logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
xuong  
#1 Đã gửi : 28/09/2015 lúc 11:31:14(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
WESTMINSTER (NV) - Theo tin từ gia đình, nhà văn Võ Phiến đã qua đời vào lúc 7 giờ tối ngày 28 tháng Chín, 2015, tại Advanced Rehab Center of Tustin, Santa Ana, thọ 90 tuổi.
UserPostedImage
Nhà văn Võ Phiến.

Qua điện đàm, bà Võ Phiến cho tòa soạn Người Việt biết thời gian gần đây nhà văn Võ Phiến yếu dần theo tuổi già, đã qua vài lần vào bệnh viện, và cách đây mấy ngày đã được đưa về một Rehab Center để tĩnh dưỡng.

Nhà văn Võ Phiến là một tác giả quan trọng của văn học Việt Nam từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Trước 1975 ông là công chức thuộc bộ Thông Tin của Miền Nam, và đã cộng tác với tạp chí Bách Khoa cho đến 1975 với bút danh Tràng Thiên (một bút danh chung cho nhiều tác giả, nhưng từ sau 1965 hầu như chỉ dành cho một mình ông). Ông sang Hoa Kỳ từ 1975 và làm việc cho tòa Hành Chánh quận Los Angeles, California cho đến ngày về hưu. Tại hải ngoại, ông vẫn tiếp tục viết sách và cộng tác với các tạp chí văn học. Từ cuối thập niên 1970 ông đã chủ trương tờ Văn Học Nghệ Thuật, là tiền thân của tạp chí Văn Học sau này.

Võ Phiến là một tác giả đa dạng. Ông viết truyện ngắn, truyện dài, tạp luận, tùy bút, lý luận và phê bình văn học. Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm có, về truyện ngắn và tiểu thuyết: Chữ Tình, Người Tù, Mưa Đêm Cuối Năm, Về Một Xóm Quê, Đêm Xuân Trăng Sáng, Giã Từ, Thương Hoài Ngàn Năm, Thư Nhà...; về tùy bút, tạp bút: Tạp bút I, II, III, Đàn Ông, Ảo Ảnh, Phù Thế, Chúng Ta Qua Cách Viết, Đất Nước Quê Hương, Tùy bút I, II, Đàm Thoại v.v... Tại hải ngoại, ông đã bỏ công sức trong nhiều năm trời để soạn bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan nhằm lưu giữ nền văn học miền Nam đã bị Cộng Sản thiêu hủy từ sau 1975.

Gia đình cho biết thi hài nhà văn Võ Phiến sẽ được quàn tại Peek Family, chương trình tang lễ sẽ được thông báo sau.
Theo báo Người Việt
xuong  
#2 Đã gửi : 29/09/2015 lúc 07:44:37(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Võ Phiến - Con người chính trị hay văn học?
UserPostedImage

Các bình luận trong và ngoài nước đánh giá cao sự nghiệp cầm bút của nhà văn Võ Phiến, người qua đời tại Mỹ, mặc dù tác phẩm của ông vẫn không được xuất bản tại Việt Nam.

Sau 90 năm tại thế với hơn 40 đầu sách, nhà văn Võ Phiến đã từ giã cuộc đời tại bang California, Hoa Kỳ.

Được thừa nhận là một trong những nhà văn hàng đầu tại miền Nam trước 1975, Võ Phiến, khác với nhiều người khác, vẫn tiếp tục viết nhiều cả khi sang sống tại Mỹ sau biến cố 30/4/1975.

Tùy bút
Đa số các nhà phê bình và độc giả cho rằng ông thành công nhất ở thể loại tùy bút.

Nói với BBC ngày 29/9, nhà phê bình Đặng Tiến từ Pháp nhận xét tùy bút của Võ Phiến rất đa dạng.

“Tùy bút là thể loại mà Võ Phiến thành công nhất, để lại nhiều tác phẩm và tư liệu hay nhất.”

Phát biểu từ Úc, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, người viết nhiều về ông Võ Phiến, nói thế hệ cầm bút sau này vẫn còn học được ở Võ Phiến.

Những bài bình luận chính trị của ông trước 1975 chứng tỏ ông rất am hiểu chủ nghĩa cộng sản.Nguyễn Hưng Quốc
“Ông viết nhiều đề tài nhưng lúc nào phong cách của ông luôn là Võ Phiến. Nhà văn chỉ thành công khi anh có phong cách riêng, để khi đọc một câu, một đoạn, độc giả biết ngay là của anh.”

Từ sau 1975 đến nay, hầu hết tác phẩm của Võ Phiến vẫn chưa được xuất bản tại Việt Nam.

Vài năm trước, tại Việt Nam xuất hiện hai cuốn tạp văn của Võ Phiến nhưng in với bút danh Tràng Thiên.

Ông Quốc giải thích: “Những bài bình luận chính trị của ông trước 1975 chứng tỏ ông rất am hiểu chủ nghĩa cộng sản. Ông phê phán nó rất sắc sảo, mới mẻ so với thời đại bấy giờ.”

“Vì vậy ông bị miền Bắc xem là nhà văn ‘biệt kích, phản động’, toàn bộ sách của ông bị tịch thu sau 1975.”

Từ trong nước, nhà phê bình, giáo sư Trần Đình Sử cho biết tại Việt Nam hiện nay, đánh giá về Võ Phiến “rất phân tán”.

“Chủ yếu là do nhìn vào khuynh hướng chính trị của tác giả.”

“Tuy vậy, nhà văn nào cũng có khuynh hướng chính trị của họ. Nếu đặt nó sang bên để nhìn khía cạnh sáng tạo văn học, tôi nghĩ Võ Phiến là người viết tùy bút lớn.”

Trước đây ta cho rằng Nguyễn Tuân viết tùy bút số một, nhưng còn Võ Phiến. Nhiều khi tôi trộm nghĩ tùy bút Võ Phiến không hề thua kém, thậm chí có khi hơn.Trần Đình Sử
Giáo sư Trần Đình Sử đánh giá rất cao các bài tùy bút của Võ Phiến.

“Trước đây ta cho rằng Nguyễn Tuân viết tùy bút số một, nhưng còn Võ Phiến. Nhiều khi tôi trộm nghĩ tùy bút Võ Phiến không hề thua kém, thậm chí có khi hơn.”

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nói “ân oán chính trị sẽ ngày càng phôi phai”.

