Vợ chồng nhạc sĩ Trúc Hồ hồi tưởng về chặng đường 15 năm thành lập SBTN
Hai xướng ngôn viên Bảo Châu và Diệu Quyên trong chương trình Tin Buổi Chiều.
Vào ngày 4 Tháng 2 2016 tới đây, SBTN sẽ tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập của mình. Chặng đường 15 năm tuy chưa dài, nhưng chứa thật nhiều kỷ niệm buồn vui cho những sáng lập viên, đã có mặt từ những ngày đầu, khởi xướng một công việc mang tính đại diện cho cộng đồng Người Việt Tị Nạn này.
Nhạc sĩ Trúc Hồ -Tổng Giám Đốc và một trong những sáng lập viên của SBTN - còn nhớ rất rõ về những ngày tháng đầu tiên của SBTN. Vào năm đầu tiên của thế kỷ 21, nhu cầu cần có một đài truyền hình làm tiếng nói chung cho cộng đồng Người Việt Tị Nạn ở Mỹ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Gia đình nhạc sĩ Trúc Hồ cùng một số thân hữu quyết tâm thực hiện công việc này.
Vào cuối năm 2000, anh Trúc Hồ ký được hợp đồng với công ty International Channel. Công ty Mỹ này sẽ phụ trách việc tìm kênh phát sóng truyền hình trên toàn quốc cho chương trình truyền hình nói tiếng Việt 24/24 đầu tiên, do nhóm của nhạc sĩ Trúc Hồ thực hiện.
Đến mùa xuân năm 2001, những chương trình đầu tiên của đài truyền hình SBTN đã được thực hiện, phát sóng qua hệ thống truyền hình cáp. Định hướng ban đầu của các sáng lập viên cho SBTN là: đây sẽ là một chương trình truyền hình đại diện cho tiếng nói của cộng đồng Người Việt Tị Nạn khắp nơi tại Hoa Kỳ, bao gồm cả tin tức, cùng các chương trình văn hóa, giải trí…
Nhạc sĩ Trúc Hồ kể lại những khó khăn của “thuở ban đầu” ấy. Vào thời điểm đã ký được hợp đồng, công việc thực hiện một chương trình truyền hình 24/24 là một việc làm hoàn toàn mới mẻ đối với cộng đồng Người Việt ở Mỹ. Anh Trúc Hồ và bằng hữu đã có nhiều năm làm cho Trung Tâm Asia, nên cũng có nhiều kinh nghiệm về vấn đề dàn dựng sân khấu, thâu hình… Tuy nhiên, dàn dựng chương trình truyền hình là một chuyện khác. Nhạc sĩ Trúc Hồ đã phải tìm đọc nhiều tài liệu hướng dẫn, tham khảo kinh nghiệm từ các đài truyền hình Mỹ. Những người đi tiên phong phải dọ dẫm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Khó khăn kế đến là vấn đề nhân sự. Vạn sự khởi đầu nan, đặc biệt là đối với công việc làm văn hóa Việt Nam tại Mỹ. Làm sao có đủ thu nhập để chi trả cho những chi phí của một đài truyền hình, lên đến gần 1 triệu USD trong một năm? Anh Trúc Hồ kể lại nhiều nhân viên của SBTN vào thời điểm khởi đầu làm việc với tinh thần tự nguyện. Cố nhạc sĩ Việt Dzũng - một trong những người phụ trách chương trình tin tức đầu tiên của SBTN - là người thường xuyên nhận lương sau cùng, còn tuyên bố là “chừng nào có thì trả cũng được”.
Hầu như cả nhà của nhạc sĩ Trúc Hồ làm việc không công trong thời gian đầu. Còn phải kể đến rất nhiều anh chị em nhân viên, nghệ sĩ của Trung Tâm Asia sang làm việc cho SBTN với mức lương tối thiểu. Anh Trúc Hồ chia sẻ chân tình rằng “…không có Trung Tâm Asia thì không thể có SBTN được…”.
Nhưng rồi những năm tháng khó khăn đầu cũng vượt qua. Nhạc sĩ Trúc Hồ nhớ lại đến khoảng sau 5 năm thì tình hình tài chính mới đỡ căng thẳng. Đó cũng là khoảng thời gian SBTN bắt đầu được phát sóng trên hệ thống vệ tinh DirectTV cùng với truyền hình cáp. Cái quan trọng là do người đồng bào hải ngoại mình bắt đầu quen thuộc hơn với khái niệm “xem chương trình ti vi phải trả tiền”.
Nhiều người vì trân trọng những đóng góp của SBTN cho cộng đồng Người Việt Tị Nạm ở Mỹ, nên sẵn sàng trả tiền để xem SBTN. Đây là một yếu tố sống còn đối với SBTN. Nhạc sĩ Trúc Hồ nhấn mạnh: “Không có sự thương yêu của khán giả, SBTN không thể tồn tại”. Điều này đặc biệt càng có ý nghĩa hơn, khi mà khoảng chừng hơn 5 năm trở lại đây, SBTN lại phải cạnh tranh với những đài tiếng Việt địa phương phát hình miễn phí.
Khi có cả chục chương trình TV được xem không phải mất tiền, thì tại sao phải trả tiền để xem SBTN? Câu trả lời từ khán giả SBTN hết sức rõ ràng: khán giả ủng hộ lập trường dứt khoát và không thay đổi của SBTN ngay từ những ngày đầu thành lập. SBTN là tiếng nói đoàn kết của cộng đồng Người Việt Tị Nạn - Người Việt Tự Do không cộng sản.
