Tom Hanks trong phim "Bridge of Spies" của Steven Spielberg.
2015 Twentieth Century Fox
Ngay từ hình ảnh đầu tiên người xem có thể linh cảm được ngay tác phẩm Bridge of Spies (tựa tiếng Việt là Người đàm phán) là một bộ phim hay. Với nhịp điệu rất chậm, cảnh quay cho thấy một người đàn ông đầu hói đang ngồi tự vẽ chân dung. Một gián điệp nằm vùng lúc nào cũng sợ bị ‘’lật tẩy’’. Người đàn ông soi gương có lẽ cũng không ngờ sớm muộn gì ông cũng để lộ chân tướng.
Ngày 14/01/ 2016, làng điện ảnh Hollywood sẽ công bố danh sách các bộ phim đi tranh giải Oscar năm nay. Nhưng chưa gì hai tờ báo có uy tín trong ngành là Variety và Hollywood Reporter đều dự báo bộ phim Bridge of Spies (tựa tiếng Pháp là Le Pont des Espions, hiểu theo nghĩa « Trao đổi tù binh trên cầu ») của đạo diễn Steven Spielberg có nhiều triển vọng dẫn đầu bảng tranh giải với ít nhất là 10 đề cử Oscar.
Với Tom Hanks trong vai chính, tác phẩm mới của đạo diễn Steven Spielberg đã thuyết phục được các nhà phê bình cũng như công chúng xem phim. Tính tới nay, bộ phim Bridge of Spies đã thu về hơn 250 triệu đô la toàn cầu, trong khi ngân sách thực hiện tác phẩm này chỉ là khoảng 40 triệu đô la. Với thành phần diễn viên hầu như toàn bộ là phái nam, trong phim này nữ diễn viên vào vai vợ của Tom Hanks chỉ quay 4 màn có lời thoại, tác phẩm của Steven Spielberg sẽ không có đề cử diễn xuất cho các vai nữ, nhưng ngược lại bộ phim này được xem như là sáng giá trong hầu hết các hạng mục khác.
Mà quả thật là Bridge of Spies xuất sắc trên khá nhiều phương diện : từ chỉ đạo đến diễn xuất, từ kịch bản tới dựng phim. Kẻ đứng diễn trước camera, người quay phim đằng sau ống kính, đạo diễn Steven Spielberg và nam tài tử Tom Hanks đã nhiều lần làm việc với nhau để hoàn thành những bộ phim nổi trội. Lần này, cặp bài trùng còn triệu mời thêm nhiều tên tuổi lớn trong đó có hai anh em đạo diễn (Ethan & Joel) Coen (nổi tiếng nhờ Fargo và No Country for Old Men) đặc trách khâu viết kịch bản, Adam Stockhausen thì dàn dựng bối cảnh cho Bridge of Spies sau khi đoạt giải Oscar nhờ tác phẩm The Grand Budapest Hotel. Để hoàn tất dự án của mình, Steven Spielberg đã khéo chọn lựa những người "có tài" về làm việc trong cùng một êkíp.
Chuyện thật thời chiến tranh lạnhBộ phim Bridge of Spies dựa vào một câu chuyện có thật mà thời nay ít được ai biết tới. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông-Tây, Rudolf Abel người đàn ông tự vẽ chân dung trong đoạn phim mở đầu, bị cơ quan phản gián Mỹ bắt giữ vào năm 1957 (tại New York) vì tội làm gián điệp cho Liên Xô. Mỗi lần ông cầm bảng vẽ tới chân cầu Brooklyn, Rudolf Abel gọi là vẽ phong cảnh nhưng thật ra là để nhận mệnh lệnh và trao đổi thông tin tình báo.
Tòa án Liên bang Hoa Kỳ nhờ Nghiệp đoàn Luật sư Brooklyn tìm người biện hộ cho Rudolf Abel. Tuy là luật sư ngành bảo hiểm, nhưng rốt cuộc James B. Donovan (do Tom Hanks thủ vai) lại được chọn. Thủ tục tố tụng cũng như phiên xử thật ra chỉ là một hình thức : nếu như luật pháp Hoa Kỳ bảo đảm cho bị cáo một phiên xử công bằng, thì trên thực tế, nhân danh lợi ích quốc gia, nhất là trong thời chiến tranh lạnh, toà án đã định sẵn phán quyết từ trước. Một cách khéo léo, luật sư Donovan đến tận nhà vị thẩm phán thuyết phục ông thay vì tuyên án tử hình, chỉ nên phạt tù chung thân, vì biết đâu chừng sau này còn có chuyện trao đổi tù binh gián điệp.
Luật sư trong lúc chạy án tìm đủ mọi cách biện minh để tránh cho thân chủ của mình ngồi trên ghế điện. Bất ngờ thay, điều mà ông dự báo lại xảy ra vài năm sau. Vào giữa năm 1960, quân đội Liên Xô bắn hạ chiếc phi cơ do thám U-2 của Mỹ, trong lúc đang bay vào không phận Nga để chụp ảnh các căn cứ quân sự từ trên không trung. Liên Xô bắt giữ Francis Gary Powers và kết án viên phi công về tội gián điệp. Hầu như vào cùng một thời điểm, một sinh viên Mỹ cũng bị bắt tại Đông Đức và buộc tội thông tin tình báo.
