logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
coi  
#1 Đã gửi : 26/05/2012 lúc 04:13:30(UTC)
coi

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 217

Nhạc Phẩm "VIỆT NAM TÔI ĐÂU", nhạc và lời: Việt Khang, do chính tác giả trình bày. Một nhạc phẩm mang nặng tình đất nước với nỗi đau của một công dân Việt Nam.


VIỆT NAM TÔI ĐÂU
Việt Nam ơi… thời gian quá nửa đời người
và ta đã tỏ tường rồi, ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói
Mẹ việt nam đau từng cơn sót dạ nhìn đời
người lầm than đói khổ nghèo nàn
kẻ quyền uy giàu sang dối gian

Giờ đây… việt nam còn hay đã mất?
mà giặc Tàu ngang tàn trên quê hương ta
Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội
chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu

Là một người con dân việt nam
lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm
người người cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi
từng đoàn người đi chẳng nề chi
già trẻ gái trai giơ cao tay
chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước việt nam

Việt nam tôi đâu… Việt nam tôi đâu… Việt nam tôi đâu

Nhạc Phẩm Anh Là Ai ? sáng tác Việt Khang


Anh Là Ai ?
Xin hỏi anh là ai?
sao bắt tôi, tôi làm điều gì sai
Xin hỏi anh là ai?
sao đánh tôi, chẳng một chút nương tay
Xin hỏi anh là ai?
không cho tôi xuống đường để tỏ bày
tinh yêu quê hương này
dân tộc này đã quá nhiều đắng cay.
Xin hỏi anh ở đâu?
ngăn bước tôi, chống giặc tàu ngoại xâm
Xin hỏi anh ở đâu?
sao mắng tôi, bằng giọng nói dân tôi
dân tộc anh ở đâu?
sao đan tâm, làm tay sai cho tàu
để ngàn sau ghi dấu
bàn tay nào, nhuộm đầy máu đồng bào.
Tôi không thể ngồi yên
khi nước việt nam đang ngã nghiên
dân tộc tôi, sấp phải đắm chìm
một ngàn năm hay triền miên tăm tối
Tôi không thể ngồi yên
để đời sau cháu con tôi làm người
cội nguồn ở đâu?
khi thế giới này đã không còn
Việt Nam.

Tôi không thể ngồi yên
khi nước việt nam đang ngã nghiên
dân tộc tôi sấp phải đắm chìm
một ngàn năm hay triền miên tăm tối
Tôi không thể ngồi yên
để đời sau cháu con tôi làm người
cội nguồn ở đâu?
khi thế giới này đã không còn
Việt Nam.
Việt Khang, anh là ai?
UserPostedImage
Nhạc sĩ Việt Khang (Võ Minh Trí)
Từ bản nhạc “Việt Nam Tôi Đâu” ra đời trên hệ thống Internet vào tháng 8/2011 đến bây giờ, số người nghe gần nữa triệu, lời nhạc và tiếng hát của Việt Khang đã đi vào lòng người. Việt Khang đã viết từ tận đáy lòng sâu thẳm của mình với nỗi đau ray rức…nỗi đau này không phải vì đói rét, cũng không phải vì vết thương bị cắt trên da thịt…mà nỗi đau của một người mất nước nỗi đau trăn trở hằng sâu trong tâm hồn người yêu nước.

Sống qua gần nữa đời người, anh đã thấm nghiệm được sự dối trá lừa đảo của chế độ độc tài đương quyền, tác giả “Việt Nam Tôi Đâu” đã mở đầu cất cao lời nhạc “Việt Nam ơi thời gian quá nữa đời người, và ta đã tỏ tường rồi, ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói….”. Nữa cuộc đời, trải qua 36 năm từ ngày cả dân tộc Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản đến nay Việt Khang đã nhìn thấy xã hội muôn ngàn mãnh đời đổ vỡ, tàn tạ, bị áp bức, bóc lột, đói khát mà đáng ra bất cứ một quốc gia nào “sau tàn lửa khói” đều không thể lâm vào cảnh tượng đau đớn như Việt Nam.

Việt Khang đã tỏ tường trên thân thể gầy còm của đất “Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời, người lầm than đói khổ nghèo nàn, kẻ quyền uy giàu sang dối dang” …Lời nhạc không mang tính hằn học thù hận nhưng mang tâm trạng đau nhói ở tâm can hoà với lời ca thống thiết nói lên sự cách biệt bất hạnh của hai giai cấp một bên là người dân đói khổ thật thà, bên kia là kẻ quyền uy giàu sang dối dang, mà kẻ quyền uy đó chính là thành phần tư bản đỏ của bạo quyền Cộng sản Việt nam hiện nay đang trấn lột đồng bào.

Còn tổ quốc Việt Nam thì sao? Việt Khang tự hỏi rằng “Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất?” Nếu còn, tại sao nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam lại để cho “bọn giặc Tàu ngang tàn trên quê hương ta” mà cả một guồng máy khổng lồ của công an, bộ đội chỉ để phục vụ cho “đảng cầm quyền” mà không bảo vệ được ngư dân Việt Nam đến nỗi “Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội, chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu” ….

