Những người tham dự mùa câu cá hồi tại sông Tay ở Kenmore, Tô Cách Lan. (Mark Runnacles/Getty Images)
Nếu bạn đang tìm “siêu động vật săn mồi” hàng đầu của thế giới, thì đừng tìm đâu xa, hãy nhìn vào chính bạn ở trong gương. Loài người săn cá cao gấp 14 lần so với loài cá ăn thịt lẫn nhau, và trên mặt đất thì con người cũng giết thú cao cấp 9 lần so với các loài thú hàng đầu khác.
Một cuộc nghiên cứu mới xem xét 2,125 tương tác giữa những động vật săn mồi và những con mồi của chúng. Cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng con người giết những động vật ăn thịt khác với một tỷ lệ cao hơn nhiều, so với tất cả những động vật săn mồi hàng đầu khác.
Nhưng điều củng cố cho vị thứ đứng đầu của chúng ta là sự kiện những phương pháp săn bắt của loài người đều có sức tàn phá các loài khác, một cách ác liệt đến nỗi các loài ấy bị thay đổi tiến trình tiến hóa, nếu chúng không bị đẩy đến chỗ tuyệt chủng. Những điều được tìm thấy đã được công bố trên tạp chí khoa học Science.
Nghiên cứu cho thấy mức độ thiệt hại kinh khủng do những lề lối săn thú và đánh cá của con người gây ra. Chuyện mất đi những loài ăn thịt này gây lo ngại cho các nhà sinh thái học. Lý do là vì những động vật săn mồi hàng đầu này đóng một vai trò quan trọng, trong việc giữ cân bằng cho các hệ thống sinh thái của chúng.
Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy rằng có thể có hy vọng phục hồi, nếu chúng ta học được cách hành động giống hơn với các động vật ăn thịt mà chúng ta săn bắt.
Nhiều loài trong số những loài săn mồi hàng đầu thế giới, trên đất liền và ngoài biển, đã bị suy giảm trong nhiều năm qua, và loài người đã góp phần rất nhiều vào việc làm cho chúng sụt giảm. Việc săn bắn, tình trạng khí hậu biến đổi, và sự xâm lấn môi trường sống của con người, tất cả đều đóng một vai trò quan trọng.
Trong hàng chục ngàn năm qua, voi mamút, mèo răng kiếm, và những loài động vật khổng lồ tuyệt diệu khác, đi lang thang trên trái đất, đã bắt đầu biến mất vào gần như cùng một thời điểm khi con người xuất hiện. Hiện nay, nhiều loài đang bị đe dọa, trong số đó có gấu, cá mập, và hổ.
Để có được một cách tìm hiểu tốt hơn về ảnh hưởng của việc săn bắt của con người, các nhà nghiên cứu tính toán các mức tỷ lệ, mà ở đó các loài săn mồi khác nhau khai thác những con mồi lớn sẵn có của chúng. Nói cách khác, họ tính toán số lượng những con thú lớn săn mồi mà chúng giết chết mỗi năm.
Họ nhận ra rằng tỷ lệ cá đã lớn mà con người đánh bắt là 14.1 lần cao hơn, so với tỷ lệ trung bình của những động vật khác săn mồi ở biển. Trên đất liền, con người giết những động vật săn mồi hàng đầu ở một mức tỷ lệ 9.2 lần cao hơn so với các loài ăn thịt hàng đầu khác.
Trưởng nhóm nghiên cứu Chris Darimont nói, “Chúng tôi dự đoán rằng sẽ có sự khác biệt. Nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên vì độ lớn của sự khác biệt đó.” Ông Darimont là một nhà khoa học bảo tồn, tại đại học University of Victoria ở British Columbia, Canada.
Phát hiện này càng gây kinh ngạc hơn nữa, khi xét rằng tỷ lệ những động vật ăn thịt, mà con người đã giết, là 3.7 lần cao hơn tỷ lệ mà chúng giết những động vật ăn cỏ.
Độ lớn của những động vật bị săn hoặc bị đánh không phải là vấn đề. So với các loài săn mồi thành công khác, con người có chiến lược rất khác và gây hại trong việc săn bắt nhắm vào việc bẫy những con thú trưởng thành, hơn là nhắm vào những thành viên nhỏ hơn hoặc yếu hơn của một loài.
Xu hướng của con người thích giết những con thú lớn là rất nguy hiểm.
Hãy suy nghĩ về vấn đề đó từ viễn tượng kinh doanh: Một động vật cái trưởng thành là vốn, và những con thú nhỏ mà con thú cái đẻ ra là lời do số vốn ấy tạo ra. Nếu bạn giết một động vật trưởng thành, thì sẽ phải mất nhiều năm thì một con khác lớn lên và thay thế con ấy. Nhưng nếu bạn giết một con động vật chưa đủ lớn, thì sẽ chỉ mất một thời gian cho đến mùa sinh sản kế tiếp, để sản xuất một con động vật thay thế.
Những loài săn mồi thành công khác, chẳng hạn như những con chim bói cá, đều có xu hướng chọn ra các thành viên dễ bị tổn thương hơn của một loài. Con mồi nhỏ hơn thì dễ bắt hơn và dễ ăn hơn. Điều đó có vẻ không hay ho cho lắm, nhưng nó cho phép những động vật săn mồi giữ cho số lượng con mồi được cân bằng, mà không tận diệt chủng.
Theo báo Viễn Đông