“Người ta không thể sống hoài với thù hận trong quá khứ. Một lúc nào đó họ sẽ nhìn Võ Phiến như một nhà văn, đặc biệt là nhà viết tùy bút xuất sắc nhất Việt Nam,” ông Quốc nói.
Theo BBC
xuong  
#3 Đã gửi : 29/09/2015 lúc 07:48:54(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
'VN rồi sẽ đánh giá lại Võ Phiến'

UserPostedImage

Tải để nghe
http://wsodprogrf.bbc.co...ngquoc_vophien_au_bb.mp3


Theo BBC
song  
#4 Đã gửi : 05/10/2015 lúc 05:33:59(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,131

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Lễ tưởng niệm nhà văn Võ Phiến - 'ông già tinh quái'

WESTMINSTER, Calif. (NV) – Buổi tưởng niệm nhà văn Võ Phiến, một trong những đại thụ của nền văn học Việt Nam hiện đại, do Nhật Báo Người Việt tổ chức, đã diễn ra trong không khí trang nghiêm tại Phòng số 1, Peek Family Funeral Home vào trưa Thứ Bảy, 3 Tháng Mười, với sự tham dự của gia đình, bạn bè, độc giả, đồng hương Bình Định, và nhiều người thuộc giới văn nghệ sĩ.
Nhà báo Đinh Quang Anh Thái, người điều hợp chương trình, đã nêu những nét chính về thân thế và sự nghiệp của nhà văn Võ Phiến ngay trong lời mở đầu.

UserPostedImage
Từ trái: Nhà văn Doãn Quốc Sĩ, bà Võ Thị Viễn Phố - hiền thê cố nhà văn Võ Phiến, vợ chồng nhà thơ Nhã Ca và Trần Dạ Từ (Hình: Dân Huỳn/Người Việt)

Là người đầu tiên được mời lên phát biểu cảm xúc về sự ra đi của tác giả “Chữ Tình”, nhà văn Nhã Ca không nói về cảm nghĩ của riêng mình mà bà bày tỏ nỗi niềm qua sự “xúc động khi thấy nhà văn Doãn Quốc Sĩ lặng đến thắp một nén nhang cho người bạn đã đi trước mình.” Theo bà, “sự lặng lẽ của nhà văn Doãn Quốc Sĩ đã nói lên biết bao lời.”

Với nhà văn Nhã Ca không chỉ có “nụ cười Võ Phiến để lại hôm nay, ngày mai” mà “chữ nghĩa Võ Phiến sẽ còn lấp lánh mãi trong văn chương Việt Nam.”

Nhà văn Đặng Thơ Thơ Thì nhắc lại kỷ niệm thời “đọc lén” văn Võ Phiến thuở còn nhỏ trên căn gác xép, nhớ đến những nhân vật trong các tác phẩm của Võ Phiến.



Theo nhà văn Đặng Thơ Thơ, những nhân vật trong tác phẩm của Võ Phiến đã mở ra cho cô “một không gian thật mới mẻ, khó hiểu và quyến rũ, khác với thế giới của những quyển sách thiếu nhi, khác với Tự Lực Văn Đoàn. Thế giới này nói với tôi bằng một cách khác, một kiểu sắp đặt khác về trật tự không gian, thời gian, khác về cách biểu đạt ý tưởng, khác về cách chọn điều để nói và điều không nói.”

“Đây là một dạng văn chương không bao giờ cũ, nó thách thức mọi trào lưu, mọi trường phái. Văn Võ Phiến luôn luôn hiện đại bất cứ lúc nào. Những tác phẩm của Võ Phiến sẽ mãi ở lại với tôi, với thế hệ bây giờ và những người tiếp nối với tất cả niềm trân trọng.” Đặng Thơ Thơ khẳng định.

Bằng sự xúc động của riêng mình, kỹ sư, nhà thơ Trịnh Y Thư, nói như tâm tình, “Hôm nay chúng ta đến đây để nói lời từ biệt với nhà văn lớn nhất của văn học hiện đại, nhà văn Võ Phiến. Những tác phẩm ông để lại là khối gia sản vô cùng quý giá. Đó là những tác phẩm khi đọc lại ở bất kỳ thời gian, không gian nào cũng thấy thú vị, lôi cuốn và đôi khi bật ra những điều mới lạ mà mình đã không nhìn thấy khi đọc ở lần đầu. Ông đã nói được tiếng nói của thời đại mình . Ông cũng để lại cho hậu thế những suy ngẫm sâu sắc, mà một trong điều này là sự định nghĩa thế nào là một nhà văn.'

Hiền thê của nhà văn quá cố Nguyễn Mộng Giác, là bà Nguyễn Khoa Diệu Chi, cũng có mặt trong buổi tưởng niệm để nhắc lại mối thâm tình “rất thân thương, đáng nhớ ” với vợ chồng nhà văn Võ Phiến.

UserPostedImage
Vợ chồng Thị Trưởng Thành phố Westminster Tạ Đức Trí đến viếng nhà văn Võ Phiến (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ký mục gia Bùi Bảo Trúc chia sẻ cùng người tham dự những kỷ niệm mà ông có với tác giả “Thương Hoài Ngàn Năm”, người mà ông gọi là “người đàn ông tinh quái.” Ông kể về những bức thư được ông đặt vào chiếc hộp gọi là “Thư nhà”, để rồi vài năm sau đó bạn bè đã gửi tặng ông quyển sách của Võ Phiến cũng mang tên “Thư Nhà” xuất bản năm 1962.

“Quyển sách đó cùng với nhiều sách của Võ Phiến do bạn bè gửi sang tặng đã ảnh hưởng đến đầu óc, đến cảm quan của tôi, một thanh niên 19, 20 vừa mới rời trung học.” Ông nói.

Một cách xúc động, nhà báo Bùi Bảo Trúc đọc hai câu đối “gọi là tiễn chân ông già tinh quái”:

“Võ Phiến vẫn mãi gần bên Viễn Phố
Thế Nhơn luôn còn ở với người đời.”

Ông cũng đã dùng hai câu thơ của Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê “Tuổi già hạt lệ như sương/ Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan” để “khóc vĩnh biệt ông già tinh quái của tôi.”

Trong phần phát biểu của mình, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nhận xét, “Nếu một tác phẩm lớn là một tác phẩm khiến chúng ta đọc, rồi đọc lại, đọc lại mãi mà vẫn thấy hay theo thời gian, nhất là với trình độ, kinh nghiệm, sự bầm dập của đời sống chúng ta càng thấy hay về cả học thuật lẫn nghệ thuật, thì tác phẩm Võ Phiến được xếp vào hàng những tác phẩm lớn.”