Tổ quốc đã không còn hiện hữu trước một bạo quyền chỉ biết hiếp đáp người dân, chỉ biết bóc lột giàu có dối gian, trong khi ngoại xâm đang thật sự hống hách trên quê mẹ Việt Nam…là một nhạc sĩ yêu nước Việt Khang dùng tiếng hát sâu xoáy của mình như tiếng kêu của con quốc quốc trong đêm thâu kêu gọi lòng yêu nước của mọi người “là một con dân Việt Nam, lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm, người người cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi” . Đồng bào ơi! tổ quốc đang lâm nguy không phân biệt già trẻ trai gái hãy đoàn kết“ từng đoàn người đi chẳng nề chi, già trẻ gái trai hãy dơ cao tay….” đoàn kết sức mạnh dân tộc để “chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam”.
UserPostedImage
Nhạc sĩ Việt Khang (Võ Minh Trí)
Việt Khang -Võ Minh Trí đã cất cao giọng hát từ đáy lòng sâu thẳm của tâm hồn, lời ca cao vút của anh như những nhát dao cắt lòng những ai đang trăn trở trước nguy cơ của dân tộc, anh đã buông tiếng hát nói lên phần hồn của bản nhạc mà đó cũng là ước nguyện của đồng bào.
Nhạc sĩ Việt Khang là thành viên của Tuổi Trẻ Yêu Nước, trước khi anh bỏ hồn vào hai bản nhạc “Việt Nam Tôi Đâu” và “Anh Là Ai” anh đã đoán rằng sự an ninh cá nhân của anh không được bảo đảm, nhưng đó là thứ vũ khí trong đấu tranh Diễn Biến Hoà Bình mà tài nghệ anh đang có là viết nhạc và lời ca, anh tận dụng sở trường của mình để cứu quê hương dân tộc. Tiếng hát của anh với bài “Việt Nam Tôi Đâu” là tiếng huy động lòng người, tiếng kèn thúc dục sự đứng lên của mọi giới, khi nghe tiếng hát của bài nhạc “Việt Nam Tôi Đâu” người đang trùm chăn phải thức dậy, kẻ ươn hèn trở nên can đảm….Một người thanh niên yêu nước chân chính như thế mà vào lúc 7:00 giờ tối ngày 23-12-2011, Công An Cộng sản Việt nam đã vào bắt anh đi vào trại tù, đó có thể là sự tiên đoán của bản nhạc “Anh Là Ai” mà Việt Khang đã chuẩn bị cho mình để dấn thân làm một người trai yêu nước giữa chốn hám danh, hám lợi, đầy dối trá của bạo quyền.
Chúng em viết lên đây những lời chân tình của người đồng hành với anh, anh lâm nguy chúng em vẫn còn tiếp tục cuộc hành trình với lòng tin tưởng “kẻ bán nước không bao giờ được dân tộc tha thứ, và kẻ xâm lăng không bao giờ thành công trước sức mạnh đoàn kết của một dân tộc” – Ở chốn lao tù kia, xin anh vững tin vào chính nghĩa đã chọn.

Viết tại Việt Nam trước đêm giao thừa 2012
Long Hải & Quốc Tuấn
Source : TuoiTreYeuNuoc.com

Sửa bởi quản trị viên 30/01/2013 lúc 09:46:55(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

song  
#2 Đã gửi : 29/06/2012 lúc 11:55:14(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Cám ơn Việt Khang

Cám ơn em, vì nhờ em mà tôi nhìn ra mình - theo một cách nào đó - đang đứng chung trong hàng ngũ mà em gọi là kẻ nhu-nhuợc. Cho dù tôi không có quyền ký văn-kiện này, công-hàm nọ nhưng thái-độ im lặng của tôi, cách sống vô cảm của tôi cũng chính là đồng lõa với tội-ác bán nước hại dân...
Chiến-dịch ký thỉnh-nguyện-thư hỗ-trợ công cuộc tranh-đấu cho nhân-quyền tại Việt-Nam nói chung và cách riêng cho nhạc-sĩ Việt Khang do nhạc-sĩ Trúc Hồ cùng bạn hữu của đài SBTN khởi xướng và phát-động đã tạm kết-thúc với con số tổng-kết trên 150 ngàn chữ ký của đồng bào và những cuộc tiếp-xúc giữa cộng-đồng người Việt với những nhân-sự hữu-trách của chính-giới Hoa-kỳ. Nếu chiến-dịch này đã tạo thành một sự-kiện có tầm ảnh-hưởng đáng kể thì dư-vang phức-tạp của nó cũng quan-trọng không kém. Chẳng hạn, từ những dư-luận đánh phá nhạc-sĩ Trúc Hồ vào những ngày trước khi chiến dịch khởi sự, rồi đến những thái-độ phấn-khởi khi con số chữ ký gia tăng mỗi ngày mà theo cách nói trong một bài viết của ông Tâm Việt là “lan như cháy rừng” và bây giờ là những lời khen tiếng chê… không loại trừ cả những lên tiếng kẻ vạch nọ kia cũng bốc mạnh như lửa khói... Tất cả đã làm nên giá-trị của một tấm gương trong vắt để mỗi người có thể soi mình trong đó mà nghiêm-túc nghiệm-duyệt lại cho riêng mình một số kinh-nghiệm nào đó rất thực-tế, rất chính-xác và cũng rất hữu-ích. Song đó là dư-luận chung kiểu chín người muời ý. 


Ở đây, người viết chỉ muốn nói lên lời cám ơn chân-thành với Việt Khang, một người trẻ đã và đang là một hiện-tượng rất đặc-biệt. Bởi vì nhờ vào những lời hát đầy tâm-sự nước non qua hai nhạc-phẩm “Việt-Nam tôi đâu” và “Anh là ai” mà ít ra Việt Khang cũng đã thôi thúc được hàng trăm ngàn trái tim đập mạnh lên, đã làm rung động tuổi trẻ Việt-Nam hôm nay. 
Vì vậy, theo tuổi đời, tôi muốn đuợc gọi Việt Khang bắng tiếng em để nhắc chừng tôi rằng thế-hệ đàn anh, đàn chị hay cha chú như tôi phải cám ơn em và đấm ngực mình.

Tôi đã ngậm-ngùi cúi đầu vì lời hát của em. Nó không phải là lời, là nhạc đuợc gạn lọc từng chữ, từng âm-hưởng theo cách làm nghệ-thuật mà là những giọt sầu được vắt ra từ não tuỷ, từ tâm can em.

