WESTMINSTER (NV) - “Dường như định mệnh đã trói buộc tôi phải chịu đựng suốt từ nổi bất hạnh này sang bất hạnh khác, và tôi nghĩ cuộc đời tôi đã được sắp đặt như vậy từ nhỏ cho đến lớn.” Nghệ sĩ Thế Vinh tâm sự với chúng tôi, trong buổi gặp mặt riêng tại tòa soạn nhật báo Người Việt.
Anh tên thật Nguyễn Thế Vinh, không ai có thể ngờ được người đàn ông khuyết tật ấy, lại là một người có sức chịu đựng bền bỉ, và ý chí phấn đấu rất mạnh để vượt lên tất cả những đau khổ mà cuộc đời anh đã gặp phải.
Nghệ sĩ Thế Vinh song tấu kèn Harmonica và guitar. (Hình: Ðức Tuấn/Người Việt)
“Biến cố đau thương đầu tiên xảy đến trong cuộc đời tôi, là năm 4 tuổi ba tôi mất tích trong một trận đánh tại Kontum, năm 1974, lúc đó ông là đại đội trưởng của Ðại Ðội 1, Trung Ðoàn 44, Sư Ðoàn 23. Sau biến cố 1975, gia đình tôi đi kinh tế mới ở Bình Thuận, nhưng rồi hai năm sau, má tôi vì không chịu nổi áp lực và thay đổi quá lớn trong đời sống, bà đã quyên sinh, để lại 4 đứa con.”
Thế Vinh kể tiếp: “Nhờ ông bà ngoại cưu mang, đem tụi tôi về chăm sóc, khi đó tôi phụ việc trong gia đình, vừa học vừa đi chăn bò mỗi ngày. Một lần bị té từ trên lưng bò xuống, gãy tay, mà nhà nghèo lắm, trong nhà lúc đó chỉ còn đúng 40 ký lúa, giá trị khoảng vài trăm ngàn tiền Việt Nam, bởi vậy ông bà ngoại không có tiền để mang tôi đi bác sĩ hay bệnh viện đành phải ở nhà đắp đỡ lá cây, ngày qua ngày, chỗ vết thương bị hoại tử, rồi cuối cùng khi mang đến bệnh viện đã quá muộn, phải cắt cả cánh tay để cứu mạng tôi...”
Thế Vinh ngừng một chút, ngậm ngùi... chàng nghệ sĩ tiếp tục câu chuyện đời mình: “Tuy cuộc đời luôn bạc đãi với tôi, thế nhưng tôi không đầu hàng, tôi vẫn tiếp tục cố gắng vươn lên bằng sự học, đến năm 1989, tôi tốt nghiệp trung học, thi đậu vào trường Ðại Học Kinh Tế, và cuộc đời chuyển sang một bước ngoặt khác, khi mình bước chân vào Sài Gòn, một thân một mình, tự tìm việc làm, kiếm kế sinh nhai, và đi học... Sang năm thứ hai, thấy đứa em trai ở ngoài quê, đang học lớp 10, sợ sự học của nó sẽ không đến đâu, nên mình quyết định rước nó vào Sài Gòn, hai anh em có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, dựa nhau mà sống, khi đó tôi cũng vừa đi học ban ngày, vừa đi làm ban đêm hay ngược lại, còn nhớ công việc đầu tiên là vá xe đạp bên vỉa hè, rồi giữ xe cho chung cư, và sau đó tìm được việc dạy kèm... nên đỡ hơn một chút...”
“Nhưng rồi sau một năm sống như thế, tôi thật sự 'đuối', và xin tạm nghỉ 1 năm học, để đi làm toàn thời gian, kiếm tiền để dành, nuôi sống hai anh em... Bởi vậy người ta học chỉ 4 năm, còn Thế Vinh học đại học kinh tế đến 5 năm mới ra trường, năm đó là 1993...” Thế Vinh cười buồn, sau câu nói.
Âm nhạc của Thế Vinh
“Tuy cuộc đời cứ tiếp tục có nhiều sự mất mát xảy đến cho tôi như thế, tôi vẫn sống bình thản, không cảm nhận được sự thiếu may mắn của mình nhiều đến như thế nào? mãi tới năm 12 tuổi, tôi mới hiểu được sự bất hạnh trong cuộc sống của mình là gì? Tuy rằng ông bà ngoại cũng rất thương yêu, chăm sóc cho mấy anh em, thế nhưng đôi lúc mình vẫn thèm hơi ấm, tình thương yêu của cha và mẹ chứ! Ðến năm 1989, thêm một lần nữa, người anh cả quyên sinh, vì đời sống có quá nhiều sự thay đổi, khó khăn chồng chất, và ông không vượt qua nỗi chính bản thân ông, nên cuối cùng ông chọn cái chết làm hướng giải quyết.”
Ðức Tuấn/Người Việt
Sửa bởi người viết 24/02/2016 lúc 10:09:17(UTC)
| Lý do: Chưa rõ