Hai tác phẩm của Mai Đắc Linh tại phòng triển lãm Victoria (DR)Giấc mơ bay, Vượt vũ môn, Khoảnh khắc, Bài ca mùa hạ … Ngay trong cách đặt tựa đề cho các bức tranh sơn mài, họa sĩ Mai Đắc Linh cũng đã gieo vào hồn người xem những ý tưởng lung linh, trầm mặc của tâm thức. Một thoáng dư âm, tiếng thầm gọi mời, đưa ta vào cõi không gian yên tĩnh, nối mạch những nhịp đập thanh tịnh, ru hồn bằng Ánh sáng tâm linh.
Tác phẩm của Mai Đắc Linh dung hòa các chất liệu truyền thống của sơn mài Việt Nam với ngôn ngữ tạo hình hiện đại, để biểu hiện tinh thần nghệ thuật phương Đông. Một cuộc hành trình bất động, một chuyến thám hiểm nội tâm, càng vào sâu thẳm càng tìm lại cõi hồn thầm lặng.
Tranh sơn mài của họa sĩ Mai Đắc Linh tỉnh lược mà biểu cảm, bố cục tinh tế giàu tính tượng trưng, kết hợp cả hai ngôn ngữ trừu tượng lẫn hình tượng. Kỹ thuật sơn mài thường áp đặt những hạn chế, ràng buộc, nhưng tác phẩm của anh vẫn dùng màu khác lạ, sắc độ đậm đà, rực trầm thạch hóa. Các tác phẩm của nhà họa sĩ trẻ tuổi này, linh hoạt trong hình thức diễn đạt, gãy gọn khúc triết trong ý tứ nội dung.
Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1993, khoa Đồ họa, anh Mai Đắc Linh đã vào nghề vẽ từ hơn 15 năm nay, ban đầu là tranh giấy, rồi sau đó là sơn dầu, sơn mài. Thời gian gần đây, anh theo gia đình sang Paris sinh sống, một số tác phẩm của anh được trưng bày tại phòng triển lãm Victoria. Nhân dịp đầu năm, họa sĩ Mai Đắc Linh đã có nhã ý đến thăm ban Việt ngữ đài phát thanh quốc tế RFI. Mời quý thính giả và các bạn bây giờ theo dõi bài phỏng vấn anh Mai Đắc Linh.
... Linh qua Paris vì lý do cá nhân. Vợ củe Linh chuyển qua đây làm công tác theo nhiệm kỳ khoảng ba năm và mang theo gia đình con cái. Linh đi theo gia đình coi như sự có mặt của một người đàn ông trong nhà.
Ở Việt Nam, Linh là một họa sĩ độc lập nên cũng tự thu xếp được công việc. Những lúc nhàn rỗi ở Paris, Linh thường hay vẽ trên tranh giấy. Linh làm sơn mài chỉ ở Việt Nam, do sơn mài đòi hỏi chất liệu và nghệ nhân lành nghề. Rất may, Linh có hợp tác với Victoria Gallery nên cũng coi như có chút công việc ở đây vậy. Và cũng hy vọng hợp tác có kết quả bởi những gì mà anh Trần Ngọc Được dự định làm là hoàn toàn rất tốt.
Trường Mỹ thuật Hà Nội đào tạo về hình họa và chuyên môn cũng rất tốt. Tuy nhiên, làm như vậy vẫn chưa thể đủ cho một sinh viên. Do đó, mỗi người tự tìm cho mình một hướng đi riêng, phù hợp với tố chất, với khả năng bản thân. Những gì mà nhà trường trang bị cho từng sinh viên, chỉ như là một sự gợi ý, đánh thức bản năng. Chỉ có sự làm việc quên mình, và trung thành với con đường đã chọn mới có thể hé mở cho bản thân một tương lai.
Thuở nhỏ, Linh sống trong một môi trường nghệ thuật, một không gian làm việc của người mẹ. Bà là một họa sĩ sơn mài. Nên hình ảnh của những dụng cụ để làm sơn truyền thống như mo sừng bát sứ rồi cả mùi thơm hăng hắc của sơn cánh gián đã ăn vào tiềm thức, đó là một điều trở nên quan trọng sau này đối với Linh.
Có lẽ là Linh đã được sống và tiếp xúc với sơn mài trong suốt quãng tuổi thơ, mặc dầu đó là vô thức. Còn ở đồ họa và sơn mài có một điểm chung. Đó là tư duy, và cả cách làm. Tư duy mạch lạc, khúc chiết, giản lược. Khi sáng tác một bức tranh đồ họa hay sơn mài, ta đều phải hình dung từ trước cách làm để sao cho ra một kết quả, một effet như tính toán.
Sơn mài truyền thống có 5 màu cơ bản là đen, đỏ, vàng, bạc, trắng. Mạnh mẽ và rực trầm. Những màu trung gian, trung tính là khó được chấp nhận trong thể hiện sơn mài. Tuy nhiên, nếu biết đặt đúng chỗ thì sẽ mang lại hiệu quả tốt.
Nếu không có một cái gốc đương nhiên chúng ta sẽ biến mất trong dòng lịch sử. Văn hóa cũng thế là cái để ta phân biệt sản phẩm của người phương Tây phong phú đa sắc rực rỡ với sự trầm mặc, huyền bí mà đầy thành kính của phương Đông.
Một chất liệu truyền thống kết hợp với ngôn ngữ tạo hình hiện đại để biểu đạt một tình cảm của dân tộc Việt hoặc một vấn đề mà nhân loại quan tâm là cái để Linh theo đuổi. Chủ đề xuyên suốt trong série tranh sơn mài mà Linh đã vẽ trong nhiều năm qua là thế giới tâm linh, là tâm thức, một cách để trở về với sự yên tĩnh mà trong mỗi con người chúng ta có ...
Source: RFI