“Có thể mượn chữ cổ nhân để nói 'xếp tàn y ngôn ngữ mang đi tận cuối trời', mà cổ nhân ở đây chính là Võ Phiến. Nhưng ông đã không mang tàn y ngôn ngữ đến tận cuối trời mà ông để lại trọn vẹn cho chúng ta.” Ông nói thêm.

Với nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc, thì “Điều quan trọng làm nên chất Võ Phiến, khiến ông trở thành người phát ngôn lôi cuốn, một cây bút tài tình của Việt Nam chính là ở những gì ông chọn nói và cách nói của ông.”

Không là người theo nghiệp văn chương chữ nghĩa, nhưng Giám sát viên, Luật sư Andrew Đỗ cũng có mặt tại buổi tưởng niệm để bày tỏ sự tôn kính của mình đối với một nhà văn lớn vừa ra đi.

Giám sát viên Andrew Đỗ nói, “Nhà văn Võ Phiến đã tạo ra một làn không khí mới để những người cầm viết được viết, được thở một cách tự do, độc lập, trong lành. Cho những thế hệ trẻ trong tương lai, những tác phẩm của bác Võ Phiến sẽ là những mảnh ván bể vụn trôi dạt trên bờ đại dương tự do để nhắc chúng ta bám víu vào đó và xây dựng lại một nền văn học lương thiện, đầy nhân bản.”

UserPostedImage
Thiệp Tạ Từ trong có bài thơ Đến của nhà văn Võ Phiến, được xem như lời cảm tạ từ gia đình đến với người tham dự tiễn đưa ông. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Nhà thơ Du Tử Lê thì cho rằng, “Nhà văn Võ Phiến là một trong rất ít nhà văn miền Nam xuất hiện trong tinh thần một kẻ sĩ sống giữa hoàn cảnh chia cắt bất hạnh của đất nước. Trong khi những nhà văn khác loay hoay đi tìm một cách viết khác cho nội dung văn chương của họ sao cho giống sự đổi mới của văn chương thế giới... thì nhà văn Võ Phiến vẫn lặng lẽ, bền bỉ dùng ngòi bút của mình, ngay từ những tác phẩm đầu tiên tố cáo tính chất vô nhân của chủ nghĩa cộng sản.”

“Đỉnh cao của ý thức nhân bản nơi nhà văn Võ Phiến là tác phẩm 'Bắt trẻ đồng xanh', đó là tiếng chuông báo động khẩn cấp thống thiết mà ông là người đầu tiên và cũng là nhà văn Việt Nam duy nhất lên tiếng khi ông nhìn ra nguy cơ cộng sản tẩy não đời sống của trẻ thơ miền Nam khi các em chưa có một chút ý thức. Tinh thần kẻ sĩ trong con người nhà văn Võ Phiến là một trong những nét son lớn trong sự nghiệp văn chương đồ sộ nhiều mặt mà ông đã tận hiến cho dân tộc, đất nước.” Nhà thơ Du Tử Lê nhận xét.

Cựu Trưởng Ty Thông Tin tỉnh Phong Dinh Phan Ngọc Tiếu, trong buổi tưởng niệm, nhắc lại kỷ niệm với Võ Phiến-Đoàn Thế Nhơn, với sự đóng góp trong chương trình thông tin tâm lý chiến không phải là nhỏ của ông.

Ông Hồ Bửu, người cùng quê Bình Định với nhà văn Võ Phiến, cũng bay từ Virginia về để nói lời tiễn biệt cùng tác giả “Văn Học Miền Nam Tổng Quan.”

Đặc biệt, vợ chồng nghệ sĩ Nga Mi-Trần Lãng Minh, ngay trong buổi tưởng niệm, đã tiễn nhà văn “Bắt trẻ đồng xanh” bằng bài dân ca quan họ Bèo Dạt Mây Trôi mà nhà văn Võ Phiến từng rất thích.

Thay mặt gia đình, ông Đoàn Giao Liên, con trai trưởng của nhà văn Võ Phiến, nói lời cám ơn cùng ban tổ chức và tất cả mọi người tham dự đã “dành một buổi tưởng niệm trang trọng, xúc động cho nhà văn Võ Phiến.”

Nhà văn Võ Phiến, tên thật là Đoàn Thế Nhơn, qua đời vào lúc 7 giờ tối ngày 28 Tháng Chín, 2015, tại Advanced Rehab Center of Tustin, Santa Ana, thọ 90 tuổi.

Nhà văn Võ Phiến là một tác giả quan trọng của văn học Việt Nam từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Trước 1975 ông là công chức thuộc bộ Thông Tin của Miền Nam, và đã cộng tác với tạp chí Bách Khoa cho đến 1975 với bút danh Tràng Thiên (một bút danh chung cho nhiều tác giả, nhưng từ sau 1965 hầu như chỉ dành cho một mình ông). Ông sang Hoa Kỳ từ 1975 và làm việc cho tòa Hành Chánh quận Los Angeles, California cho đến ngày về hưu. Tại hải ngoại, ông vẫn tiếp tục viết sách và cộng tác với các tạp chí văn học. Từ cuối thập niên 1970 ông đã chủ trương tờ Văn Học Nghệ Thuật, là tiền thân của tạp chí Văn Học sau này.
Võ Phiến là một tác giả đa dạng. Ông viết truyện ngắn, truyện dài, tạp luận, tùy bút, lý luận và phê bình văn học. Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm có, về truyện ngắn và tiểu thuyết: Chữ Tình, Người Tù, Mưa Đêm Cuối Năm, Về Một Xóm Quê, Đêm Xuân Trăng Sáng, Giã Từ, Thương Hoài Ngàn Năm, Thư Nhà...; về tùy bút, tạp bút: Tạp bút I, II, III, Đàn Ông, Ảo Ảnh, Phù Thế, Chúng Ta Qua Cách Viết, Đất Nước Quê Hương, Tùy bút I, II, Đàm Thoại v.v... Tại hải ngoại, ông đã bỏ công sức trong nhiều năm trời để soạn bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan nhằm lưu giữ nền văn học miền Nam đã bị Cộng Sản thiêu hủy từ sau 1975.

