Tôi nằm ngửa, kẹt cứng trong một căn hầm trắng với ánh sáng lập loè, vách hầm chỉ cách mũi chừng 15cm.
Có tiếng động cơ kỳ lạ ở xung quanh và tôi nghe thấy tiếng bước chân ở căn phòng phía ngoài.
Ánh sáng mờ dần và những suy nghĩ của tôi bắt đầu nhạt nhoà đi theo tiếng nói của một người đàn ông.
Một sự thanh thản kỳ lạ tràn về khi tôi nhận ra rằng tôi sẽ không còn kiểm soát được suy nghĩ của mình nữa.
Cuộc thử nghiệm bắt đầu, tôi sắp bị ’nhập’.
Người sắp kiểm soát suy nghĩ của tôi là Eamonn Walsh, một nhà tâm lý học sử dụng thuật thôi miên để nghiên cứu chứng
rối loạn tinh thần ở Viện Thần kinh học tại London.
Ý tưởng này bao gồm việc biến những người khoẻ mạnh thành các ‘bệnh nhân ảo’, bị hội chứng hoang tưởng toàn diện, ví
dụ như trường hợp những người cảm thấy bị ma ám, từ đó giúp các nhà khoa học tìm hiểu căn bệnh này theo một cách
mới để rồi tìm ra phương pháp chữa trị.
Cũng dễ hiểu khi các nhà khoa học không muốn phương pháp của họ bị so sánh với thuật thôi miên trên sân khấu.
“Phương pháp này không phải dành cho giải trí, chúng tôi có mục tiêu nghiên cứu cụ thể,” Mitul Mehta, người hợp tác với
ông Walsh trong nghiên cứu này, nói.
Đây là một ý tưởng táo bạo, nhưng liệu nó có hiệu quả hay không? Và cảm giác mất hoàn toàn kiểm soát đối với suy nghĩ
của mình như thế nào?
Thú thật, tôi hơi ngần ngại khi bước vào phòng thí nghiệm ngày hôm đó.
Nghiên cứu bằng thuật thôi miên có một lịch sử hơi mơ hồ, và một trong các thí nghiệm ban đầu đã suýt biến thành một vụ
giết người.
Có hai nhà khoa học nổi tiếng ở Pháp hồi đầu thế kỷ 20 là Jean-Martin Charcot, được xem là ‘cha đẻ của ngành thần kinh
học’, và Georges Gilles de la Tourette, người nổi tiếng nhờ phát hiện ra căn bệnhsau này được mang tên ông.
Họ đã nghiên cứu các trường hợp mắc chứng ‘icteria’, là chứng bệnh khiến bệnh nhân đột nhiên mất cảm giác hoặc không
thể cử động được tay chân, dù không bị thương tổn gì.
Cả hai bác sỹ tin rằng chứng rối loạn này có một số đặc điểm giống với thuật thôi miên - một giả thiết họ đã chứng minh
bằng cách chỉ ra rằng những người bị icteria thường bị tác động bởi những ảo giác hơn những người khoẻ mạnh.
Gilles de la Tourette quyết định tiến hành thôi miên Blanche, một bệnh nhân mắc chứng icteria.
Ông đặt bà vào tình trạng bị thôi miên, sau đó chỉ cho bà một ly bia ‘có thuốc độc’ và yêu cầu bà đưa cho một người đàn
ông khác, ông G.
Bà Blanche vui vẻ làm theo và hôn ông G trong lúc đưa bia cho ông này, rồi ông này giả vờ chết.
Bà sau đó phủ nhận mọi sự liên can đến vụ trông như thể án mạng này.
Image copyright thinkstock
Thái độ ngạo mạn này có lẽ đã khiến Gilles de la Tourette chút nữa thì mất mạng.
Vào một ngày tháng 12 năm 1893, ông đã bị một phụ nữ chặn đường trước nhà.
Bà Rose Kamper-Lecoq, 29 tuổi, là một trong các bệnh nhân tại bệnh viện nơi ông làm việc.
Bà đã rút một khẩu súng ngắn và bắn ông ba lần vì cho rằng các buổi thôi miên đã khiến bà mất kiểm soát đối với suy nghĩ
của mình.