Những câu em hỏi “Việt Nam tôi đâu?” và “Anh là ai ?” không phải là lời vặn-vẹo gây hấn mà là nỗi hốt-hoảng đến bàng-hoàng rất đơn giản và tự nhiên khi nhìn thấy một sự thật phũ-phàng mà nhiều, rất nhiều người Việt-Nam đã vì sao đó nên không mấy hiểu và âu-lo:


Giờ đây Việt-Nam còn hay đã mất 
mà giặc Tầu ngang tàng trên quê hương ta. 
Hoàng Trường sa đã bao người dân vô tội,
chết ngậm nguì vì tay súng giặc tầu


Em không phải là nhà đại-trí thức, không phải là những người mang trên mình nhiều tuớc vị, nhiều bằng sắc nhưng em và tôi cũng như tất cả họ đều đã được học chung một bài công-dân giáo-dục khai-tâm sơ-đẳng về lòng yêu nước trên ghế nhà trường. Có điều, tới lúc trưởng-thành, sau khi đuợc nhảy lên chức trọng quyền cao; được mang danh là các đấng làm thầy; đuợc sống trong cảnh phú-túc, thì tôi đã quên và họ đã chối bỏ. Còn em vẫn nhớ bài học căn-bản làm người dân của đất nước mình


Làm một người con dân Việt Nam, lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm. 
Người người cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi. 
Từng đoàn người đi chẳng nề chi. 
Già trẻ gái trai giơ cao tay, chống quân xâm lược… 


Em cần hãnh-diện và tự-hào về cái biệt-hiệu dài mà linh-mục Nguyễn Ngọc Tỉnh tặng em là “người nhạc sĩ trẻ miệt vườn tỉnh lẻ”. Chính vì em ở miệt vuờn, ở tỉnh lẻ chứ không phải từ các nước Anh, Pháp, Mỹ hay Rô-ma về nên em còn gắn liền với vườn ruộng, sông nước quê-hương; mới xót-xa với sự mất còn của từng tấc đất; mới thấy cần thiết phải đòi hỏi cái quyền được... “xuống đường để tỏ bày tình yêu quê hương này”; cảm thông được với “dân tộc này đã quá nhiều đắng cay” mà không chai sạn và vô-cảm như những người chỉ vì muốn được hưởng thêm các đặc-quyền, đặc-lợi mà đã huênh-hoang về sự hiểu biết của mình khi trâng-tráo giơ cao cái bánh vẽ làm việc theo khả năng còn nhu cầu có bao nhiêu là cứ việc xài. 


Tôi hiểu sự ngạc nhiên của em khi nhìn cảnh những công-an nhân-dân cũng là người Việt-Nam, nói tiếng mẹ đẻ Việt-Nam lại thẳng tay đàn-áp những người dân yêu nước đi biểu tình:


Xin hỏi anh là ai, sao bắt tôi tôi làm điều gì sai? 
Xin hỏi anh là ai, sao đánh tôi chẳng một chút nương tay? 
Xin hỏi anh là ai không cho tôi xuống đuờng để tỏ bày? 
Tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay.


Nhưng em có nghĩ rằng những sự bắt-bớ, đánh đập kia chẳng qua chỉ là việc làm của những kẻ cấp nhỏ vì họ ăn lương thì phải thừa hành, không đáng trách nhiều nếu so với thái-độ làm ngơ của những bậc này vị kia chẳng những đã giả câm giả điếc hết năm này tháng nọ, chưa bao giờ mở miệng nói một lời công-đạo trước những bất-công và phi-lý của bao nhiêu trường hợp bị đàn-áp cách bạo ngược mà lại còn giả mù để làm chứng gian rằng xã hội cộng sản là một xã-hội hoàn hảo trong đó không còn cảnh người bóc lột người thì ai tàn-ác, ai vô-ý-thức và vô-lương-tâm hơn? Ai làm cho “Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời, người lầm than đói khổ nghèo nàn, kẻ quyền uy giầu sang giối gian” hơn những kẻ đó?


Cám ơn em vì những lời em hỏi đã làm tôi thật sự biết nhức-nhối và bị dằn vặt trong ý-thức mình là kẻ chưa xứng để mang trên mình hai chữ Việt-Nam. 


Xin hỏi anh ở đâu
ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm?
Xin hỏi anh ở đâu
sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi?


Việt Khang nhỉ, phải chi những hành-động thô-bạo đó đến từ những bàn tay lông lá của ngoại nhân khác máu tanh lòng cũng như những câu chửi bằng tiếng Tầu, tiếng Nhật hay tiếng Pháp của những thời Bắc-thuộc, Nhật-thuộc hay Pháp-thuộc… mà trong khu nhà tù Hoả-lò hiện nay vẫn còn những mô-hình trưng bày chứng tích dã-man đó, thì cũng cam đành trong thân-phận người dân một nước bị ngoại xâm và bị đô-hộ, phải không? Còn bây giờ… Tôi đã thật thấm thía câu hỏi của em “sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi”. Cái thứ tiếng đựợc đặt tên là tiếng mẹ đẻ mà một nhạc-sĩ đã tỏ bày tình-cảm trân quý rằng “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” ấy giờ này dùng để chửi nhau, đặt bản án, nguyền rủa nhau giữa những người yêu nước và yêu chủ-nghĩa làm em ngạc nhiên, đau xót đến sững-sờ. Nhờ đó tôi giật mình tỉnh thức ra khỏi nỗi u-mê, trì-trệ trên những trang lý-thuyết về chủ-nghĩa này, giáo-điều nọ bằng tiếng Nga, tiếng Đức…


Nhớ lúc nhỏ, mỗi khi làm điều gì hư đốn mà bị mẹ tôi cho là thái-độ phạm đến tình cảm gia-tộc thì bị chửi nặng lắm. Đó là “mày là cái thứ từ lỗ nẻ chui lên” ý nói tôi giống như là một loại con hoang không nguồn không cội. Những khi đó, tôi tủi thân lắm. Bây giờ nghe em hỏi đi hỏi lại “anh ở đâu, sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi” tôi mới giật mình nghĩ đến cái cội nguồn chung của chúng mình em ạ. Nhất là tôi nhìn ra đụợc, tình yêu Quê-hương, Đất Nước không phát sinh từ học-vị hay phẩm-trật mà phải là từ cái tâm dẫn đến ý-thức minh bạch về cội nguồn thì mới trả lời thật dứt khoát câu hỏi của em “Anh ở đâu”. Không phải ở Tầu mà cũng không phải ở Tây. Ở trên giải đất hình chữ S trải dài từ ải Nam-quan đến mũi Cà-mâu. Em hỏi bằng những cảm xúc tự nhiên dậy lên từ trái tim nóng trong người thanh-niên Việt-Nam và tôi cảm thấy tủi nhục lắm trong tâm-thức Việt-Nam của mình, em biết không? Nỗi nhục này là sợi dây oan từng thời đã trói buộc nhiều thế-hệ rồi mà tôi và nhiều đồng-bào mình đã quên. Để cám ơn em, tôi lần về trang sử trước. 