Những sinh hoạt cộng đồng ở khắp nơi như Little Saigon - Quận Cam, San Jose, Houston, Washington D.C, Canada, Úc Châu… được phổ biến trên toàn Hoa Kỳ, Canada, và Úc qua SBTN. Những hoạt động chống lại sự đàn áp của CSVN đối với người dân, phong trào dân chủ trong nước, chống lại âm mưu xâm lăng vào lĩnh vực văn hóa, tư tưởng của CSVN đối với người Việt tự do hải ngoại… được trình chiếu qua SBTN. Cộng đồng người Việt tự do ở Mỹ nói riêng, và trên toàn thế giới nói chung trở nên đoàn kết hơn, có chung một tiếng nói hơn thông qua sự kết nối của SBTN.
Bên cạnh sứ mệnh đoàn kết cộng đồng là sứ mệnh bảo tồn nền văn hóa Việt Nam. Những chương trình nuôi dưỡng tiếng Việt cho thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại hải ngoại. Những chương trình ca nhạc gìn giữ nền âm nhạc bất hủ của Miền Nam Việt Nam trước 1975.
Và còn phải kể đến những hoạt động từ thiện của cộng đồng, nhờ vào sự góp sức của SBTN mà gặt hái những thành công vô cùng to lớn. Đầu tiên phải kể đến là các đại nhạc hội Cảm Ơn Anh, gây quĩ để giúp đỡ các anh em thương phế binh VNCH còn ở lại trong nước. SBTN đã hỗ trợ mọi phương tiện kỹ thuật, nhân sự miễn phí, trực tiếp truyền hình chương trình đại nhạc hội trên toàn quốc. Nhờ sự hỗ trợ này, mà sự ủng hộ của đồng bào khắp nơi thật là mạnh mẽ.
Hằng năm, đại nhạc hội đem về từ vài trăm ngàn đến 1 triệu USD để giúp đỡ cho những ân nhân của cộng đồng chúng ta, hiện đang phải sống cơ cực tại quê nhà. Tương tự là các chương trình ca nhạc giúp đỡ cho nạn nhân bị thiên tai bão lụt, động đất ở Việt Nam, Phi Luật Tân, Nepal… với sự hỗ trợ phát sóng toàn quốc của SBTN, hiệu quả của công việc gây quĩ tăng lên rất rõ rệt.
Khán giả hẳn sẽ còn thương mến SBTN hơn nữa, khi biết những người tham gia đóng góp gầy dựng từ thuở ban đầu còn phải hy sinh cả thời giờ riêng dành cho gia đình. Xướng ngôn viên Diệu Quyên - hiền thê của nhạc sĩ Trúc Hồ, một trong những xướng ngôn viên và MC kỳ cựu của SBTN - kể lại những ngày đầu làm việc khó khăn của mình. Bởi vì xướng ngôn viên thời gian đầu là vô cùng thiếu, cho nên họ phải làm việc hầu như ít có thời giờ nghỉ ngơi.
Xướng ngôn viên Diệu Quyên kể, mỗi khi đến dịp lễ tết, Giáng Sinh… chị phải đi làm xướng ngôn viên thay thế, để đồng nghiệp của mình được nghỉ ngơi với gia đình. Chính vì lý do đó, mà chị không có nhiều thời giờ dành cho cô con gái nhỏ của mình, trong những thời điểm cần gia đình xum họp. Ban đầu, cháu rất buồn, và có ý trách mẹ đã không đủ gần gũi với con cái. Chỉ sau này, khi đã lớn lên, cháu mới hiểu và thông cảm hơn với sự hy sinh cho lý tưởng của ba mẹ mình.
Xướng ngôn viên Diệu Quyên nhớ lại và hết sức cảm phục cố nhạc sĩ Việt Dzũng, người đầu tiên đã hướng dẫn mình và nhiều nhân viên khác của SBTN để trở thành xướng ngôn viên và MC truyền hình. Và ngày hôm nay, sau 15 năm, SBTN đã trưởng thành rất nhiều. Đội ngũ nhân viên, phóng viên khắp nơi lên đến hơn cả trăm người.
SBTN bây giờ đã có mặt ở Mỹ, Canada và Úc Châu. Theo chị Diệu Quyên, phóng viên của SBTN vẫn cần tiếp tục cải tiến hơn nữa về mặt nghiệp vụ để trở nên chuyên nghiệp hơn, đa dạng hơn, đi xa hơn. Đặc biệt, SBTN hiện nay có khuynh hướng trẻ hóa đội ngũ phóng viên, để cho giới trẻ tham gia nhiều hơn, có đóng góp quan trọng hơn vào công tác truyền thông cộng đồng.
Nhạc sĩ Trúc Hồ mong muốn SBTN sẽ cố gắng duy trì vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực truyền hình của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, Canada. Đồng thời, SBTN sẽ đẩy mạnh hơn sang Úc, và chuẩn bị để xâm nhập thị trường Châu Âu.
Về mặt chương trình, chị Diệu Quyên chia sẻ đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp chân tình, quí báu của quí khán giả nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập SBTN. Khán giả còn muốn SBTN phải có ban kịch riêng của mình. Dự kiến sẽ có thêm những game show và những chương trình truyền hình thực tế, với sự tham gia nhiều hơn từ quí khán giả.
15 năm - một chặn đường chưa dài, và vẫn còn nhiều việc phải làm để tồn tại và phát triển. Nhưng có một điều mà SBTN có thể khẳng định ngay từ bây giờ: SBTN sẽ không thể tồn tại nếu không có được sự thương mến, ủng hộ của quí khán giả. Mà đặc điểm quan trọng nhất, khiến SBTN vẫn còn được quí khán giả yêu mến đến tận ngày hôm nay, đó chính là lý tưởng rõ ràng và không thay đổi từ những ngày đầu tiên: tiếng nói đoàn kết của cộng đồng Người Việt Tị Nạn, Người Việt Tự Do không cộng sản tại hải ngoại.
SBTN