Dự án DNA lớn nhất để xác định những người chết trong cuộc chiến Việt NamCác chuyên gia Việt Nam sẽ được huấn luyện tại Đức trước khi thực hiện công tác xét nghiệm hàng ngàn mẫu xương mỗi năm để tìm danh tính của người chết trong cuộc chiến Việt Nam. Trong hình là một gia đình đang chạy giặc trên Quốc Lộ 1 sau khi thoát khỏi đạn pháo kích của cộng sản trên cao nguyên miền Trung năm 1975. (Bettmann/ Corbis)
Hơn bốn thập niên sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, hài cốt của các thường dân cũng như những người lính vô danh thuộc cả hai phía Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Sản vẫn đang được khai quật.
Giờ đây đã có những nỗ lực được bắt đầu để xác định xương cốt của gần nửa triệu người Việt Nam mất tích, trong cuộc chiến chống Cộng Sản bảo vệ miền Nam từ năm 1955 tới năm 1975.
Các chuyên gia đang sử dụng kỹ thuật DNA tân tiến nhất, để xét nghiệm những bộ hài cốt được tìm thấy trên khắp đất nước, trong nỗ lực lớn nhất từ trước đến nay nhằm xác dịnh danh tính của những hài cốt. Những mồ chôn tập thể của thường dân miền Nam bị sát hại bởi quân cộng sản cũng có thể được xét nghiệm trong dự án lớn nhất.
Ông Craig Venter là một cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam, và là một người đi tiên phong trong khoa học về hệ thống di truyền. Ông nói với tạp chí khoa học Nature, “Khi tôi còn là một người lính quân y 21 tuổi ở Việt Nam thời đó, tôi không bao giờ tưởng tượng rằng một dự án như vậy lại có thể thực hiện được.
“Chúng tôi đã xem việc đếm xác như là số liệu thống kê. Bây giờ, sau mấy chục năm, người ta có thể xác định danh tánh.”
Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có thể xác định được căn cước của mấy trăm người chết trong chiến tranh, bằng cách sử dụng các phương pháp cũ. Điều này khiến cho hàng ngàn gia đình vẫn tuyệt vọng, về việc tổ chức tang lễ chính thức cho những người thân của họ đã mất tích từ lâu.
Trong năm 2014, nhà cầm quyền Việt Nam hứa sẽ đầu tư $25 triệu Mỹ kim, để nâng cao khả năng tại ba trung tâm xét nghiệm DNA hiện đang có, để cho những cơ sở ấy có đủ phương tiện với nhiệm vụ rất lớn và quan trọng này.
Trong tháng qua, Cộng Sản Việt Nam đã ký một hợp đồng với Bioglobe, một công ty chẩn đoán y khoa ở Hamburg, để các chuyên gia DNA Việt Nam được huấn luyện hầu bắt kịp được tốc độ với kỹ thuật mới.
Các chuyên gia sẽ sử dụng những bộ dụng cụ do công ty của Đức này sản xuất, được gọi là Qiagen. Những bộ đồ nghề ấy được thiết kế để tiết lộ càng nhiều chi tiết DNA càng tốt, từ những nguồn khó khai thác, chẳng hạn như xương cũ.
Họ sẽ tán các mẫu xương ra thành bột, và cất vào trong những hộp kín có chứa những loại hóa chất làm sạch xương, trước khi dùng phương pháp hóa học mà phá vỡ các tế bào để trích xuất DNA.
Sau đó, một bộ dụng cụ khác sẽ kiểm tra nhiều bản sao của một chuỗi DNA, đối chiếu với một tập hợp lớn hơn mức bình thường gồm các dấu hiệu di truyền, để lập ra một hồ sơ DNA, và chỉ cho thấy bất kỳ chất nào chặn đứng tiến trình này.
Nếu những chất này tỏ ra bướng bỉnh, các mẫu xương sẽ được phân tích bằng cách sử dụng những tiến trình được phát triển bởi Ủy Ban Quốc Tế Về Những Người Mất Tích (ICMP).
Những hồ sơ di truyền được hoàn thành sẽ được kiểm tra đối chiếu với các cơ sở dữ liệu dân số hiện đại, với mục tiêu tìm ra các thân nhân còn sống của những người đã khuất.
Ông Wolfgang Hoppner, giám đốc điều hành của Bioglobe, nói rằng dự án này vẫn gặp phải những trở ngại đáng kể. Trong số đó có những điều kiện khí hậu ẩm ướt của Việt Nam, có thể làm suy giảm phẩm chất DNA của các thi thể được chôn trong những huyệt cạn, cách đây mấy chục năm.
Nội số lượng xương cốt có liên quan cũng là một trở ngại phải vượt qua. Điều này có nghĩa là một cách thức tiếp cận có hệ thống rất quan trọng, cũng như việc tạo ra một ngân hàng lớn chứa DNA thu thập được từ dân số hiện nay.
Một chương trình tiếp xúc cộng đồng đã được dự định thu thập mẫu nước bọt của các tình nguyện viên. Thế nhưng vì chiến tranh đã chấm dứt cách đây mấy chục năm, nên có thể các mẫu phải phát xuất từ những người bà con xa có DNA không giống lắm, khiến cho công việc trở nên khó khăn hơn.
Ủy ban ICMP ở Sarajevo, Bosnia từng giúp xác định căn cước của hầu hết những người thiệt mạng trong vụ thảm sát Srebrenica vào năm 1995, cũng như những người khác chết trong cuộc xung đột.
Bây giờ họ sẽ giúp đào tạo các nhà khoa học Việt Nam tham gia vào dự án mới, nhằm xác định căn cước ở quy mô rất lớn.
Viện Công Nghệ Sinh Học trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam, địa điểm của phòng thí nghiệm được nâng cấp đầu tiên, đang hy vọng trong năm tới, khi các phòng thí nghiệm được hoàn thành và bắt đầu hoạt động, thì hài cốt của từ 8,000 đến 10,000 người sẽ có thể được xác định căn cước mỗi năm.
Theo báo Viễn Đông