Em còn nhớ đức Trần Hưng Đạo đã để lại gì cho chúng ta không? Đó là lời cảnh báo trong bài hịch các tướng sĩ từ thời nhà Trần rằng “…giặc Nguyên cùng ta là kẻ thù không đội trời chung, thế mà các ngươi cứ điềm nhiên, không nghĩ đến việc báo thù, lại không biết dạy quân sĩ, khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù…” 


Tôi tủi nhục vì lời ca tiếng hát của em đó, vì từ em tôi thấy mình đã là đứa hèn, bạc nhược; quanh năm suốt tháng chỉ biết chạy theo vui hưởng sự phồn vinh giả tạo của mình mà đành sống chui nhủi như thân lươn không quản lấm bùn. 


Cám ơn em vì những lời hát như là tiếng thét thất thanh giúp tôi cất đầu lên đuợc để mở mắt ra mà xem, dù có chút muộn màng. 


Cám ơn em vì em mới là con cháu đã không bỏ phí dòng sữa của mẹ Việt-Nam, đã xứng với sự hy-sinh của các anh-hùng liệt-nữ, hơn tôi. Em đã thuộc và nhớ bài học lịch-sử của Hưng Đạo Vương nên em bật khóc trước thực-tại hôm nay của Đất Nước, còn tôi thì đã thay thế nó bằng các triết-thuyết ngoại lai… "Huống chi ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu nhương, gặp buổi gian nan này, trông thấy những nguỵ sứ đi lại rầm-rập ngoài đuờng, uốn luỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể-phụ, lại cậy thế Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, ỷ thế Vân-nam Vương để vét bạc vàng. Của kho có hạn, lòng tham không cùng; khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau..." (Bài hịch các tướng sĩ)


Cám ơn em đã cất lên tiếng hát não-nuột ấy mà phần riêng tôi cũng cần phải nghĩ rằng em đang hỏi tôi. Anh là ai sao bấy lâu nay cứ hững-hờ, vô cảm vậy? Việt-Nam tôi đâu rồi, Việt-Nam của chúng ta đâu rồi, anh thấy không? 


Cám ơn em đã chọc thẳng tim tôi, đã dội vào óc tôi bằng những khắc-khoải đó mà tôi ấm lên đuợc tấm lòng Việt-Nam.


Cám ơn em vì tâm-tình của em đã làm xúc động các con, cháu tôi. Những người trẻ trên cùng khắp mọi quốc-gia tạm dung này vì có khi trước đó họ cũng rất mơ hồ về Việt-Nam. Chỉ nguyên việc những ý tình yêu nuớc đắng cay của em đã được dịch sang nhiều ngôn-ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Phổ-thông chẳng hạn đủ chứng tỏ em đã được khắp nơi đồng cảm, đồng tình bởi một lý-do đơn giản là chẳng có ở đâu lại xẩy ra cái điều thô-bạo là ngay cả những nốt nhạc, những lời ca yêu nước bi-thương chỉ nức-nở khóc cho mình, cho anh em mình và với Quê-hương trước hiểm-hoạ ngoại xâm mà bị đàn-áp và bị bỏ tù. 


Cám ơn em đã không bằng ngôn ngữ hận thù hay xách động mà chỉ bằng lòng tự-trọng đơn-thuần của người trai đất Việt, để thôi thúc những tấm lòng người trẻ… “từ khắp những phương trời và muôn lối đi trong đời gặp nhau trong tâm hồn Việt-Nam sáng ngời” (Phan Văn Hưng – Bài ca tuổi trẻ). Làm cho họ kết nối lại với cội nguồn dân-tộc mà hiểu dần ra bổn-phận mình:


Tôi không thể ngồi yên
khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng,
dân tộc tôi sắp phải đắm chìm
một ngàn năm hay triền miên tăm tối!
Tôi không thể ngồi yên
để đời sau cháu con tôi làm người
cội nguồn ở đâu 
khi thế giới này đã không còn Việt Nam?


Em nhớ mà, phải không, trong Hiến pháp của nhà nuớc năm 1992, nơi chương I, điều (1) đã ghi rằng Nuớc Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời… Lại cũng trong chương này, điều 17 nói rõ thêm là …Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục điạ và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân…”


Vậy mà Việt Khang ơi, đau quá, oan khuất quá phải không em khi chúng ta cứ phải nhìn từng phần lãnh-thổ và lãnh hải mặc nhiên bị cắt dâng cho Tầu. Càng đau hơn khi em đã cùng những bạn hữu, anh em khác chỉ biết hốt-hoảng đưa đôi tay gầy mang những tấm biểu-ngữ đi biểu-tình để tỏ thái-độ với ngoại-bang, để hy-vọng góp chút lòng mong giằng lại cái mình đã mất mà bị đánh đập, bị chửi rủa là gây rối. Em và họ cũng vì đã nhìn thấy những bọn nguỵ sứ đi lại rầm-rập ngoài đuờng hay trên vùng khai-thác bauxite ở Tây-nguyên mà em không ngậm im cho đuợc, mắt em không thể nhắm lại cho xong khi em còn dòng máu Việt-Nam nguyên tuyền chảy trong cơ-thể


Dân tộc anh ở đâu
sao đang tâm làm tay sai cho Tàu
để ngàn sau ghi dấu
bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào?


Cám ơn em vì em đã nhìn thấy và đã nói, nói cho em cho tôi và cho biết bao nhiêu người nữa.


