Thành phố Hồ chí Minh là một trong 10 thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu.
70% khu vực đô thị của thành phố Hồ Chí Minh sẽ hứng chịu các đợt lũ nghiêm trọng trong các thập kỉ tới (Ảnh: Matthew Clayfield)
Theo báo cáo của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, 70% khu vực đô thị của thành phố sẽ hứng chịu các đợt lũ nghiêm trọng trong các thập kỉ tới.
Đánh giá của ngân hàng được dựa trên phỏng đoán của Liên Hợp Quốc về việc mực nước biển sẽ tăng 26 cm vào năm 2050.
Các cơ quan chính quyền địa phương coi đây là một vấn đề nghiêm trọng và vừa thông báo sẽ thiết lập các biện pháp phòng ngừa lũ lụt với chi phí gần 7 tỉ đô Mỹ trong 5 năm tới.
Thế nhưng thành phố Hồ Chí Minh - khu vực kinh tế đầu não phía Nam và cũng là một trong những thành phố phát triển và ô nhiễm nhất trong nước - không phải là nơi duy nhất có nguy cơ bị nhấn chìm.
Khoảng 60% các tỉnh thành của Việt Nam đang chỉ ở mức 1,5 m trên mực nước biển. Trong khi đó các đợt khí hậu khắc nghiệt đang ngày một tăng và lan ra rộng rãi.
Năm ngoái, tỉnh Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam đã hứng chịu trận lụt lớn nhất trong 40 năm qua. Hàng nghìn héc ta xỉ than bị tràn từ các mỏ than mở và các nhà máy điện xuống các hồ nước, vào tận khu Vịnh Hạ Long - khu vịnh nổi tiếng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Năm nay, thay vì lũ lụt, Việt Nam lại hứng chịu đợt hạn hán dài và nghiêm trọng nhất trong một thế kỉ qua, với nhiều tháng có mực nước mưa dưới mức trung bình. Mực nước của sông Mê Kông cũng đã xuống mức thấp nhất từ năm 1926.
Trong khi đó, các nước láng giềng như Lào và Campuchia càng làm vấn đề thiếu nước thêm nghiêm trọng khi xây 11 hồ thủy điện ở lưu vực sông Mê Kông.
Năm ngoái, tỉnh Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam đã hứng chịu trận lụt lớn nhất trong 40 năm qua (Ảnh: Matthew Clayfield)
Vùng châu thổ sông Mê Kông đóng góp đến 20% GDP của cả nước và là nơi cư trú của 22% dân số Việt Nam.
Marc Goichot, giám đốc chương trình Khu vực sông Mê Kông của Quỹ World Wildlife cho biết việc xây dựng các hồ thủy điện ở lưu vực sông Mê Kông đã ảnh hưởng tới dòng chảy tự nhiên của phù sa mà đất đồng bằng rất cần. Thế nên đất của vùng đồng bằng đang bị hủy hoại.
Goichot cũng cho biết nạn nạo vét lòng sông và khai thác cát cũng làm nước biển tràn vào sông, khiến nước sông nhiễm mặn và gây khó khăn cho trồng trọt.
“Vùng châu thổ sông Cửu Long đang dần bị nhấn chìm và co lại,” Goichot nhận xét. Nguyên nhân là vì “việc xây dựng hồ thủy điện ở lưu vực sông, nạn khai thác cát quá mức, sự biến mất của các cây đước và thay đổi khí hậu”.
Các kênh mương của sông Mê Kông cũng được đào sâu thêm, khiến nước mặn tràn vào các khu vực sản xuất nông nghiệp và làm bờ sông bị xói mòn.
“Bờ sông đang bị xòi mòn nghiêm trọng. Trong suốt 6 nghìn năm qua, vùng châu thổ sông Cửu Long luôn được tiếp thêm đất từ biển.”