Trao đổi tù binh : Đổi một lấy hai Phía chính quyền Mỹ cử luật sư Donovan sang Berlin đàm phán về việc trao đổi tù binh. Chỉ cần ông đổi gián điệp Nga để lấy lại viên phi công trẻ người Mỹ là xong chuyện. Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ, một cách liều lĩnh táo bạo, luật sư Donovan quyết định "đổi một lấy hai", bởi vì trong thâm tâm ông thừa biết cậu sinh viên bị bắt ở Đông Đức là người vô tội. Dù ván cờ hết sức rủi ro, nhưng ông không thể nào thí con tốt để đổi lấy con mã, cứu người này mà bỏ người kia. Vào rạng sáng một ngày mùa đông đầu năm 1962, cuộc trao đổi tù binh cuối cùng diễn ra trên chiếc cầu Glienicke ở Berlin. Sự kiện này làm nên tựa đề của bộ phim Bridge of Spies.
Tác phẩm Bridge of Spies được phóng tác từ hai quyển sách, trong đó có quyển "Bridge of Spies : A true story of the Cold War" phát hành năm 2010 của nhà báo người Anh Giles Whittell, từng làm thông tín viên (tại Washington DC rồi sau đó tại Matxcơva) cho tờ báo The Times của Anh. Nhưng quan trọng hơn nữa là quyển hồi ký tự truyện ‘’Strangers on a Bridge’’ của chính luật sư James B. Donovan, từng đích thân đàm phán về việc trao đổi tù binh.
Cái tài kể chuyện của đạo diễn Steven Spielberg khi dựng phim là ông dùng những câu chuyện nhỏ (tiểu sự) để soi sáng câu chuyện lớn (đại sự cũng như lịch sử), cái khéo của Spielberg là ông không cần phải nói nhiều, mà chỉ cần cài những hình ảnh gợi ý là đủ để phác họa bối cảnh lịch sử. Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, công việc tuyên truyền không chỉ diễn ra ở Liên Xô, mà là ở cả hai phía Đông cũng như Tây.
Thuyền trôi ngược dòng : Đứng mũi chịu sào Trước mối đe dọa tiềm tàng của vũ khí nguyên tử, cuộc sống sung túc thịnh vượng của người Mỹ có thể tiêu tan thành mây khói, xoá sổ trong chớp mắt. Chỉ cần một vài hình ảnh mà ông giải thích tài tình vì sao luật sư Donovan phải đứng mũi chịu sào.
Ngay cả vợ con ông cũng không hiểu vì sao ông lại chấp nhận bào chữa cho ‘’kẻ thù không đội trời chung’’. Dư luận xã hội cũng đòi phải hành quyết tên gián điệp nên không hiểu vì lý do nào ông lại xin “tha mạng” cho một kẻ ‘’nằm vùng’’.
Bất chấp áp lực tứ bề, sức ép đến từ mọi phía : chính quyền, dư luận, gia đình, báo chí và kể cả giới trong nghề, luật sư Donovan tuân thủ điều mà ông cho là đã được ghi trong Hiến pháp Hoa Kỳ, không thể vì lợi ích quốc gia mà chối bỏ quyền công dân.
Xa hơn nữa ông làm những điều mà ông cho là cần làm, bởi vì đó là tiếng gọi của lương tâm. Từ cái tiếng gọi ấy mà nhân vật chính trở nên bất khuất kiên cường : Gió lớn có xoay chiều, thân cây vẫn không gẫy. Bão táp vẫn kiên định, phong ba ta trụ vững.
Tác động hình ảnh : Ngấm ngầm mà thâm Trong ít nhất là ba đoạn phim, đạo diễn Steven Spielberg chứng tỏ bản lĩnh thượng thừa, bởi vì chỉ có bậc thầy mới tận dụng ngôn ngữ điện ảnh hay đến như vậy. Xen kẻ cả hai thủ pháp hoán dụ và ngụ ý, Steven Spielberg còn biết cài đặt những hình ảnh có tác dụng chậm và ngầm, như thể ông cho người xem phim uống thuốc. Thuốc mới uống vào có vẻ không hiệu nghiệm, chỉ vài lúc sau thuốc mới thật sự phát huy tác dụng.
Cuối phim, khi ngồi trên xe điện Brooklyn, luật sư Donovan chợt thấy một nhóm trẻ đùa giỡn, rủ nhau trèo tường vượt qua hàng rào. Hình ảnh ấy làm cho ta nhớ lại cái đoạn giữa phim khi người dân Đông Đức bị bắn chết hàng loạt khi họ tìm cách đào thoát trèo qua bức tường Berlin. Hình ảnh của nhóm trẻ nô đùa trở nên ý nghĩa, phát huy tác dụng nhờ hình ảnh của dân Đông Đức sẵn sàng đánh đổi sinh mạng để đi tìm tự do.
Ở đoạn đầu, gián điệp Nga tự vẽ chân dung, đến cuối phim ông lại vẽ tặng bức chân dung của luật sư James B. Donovan (do Tom Hanks thủ vai), người đã liều mình cứu mạng nhiều người khác. Vị luật sư này tiêu biểu cho mẫu người mà gián điệp Nga Rudolf Abel gọi là ‘’Standing Man’’ (đàn ông đứng vững, một người kiên định).
Hình ảnh đầu tiên của tác phẩm Bridge of Spies đến cuối phim mới phát huy trọn vẹn tác dụng, cái thâm của Spielberg là để cho thuốc tác động ngấm ngầm, đến khi ra về khán giả vẫn còn thấy thấm. Trao đổi tù binh là một canh bạc, một ván bài lật ngửa, nơi mà mọi lá bài đều phải lộ tẩy. Mãi đến lúc ấy, người ta mới thấy rõ chân tướng của một vị luật sư kiên cường : cây ngay không sợ chết đứng, dù thế giới có nhiễu nhương, dù lắt léo nhiều đường do lưỡi không xương.
Theo RFI