Cám ơn em, vì nhờ em mà tôi nhìn ra mình - theo một cách nào đó - đang đứng chung trong hàng ngũ mà em gọi là kẻ nhu-nhuợc. Cho dù tôi không có quyền ký văn-kiện này, công-hàm nọ nhưng thái-độ im lặng của tôi, cách sống vô cảm của tôi cũng chính là đồng lõa với tội-ác bán nước hại dân. Cũng như lời của đức Hưng Đạo Vương ngày xưa đã nói “…trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn; thân làm tướng phải hầu giặc mà không biết tức; tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ mà không biết căm; hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa; hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển; hoặc vui thú về vườn ruộng; hoặc quyến luyến về vợ con; hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước; hoặc ham về săn bắn mà quên việc binh; hoặc thích rượu ngon; hoặc mê tiếng hát…” (Bài hịch các tướng sĩ) khi tôi ngày nay cũng đã và đang sống “vô tư” như vậy. Chỉ khác một điều là các thú vui hưởng thụ thời đức Trần Hưng Đạo xưa đã khác thời nay mà thôi. Các chuyến đi du-lịch Trung-quốc; các tiệc tùng liên-hoan; các cách hưởng thụ vô-ý-thức tại các khu “resort” năm sao; các vũ trường xa-hoa; các nơi giải trí rộn-ràng. Từng đêm và từng đêm, cả một thành-phố, một đất nước bừng lên rực-rỡ ánh đèn màu để những kẻ giầu sang dối gian mặc tình phóng túng làm nên bộ mặt phồn-vinh. Cứ như là một nơi nào khác mà không phải là nuớc Việt Nam của chúng ta vẫn còn bị xếp hạng cao trong những nước nghèo nhất thế-giới. Cũng ngay tại các thành-phố lớn như Sài-gòn, Hà-nội và trên khắp cả nước, tuyệt đại đa số đồng bào chúng ta vẫn còn là người lầm than đói khổ nghèo nàn và phải gánh chịu đủ thứ tệ-đoan, tham-nhũng, dân-sinh yếu kém, dân-quyền bị tước đoạt và nguy cơ mất nuớc gần kề.
Hai bài hát của em là hai lời tâm-niệm thiết-tha và tôi chỉ còn biết kết lại dòng tâm-tư mình bằng lời chân-thành thay cho tất cả…

Cám ơn em, Việt Khang.
Phạm Minh-Tâm
danlambaovn.blogspot.com
song  
#3 Đã gửi : 12/07/2012 lúc 11:13:33(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Anh là Ai? Tiếng Anh do một ca sĩ người Mỹ trình bày

Sửa bởi người viết 12/07/2012 lúc 11:16:11(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

song  
#4 Đã gửi : 20/12/2015 lúc 11:30:27(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Nhạc Việt Khang: ‘Anh’ và ‘Tôi’ và quê hương

UserPostedImage
Việt Khang trả lời RFA sau 4 ngày được tư do

“Viêt Nam ơi

Thời gian quá nửa đời người

Và ta đã tỏ tường rồi

Ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói

Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời

Người lầm than đói khổ nghèo nàn

Kẻ quyền uy giàu sang dối gian.

Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất

Mà giặc tàu ngang tàng trên quê hương ta

Hoàng Trường Sa, đã bao người dân vô tội

Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc tàu…” (Việt Nam tôi đâu?)


Có ai trong chúng ta sẽ không mang cảm giác bồi hồi, thổn thức khi nghe ba chữ “Việt Nam ơi” vang lên giữa bối cảnh đất nước lúc này?

Có lẽ là không! Chắc chắn là không!

Vì chỉ vỏn vẹn với ba từ “Việt Nam ơi” đơn sơ, chân tình như đứa con gọi “Mẹ ơi” ngày cất tiếng nói đầu đời, ca khúc này đã chiếm trọn vẹn trái tim và tình yêu của người dân Việt. Nhạc sĩ Việt Khang đã chạm đúng vào một góc nhỏ sâu thẳm nhất trong trái tim của từng người. Nơi góc trái tim ấy, có một tình yêu mà theo nhạc sĩ, thi sĩ Nguyễn Đình Toàn, nó là tình yêu được phóng lớn lên từ tình yêu trai gái, gọi là tình quê hương.

Ngay từ thuở nhỏ, chúng ta ai cũng được dạy cho tình yêu quê hương đất nước. Quê hương đối với nhạc sĩ Giáp Văn Thạch có thể là chùm khế ngọt, là tuổi thơ thả chơi trên đồng, đối với Phạm Minh Tuấn là giọt đàn bầu thon thả, với cố nhạc sĩ Phạm Duy là lời ru dịu dàng của mẹ. Những hình ảnh dịu dàng, yêu thương ấy… giờ ở nơi đâu? Việt Khang xót xa khi đến quá nửa đời người, đã tỏ tường nhận ra “sau những ngày tàn lửa khói”, Mẹ Việt Nam của anh, của triệu người Việt Nam khác đang “đau từng cơn xót dạ nhìn đời, nhìn “người lầm than đói khổ nghèo nàn”, nhìn “kẻ quyền uy giàu sang dối gian”.

“Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất?” Câu hỏi được hát lên xót xa như đứa trẻ ngơ ngác, thảng thốt hỏi tìm Mẹ, ngày Mẹ không còn nữa.

Việt Khang hỏi, hỏi thay cho dân tộc, hỏi thay cho nòi giống Lạc Hồng khi anh nhìn thấy đất nước đang dần chìm vào bóng tối.

“Trong thời điểm mà tàu Bình Minh 2 và tàu Hải Kiên 2 của Việt Nam đang thăm dò dầu khí mà bị cắt cáp, rồi người dân xuống đường biểu tình ở Sài Gòn và Hà Nội bị đàn áp. Đó là thời điểm tôi sáng tác hai bài hát này.”

“Xin hỏi anh là ai?

Sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?

Xin hỏi anh là ai?

Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay?

Xin hỏi anh là ai?

Không cho tôi xuống đường để tỏ bày

Tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay!


Xin hỏi anh ở đâu?

Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm

Xin hỏi anh ở đâu?

Sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi?


Dân tộc anh ở đâu?

Sao đang tâm làm tay sai cho Tàu?

Để ngàn sau ghi dấu

Bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào…” (Anh là ai?)


Lại một lần nữa, Việt Khang đã nói lên tiếng nói chung cho người dân Việt Nam. Những câu hỏi tưởng như rất đơn giản của bài học vỡ lòng về quê hương đất nước được anh thốt lên bằng sự phẫn uất, đau đớn. “Anh” và “tôi”, dù là hai chủ thể khác nhau trong vũ trụ, nhưng cùng một dòng máu Việt Nam cùng một tiếng nói dân tộc Việt Nam, sao lại không cho tôi tỏ bày tình yêu quê hương mình?

