Hai thanh niên đang chơi game bạo lực. Ảnh chụp tại Sao Paulo, Brazil vào ngày 27 tháng 1 năm 2010. AFP photo Từ khi internet xuất hiện và những trò chơi trên không gian ảo trở nên thịnh hành thì trẻ em hầu như không còn thích đọc sách, chơi thể thao, chuyên cần và quan tâm đến học hành. Các em lao vào những trò chơi trên không gian ảo. Người lo lắng nhất vẫn là những người mẹ có con nghiện game. Họ rất khổ sở, và gần như bất lực khi không thể giúp con mình thoát ra khỏi ma lực của games.
Ảnh hưởng đến việc học ...Theo cuộc khảo sát quốc gia từ trung tâm Pew Internet & American Life Project thực hiện từ tháng 11 năm 2007 đến tháng 2 năm 2008, cho biết có 97% trẻ em thích chơi games. Trong đó có 99% trẻ em trai và 94% trẻ em gái. Những người được hỏi bao gồm sự kết hợp các câu trả lời qua điện thoại từ một mẫu đại diện quốc gia của 1.102 người trẻ tuổi, lứa tuổi 12 đến 17, và cha mẹ của họ. Điều nầy cũng cho thấy có sự khác biệt rất nhỏ trong tỷ lệ phần trăm giữa các nhóm chủng tộc, các sắc tộc khác nhau và thu nhập của từng gia đình. Khảo sát cũng cho thấy thanh thiếu niên không chơi một loại game mà còn tùy thuộc vào sở thích, lứa tuổi, giới tính và sự lựa chọn. (*)
Bà Trần Bạch Tuyết, cố vấn Giáo Dục tại quận hạt Montgomery trên 26 năm. Bà rất giàu kinh nghiệm trong vấn đề định hướng, cố vấn trong việc giáo dục thanh thiếu niên. Bà cho biết ảnh hưởng của games đối với quá trình học tập của các em. Bà nói:
“Các em chú trọng vào cái đó thì để rất nhiều thời giờ. Trong đầu óc để ý nhiều quá cũng bị ám ảnh những câu chuyện mà mình thấy trong phim trong game cũng làm cho các em sao lãng học hành. Theo tôi nhận xét thì các em đâu có muốn trau dồi về vấn đề tương quan nhân sự, không biết ăn nói, không biết trình bày không biết giao tế như thế nào cả. Tại vì cả ngày ngồi computer hay liên lạc nhau qua bằng điện toán thôi. Không có giao dịch thẳng bên ngoài. Bây giờ có nhiều tai nạn, khủng bố chết cả đám đông trong Đại Học, tiểu học. Dân chúng Mỹ bắt đầu để ý tại sao có vấn đề đó thì họ nghĩ những vấn đề phim ảnh, những cái game thế nào cũng ảnh hưởng đến những hành động bạo lực đó của thanh niên. Cái đó tôi nghĩ là không thể nào chối cãi được.”
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao trẻ em mê chơi games hơn ăn uống, ngủ, học hành và nhiều khi chúng không còn tha thiết gì đến chuyện tập luyện cơ thể, giao tiếp với cả những người trong gia đình? Trao đổi với bà Trần Ngọc Lan, một người mẹ đã từng trải qua những boăn khoăn, lo lắng cho con mình nghiện games bỏ cả học hành. Bà tâm sự:
"Trời ơi! Nó mê! Nó mê! Lớp 10 nó học hỏng được, nó làm biếng quá. Tại vì chơi game đầu óc nó mệt mỏi vì nó phải theo đuổi computer nhiều quá là một. Cái thứ hai nữa là nó ngồi quá rồi nó không hoạt động cơ thể nó làm biếng nữa là hai. Ngay cả trường nó bây giờ cũng nói như vậy nữa. Không cho con nít coi tivi, chơi game, video, internet phải kiểm soát chơi. Mà game bây giờ nhiều cái còn tệ hại hơn nữa, bắn súng này nọ nó không có tốt. Lúc đầu nó tìm hiểu, nhưng sau khi qua giai đoạn tìm hiểu cái game đó rồi thì nó lập đi lập lại hoài thì nó thích chơi. Nó chơi game rồi đầu óc nó mệt lắm nó không muốn nghĩ, nó không muốn học nữa. Nó mệt quá nó đâu có muốn làm gì. Nó nằm lăn ra nó ngủ. Game không tốt gì hết.”