Một trong các viên đạn bắn xuyên qua sọ của ông. Nhưng ông vẫn đủ khoẻ mạnh để viết thư cho một người bạn vào chiều
hôm đó, với kết thư: ‘Quả là một câu chuyện hài hước’.
Câu chuyện của bà Kamper-Lecoq càng trở nên đáng quan tâm hơn trong khoa học ngày nay.
Dù sự hung hăng của bà không phải do bị thôi miên mà ra, nó có vẻ như bắt nguồn từ nhiều ảo giác mà các nhà tâm lý như
Walsh đang đặt vào các bệnh nhân ảo của mình.
Bà này nói bà chắc rằng Gilles de la Tourrette yêu bà - một chứng rối loạn được gọi là ‘erotamania’ (hội chứng được yêu).
Bà cũng tin một cách sai lầm rằng có ai đó đang điều khiển tâm trí bà từ xa: Đây chính là phương pháp mà tôi đăng ký thử.
Tôi chỉ hy vọng rằng mình sẽ không bắn xuyên qua sọ của ai đó.
Trước khi bị ‘nhập’, tôi được kiểm định khả năng bị thôi miên.
Quy trình này bao gồm một loạt động tác thư giãn, tiếp đó bằng một loạt ảo giác có mục đích tác động nhận thức và hành
động của bạn.
Ví dụ, tôi được nói là tôi có thể nghe tiếng một con ruồi bay quanh đầu mình, sau đó, một nhà nghiên cứu nói với tôi rằng
một quả bóng bay sẽ nâng tay tôi lên cao.
Tôi nhớ là đã cảm thấy tay mình rất nhẹ, cứ như thể nó chứa đầy khí helium, và nó đã lơ lửng trên không trung trước khi tôi
kịp ý thức được điều đó.
Trong khi đó, tiếng ruồi bay cảm giác như hàng loạt hình ảnh và âm thanh mà bạn nghe thấy khi bạn rất mệt mỏi và bắt đầu
chìm vào giấc ngủ - bạn biết rằng chúng không có thật, nhưng vẫn nhận thức về chúng.
Dựa vào phản ứng của mình, tôi được đánh giá 10 trên 12 điểm, đưa tôi vào nhóm 10% những người dễ thôi miên nhất.
“Một số người cho rằng thuật thôi miên hoàn toàn là trò lừa đảo, trong khi một số khác lại nghĩ rằng nó có thể tạo những sự
thay đổi to lớn đối với nhận thức, suy nghĩ và ký ức,” bà Rochelle Cox, một nhà khoa học tại Đại học Macquarie ở Úc, nói.
Mặc dù không hề cảm thấy là mình vờ như bị thôi miên, nhưng tôi cũng đã hỏi Walsh liệu ông có bao giờ lo ngại rằng có
những ai đó giả vờ như thể họ bị thôi miên thật hay không.
Ông đồng ý rằng khả năng này luôn ám ảnh công trình nghiên cứu của mình.
“Đó là một câu hỏi yêu thích của các nhà thẩm định mỗi khi tôi gửi nghiên cứu đến một tập san nào đó,” ông nói.
Image copyright Getty
Tuy nhiên sự tiến bộ của công nghệ quét não đã bắt đầu giải toả những lo ngại này.
Một nhà thôi miên có thể nhìn vào máy quét não và yêu cầu bệnh nhân nhìn vào các màu sắc khác nhau trong một bức
hình trắng đen.
Khi đó, ta có thể thấy các vùng trong não đảm nhận trách nhiệm xử lý màu sẽ hoạt động một cách bận rộn, như thể bệnh
nhân đang nhìn vào một cảnh với những màu sắc có thật.
Tuy nhiên khi một bệnh nhân được yêu cầu ‘giả vờ’, hoặc tưởng tượng ra là có những màu sắc trong bức hình đen trắng
đó, chúng ta sẽ không thấy cùng một phản ứng như vậy.
Kết quả này đã giúp dẹp tan nhiều nghi ngờ.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cũng tiến gần đến việc hiểu hơn điều gì làm nên trạng thái thôi miên.
Có vẻ như phương pháp thôi miên đã kích hoạt một thứ giống như công tắc ở phần thuỳ trán.
Các vùng này được cho là kiến tạo nên ‘những suy nghĩ cao cấp’ - ví dụ như những nhu cầu, ham muốn hoặc động lực
của bạn.
