Cảnh sát giao thông Việt Nam (DR)Trong một nỗ lực cải thiện hình ảnh của cảnh sát giao thông, công an Hà Nội yêu cầu không để các nhân viên, thấp bé nhẹ cân hoặc bụng phệ, ra làm nhiệm vụ điều khiển giao thông, tránh tiếp xúc với công chúng. Thông tin trên đã được một sĩ quan cảnh sát giao khẳng định với AFP.
Tuy nhiê, vị sĩ quan không nói rõ các quy định về hình thể đối với lực lượng cảnh sát giao thông này cụ thể là như thế nào. Đại tá Đào Vĩnh thắng, trưởng phòng cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết thêm sắp tới đây, cơ quan này sẽ lên danh sách các nhân viên không đáp ứng được chuẩn mực hình thể để phục vụ ngoài đường phố.
Ông Đào Vĩnh Thắng nói với AFP rằng « các cảnh sát có bụng quá to hay người quá bé sẽ được chuyển về làm trong văn phòng tránh tiếp xúc với dân », ông cũng giải thích « Đây là một trong những biện pháp nhằm cải thiện hình ảnh của cảnh sát giao thông Hà Nội trong năm 2013 ».
AFP nhắc lại một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới đánh giá công an là lực lượng « tham nhũng nhất » ở Việt Nam. Trong đó, cảnh sát giao thông là lực lượng có nhiều điều mang tai tiếng nhất bởi những thái độ hách dịch với dân cũng như các hành vi đòi tiền mãi lộ người tham gia giao thông.
Trước những bức xúc của người dân đối với các hành vi tiêu cực của các nhân viên cảnh sát giao thông, lãnh đạo lực lượng đã cố gắng tìm các biện pháp cải thiện hình ảnh của ngành.
Năm 2011, đã có quy định cấm cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ đeo kính đen và cấm nấp trong chỗ kín để rình bẫy người tham gia giao thông. Đầu năm 2013, ngành cảnh sát giao thông lại đưa thêm một sáng kiến đưa các nữ cảnh sát trẻ đẹp ra điều khiển giao thông ở các chốt ngã tư thường xuyên ùn tắc.
Chưa biết hiệu quả cải thiện hình ảnh của lực lượng cảnh sát giao thông thủ đô sẽ được dư luận đánh giá ra sao. Nhưng có điều chắc chắn từ giờ trở đi, các sĩ quan cảnh sát giao thông, ngoài việc trau dồi đạo đức còn phải rèn luyện thể lực thì mới có thể tiếp cận phục vụ dân.
Source: RFI