Một bạn tuổi teen đang chơi game online tại Bangkok, Thái Lan. AFP photoĐâu phải chỉ có trẻ em Hoa Kỳ có điều kiện để chơi games. Trẻ em Việt Nam hiện nay cũng mê games đến độ bỏ cả học hành, bỏ nhà cửa đến các quán internet ăn ngủ tại chỗ để luyện games. Nhiều em chơi games cho đến lúc suy kiệt cả cơ thể khiến cha mẹ phải đi tìm. Bà Nguyễn Thị Bình, cư ngụ tại Thuận An tâm sự về nỗi khổ của bà khi đứa con trai nghiện chơi games:
“Nó đi ra ngoài đường nó chơi game. Nó đi ra mấy cái tiệm net ở gần gần đây nó chơi game làm sao quản lý được. Nó nói nó học thêm rồi chở tới đó, nó đi chơi game rồi, hỏng lẽ giờ lo buôn bán kiếm tiền mà đi theo nó sát sát sao mà được. Trời ơi! Nó 16, 17 tuổi rồi nhiều khi nó nói mẹ cho con tiền con đi uống nước với bạn hay cho con tiền con đi học thêm, hay con mua nầy mua kia chẳng lẽ mình không cho. Nó lớn nó cũng có nhu cầu của nó.”
... và lối sốngĐi tìm một câu trả lời thoả đáng trong hoàn cảnh bùng nổ trò chơi điện tử hiện nay không phải là một chuyện dễ dàng. Bởi những nhà sản xuất games với những lợi nhuận khổng lồ, họ cho rằng games mở rộng tầm nhìn giúp cho trẻ em phát triển trí tuệ, rèn luyện kỹ năng, trau dồi kiến thức..v..v..Nhưng đối với từng gia đình có con, cháu ghiền games như ma túy thì tác hại của nó hết sức khủng khiếp. Bà Lesley Kennedy đã viết trên website Ivillage lý do vì sao không cho con mình chơi games bạo lực. Bà dẫn chứng thảm sát tại Sandy Hook là một chứng minh. Bà viết rằng “Khi có một chuyện gì đó khủng khiếp xảy ra, chúng ta mới bắt đầu tự đặt câu hỏi “vì sao”. Và thật đáng buồn khi nhiều bậc cha mẹ bị buộc phải suy nghĩ tại sao Adam Lanza quyết định đến trường tiểu học để giết nhiều người vô tội...”
Và bà giải thích rằng các đài truyền hình NBC, CBS đều cho biết vì Lanza đã thích chơi games bạo lực. Lanza đã diễn xuất giống như những trò chơi tưởng tượng của games. Các cơ quan điều tra cho biết, họ đã tìm thấy một kho các trò chơi video bạo lực trong căn phòng tầng hầm riêng trong nhà của Lanza có cửa sổ bôi đen. Nơi đó là thế giới ảo tưởng của cậu bé cô đơn lớn lên một mình với trò chơi bắn súng. Bà khẳng định rằng bà sẽ không bao giờ để cho con giam mình trong phòng với những trò chơi bạo lực. Bà chống lại bạo lực và chống lại những ai cho rằng chơi game bạo lực là chỉ để giải trí. (**)
Ông Brad Bushman, Giáo Sư giảng dạy tại trường Đại Học Ohio đã viết trên tạp chí nghiên cứu về hành vi bạo lực của trẻ đã có nhận định rằng “trò chơi điện tử có thể được so sánh với thuốc lá. Một điếu thuốc duy nhất không thể gây ra ung thư phổi, nhưng hút trong vài tuần, vài tháng và nhiều năm sẽ tăng nguy cơ tiềm ẩn của bệnh ung thư. Cũng như game, nếu cứ lặp đi lặp lại các trò chơi bạo lực cũng sẽ bị ảnh hưởng đến hành vi bạo lực.”