“Thế nhưng trong hơn 20 năm nay, sự cân bằng này đã bị hủy hoại. Hiện giờ hơn 50% đường bờ biển dài 600km của vùng châu thổ đang bị nước biển ăn mòn. Mỗi năm khoảng 4-12 mét đất bị nước biển cuốn trôi. “
Các hồ chứa nước mới xây của các công ty Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam cũng khiến việc xói mòn đất xảy ra nhanh hơn.
Mực nước của sông Mê Kông cũng đã xuống mức thấp nhất từ năm 1926 (Ảnh: Matthew Clayfield)
Khẩu hiệu địa phương: “Sống chung với lũ”
Năm 1990, 160 triệu tấn phù sa trôi từ sông Mê Kông ra biển, giúp khôi phục lại các đường bờ biển bị xói mòn.
Thế nhưng hiện giờ chỉ có 75 tấn phù sa ra được tới biển.
Goichot cho biết sự thay đổi về lượng phù sa có trong bề mặt trầm tích sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung cấp lương thực. Đó là vì phù sa vốn là phân bón tự nhiên cho đất nông nghiệp và rất quan trọng với ngành nuôi trồng thủy sản ở vùng nước nội địa cũng như ngoài biển. Phân bón cũng góp phần lớn vào sự đa dạng của sinh vật sống ở nước.
“Thay đổi khí hậu sẽ làm mọi thứ còn tệ hơn do sẽ có nhiều hiện tượng thời tiết làm tăng khả năng xói mòn của đất hơn.”
“Một điều nữa cũng đáng báo động là các dự án xây dựng thêm nhà máy thủy điện. Những nhà máy này, cộng thêm biến đổi khí hậu, sẽ khiến tình hình thêm trầm trọng.”
“Nếu bạn muốn có nền kinh tế phát triển ổn định, bạn cần phải đảm bảo rằng việc quản lý thủy lợi sẽ được chú ý nhiều hơn trong các dự án quốc gia.”
Những người dân ở vùng châu thổ sông Cửu Long đã quen sống với thời tiết khắc nghiệt (Ảnh: Matthew Clayfield)
Tại đại học Cần Thơ ở vùng châu thổ sông Mê Kông, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn kể với ABC rằng những đợt thời tiết khắc nghiệt không khiến người dân nản lòng.
“Họ đã quen sống với khẩu hiệu: ‘Sống chung với lũ’,” Tuấn nói.
“Đó là khẩu hiệu mọi người có sau khi nhiều thế hệ ở đây đã phải đối mặt với lũ lụt hàng năm.”
Việc người dân phải đi tị nạn do thay đổi khí hậu sẽ là vấn đề nghiêm trọng của các thập kỉ tới (Ảnh: Matthew Clayfield)
Tuy nhiên, Tiến sĩ Tuấn cũng cho biết bản thân thuyết phục người dân tuân theo các biện pháp phòng ngừa biến đổi khí hậu hay tin vào hiện tượng biến đổi khí hậu cũng là một thách thức lớn.
"Chúng ta thiếu các biện pháp dự báo tai ương kịp thời, thiếu sự liên kết đa ngành trong cách chúng ta quản lí và thiết kế đô thị, và quan trọng hơn cả, thiếu sự hợp tác giữa các tỉnh thành,” anh nhận xét.
“Việc thông tin không được cung cấp rõ ràng, minh bạch cũng là một trở ngại.”
Tuy nhiên, theo Tuấn, vấn đề lớn nhất với Thành Phố Hồ Chí Minh và vùng châu thổ nói chung là “sự thiếu hiểu biết và thiếu đánh giá đúng” về những gì đang diễn ra.
“Chúng ta vẫn chưa công nhận sự đánh đổi của việc phát triển kinh tế với các yếu tố khác như môi trường bền vững, nguồn thức ăn ổn định và dân số,” Tuấn nói. Tuấn cũng cho biết việc người dân phải đi tị nạn do thay đổi khí hậu sẽ là vấn đề nghiêm trọng của các thập kỉ tới.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố phát triển và ô nhiễm nhất Việt Nam (Ảnh: Matthew Clayfield)
Theo ABC