Và anh nói rằng, bằng một tâm trạng rất thực tế và đơn giản, anh đã viết lên ca khúc này.

“Nghe tất cả lời văn cũng như tất cả giai điệu cao thấp của tôi đã làm, có những bài tôi cũng đã hát. Thì tâm trạng của tôi thế nào thì tôi bộc bạch thế đó, trong cách hát của tôi, trong lời văn tôi sử dụng.”

Tâm trạng ấy đã làm nức lòng người Việt trong và ngoài nước, những người nhìn thấy được và nghe được tình yêu quê hương của Việt Khang. Một trong những người ấy là nhạc sĩ Trúc Hồ, người đã vận động chiến dịch trả tự do cho Việt Khang, đã đưa hai bài hát của Việt Khang đến với chính quyền Hoa Kỳ, chứng tỏ cho thế giới thấy vì tình yêu quê hương mà người nhạc sĩ yêu nước phải chịu cảnh tù đày. Trong một lần nói chuyện trên kênh truyền thông Asia, nhạc sĩ Trúc Hồ cho biết anh đã bị thuyết phục như thế nào trước hai tác phẩm này.

“Anh cùng hát với Việt Khang muốn nói lên sự thật là Việt Khang đã viết thay thế cho bao người. Qua bài nhạc anh mới biết Việt Khang, chứ từ xưa đến giờ anh không biết Việt Khang là ai. Nhưng chuyện đó không quan trọng. Cái quan trọng hơn nữa là một nhân tài như Việt Khang…khó, hiếm. Cho nên anh sẽ cố gắng hết mình. Anh…ca luôn. Ai chê anh hát dở, hổng sao, anh cùng hát với Việt Khang. Anh có bổn phận loan cái tin này ra cho toàn thế giới biết, là Việt Nam có một nhạc sĩ, một tâm hồn đẹp, sáng tác hay, ca hay, mà chỉ vì những cái đó mà ở tù. Chuyện khó tin, nhưng có thật.”


Câu chuyện khó tin, nhưng có thật ở Việt Nam dẫn đến bản án bốn năm và hai năm quản chế cho người nhạc sĩ yêu nước. Bốn năm sau, trong những bước chân tự do đầu tiên, thở hơi thở tự do đầu tiên, Việt Khang có tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi “Việt Nam tôi đâu?” của bốn năm trước hay chưa?

“Câu trả lời của tôi còn nằm trong sự hoài bão. Là những gì đã diễn ra, tích cực như thế nào, tiến triển như thế nào, chiều hướng sắp tới. Tình hình như mình thấy cũng đã thay đổi rất nhiều. Tôi cũng cảm thấy những gì đang diễn ra là chiều hướng tích cực.”


Rất nhiều người dân Việt Nam khi được hỏi họ mong đợi gì nhất sau sự trở về của ca nhạc sĩ Việt Khang, thì câu trả lời là họ mong được nghe, được hát nhiều thêm nữa các ca khúc nói lên tình yêu quê hương, đất nước, nói lên tiếng nói thật sự của một dân tộc đã và “đang gặp nhiều đắng cay”. Và riêng anh, thì anh đã nói, kiếp tằm thì phải nhả tơ.

“Nó vẫn còn nằm trong những cái mà mình gọi nôn na là những cái thuộc về thai nghén, những cái tình cảm, ý tưởng. Vì trong cái hoàn cảnh như thế này, không phải lúc nào mình nói cũng được. Tôi thì tôi không có nói nhiều. Tôi thích làm hơn là thích nói. cho nên là không thể nói trước. Tôi là một người nghệ sĩ. Tôi thích sự thật. Sự thật là cái giá trị nhất. Không có gì thay đổi được sự thật. Lập trường của tôi là như vậy.”

Để cho “đời sau cháu con tôi làm người” thì con tằm ấy sẽ tiếp tục giăng tơ, dệt lên những ca khúc yêu nước, nói lên tiếng nói của dân tộc. “Hoài bão” mà Việt Khang đã bày tỏ phải chăng cũng là mong muốn của toàn dân tộc, đó là đừng để ngày sau, thế hệ con cháu Lạc Hồng phải ngơ ngác, lạc loài khi bản đồ thế giới không còn nước Việt Nam.
Theo RFA
song  
#5 Đã gửi : 20/12/2015 lúc 11:33:57(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Việt Khang: Sức mạnh một bài hát, một bản án

UserPostedImage
Nhạc sĩ bất đồng chính kiến Việt Khang vừa mãn hạn 4 năm tù vì hai bài hát chống Trung Quốc và chất vấn chính sách cai trị của nhà cầm quyền Việt Nam: ‘Việt Nam tôi đâu’ và ‘Xin hỏi anh là ai’.

Sức mạnh của một bài hát lay động hàng triệu con tim người Việt khắp nơi đã khiến một nhạc sĩ phải đi tù, nhưng sức mạnh của bản án đó đã không lay chuyển được tinh thần và ý chí của một trái tim khao khát dân chủ-tự do.

Đó là câu chuyện của Việt Khang, nhạc sĩ trẻ vừa mãn hạn 4 năm tù vì hai bài hát chống Trung Quốc và chất vấn chính sách cai trị của nhà cầm quyền Việt Nam: ‘Việt Nam tôi đâu’ và ‘Xin hỏi anh là ai’.

Nhạc sĩ bất đồng chính kiến Việt Khang tên thật là Võ Minh Trí, sinh năm 1978 tại Tiền Giang. Anh bị bắt vào năm 2011 sau khi tự trình bày và phổ biến lên Youtube hai nhạc phẩm gây chú ý đặc biệt cho công luận trong và ngoài nước.

Việt Khang trở thành một ‘hiện tượng’ khi trường hợp của anh khơi dậy một chiến dịch thỉnh nguyện thư quy mô chưa từng có của người Việt trong và ngoài nước gửi thẳng vào Tòa Bạch Ốc kêu gọi chính phủ Mỹ tăng áp lực buộc Hà Nội tôn trọng nhân quyền, phóng thích tù nhân lương tâm vào năm 2012.