Hiệp Hội Tâm Lý Mỹ cũng đã lưu ý về trò chơi bạo lực có liên quan đáng kể đến hành vi, hung hăng, suy nghĩ, ảnh hưởng đến kích thích tâm lý của trẻ có hành vi chống lại xã hội. Học Viện Nhi Khoa Mỹ cũng nhận định rằng tiếp xúc bạo lực trên các phương tiện truyền thông, bao gồm cả phim ảnh, âm nhạc, các trò chơi video có nguy cơ ảnh hưởng đáng kể đến sức khoẻ trẻ em và thanh thiếu niên.(***)
Thế nhưng, game bạo lực vẫn tiếp tục được sản xuất, được nhiều người cổ xúy. Chính quyền Hoa Kỳ không thể ngăn chặn hoặc hạn chế. Bà Trần Bạch Tuyết cho biết:
“Hiến pháp Hoa Kỳ không cho chính phủ kiểm soát những vấn đề đó. Tại vì nó là thế giới hoàn toàn tự do sản xuất, tự do buôn bán nếu mình là người khôn mình biết sử dụng, tiêu thụ thì phải chọn lựa phải không. Chính phủ không thể bảo anh không được làm cái nầy, không được sản xuất cái kia.”
Nhưng cũng có những ý kiến ngược lại. Theo nhà Tâm Lý Học Shawn C. Green, trường Đại học Wisconsin, cho rằng chơi video game có thể thay đổi cấu trúc vật lý của não bộ cũng không khác gì làm việc học, đọc, chơi piano. Chơi game cũng giống như tập thể dục có thể xây dựng cơ bắp, kết hợp mạnh mẽ sự tập trung, làm tăng các chất dẫn truyền thần kinh và có thể xây dựng bộ não, giúp cho trẻ có các kỹ năng cần thiết để giành chiến thắng liên quan đến mức độ trừu tượng cao và suy nghĩ. Những kỹ năng này thậm chí không được dạy ở trường.(****)
Vấn đề cho trẻ em chơi games và chơi như thế nào để trẻ có thể phát triển trí tuệ một cách toàn bích, bà Trần Bạch Tuyết có ý kiến như sau:
“Trong trường họ dùng computer rất mhiều. Các em từ ba bốn tuổi trở lên là đã bắt đầu cho ngồi trước computer, cho dùng computer. Nhưng mà những tài liệu cho lên để cho các em dùng là cái gì? Có tính cách học thức, học đếm. Ví vụ như trong một lớp các em có ba tuổi thôi thì cho coi cái gì? Học đếm 1, 2, 3, 4, một cái xe bus, 2 cái xe bus, 3 cái xe bus ví dụ như vậy. Rồi nó họ đếm. Nó nhận được tuồng chữ, số. Số một viết như thế nào, số 2 như thế nào. Hay là những câu chuyện giả dụ như vậy.”
Bạn Phan Lê Hồng Đức (P) tham gia chương trình cai nghiện game online và mẹ là bà Lê Thị Hoàng trong một cuộc phỏng vấn với AFP hôm 20/4/2009. AFP photoVai trò của phụ huynhMuốn tìm hiểu thêm ý kiến của những người bà mẹ quan tâm đến tương lai các con. Tôi trao đổi với Bà Nguyễn Kim Phương, giáo viên Toán Lý Hoá. Bà cho biết biện pháp của bà trong việc hạn chế các con chơi game:
“Cho nó chơi một ngày một tiếng hay hai tiếng hay bốn tiếng hoặc ngày thứ Bảy, Chủ Nhật cũng được. Chớ không cho nó chơi cũng không được tại vì đứa nào nó cũng biết hết. Còn ngoài ra thì mình đâu có thời gian rảnh để dẫn nó đi chơi đây đó chơi đâu thì nó phải ở nhà chơi game. Nhưng mà chơi game nói chung cũng có cái hay cũng có cái hại cũng có cái lợi. Còn hơn là nó đi chơi ở đâu đó mà mình không kiểm soát được. Mình còn giáo dục được thì mình nói nó. Mình cho chơi một ngày hai tiếng rồi mình khoá máy lại. Nó đã chơi rồi là nó mê. Nó chơi suốt không có rời cái ghế được. Không thể ngăn chặn được. Tại vì học hành xong rồi thì nó được quyền nó chơi. Cho nó chơi nhưng ít thời gian thôi. Chớ mình cấm hẳn không cho nó chơi luôn cũng hỏng được. Tại vì không còn cái gì khác để cho nó chơi nó cũng buồn lắm chớ.”