Ngọc Lan/Người Việt

song  
#5 Đã gửi : 05/10/2015 lúc 05:36:37(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,131

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Dự đám tang nhà văn Võ Phiến

Nhà biên khảo Nguyễn văn Lục từ Canada gọi điện thoại cho tôi biết vào đầu Tháng 10, anh sẽ sang Quận Cam dự lễ tưởng niệm năm thứ ba nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

Hôm qua, Thứ Sáu ngày 2 tháng 10, anh Lục gọi cho tôi hay rằng anh đang ngồi chở tôi tại tiệm Café Factory. Tôi vội vàng đi thay quần áo để lái xe đi gặp anh Lục. Tới tiệm, dáo dác tìm anh chừng 20 phút, nhưng chẳng thấy anh đâu, gọi điện thoại cho anh mãi vẫn không được, tôi bỏ về nhà. Nhưng chợt nhớ mục đích anh Lục sang Quận Cam là để dự lễ giỗ anh Nguyễn Chí Thiện, tôi liền nghĩ đến một nhà văn – anh Trần Phong Vũ – thì thế nào tôi sẽ biết anh em làm giỗ anh Thiện ở đâu. Tôi liền điện thoại cho anh Vũ. Lạ lùng thay! Anh Vũ nói anh đang có ý định gọi điện cho tôi, mời tôi đi dự lễ tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

Tôi lái xe đến nơi các anh chị làm lễ tưởng niệm anh Thiện ở Nhà Thờ Kính – Crystal Cathedral – thì đã thấy anh Trần Phong Vũ ở đó rồi. Anh giới thiệu tôi với những người hiện diện: Nhà văn Mặc Giao, nhà biên khảo Nguyễn văn Lục từ Canada sang, bác sĩ Cảo, bác sĩ Việt, kỹ sư Đỗ Như Điện (người chủ trương Đài Phát thanh Đáp Lời Sông Núi), Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Chủ tịch Mạng Lưới Nhân Quyền (thay thế Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trang)… và nhiều nhân vật nữa mà tôi không nhớ hết. Riêng nhà báo Đinh Quang Anh Thái thì hai anh em tôi đã biết mặt nhau từ trước.

Tôi có vinh dự đọc thơ của anh Nguyễn Chí Thiện rất sớm. Từ khi anh Châu Kim Nhân – cựu Tổng trưởng Tài Chánh VNCH – được anh Đỗ Văn (nhà bình luận của Đài BBC) từ Luân Đôn trao tay mang về Hoa Kỳ cho anh Nguyễn Thanh Hoàng, chủ nhiệm tờ Văn Nghệ Tiền Phong. Tôi quá sức cảm phục nhà thơ dũng cảm trong lao tù cộng sản. Từng lời thơ là từng giọt máu được vắt ra từ tim óc. Khi anh Thiện ra khỏi nhà tù Hà Nội, đến nói chuyện ở thành phố Houston, tiểu bang Texas, tôi được dịp gặp gỡ anh Thiện và rất đỗi vui mừng được anh Thiện nhận lời đến nhà tôi ăn với nhau một bữa cơm tình nghĩa. Dáng người anh Thiện khắc khổ, nhưng đầy lạc quan ở giọng nói. Anh tin rằng anh sẽ chứng kiến chủ nghĩa cộng sản sụp đổ trước khi anh nhắm mắt. Nhưng tiếc thay, anh Thiện đã ra đi.

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái cho tôi biết ngày mai, Thứ Bảy, mồng 3 tháng 10, sẽ có buổi lễ đám tang nhà văn Võ Phiến lúc 2 chiều. Tuy tôi không ở trong văn giới hay báo giới, nhưng là độc giả, nên tôi sẽ dự tang lễ nhà văn Võ Phiến để bày tỏ lòng mến mộ, tiếc thương một văn tài.

Sáng Thứ Bảy 3 tháng 10, tôi lái xe đi đón anh Nguyễn văn Lục để đưa anh tới Civic Center lúc 10 giờ dự buổi ra mắt sách “Công Giáo Việt Nam 2005 – 2015” do nhiều tác giả góp bài vở. Buổi ra mắt sách đáng lý ra phải đông đảo giáo dân tham dự để hỗ trợ tinh thần cho những người dày công thực hiện tác phẩm tố giác sự bách hại của cộng sản đối với người đồng đạo ở quê nhà. Tuy là một Phật tử, nhưng tôi thường có mặt trong các buổi sinh hoạt của Công Giáo, bởi vì tôi ngưỡng mộ các linh mục công khai hài tội cộng sản làm đất nước điêu linh và giúp đỡ vỗ về những anh em thương phế binh VNCH.

Sau đó, tôi đến nhà quàn Peak Family để kịp dự tang lễ nhà văn Võ Phiến lúc 2 giờ. Anh Đinh Quang Anh Thái điều khiển chương trình tang lễ, cho biết nhà văn Lê Tất Điều ở San Diego ngày mai mới tham dự được. Tôi nghĩ thầm ngày mai mình lại đến dự tang lễ lần nữa để gặp nhà văn Lê Tất Điều, tác giả Tập thơ Cao Tần. Ban đầu không biết Cao Tần là ai, vì chưa hề nghe cái tên “Cao Tần” bao giờ, nhưng về sau tôi biết đó là Lê Tất Điều, còn có bút hiệu Kiều Phong khi làm báo ở Việt Nam trước năm 1975. Trong số nhân vật tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi thích nhất Kiều Phong vừa hiên ngang vừa chung thủy. Tôi định lấy bút hiệu Kiều Phong thay vì Bằng Phong, nhưng anh Lê Tất Điều đã chọn rồi, nên không muốn mang tiếng … cầm nhầm. Một hôm, tôi đọc trong “mailbox” một câu nhận xét ngắn của nhà văn Lê Tất Điều về bài viết của mình. Vốn có cảm tình với nhà thơ Cao Tần Lê Tất Điều đã lâu, nay tình cờ đọc thấy một câu khích lệ tinh thần của nhà văn, tôi liền hồi âm và ngỏ ý kết thân để thỏa lòng mong ước gặp gỡ.

Khi nghi thức tang lễ nhà văn Võ Phiến chưa dứt, tôi lại vội vàng đến trụ sở tòa soạn Diễn Đàn Giáo Dân để tham dự buổi Thánh Lễ cầu nguyện cho LH Thomas More (tên Thánh của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện) lúc 3 giờ chiều. Trong khi mọi người đọc kinh, tôi nhìn lên ảnh Chúa Jesus và ảnh Nguyễn Chí Thiện, âm thầm cầu xin Ơn Trên ra tay sớm diệt loài Quỷ Đỏ cho dân tộc Việt Nam trường tồn.

Lúc 9 giờ 30 ngày Chúa Nhật mồng 4 tháng 10, tôi nhận được cú điện thoại của nhà văn Lê Tất Điều báo tin anh đã có mặt tại nhà quàn Peak Family. Vừa tới nơi, tôi không mất công dáo dác tìm như lần tìm anh Nguyễn văn Lục tại Café Factory, vì đã có anh Bồ Đại Kỳ – bạn làm báo với Kiều Phong – đem tôi đến giới thiệu. Nhân dịp đó tôi cũng được làm quen với nhà báo Trần Đức Tâm ở San Diego.