Nếu vùng này ngưng hoạt động, bạn sẽ hành động và cảm giác được sự việc mà không biết là vì sao.
Điều này có thể giải thích vì sao những sinh viên uống nhiều bia rượu được đánh giá là dễ bị thôi miên hơn khi được kiểm
định.
Chất cồn được cho là làm suy yếu hoạt động ở vùng thuỳ trán, Zoltan Dienes từ Đại học Sussex ở Brighton, Anh quốc, nói.
Tuy nhiên, vì sao một số người bị rơi vào trạng thái này một cách tự nhiên, trong khi một số khác lại khó hơn, thì vẫn còn là
một nghi vấn.
Nghiên cứu đối với các cặp song sinh cho thấy nó có thể được di truyền.
Quan trọng hơn, một số người thường có cùng một số điểm về khả năng bị thôi miên. Như vậy, nó có thể như là một trong
những chức năng cơ bản của khối óc của chúng ta, như IQ.
Nhiều nghiên cứu đã xem xét liệu thuật thôi miên có thể được sử dụng để thay thế thuốc giảm đau hay không.
Một số thử nghiệm cũng đã xem liệu thuật thôi miên có giúp giảm stress, giúp các bệnh nhân ung thư vượt qua sự mệt
mỏi trong quá trình hoá trị, các triệu chứng khó chịu ở đường ruột cũng như tăng khả năng học các kỹ năng mới của học
sinh hay không.
Image copyright Getty
Vào đầu những năm 2000, nghiên cứu bắt đầu chuyển hướng. Thay vì làm cho những người bị bệnh cảm thấy khá hơn,
các nhà tâm lý học lại dùng thuật thôi miên để gắn ảo giác vào đầu những người khoẻ mạnh.
Cũng giống như các nghiên cứu của Gilles de la Tourette một trăm năm trước, một trong những nghiên cứu đầu tiên bắt
nguồn từ trường hợp một bệnh nhân bị icteria và cảm giác như không thể di chuyển chân trái, dù không bị bất cứ chấn
thương nào.
Để tìm hiểu xem khoa học có khả năng thể hiện lại được căn bệnh này hay không, các nhà khoa học đã thôi miên để một
bệnh nhân khác có những cảm giác tương tự rồi đặt ông này vào máy quét não.
Kết quả, được đăng tải trên tập san y học The Lancet, cho thấy các quy trình hoạt động trong não của ông giống hệt với
bệnh nhân bị icteria.
Điều này chứng minh khả năng thuật thôi miên có thể được sử dụng để thử nghiệm các giả thiết về những hội chứng rối
loạn thần kinh.
Kể từ đó, các nhà tâm lý học đã sử dụng phương pháp này để tạo ra các loại ảo giác, bao gồm hội chứng erotomania, hội
chứng capgras (cảm giác như người bạn yêu bị thay thế bởi một kẻ giả mạo), và hội chứng mất khả năng tự nhận dạng
trong gương - khiến người ta không thể nhận ra chính mình trong gương.
‘Các bệnh nhân có thể che phủ các tấm gương trong nhà vì họ cho rằng một kẻ lạ mặt đang đi theo họ,” bà Cox nói.
Phương pháp thôi miên có thể tạo ra hội chứng gần như tương tự.
Tuy nhiên các hội chứng này đều có thể bị đảo ngược, các nhà nghiên cứu trấn an tôi - tất cả những người tham gia thử
nghiệm rời khỏi phòng thí nghiệm mà không mang theo hội chứng nào.
Phương pháp thôi miên giúp các nhà khoa học tạo ra các hội chứng tuỳ thích, đồng thời tận dụng điều đó để xem các quy
trình nào đang hoạt động không bình thường trong não bộ, làm xuất hiện những ảo giác trên.
Cuối cùng, bạn có thể sử dụng các đối tượng bị thôi miên để thử nghiệm một số biện pháp trị liệu trước khi áp dụng chúng
với các bệnh nhân tâm thần.
Tất nhiên, nhiều nhà nghiên cứu tỏ ra nghi ngờ trước lợi ích của phương pháp này.