Tạp chí Thanh niên VOA hôm nay mời các bạn cùng gặp gỡ với tác giả của những ca từ ‘Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?’

Tải để nghe Sức mạnh một bài hát, một bản án
http://av.voanews.com/cl...839fa446362_original.mp3



Trà Mi: Hai câu hỏi bắt đầu bài hát của anh ‘Xin hỏi anh là ai, sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?’ anh đã có lời giải đáp cho mình chưa?

Việt Khang: Hình như đã có câu giải đáp. Người khác sẽ trả lời cho tôi câu hỏi này vì với tôi, thật sự khó trả lời, khó mà nói trong lúc này.

Trà Mi: Sau hai câu hỏi ‘Anh là ai?’ và ‘Việt Nam tôi đâu?’ anh bị lãnh 4 năm tù. Anh nghĩ sao về câu trả lời đó?

Việt Khang: Nói chung rất nhiều đắng cay, giống như câu hát sau đó ‘Đã quá nhiều đắng cay’. Câu hỏi ‘Anh là ai, sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?’ tôi không cần trả lời nhiều, để những người đã đối xử với tôi, tôi muốn tự họ hãy trả lời cho bản thân họ. Tôi muốn dành câu hỏi đó cho những người đã bắt tôi họ suy ngẫm lại.

Trà Mi: Đi tù vì 2 bài hát, anh có hối hận vì điều này?

Việt Khang: Những gì xảy ra đối với tôi là kết quả, không phải hậu quả. Tôi không ân hận gì.

Trà Mi: Hai bài hát của anh làm lay động con tim hàng triệu người Việt khắp nơi, anh muốn nói gì về hai đứa con tinh thần của mình?

Việt Khang: Chưa đầy 1 tháng hai bài hát đó ra đời. Hai đứa con tinh thần này chính là hoài bão, nỗi niềm, tình yêu của tôi. Tôi muốn đất nước mình tốt đẹp, bình an và người dân được hạnh phúc, ấm no. Trước những khó khăn và hiểm họa ngoại xâm, hai đứa con tinh thần của tôi đã giúp tôi nói lên sự thật vì thật sự tôi không thể ngồi yên hay lặng im. Hai bài hát đó tôi cũng không nghĩ là sẽ chạm được tới trái tim của nhiều người đến như vậy. Tôi thật sự rất bất ngờ khi đồng bào trong và ngoài nước quan tâm đến hai bài hát này và, quan trọng hơn là, quan tâm đến tình hình đất nước. Tôi cũng cảm ơn hai đứa con tinh thần của tôi.
http://gdb.voanews.com/A...-061213A06E61_w640_s.jpg
Nhạc sĩ Việt Khang trở về trong vòng tay của người thân và bạn bè (Facebook: Do Tung).

Trà Mi: Mong muốn đất nước được bình an đã khiến anh phải trả giá bằng sự bình an của bản thân…

Việt Khang: Không có gì làm tôi phải đắn đo suy nghĩ vì tôi không thể so sánh sự bình an của tôi với sự bình an của quê hương đất nước. Tôi không dám so sánh.

Trà Mi: Nhưng mọi việc có được như anh mong muốn hay hoàn toàn ngược lại?

Việt Khang: Tôi nghĩ đã được như ý tôi mong muốn. Rất nhiều người quan tâm đến hai bài hát và tình hình đất nước là tôi vừa ý lắm chứ.

Trà Mi: Có nhiều bản nhạc yêu nước ở Việt Nam, vì sao hai bài hát yêu nước của anh bị nhà nước xem là chống đối, nhạc sĩ Việt Khang suy nghĩ thế nào?

Việt Khang: Tại vì mình nói không đúng quan điểm của người ta thì họ cho là chống đối. Nhưng ở một thời điểm nào khác, họ sẽ cảm thông được. Suy cho cùng, tôi vì quốc gia, dân tộc và vì sự yên bình của đất nước chứ không vì một mục đích nào khác.

Trà Mi: Trong tác phẩm của mình, anh nói ‘chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam’ nhưng rốt cuộc anh lại bị coi là chống nhà nước, anh hiểu thế nào?

Việt Khang: Tại vì người ta không tách riêng ra. Chẳng hạn như tôi có nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói đại ý là một thước đất, một tấc biển của quê hương kẻ nào dám lấy làm mồi cho giặc thì đáng tội. Câu nói đó cũng giống câu nói của tôi thôi. Tôi chỉ muốn cảnh tỉnh, nhắn nhủ mọi người về cái họa ngoại xâm. Tôi chống kẻ thù xâm lược và chống lại những sai trái, những người có suy nghĩ lạc lối.

Trà Mi: Luật sư của anh, ông Trần Vũ Hải, cho báo giới biết anh thừa nhận bài hát của mình có nội dung ‘chống nhà nước Việt Nam’ , thừa nhận có tham gia Tuổi trẻ yêu nước, có tập hợp tài liệu nhằm chống nhà nước Việt Nam, và anh đã xin khoan hồng tại tòa. Thực hư việc này thế nào?

Việt Khang: Hoàn cảnh của tôi xuất thân từ một tỉnh lẻ. Khi tôi đấu tranh, nói lên sự thật, tôi cũng phải nghĩ đến những người thân yêu xung quanh tôi. Tôi không phải là một anh hùng, tôi chỉ là một công dân yêu nước. Còn cách làm, đó là quyền tự do chọn cách thức đấu tranh.

Trà Mi: Nhận tội-xin khoan hồng là điều kiện tiên quyết để được giảm án. Trong suốt thời gian thọ án, có bao giờ đề nghị này được đặt ra với anh?
Việt Khang: Đầu tiên tôi chọn cách là nhìn nhận các việc làm của tôi và tôi xin khoan hồng. Sau đó, tôi thay đổi. Tôi đã nói với họ rằng tôi đã chọn con đường này thì tôi phải đi, không gì lay chuyển được tôi. Cho nên, tôi ở tù đủ 4 năm mới về.

Trà Mi: Anh nghiệm ra điều gì từ bản án này?