Đúng 12 giờ, quan tài của nhà văn Võ Phiến từ nhà quàn được đẩy sang nhà hỏa thiêu. Lúc bấy giờ trời bỗng nhỏ xuống những hạt mưa nhè nhẹ. Tôi nói: “Anh Võ Phiến ra đi không những được vợ, con cháu, đông đảo bằng hữu, người ái mộ tiễn đưa, mà Trời cũng sụt sùi. Thật là đại phước”. Nhà văn Nhã Ca đứng bên cạnh nghe tôi nói, cũng gật gù tán thành. Tôi bỗng nhớ lời mẹ tôi dạy: “Con hãy sống làm sao khi chào đời thì họ hàng, cha mẹ mừng vui và khi lìa đời thì mọi người thương tiếc”.

Trong các buổi lễ, anh Trần Phong Vũ và Đinh Quang Anh Thái giới thiệu nhiều nhà văn, nhà báo tên tuổi mà tôi đã từng đọc tác phẩm của họ, nhưng chưa có dịp gặp mặt. May nhờ sống vào thời đại Internet, quý vị nhà văn nhà báo lớn khi bắt tay tôi đều cho biết họ cũng đã đọc những bài viết của tôi qua email, qua mạng. Hiếm có báo thương mại nào đăng những bài chính luận của tôi, vì ngại đụng chạm và ngại ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tôi là người viết do thời thế thúc đẩy, chứ không nuôi mộng trở thành nhà văn hay nhà báo để có tên tuổi với đời. Tôi nói với quý vị nhà văn nhà báo rằng tôi chỉ là anh nhà binh, viết thẳng thắn để góp phần xây dựng một cộng đồng tử tế, không ở phe nào, phái nào, chỉ biết lấy công tâm để định hướng. Nếu tôi viết điều gì sai, xin quý vị cứ lên tiếng chỉ giáo thì tôi cảm ơn vô cùng. Thiết nghĩ, trong sinh hoạt dân chủ, đối thoại là điều hết sức quan trọng để cùng nhau mưu tìm một giải pháp thích đáng cho Đất Nước và có một cộng đồng khiến cho dân bản địa kính trọng. Chúng ta đành tạm mất nước một thời gian, nhưng không để mất phẩm giá người Việt Nam yêu tự do.

Theo tôi, sự chia rẽ là do tính vị kỷ và do không đủ lòng yêu nước, yêu đồng bào để vượt lên trên những tham vọng thấp hèn. Chúng ta đang đối đầu với một kẻ thù cực kỳ hung hiểm, không từ bất cứ một thủ đoạn đê tiện nào và không có khả năng biết xấu hổ. Đó là những con quỷ Cộng Sản!

Ngoài những nhân vật đặc biệt tôi đã kể ở đầu bài. Hôm nay, mồng 4 tháng 10, tôi được gặp nhà văn Nguyễn Đình Toàn phụ trách mục Tao Đàn, tiếng nói thơ văn miền tự do do thi sĩ Đinh Hùng chủ trương. Mỗi khi bay đêm túc trực trên vùng trời để canh giấc ngủ cho đồng bào, tôi thường mở đài để nghe tiếng nói của anh Toàn, một tiếng nói hết sức truyền cảm. Sau 75, mỗi lần nghe bài hát “Saigon ơi, ta mất người hay người đã mất tên” do anh Toàn sáng tác, lòng tôi chùng xuống, rã rời, tiếc nhớ! Chẳng ai ngờ một thân xác võ biền “vai u thịt bắp mồ hôi dầu” như tôi mà trong lòng chất chứa mối sầu vạn cổ, không bao giờ nguôi chuyện nước non. Do đó, dù ở tuổi “mùi thiền đã bén muối dưa, mầu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng” mà “chuyện đời chưa tắt lửa lòng”, nên “thân còn vương chốn bụi hồng nhiễu nhương”! Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, ấy là cái nghiệp đã vướng vào thân!
Một cơ duyên khác mà tôi muốn nói tới trong bài tường trình này với độc giả. Đó là tôi được gặp hai nhà tranh đấu từ trong nước: anh Điếu Cày và chị Tạ Phong Tần.

Tôi có tham dự buổi họp báo của nhà văn Điều Cày do đài SBTN tổ chức. Sau khi dứt, mọi người vồn vã đến bắt tay nhà tranh đấu. Tôi ngại chen chúc, chờ cho đến khi cơ duyên tới thì gặp cũng chưa muộn, vì anh đã ở Hoa Kỳ. Đối với chị Tạ Phong Tần, tôi cũng giữ thái độ thế, mặc dầu tôi đã từng liên lạc với chị qua điện thoại, qua email, khi chị chưa đi tù. Tôi tự giới thiệu tôi là Bằng Phong Đặng văn Âu và nhắc lại mẩu chuyện tôi hỏi qua điện thoại viễn liên, chị được đào tạo trong lò Công An cộng sản, hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, tại sao chị trở thành nhà tranh đấu dân chủ. Chị nói chị được ơn kêu gọi của Thiên Chúa!”. Nghe đến đó, chị Phong Tần nhớ ra ngay.

Tôi nói với anh Điếu Cày và chị Phong Tần: “Tình hình chống Cộng ở hải ngoại hết sức phức tạp. Hãy tỉnh táo quan sát, nhận định. Đừng để ai lợi dụng cho mục đích riêng tư của họ. Chắc chắn Việt Cộng sẽ dùng những phần tử mang danh nghĩa quốc gia để bôi nhọ anh, chị. Bởi vì do áp lực của Hoa Kỳ, Việt Cộng phải thả anh, chị ra thôi; chứ chẳng tử tế gì. Người nào càng yêu nước, càng bị Việt Cộng ra sức triệt hạ để chẳng còn uy tín gì nữa”.

Anh Điếu Cày tỏ ra rất khôn ngoan, chỉ im lặng lắng nghe tôi nói để ghi nhận. Còn chị Phong Tần thì rất thân mật với tôi. Có lẽ vì chúng tôi đã quen nhau, tuy ở hai phương trời cách biệt, nhưng từng nhiều lần nói chuyện qua điện thoại và trao đổi với nhau qua email.