Ví dụ như ông Dienes, người đồng ý rằng các bệnh nhân ảo có thể sẽ giúp ích cho hội chứng icteria - chứng không thể cử
động tay chân.
Tuy nhiên ông nghi ngờ rằng bạn có thể dùng thuật thôi miên để khiến ai đó trải nghiệm những căn bệnh đáng sợ như tâm
thần phân liệt.
Walsh thừa nhận rằng phương pháp này không thể tái tạo lại mọi khía cạnh của một căn bệnh, nhưng ông tin rằng “đây là
một cách nhìn khác - như thể bạn chiếu ánh sáng vào bóng tôi từ một góc khác”.
Trước khi tôi để mình bị thôi miên, Walsh cho tôi xem hai bức tranh của hoạ sỹ Caravaggio từ cuối thế kỷ 16 để giải thích
về những người tin rằng họ bị ma ám.
Một bức lột tả Thánh Matthew như là kẻ mù chữ. Chân ông bị dính bẩn vì việc đồng áng. Một thiên thần đang nắm tay ông
và hướng dẫn viết sách phúc âm.
Trong bức tranh thứ hai, ông được ‘thăng chức’, trông sạch sẽ và có vầng hào quang trên đầu. Một thiên thần bay trên đầu
ông và thì thầm những lời của Chúa.
Walsh nói cả hai bức tranh diễn tả cảm giác của những người cho rằng họ bị ma nhập: họ cảm giác như đang bị ai đó kiểm
soát hành động của mình, hoặc một người nào khác đang trực tiếp đặt những suy nghĩ vào đầu mình.
Những cảm giác này có thể là do các chứng rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt hay trầm cảm, hoặc các phong tục tập
quán như lên đồng, nhập đồng (Saman giáo), khiến người ta nghĩ rằng họ đang truyền đạt ý nghĩ của một linh hồn khác.
Walsh nói tôi sẽ trải nghiệm cả hai.
Image copyright Getty
Một trong những thách thức lớn nhất của nhóm nghiên cứu là chọn các ảo giác không quá đáng sợ.
Những câu chuyện về các trường hợp bị kiểm soát suy nghĩ thường phản ánh văn hoá của từng thời - vào thời Cách mạng
Công nghiệp, người ta cho rằng sự nở rộ của các nhà máy đang tác động đến hành động của họ, ảo giác của
Kamper-Lecoq là do thuật thôi miên và hồi đầu Thế kỷ 20, người ta cho rằng các ăng ten radio đã cài ý nghĩ vào đầu họ.
Vì vậy, thay vì tạo ra một ảo giác ma quỷ nào đó, nhóm nghiên cứu đã kể câu chuyện về một ‘kỹ sư’ nghiên cứu cách kiểm
soát suy nghĩ - một câu chuyện không quá đáng sợ, nhưng rất thích hợp với những lo ngại ngày nay về vấn đề quyền riêng
tư và tự do cá nhân.
Walsh đặt tôi vào một máy quét não cũ. Ban đầu, tôi rất hoảng sợ với cảm giác bị giam giữ, nhưng sau đó tôi bắt đầu quên
dần cảm giác này trong lúc ông đếm ngược từ 20 và nhẹ nhàng đưa tôi vào trạng thái bị thôi miên.
Với một cây bút và tờ giấy, nhiệm vụ của tôi là nghe một từ và hoàn thành toàn bộ câu trong ba ngữ cảnh khác nhau.
Đầu tiên, Walsh nói với tôi rằng một kỹ sư đang thì thầm những từ sẽ đi sâu vào não bộ của tôi, rằng ông ta sẽ có thể kiểm
soát được chuyển động tay của tôi, và cuối cùng sẽ kiểm soát được toàn bộ suy nghĩ và cử động của tôi.
Ngữ cảnh thứ nhất chỉ có tác động rất nhỏ, tôi không cảm giác như nó khác quá nhiều với đầu óc rời rạc ngày thường của
mình.
Tuy nhiên khi Walsh nói với tôi rằng người kỹ sư này bắt đầu kiểm soát các hoạt động của tôi, thì sự khác biệt hiện ra rất
rõ: Tay tôi bắt đầu di chuyển một cách máy móc và những ngón tay dường như đang nhảy múa theo những giai điệu của
riêng chúng.