Việt Khang: Tôi nghiệm ra rằng mọi chuyện không thể khác được, buộc phải xảy ra như vậy, buộc tôi phải làm theo cách của tôi, và buộc ngày hôm nay tôi phải nhận đủ 4 năm tù mới về trong thời điểm này để cho những chuyện gì xung quanh tôi xảy ra và có chiều hướng tích cực hơn, tốt hơn.

Trà Mi: Hài lòng với tất cả những gì mình đã đi qua, anh cảm nhận thế nào về sức mạnh của một bài hát và sức mạnh của một bản án?

Việt Khang: Trong cuộc sống này phải có sự đánh đổi, phải có sự hy sinh. Là một người công dân yêu nước, tôi dùng nghề nghiệp của tôi để nói lên lòng yêu nước của tôi để nhiều người nghe, cảm nhận, cảm thông được với tôi về tình hình quê hương đất nước đang gặp khó khăn, hiểm nguy. Điều này được nhiều người quan tâm, đối với tôi là đủ rồi.

Trà Mi: Còn sức mạnh của bản án anh vừa lãnh, nó có đủ lay chuyển tinh thần-ý chí của cá nhân anh?

Việt Khang: Cá nhân tôi mà có lay chuyển chắc có lẽ tôi đã không dám ngồi đây để nói chuyện với chị đâu vì có những cái không…vì tôi còn đang trong thời hạn 3 năm quản chế.

Trà Mi: Trong điều kiện chính trị không dung chấp bất đồng tại Việt Nam, bài hát của anh bị xem là thách thức nhà cầm quyền, là đụng chạm. Anh có lường trước mọi chuyện trước khi chấp bút viết lên những ca từ đó?

Việt Khang: Có chứ, tôi biết chứ, nhưng không làm khác được. Tôi phải làm thôi. Tôi cũng phỏng đoán một là có thể mình gặp khó khăn, cam go; hai là biết đâu mình không bị sao cả và mọi chuyện sẽ tốt đẹp như mình muốn rằng đất nước của mình sẽ được tự do, ấm no, hạnh phúc. Nhưng cuối cùng, trong cuộc sống này không có trải nghiệm nào mà không có ý nghĩa của nó.

Trà Mi: Vì lường trước nên anh đã tự hòa âm, trình bày ca khúc, và phổ biến lên Youtube chứ không nhờ một ca sĩ nào thể hiện?

Việt Khang: Tôi không dám đụng chạm tới ai cả vì tôi biết việc làm này không đơn giản. Cho nên, tôi đã chọn cách làm một mình mình.
Trà Mi: Hai bài hát xuất phát từ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc như mọi người vẫn nghĩ, nhưng mở đầu với câu ‘Thời gian quá nửa đời người. Và ta đã tỏ tường rồi’ nghĩa là những suy ngẫm ấy tích tụ từ bao nhiêu năm chứ không phải chỉ từ vài cuộc biểu tình?

Việt Khang: Đúng, bài ‘Việt Nam tôi đâu’ là tôi tích góp lại tất cả vì tôi cảm nhận được những gì xảy ra. Là người sinh sau đẻ muộn, tôi nghe và tìm hiểu những gì đã xảy ra trước khi tôi ra đời cũng như hiểu được những gì của thời bây giờ. Tôi tích góp, xâu chuỗi lại, và kể thành một câu chuyện dài rằng qua nửa đời người, quê hương tôi đã trải quá nhiều cay đắng, nghiệt ngã mà giờ đây lại đứng trước họa ngoại xâm như vậy có đáng hay không?

Trà Mi: Là ‘người sinh sau đẻ muộn’ thuộc thế hệ trẻ, từ bao giờ anh bắt đầu ‘Xót dạ nhìn đời’?

Việt Khang: Cuộc sống của tôi rày đây mai đó đi ca hát. Tôi nhìn thấy những đứa bé bán vé số hoặc nhiều hoàn cảnh tương tự, mình xót xa chứ. Mình thương mà mình không làm gì được cho người ta, xót xa lắm.

Trà Mi: Vẫn lời bài hát của anh, ‘Tôi không thể ngồi yên khi nước Việt Nam ngã nghiêng’, những tiếng nói ‘không thể ngồi yên’ như thế lần lượt bị tù, vậy tuổi trẻ Việt Nam có thể làm gì để Việt Nam không bị ‘ngã nghiêng’?

Việt Khang: Thì trước mắt phải có hy sinh, phải giống như tôi như thế này, nhưng tôi không muốn có ai phải trải qua những khó khăn như tôi. Tôi muốn những tấm chân tình yêu thương đất nước, yêu thương con người Việt Nam sẽ được yêu thương một cách công khai, chân thành, thật nhất mà không bị gì cả. Tôi hy vọng đất nước của mình ngày càng thay đổi tốt đẹp hơn, sánh vai với các nước tự do-dân chủ.
Trà Mi: Kêu gọi đáp lời sông núi bị đáp trả bằng án tù thì ai còn dám hưởng ứng lời kêu gọi đó? Nếu có ai đặt ra câu hỏi này, anh phản hồi thế nào?

Việt Khang: Không có cuộc đấu tranh nào mà không có hy sinh, mất mát. Nó buộc phải như vậy.

Trà Mi: Nhưng nếu ‘Xót dạ nhìn đời’ để cuối cùng xót dạ nhìn bản thân bị tù tội, giới trẻ Việt Nam thao thức không biết nên hay chăng?

Việt Khang: Mình nói sự thật. Cái cần nói mình phải nói thôi. Tôi hy vọng tương lai sắp tới, đất nước mình sẽ được bình yên, không phải bị đau thương mất mát gì nữa, không phải trải qua một cuộc chiến nào nữa. Tôi mong đất nước tốt đẹp hơn để khắp nơi kéo về cùng xây dựng một quê hương tự do, thanh bình , dân chủ, ấm no, hạnh phúc với tất cả mọi người. Nhân đây, tôi xin cảm ơn tất cả quý vị luôn nghĩ về tôi. Xin tri ân tất cả. Tôi cầu mong Chúa sẽ ban ơn lành, an vui hạnh phúc cho tất cả, đặc biệt trong mùa Giáng sinh sắp tới.

Trà Mi: Cảm ơn anh rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.
Theo VOA
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.501 giây.