Tôi muốn nhắn với anh Điếu Cày và chị Phong Tần điều này: “Người ta bảo rằng tôi Chống Cộng cực đoan hay quá khích là bởi vì họ không có khả năng bác bỏ những lập luận của tôi. Là người hữu thần, tôi tin Phật, tin Chúa. Cho nên tôi chống lại cộng sản vô thần. Mà đã là vô thần thì không tin vào luật nhân quả của nhà Phật hoặc vào sự trừng phạt của Thượng Đế, cho nên chúng không bao giờ biết ăn năn, sám hối do những tội ác mà chúng đã tạo ra”. Phải biết sám hối mới từ bỏ tà tâm để quay về đường ngày nẻo chánh. Có như thế mới họp nhau vì ĐẠI NGHĨA để thắng HUNG TÀN.

Anh Điếu Cày hứa hẹn sẽ dùng truyền thông làm vũ khí chống lại Cộng Sản. Tôi đồng ý. Vì như Nguyễn Chí Thiện đã nói: “Sự hiểu biết là mồ chôn cộng sản”. Tôi chỉ xin nhấn mạnh điều này để anh Điếu Cày luôn luôn ghi nhớ. Ba nguyên tắc chủ yếu mà các quốc gia dân chủ tự do áp dụng trong ngành truyền thông là: Fair (Vô tư), Balance (công bình) và Accuracy (Chính xác). Ba nguyên tắc ấy hoàn toàn đối nghịch với chủ trương bất lương của cộng sản luôn luôn ăn gian, nói dối. Nếu ai công kích, phê bình mình một cách nghiêm chỉnh, đứng đắn thì phải trả lời; chứ không thể im lặng một cách ngạo mạn. Chỉ làm điều gì khuất tất, bất minh thì mới sợ công luận. Tôi xem sự nghiệp chống Cộng giống như sứ mạng của một Phật tử chân chính đi hoằng pháp hoặc một tông đồ thuần thành Đạo Chúa đi rao giảng tin mừng. Nếu không ý thức được điều đó thì sự Chống Cộng trở nên làm dáng ttheo thời, nham nhở, làm trò cười, dù ăn mặc thật đẹp và nói năng hùng hồn.

Anh Điếu Cày và chị Phong Tần thân mến,

Dù có thời kỳ chúng ta ở hai chiến tuyến khác nhau do hoàn cảnh lịch sử. Nhưng đừng bao giờ quên mình mang nòi giống Rồng Tiên phải phấn đấu sống làm sao giống như người Nhật tự hào về dòng máu Thái Dương Thân Nữ. Việt Cộng đã làm cho dân ta bị thế giới khinh bỉ!

Nhà cầm quyền Việt Cộng đang thi hành chính sách diệt chủng vì ngang nhiên để cho thực phẩm độc hại tràn vào đất nước, nhằm giết dần giết mòn dân ta. Tất cả chúng ta ở hải ngoại phải dùng phương tiện truyền thông để kêu gọi đồng bào trong nước từ nam phụ lão ấu phải đứng lên lật đổ bạo quyền này; chứ không thể nói vì Việt Cộng được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận mà lật đổ là sai lầm. Đảng Cộng Sản Việt Nam là một đảng cướp; chứ không phải là đảng chính trị mà chúng ta có thể thương thuyết hay thỏa hiệp. Tự do không thể van xin mà có!

Từ khi đảng cộng sản ra đời, chưa bao giờ chúng có một hành động nào vì nước vì dân. Tại sao 86 triệu con người lại cam chịu để 4 triệu đứa ăn cướp bắt buộc phải làm nô lệ cho Tàu Cộng? Trước hết phải đập vỡ hình tượng Hồ Chí Minh, một thằng Tàu mang tên Hồ Quang, để diệt thằng Việt Cộng đang cưỡng bức dân ta học tập tư tưởng và noi gương đạo đức của một con quỷ. Dù anh tôi là Hùm Xám Đặng văn Việt còn coi Hồ Chí Minh như ông Thánh, tôi cũng triệt để chống!

Nhân đây, tôi xin cám ơn anh Trần Phong Vũ và anh Đinh Quang Anh Thái cho tôi được dịp gặp gỡ những nhà văn nhà báo mà tôi hằng ái mộ. Đặc biệt tôi được gặp hai nhà tranh đấu cho Việt Nam Tự Do Dân Chủ Điếu Cày Nguyễn văn Hải và Tạ Phong Tần.
Nhà văn Võ Phiến khi sống đã giúp cho đời bằng những tác phẩm nghệ thuật để xiểng dương Việt Nam Cộng Hòa là một đất nước có nền văn minh, văn hóa. Khi nhà văn Võ Phiến mất đi, chí ít cũng giúp cho tôi được gặp hai nhà tranh đấu để khẳng định một điều: Lật đổ bạo quyền cộng sản vì sự sống còn của dòng tộc Việt là nhu cầu cấp thiết; chứ không phải là sai lầm.

Bằng Phong Đặng văn Âu

xuong  
#6 Đã gửi : 07/10/2015 lúc 08:08:37(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Võ Phiến, nhìn bởi những người viết

UserPostedImage
Nhà văn Võ Phiến.

Trưa Chủ Nhật ngày 4 tháng 10 năm 2015. Chiếc quan tài sơn màu nâu đỏ trôi đi giữa hai hàng người nghiêm trang chào kính. Cuối cuộc hành trình ngắn ngủi từ nhà quàn số một là lò thiêu của Peek Family Funeral Home. Ở đó, nhà văn Võ Phiến sẽ trở về với cát bụi, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi, cùng với niềm thương tiếc, mừng là mình đã có cơ hội đến tận nơi đây để từ biệt ông, lần cuối.

Cũng ở nhà quàn số một ngày hôm trước, thứ Bảy 3 tháng 10, nhiều khuôn mặt quen thuộc trong giới viết lách đã đến để chia sẻ với nhau những suy nghĩ của mình về người đang nằm trong quan tài, giữa khói hương nghi ngút. Dưới đây là một số ý kiến quan trọng trích từ phát biểu của bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà văn kiêm dịch giả Trịnh Y Thư, nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, và nhà văn Đặng Thơ Thơ.

Nguyễn Xuân Nghĩa:

Võ Phiến là nhà văn, viết tùy bút, truyện dài, truyện ngắn và truyện thật ngắn. Ông là nhà thơ có ý tưởng siêu hình, đôi khi ngộ nghĩnh mà luôn luôn thâm trầm như chúng ta có thể được thấy ở lời Tạ Từ ông đã viết sẵn từ mùa Thu năm 1998 trong bài “Đến”. Ông là tay phê bình mà cũng là nhà biên khảo đã để lại cho chúng ta nhiều công trình quý giá về văn học khi nước nhà gặp cảnh đốt sách sau năm 1975. Võ Phiến còn là cây bút nghị luận chính trị với sự sáng suốt thông tuệ về chế độ cộng sản mà nhiều nhà bình luận ngày nay còn phải đọc lại để học, ít ra nhìn từ kinh nghiệm của bản thân chúng tôi.