Đó là lúc tôi bắt đầu nhìn thấy người kỹ sư Walsh nói đến thoắt ẩn thoắt hiện - một người đàn ông lưng gù, với nụ cười
xếch và tóc đuôi gà.
Đến khi chúng tôi tiến sang ảo giác thứ ba thì cảm giác bị người kỹ sư kia điều khiển hiện ra rõ hơn trong tôi.
Tôi bắt đầu viết nhanh và mạnh hơn, tôi có cảm giác rằng tôi đang ngồi quan sát chính mình từ bên ngoài.
Có lúc tôi cảm giác như mình có thể nghe thấy người kỹ sư này vận hành chiếc máy điều khiển suy nghĩ.
Chỉ đến khi Walsh ngưng thôi miên và đếm đến 20, tôi mới bắt đầu nhận ra cảm giác này kỳ lạ đến mức nào, cứ như bạn
vừa tỉnh dậy từ một giấc mơ đầy kích động.
Khi tôi nói cho Walsh nghe về cảm nhận của mình, ông nói rằng đó là điều thường thấy ở những người khác.
Một người khác từng tả là: “Tôi cảm giác như tay mình được làm từ kim loại."
Nhiều người cũng giống như tôi, nhìn thấy cả người kỹ sư kia, nhưng một số khác lại cảm nhận ông này một cách mờ nhạt
hơn.
Cho đến nay, các nghiên cứu này đã chỉ ra một số vùng trong não có thể đã tạo nên các ảo giác này.
Khi một người tin rằng tay của họ đang bị một người khác kiểm soát, bạn sẽ thường nhìn thấy sự liên kết bất thường giữa
các vùng kiểm soát hoạt động trong não và vùng giúp chúng ta hiểu về động cơ và hành động của người khác.
Trong khi đó, khi một người được bảo rằng vị kỹ sư kia đang cài suy nghĩ vào đầu họ trong lúc viết, khu vực phụ trách ngôn
ngữ lại ít hoạt động hơn - có lẽ vì người này ý thức ít hơn về những từ họ đang viết.
Trong một số trường hợp khác, các nhà nghiên cứu phát hiện ra các vùng ‘phát hiện lỗi’ hoạt động mạnh mẽ hơn.
Thường ngày, những vùng này kiểm soát cách chúng ta di chuyển và bùng nổ khi một điều gì đó xảy ra ngoài dự kiến, như
khi bạn bị ngã.
Sự gia tăng hoạt động ở vùng này cho thấy một cá thể cảm thấy chuyển động của mình khó đoán hơn, như thể không nằm
dưới sự kiểm soát của người đó.
Nếu như cũng các vùng đó đều xuất hiện trong nghiên cứu đối với những cá thể bị thôi miên và các bệnh nhân thực sự,
điều này có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm ra giải pháp mới, ví dụ, họ có thể tìm ra các loại thuốc có thể thay đổi hoạt
động của các vùng liên quan.
Nhóm nghiên cứu cũng quan tâm đến việc sử dụng phương pháp phản hồi thần kinh - giúp các bệnh nhân nhìn thấy hoạt
động thần kinh của mình trên màn hình và từ đó tự điều chính hợp lý.
“Đến nay chúng ta vẫn chỉ sử dụng phương pháp này đối với hội chứng lo âu và rối loạn tăng động giảm chú ý, nhưng tôi
không thấy lý do vì sao chúng không thể được áp dụng đối với những thứ như ảo giác”.
Ngoài vấn đề sức khoẻ thần kinh, nghiên cứu này cũng có thể giúp làm sáng tỏ những hiện tượng siêu thường và thậm chí
là những gì diễn ra trong não của chúng ta khi một ý tưởng xuất hiện, ở lại trong trí óc và hướng dẫn hành động của chúng
ta ra sao.
Tuy nhiên khoảng thời gian bị thôi miên ngắn ngủi khiến tôi để ý nhiều hơn về những suy nghĩ của mình, cách chúng thỉnh
thoảng đột nhiên xuất hiện trong đầu.
Ít ra tôi khá chắc chắn rằng niềm tin của mình là do mình tạo ra…
Hay đó chỉ là vị kỹ sư kia đang dắt tay tôi, trong lúc tôi viết bài viết này?
Theo BBC