"Syrenka" - Nàng tiên cá : Biểu tượng của thủ đô Varsava
Ảnh : WikipediaThành phố Varsava, thủ đô Ba Lan, đã bị phát xít Đức hủy diệt đến gần bốn phần năm trong Thế chiến 2. Mới đây, bộ phim 3D « Varsava 1935 » vừa được công chiếu, đã mang lại cho khán giả những hình ảnh về thành phố cách đây gần một thế kỷ, trước cuộc hủy diệt thảm khốc.
Nhờ các bức ảnh và bản đồ, chính xác đến 1/200, chính xác đến mức mà người xem có thể thấy được từng cái cây với tỷ lệ tương đương như thực, các nhà làm phim đã dựng lại được thành phố, một thời được mệnh danh là « Paris phương Bắc ».
Đặc biệt xúc động là những người cao tuổi, được thấy lại những con phố xưa với cảnh tượng hoàn toàn không đổi khác.
Để làm được bộ phim này, nhà sản xuất phim Ernest Rogalski kể lại, ông đã phải tốn rất nhiều thời gian để truy tìm các bức ảnh và bản đồ trên internet, trong các sưu tập ảnh xưa và trong các kho lưu trữ quốc gia. May mắn thay, Varsava - cùng với Hambourg và Francfort -, là một trong ba thành phố Châu Âu còn sở hữu được các bản đồ hết sức đầy đủ và chính xác về giai đoạn này.
Để lưu trữ thông tin cho bộ phim 3D về thành phố bị hủy diệt, các nhà làm phim phải cần đến bộ nhớ là 12 tetraoctet. Họ đã phải nhờ đến máy chủ của Viện nghiên cứu hạt nhân Ba Lan và của một trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc, vì ở Châu Âu không có ai giúp – do sợ hỏng các máy chủ -, như lời kể của đạo diễn Tomasz Gomol.
Hiện tại chuyến du hành thăm lại Varsava giữa hai Thế chiến chỉ kéo dài có 20 phút. Người xem thòm thèm sau khi xem, vì không được dừng lại ngắm nhìn kỹ càng từng hình ảnh ngày xưa. Tuy nhiên, theo đạo diễn, sắp tới sẽ có phiên bản đĩa DVD và Blue-ray được đưa ra thị trường và dự kiến cũng sẽ có các ấn bản cho phép người xem du hành trên máy tính xuyên qua Varsava thời kỳ giữa hai Thế chiến.
Varsava là một thành phố có lịch sử hết sức thăng trầm. Bị gạt khỏi bản đồ Châu Âu trong vòng 123 năm, chỉ tồn tại với tư cách một thành phố ngoại vi của đế chế Nga, Ba Lan tìm lại được độc lập vào năm 1918. Varsava hiện nay là một thành phố tràn đầy sức sống.
Một khán giả cao tuổi, sau khi xem phim, luyến tiếc : « Cái thiếu ở đây chính là cuộc sống thực sự này. Tiếc thay, phim (Varsava 1935) chỉ là một sự phục dựng ».
Source: RFi