[…]

Trong một bài mang tựa đề là “Thẫn Thờ”, xuất hiện vào đầu năm 2006 tại Quận Cam này, Võ Phiến khơi khơi giải thích một cách cực kỳ đơn giản - một sự đơn giản tích tụ từ kinh nghiệm sống và viết của người đã bát tuần - rằng:
“Viết, đại khái có cái sáng tác, cái suy tưởng. Sáng tác – như thơ, truyện, tùy bút – thuộc về một phía. Còn suy tưởng, tra cứu, biên khảo, thuộc về phía khác. Một bên là nghệ thuật, một bên là học thuật; nên tách ra mà nói.” Nhờ Võ Phiến, chúng ta có một cách xếp loại Võ Phiến: Về nghệ thuật lẫn học thuật, Võ Phiến là một đỉnh cao của chữ nghĩa Việt Nam.

Mà ông lại rất tỉnh táo biết rằng với nhiều người thưởng ngoạn, chuyện sáng tác chỉ là đồ chơi! Đây là chữ của Võ Phiến khi đầu đã bạc: “Những cái mình miệt mài bấy lâu, khi đầu bạc nhìn lại, là đồ chơi cả”. Vậy mà ông vẫn miệt mài, và còn dạy rằng “Thực ra, không phải cái chơi nào cũng giống cái chơi nào”. Có mấy ai miệt mài và cười cợt với văn chương như Võ Phiến không?

Trịnh Y Thư

Những tác phẩm ông (Võ Phiến) để lại là khối gia sản văn hoá vô cùng quý giá, mãi mãi nằm trong kho tàng văn hoá dân tộc cho dù chúng bị đối xử tàn tệ bởi một tập đoàn thống trị phi nhân bản. Đó là những tác phẩm khi đọc lại ở bất kì không gian thời gian nào cũng thấy thú vị, lôi cuốn, và đôi khi còn bật ra những khả thể mới lạ không thấy lúc mới đọc lần đầu. Ông là nhà văn của thời đại, một thời đại cực kì nhiễu nhương và tang tóc của dân tộc, và ông đã hoàn tất nhiệm vụ vô cùng khó khăn của nhà văn là nói được tiếng nói của thời đại mình. Thế nhưng bên cạnh cái yếu tố thời đại bàng bạc trong mỗi tác phẩm, ông còn để lại cho hậu thế những suy ngẫm sâu sắc mà một trong điều này là định nghĩa thế nào là một nhà văn. Đối với ông “nhà văn là kẻ ‘phải lòng’ với cuộc sống và bất cứ giờ phút nào cũng bị cuộc sống thu hút, lấy sự cảm nhận mọi diễn biến của cuộc sống xung quanh làm cái sinh thú của mình.” Chẳng riêng gì nhà văn, bất cứ ai muốn cuộc sống mình thăng hoa, phong phú hơn đều nên áp dụng câu nói này của ông vào bản thân.

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác khi còn tại thế có lần nói: “Không có chút gì thái quá nếu chúng ta bảo các nhân vật của Võ Phiến đã dồn hết sinh lực vào thị giác.” Chẳng những thị giác thôi mà tất cả các giác quan khác đều được ông tận dụng để kiến dựng một thế giới mà trong đó âm thanh, hình ảnh xói sâu vào tâm hồn người đọc. Thật ra cái thế giới ấy – được miêu tả chi li tưởng như soi bằng kính hiển vi – chỉ là phần ngoại cảnh, chẳng có gì hệ trọng. Chính những rung động tâm hồn, những cảm xúc nội tại mới là cái gì đáng nói. Ông bảo, “mỗi nghệ phẩm thành công có một linh hồn.” “Nó phải đi vào tâm hồn người đọc, phải gây cảm xúc nơi người đọc.” “Cái nhìn [lên sự vật] biểu thị tâm hồn của mỗi nghệ sĩ, cái nhìn là linh hồn của mỗi nghệ phẩm.” “Người ta không rung động, không đắm đuối vì trái xoài, vì trận mưa; người ta chỉ rung động đắm đuối trước một biểu hiện tâm hồn.”

Ẩn giấu bên trong con người “thàng hậu” ấy là một tâm hồn sâu thẳm cực kì bén nhậy và tinh tế. Đọc tác phẩm của ông tức là gián tiếp tiếp cận với tâm hồn ấy, và bởi thế chẳng bao giờ chúng ta biết chán.

Bùi Vĩnh Phúc

[…] Cái nhìn của Võ Phiến tinh sắc, thông minh. Chữ nghĩa của ông duyên dáng, sống động, hóm hỉnh. Và kiến thức rộng rãi của ông bao gồm nhiều mặt, kể cả các mặt về ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, xã hội, dân tộc học, và văn học. Với vốn liếng như thế, vậy thì để nói về những tình cảm, ý tưởng và thiết tha của mình cho người và cho đất, ông đã viết về những điều gì?
Có thể nói, để diễn tả cái tình yêu, sự thiết tha ấy, Võ Phiến có thể viết về bất cứ điều gì có liên quan đến khung cảnh, con người và đất nước Việt. Chẳng hạn về những đám khói, những đám khói ở chân trời miền đồng quê Kiến Tường, một miền đồng không mông quạnh, "vài đám khói ùn lên, chậm chạp, toả cao và rộng. (...) Những đám khói kể lể nỗi niềm bao la cuối một chân trời mênh mông", rồi "những đám khói ấy lại đùn lên trong giấc mơ. Và trong giấc mơ, không gian mênh mông càng vắng lặng, khói toả càng chậm, càng bát ngát". Và ông viết về một xóm quê của ông, về làng ông, về Bình Định quê nhà ông, về một quán ăn ở Cần Thơ, về một không gian ở Gia Nghĩa, tiếng gió trong không gian quê hương, tiếng ve kêu rỉ rả thâm trầm, tiếng gà gáy e é "vọng từ ngọn đồi này sang ngọn đồi kia", tiếng lá rụng.

