Hình minh họa.
Tôi vừa mới trở về từ một cuộc hội thảo quốc tế tại Hàn Quốc. Đây là một cuộc hội thảo nhỏ về các nghiên cứu di tích lịch
sử văn hóa và sự tác động của các công cuộc phát triển đổi mới đối với truyền thống văn hóa. Với tư cách là một người
tham dự, tôi nể phục cách thức tổ chức cũng như thái độ chuyên nghiệp của người Hàn cũng như thành viên đến từ các
nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Trước hết, tiếng Anh không hề phổ biến tại Hàn nhưng số lượng du học
sinh hay nghiên cứu sinh cũng như giáo sư từ nhiều nước trên thế giới đến Hàn Quốc không hề nhỏ. Họ cũng sẵn sàng bỏ
ra một khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để giao tiếp được bằng tiếng Hàn và dành thời gian nghiên cứu tại đây. Chính
phủ Hàn có một khoản đầu tư rất lớn dành cho việc nghiên cứu trong hầu hết mọi lĩnh vực từ khoa học tự nhiên đến các vấn
đề xã hội. Và họ làm nghiên cứu cực kỳ nghiêm túc. Những cuộc hội thảo nhỏ như trên diễn ra gần như hàng tháng giữa
các trường đại học trong nước, và hàng quý với các trường học quốc tế tại nhiều quốc gia. Học sinh đi tham dự các cuộc
hội thảo dù có phải thuyết trình hay không đều ngồi lắng nghe và đóng góp ý kiến rất tích cực. Tôi thấy họ trân trọng từng cơ
hội được giao lưu và học hỏi.
Điều ngạc nhiên hơn nữa là các nghiên cứu sinh từ một số nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia,Thái Lan có mặt
thường xuyên tại các cuộc hội thảo như vậy. Các nghiên cứu của họ được đầu tư rất kỹ càng, đặc biệt học sinh và giáo sư
đều giao tiếp bằng tiếng Anh rất lưu loát. Thời gian học tại Mỹ, tôi tìm hiểu khá kỹ về việc đi du học trao đổi tại một số
trường đại học liên kết với trường mình. Các chương trình có thể kéo dài chỉ trong 3 tháng hè hoặc 1 kỳ học đến 1 năm
học. Sinh viên Mỹ rất thích đăng ký tham gia các chương trình trao đổi, vì vẫn đóng cùng một số tiền, nhận được cùng số tín
chỉ nhưng lại có thời gian trải nghiệm và tìm hiểu nền văn hóa giáo dục mới tại một đất nước xa lạ. Trong số các nước châu
Á, bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thì Thái Lan luôn nằm trong top các đất nước được sinh viên nước ngoài
chọn lựa. Hàng năm, trường cũng đón tiếp một số sinh viên từ nhiều nước sang giao lưu trong một thời gian ngắn. Trong
hàng ngàn lựa chọn trong chương trình liên kết trao đổi học sinh của trường, không có một trường đại học nào đến từ Việt
Nam.
Việc người trẻ tìm đến các nước phát triển với ngành giáo dục hàng đầu như Mỹ, Anh, Úc không còn gì là xa lạ. Tuy nhiên
trong thời gian gần đây, không ít các nước đang phát triển cũng thu hút được du học sinh quốc tế, cụ thể như các nước láng
giềng Malaysia, Thái Lan. Ngồi trong hội trường hội thảo, tôi nghĩ đến việc nếu Việt Nam được chọn là điểm đến để du học,
không biết du học sinh sẽ trải nghiệm được điều gì?
Đến du học tại Việt Nam, biết tiếng Anh là một bất lợi. Thực chất đó là một bất lợi khi có ý định đi du học tại các nước châu
Á nói chung. Nhưng nếu các trường đại học tại Hàn Quốc hay Nhật luôn có sẵn các khóa dạy tiếng cho người nước ngoài
từ A đến Z thì tại Việt Nam, sinh viên quốc tế phải tự thân vận động. Tuy nhiên, tin vui cho những người chịu khó học tiếng
Việt, đó là luôn có một con đường rộng mở cho họ để trở thành người nổi tiếng khi có thể hát hoặc viết sách, dù đơn giản.
Việc học hành nghiên cứu thì gần như là “không lối thoát” khi lượng sách vở bị giới hạn và cá nhân trường học cũng như
chính phủ không có ý định đầu tư. Đối với các ngành khoa học kỹ thuật, rất nhiều trường học quốc gia Việt Nam có liên kết
quốc tế và được chính phủ các nước “donate” hệ thống máy móc. Nhưng việc “nhận quà” cũng gặp nhiều trắc trở vô cùng
khi hàng hóa bị tính thuế và những quy định “trên trời” như cần thủ tướng chính phủ ký duyệt kiểm kê… Bên ngành xã hội thì
“nghèo” tiền và nguồn nghiên cứu. Sự giúp đỡ từ phía giáo viên thì vô cùng xa xỉ. Ngẫm lại con đường học vấn của mình,
tôi cảm thấy mình khá may mắn khi gặp được những người thầy tâm huyết. Việc biếu xén quà cáp những dịp lễ hoàn toàn
không nằm trong mối quan ngại bản thân khi đi học. Tôi đã từng học 1 năm tại Việt Nam và có nhiều “nghi lễ” khó hiểu tiêu
biểu như việc gần đến ngày thi là các cán bộ lớp thông báo về việc trích quỹ lớp để “đi thầy, cô”. Danh sách tên tuổi cũng
như số tiền biếu xén được thông báo công khai không chút nghi ngại. “Truyền thống văn hóa” này được thực hiện đều đặn
hàng năm và có lẽ sẽ lưu lại tâm trí của bất cứ du học sinh nào khi học tập tại Việt Nam.
Có quá nhiều khúc mắc để ngồi mường tượng ra một du học sinh đến Việt Nam để học tập khi mà chính hàng ngàn sinh
viên bản địa cũng đang loay hoay trong một nền giáo dục đã quá trì trệ. Từ mẫu giáo lên đến đại học và trên nữa, nếu phải
sửa sang thì thực sự cũng không biết bắt đầu từ đâu. Ngồi lắng nghe bài diễn thuyết của những nghiên cứu sinh đến từ
Thái Lan, tôi quả thực có chạnh lòng và ghen tị về việc sinh viên của tại đất nước này được trang bị một hệ thống kiến thức
đầy đủ và được hỗ trợ hết mình để chú trọng vào giáo dục ở một tầm xa hơn và sâu hơn. Chính bản thân tôi cũng muốn đến
thăm thú tại một trường đại học Thái để tìm hiểu sức hút của họ trong mắt quốc tế ở mọi lĩnh vực từ du lịch đến giáo dục
như vậy. Dù ở cùng xuất phát điểm, Thái Lan rõ ràng luôn ở trong tâm thế hội nhập và có tầm nhìn vươn xa hơn là cứ mãi
luẩn quẩn trong những tủn mủn ngắn hạn của những tấm bằng mua được hay 1, 2 đồng tiền móc được từ túi sinh viên.
Theo Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang (VOA)