Bà Nguyễn Thị Bình thì đành nhịn ăn, nhịn mặc đi làm để gởi con vào trường nội trú ở Sài Gòn để tìm cho con một tương lai tươi sáng mai sau:
"Ở đây hỏng được, hỏng xong rồi. Tối ngày cứ rảnh là nhảy lên game, chơi suốt ngày suốt đêm. Tối về cũng trùm mền bấm điện thoại đâu có chịu học. Cho nên lên lớp Mười là đẩy nó xuống thành phố học. Thứ Bảy về, Chủ Nhật xuống, mà xuống dưới người ta không có cho bấm điện thoại, không cho chơi game. Người ta cho ngủ có giờ có giấc hết. Người ta quản lý như vậy đó. Một tháng thì tiền học của nó khoảng ba trăm mấy đô. Nó ở đây thì cũng hư nữa nên phải ráng gồng chớ làm sao. Nay thì hết rồi. Xuống đó là đâu có cho chơi. Họ ôn bài dữ lắm chớ không phải như ở đây.”
Bà Trần Ngọc Lan cũng đã có biện pháp cai nghiện game cho con và đã có hiệu quả. Cho biết là hàng ngày bà lấy đi một vài video game và giấu kín. Sau đó, là tịch thu hoàn toàn rồi đem khoá hết lại. Bà nói:
"Mới đầu nó cũng chống đối dữ lắm. Bỏ game rồi nó từ từ học khá lên, rồi mới vô Đại Học nổi. Nó mới lấy được học bổng. Em tưởng mình phải bỏ tiền ra mà mình cũng không biết có đủ tiền để bỏ ra không nữa.”
Việc cấm đoán, ngăn chặn trẻ em nghiện game nhất là game bạo lực hiện nay là một vấn đề hết sức khó khăn. Và gia đình vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục, dạy dỗ các em. Bà Trần Bạch Tuyết nói:
"Chắc chắn là phụ huynh đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề nầy. Thứ nhất là phụ huynh cần biết là con mình cần cái gì và con em mình nó dùng cái gì? Nó xem cái gì? Nó coi cái gì? Mình phải hạn chế thời gian ra, thời gian học, thời gian chơi, thời gian giải trí chớ không phải lúc nào cũng ngồi trước máy điện toán, tivi.
Nhiều khi phụ huynh bận đi làm từ sáng đến tối về. Rồi lo cơm, lo nước, con cái ăn uống xong rồi. Học bài chưa, làm bài chưa con cái nói là học bài rồi, làm bài rồi. Thế là rồi thôi không có đi xa hơn nữa. Ngoài ra, còn vấn đề văn hoá khác nhau, ngôn ngữ khác thành ra phụ huynh không có chú trọng đến vấn đề của con.
Cái đó rất quan trọng. Tại vì cứ thấy con ngồi trên computer tưởng nó học. Nhưng nhiều khi đâu phải học trên computer. Nó có thể vào chương trình học thức có nhưng có nhiều chương trình rất là không có bổ ích gì hết. Tất cả những cái đó trong gia đình phải kiểm soát nhiều hơn nhà trường. Nhà trường chắc chắn là họ cấm rồi.”
Đây chỉ là những trường hợp điển hình về chuyện con cái mê game. Còn nhiều hoàn cảnh khác đau xót hơn khi mẹ phải đưa con vào những trung tâm cai nghiện games như cay nghiện ma túy. Chỉ còn một hy vọng là chúng ta phải quan tâm đến các em, phải kết hợp với nhà trường, các nhà Tâm Lý Học để khuyên nhủ, dạy dỗ con tránh xa những trò chơi vô bổ, tốn tiền và có hại cho sức khoẻ.
Tài liệu tham khảo: Quý vị nào muốn biết thêm chi tiết và kiểm chứng nội dung, xin vào các website dưới đây:
(*)http://www.huffingtonpost.com/2008/09/16/survey-97-percent-of-chil_n_126948.html
(**)http://www.ivillage.com/sandy-hook-shooter-adam-lanza-played-violent-video-games/6-a-52232
(***)http://www.sciencedaily.com/releases/2012/12/121210101344.htm
(****)(http://www.raisesmartkid.com/3-to-6-years-old/4-articles/34-the-good-and-bad-effects-of-video-games)
Tài liệu liên quan:
http://www.guardian.co.u...games-assassin-addictionhttp://www.huffingtonpos...-children_b_1017485.htmlhttp://www.chicagonow.co...ular-kids-parents-biden/Sửa bởi người viết 12/03/2013 lúc 10:58:25(UTC)
| Lý do: Chưa rõ