Ông viết về hình ảnh, về phong thái những đám mây, về những con chim én bay liệng giữa trời không, cũng ở Gia Nghĩa (Ôi, những con chim én của Võ Phiến, "vào những tháng xuân tháng hạ, buổi sáng chúng bay thấp tua tủa như ong; trưa xế, chúng lên thật cao, tản mạn, tơi tả, tan tác đầy trời; đến chiều, chúng lại hạ thấp như một niềm vui rộn ràng quấn quít trên nóc chợ..."). Và một lũ én khác, trong một đêm ở Phan Thiết: "Tiếng kêu rối rít, điệu bay rối rít làm bấn loạn cả ruột gan. (...) Bên ngoài, én vẫn ríu rít trong tiếng mưa đêm". Rồi, ở một chỗ khác, một lúc khác, ông viết về tiếng cây gãy trong khung cảnh u tịch của rừng núi, và lại tiếp tục có những đụn khói, những lằn khói đốt rẫy lờ đờ, "uể oải, như đang mải miết trầm ngâm hồi tưởng về trăm nghìn câu chuyện huyền hoặc của cuộc sống núi rừng".

[…]

Tóm lại, ông viết về bất cứ thứ gì có liên quan đến đất nước, quê hương, mà ông có dịp cảm nhận, nghĩ về, hoặc trông thấy, nghe thấy. Và điều quan trọng, làm nên cái chất Võ Phiến, khiến ông trở thành một người phát ngôn lôi cuốn, một cây bút tài tình của Việt Nam, chính là ở những gì ông chọn để nói, cũng như ở chính cách nói của ông.

Đặng Thơ Thơ

Nhiều tác giả có một đời sống sáng tác vô cùng sung mãn, nhưng người ta chỉ nhắc đến những tác phẩm đầu tiên của họ. Những gì viết sau đó chỉ là bóng của một sự nghiệp đã thiết lập quá sớm. Có những trường hợp như nhà văn J.D. Salinger qua đời năm 2010, lúc 91 tuổi, cuốn sách người ta nhắc đến như tiêu biểu cho sự nghiệp của ông là cuốn Bắt Trẻ Đồng Xanh xuất bản năm 1951. Tức là 59 năm trước đó. John Updike cũng than phiền rằng cho dù ông có cố gắng hết mức, để tự thay đổi cho những tác phẩm về sau, thì những cuốn đầu tiên vẫn cứ bị dùng làm nhãn hiệu gán cho ông, và những cuốn sau vẫn bị đem ra so sánh một cách vô cùng bất lợi, với những cuốn đầu tiên đó.

Nhưng đó không phải là trường hợp của nhà văn Võ Phiến.

Ở nhà văn Võ Phiến và tác phẩm của ông, đây là một hành trình hơn sáu mươi năm của một sự nghiệp bền bỉ, năng động, không ngừng, đa dạng, sáng tạo, từ Văn Học Miền Nam đến Văn Học Hải Ngoại, một vị thế phải nói là duy nhất.

Năm 2009, khi xuất bản cuốn Võ Phiến Cuối Cùng, Nhà văn Võ Phiến, trong một nhìn lại quá trình viết, đã tự vấn qua tùy bút “Thẫn Thờ”:

“Sáu mươi năm. Trong chừng ấy thời gian, được gì nào?

Hai tiếng được gì hàm ý chọn lựa. Thế nào là “được”. Thế nào là chưa “được”. Khó thay. Tự nó, cái viết có giá trị gì, có tầm quan trọng nào chăng? Cũng khó nói quyết.”

Nhiều lúc nhà văn Võ Phiến gọi những tác phẩm của ông là đồ chơi, ông ví von sự vô dụng của những điều ông viết như sự vô dụng của cái gọi là tâm hồn:

“Không ai dùng tâm hồn làm cái gì cả. Hồn bất khả dụng, hồn vô sở dụng; nhưng là cái sở cứ. Có thể căn cứ vào nó để hiểu người xưa. Nghệ phẩm là những tài liệu, những chứng tích, chứng liệu. Nghệ phẩm không hữu dụng, nó hữu ích.

A, nghệ thuật!”

“Không là đồ dùng, chỉ là đồ chơi. Chơi cho khoái thôi. Cho thỏa thích mê tơi thôi.”

Điều này cũng là phát biểu chung của mọi ngành nghệ thuật. Những giây phút con người một mình chơi với chính họ, lúc một mình một căn gác riêng, lúc con người lặng lẽ nhìn vào, phát hiện, và đem ra ánh sáng những điều mới mẻ ẩn náu bên trong họ,… là những khoảnh khắc của nghệ thuật. Vì vậy, trong tùy bút “Hạ Hồi” của cùng tuyển tập, Võ Phiến đã nói đến cái nghệ thuật mà ông sử dụng trong những lúc chơi với chính mình. Đó là “Viết cho sâu vào, sâu tuốt vào tiềm thức”.

Trong tiềm thức của nhà văn, ý tưởng về thời gian, cái chết, cuộc đời, và những gì còn lại của một cuộc đời, luôn là quan tâm và ám ảnh. Và những ám ảnh này luôn tìm cách tự thể hiện trên những trang viết của ông trong Võ Phiến Cuối Cùng. Chẳng hạn nói về nhân vật Cô Sáu trong “Hình Bóng Cũ”:
“Một cốt cách ở đời nó loáng thoáng khó bắt. Cái còn lại của một cốt cách: ít oi quá, mong manh quá.”

Ông than thở như vậy cho người khác. Nhưng chẳng ai có thể than thở điều đó cho ông.

Cái cốt cách của một nhà văn, của nhà văn Võ Phiến, nó dày đặc, nó chồng chất, nó là cả ngàn trang sách, đủ mọi thể loại: truyện dài, truyện ngắn, truyện cực ngắn, ký, thơ, tùy bút, tạp luận, phiếm luận, nhận định, phê bình, biên khảo, dịch thuật. Cả một hệ suy tưởng nằm trong một nhân cách nhất quán và chính danh.

Bốn người viết, bốn cái nhìn, bốn cách tiếp cận Võ Phiến. Có những điều chung nhưng luôn luôn có điều rất riêng. Bởi vì họ đang nói về Võ Phiến của riêng họ, một Võ Phiến được xây dựng từ kinh nghiệm đọc và cảm nhận của riêng mỗi người.

Hôm qua, thứ Bảy 3 tháng 10 năm 2015, tại nhà quàn số một, không chỉ có bốn người nói về nhà văn Võ Phiến. Và không chỉ có ngày hôm qua người ta mới nói về nhà văn Võ Phiến. Người đọc sẽ nói về ông hôm nay, ngày mai, ngày mốt, và trong nhiều năm tháng trước mắt. Luôn luôn có chỗ cho người đọc để nói về Võ Phiến của họ mà không phải lập lại lời của nhau

Phùng Nguyễn
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.508 giây.