau khi trải qua một cuộc giải phẫu trên khuôn mặt thì không chỉ nhìn
khác đi ở vẻ bề ngoài mà còn được người đối diện cảm nhận về tính cách cá nhân của người đó khác hơn trước.
Theo kết quả nghiên cứu, phụ nữ sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật để có khuôn mặt trẻ trung hơn thì được người đối
diện đánh giá là dễ mến, hấp dẫn và nữ tính hơn là những phụ nữ chưa làm phẫu thuật. Cũng theo kết quả nghiên cứu,
những phụ nữ sau khi sửa sang lại sắc đẹp còn được cảm nhận là những người biết hoà đồng với đám đông, dễ thân
thiện và lịch thiệp hơn.
Vậy, những ai chẳng may bị trời bắt mang gương mặt thiếu thiện cảm nay không còn phải lo lắng, bất an nữa chăng? Chỉ
cần chịu chi ra một số tiền không quá nhiều là sẽ có ngay một khuôn mặt mới không còn những nét đáng ghét nữa. Thế
thì còn chần chừ gì mà chưa làm?
Thật ra, sửa lại khuôn mặt bị hư hại do bẩm sinh hay do tai nạn là chuyện cần thiết và nên làm. Nhưng sửa lại khuôn mặt
của mình chỉ vì một vài nét trên khuôn mặt ấy không được như ý muốn, có thể là vì vấn đề thẩm mỹ hoặc vì một niềm tin
vu vơ, là chuyện hết sức phù phiếm. Sửa sắc đẹp, như chúng ta vẫn thường hiểu, có nghĩa là làm cho mình được trẻ
trung hơn và khuôn mặt cân đối hơn. Nhưng sửa cũng có nghĩa là xoá đi những nét trên khuôn mặt nói lên phần nào kinh
nghiệm sống và sự trưởng thành của mỗi cá nhân, và khi những nét đó mất đi cũng sẽ làm cho cách nhìn của người khác
đối với cá nhân đó thay đổi.
Dù thích hay không, và dù có được xã hội chấp nhận hay không, chúng ta vẫn luôn vội vã phán xét người khác chỉ thuần
túy dựa trên nét mặt. Lông mày chau lại? Ta cho người đó có tính khó chịu hay không hoà đồng. Đôi mắt chụp xuống?
Rõ ràng là người khó tin cậy. Nói đến điều này có thể nhiều người sẽ cười chế nhạo, nhưng trong quá trình tiến hoá của
loài người, chúng ta đã phải cần tới khả năng xác định đó để tồn tại, để vượt qua hiểm nguy: Ai là người hại ta? Ai là
người giúp ta? Nhưng đã là tiến hoá thì không có thứ gì mà không bị đào thải bởi thời gian.
Trong thời hiện đại này, điều đáng buồn là chúng ta vẫn phán xét vội vã về một vài nét nào đó trên khuôn mặt và cách
chúng ta đọc những gì trên khuôn mặt đó chỉ dựa vào những yếu tố bên ngoài như làn da, đôi mắt, vài nếp nhăn trên
mép, vầng trán v.v… Nhưng những thứ đó chỉ mang những tính chất bề ngoài và không nói lên được bất cứ điều gì bên
trong nội tâm của người đó.
Thế nhưng chúng ta vẫn cứng đầu không chịu thay đổi cách nhìn đã cũ, vì phần đông chúng ta vẫn sống với cái vẻ bề
ngoài của mình.
Huy Lâm