Lúc một đứa trẻ chào đời là giây phút linh thiêng. Ở khoảnh khắc ấy, vũ trụ sẽ khoanh tay đứng nhìn một cách bàng quan, hờ hững, hay đây
là một sự kiện quan trọng? Thời khắc một đứa trẻ ra đời có đáng để chúng ta suy nghĩ hay không? Kẻ làm cha và người làm mẹ, rất nhiều
bối cảnh khác nhau. Nhiều em nhỏ sinh ra trong sự háo hức đón chờ của cha mẹ. Thì đương nhiên có những đứa trẻ sinh ra bởi (người lớn
cho rằng) đó là chuyện tự nhiên. Con người là thế!
Nhưng cũng có những đứa trẻ kém may mắn, sự ra đời của chúng không chỉ là nỗi buồn cho bản thân các em mà còn là nỗi nhức nhối của xã
hội, trở thành những thách thức đối với lương tâm nhân loại. Năm 2010 có khoảng 74.2 triệu trẻ em sống tại Hoa Kỳ. Trong số đó có tới
402.373 em nhỏ sống trong hệ thống con nuôi (foster care). Nếu tính chi ly hơn, chúng ta sẽ thấy cứ 184 trẻ em sống tại Mỹ sẽ có 1 em nhỏ
lớn lên thông qua hệ thống con nuôi. Tức các em không sống với cha mẹ ruột của mình. Hay nói khác đi các em này không còn ai là người
thân nhận lãnh trách nhiệm pháp lý nuôi nấng các em nữa.
Tại Mỹ thông thường trung bình mất đến 34 tháng để hoàn tất thủ tục để xin nhận về một đứa trẻ từ hệ thống con nuôi. Câu hỏi kế tiếp: Nếu
một em nhỏ sau khi được cha mẹ nuôi nhận về sẽ sống với họ được bao lâu? Thật đáng buồn, con số trung bình là 20 tháng. (Tất nhiên khi
nói đến con số trung bình, có em may mắn được ở lâu hơn với một gia đình bố mẹ nuôi, thậm chí ở cho đến khi các em khôn lớn – may mắn
ở đây có nghĩa em nhỏ đó có một môi trường sống ổn định; chứ nay sống chỗ này, mai sống chỗ khác làm sao em có thể ổn định để học
hành, để tin tưởng vào bố mẹ nuôi.) Ngoài ra may mắn vì chúng ta đặt giả thiết là em không sống lâu trong một môi trường độc tố khi bị cha
mẹ nuôi đối xử bạo ngược. Vì có thương mến một đứa trẻ người ta mới nuôi các em lâu bền được. Còn xui xẻo thì chỉ vài ba tháng lại trở về
hệ thống con nuôi chờ người khác nộp đơn nhận về nuôi.
Tại Mỹ, nhận con nuôi là một thủ tục pháp lý đâu ra đó. Người muốn xin con nuôi phải nộp đơn tại các cơ quan xét duyệt nơi tiểu bang mình
sinh sống. Cơ quan này có nhiệm vụ kiểm tra xem gia đình xin nhận con nuôi có đủ điều kiện tài chánh và những yếu tố gia đình cần thiết
khác. Tất nhiên một gia đình khi xin nhận con nuôi sẽ được cơ quan này trợ cấp một khoản tài chánh hỗ trợ. Song mục đích và động cơ xin
con nuôi thường được nhấn mạnh vào ý nghĩa xã hội trong đó cha mẹ nuôi sẽ cố gắng tạo ra một môi trường sống ổn định, lành mạnh, có thể
thay đổi tương lai của một đứa trẻ kém may mắn. Vì nếu may mắn thì các em nhỏ đã được sống bình an dưới mái ấm đầu tiên với cha mẹ
ruột của mình. Vì thế mục tiêu của cơ quan xét duyệt là tìm mọi cách để 53% các em nhỏ bị tách khỏi gia đình sẽ được đoàn tụ với gia đình
ruột thịt của mình.
Tất nhiên không phải em nhỏ nào rơi vào hệ thống con nuôi sẽ may mắn như vậy.
Bạn biết gì về các em nhỏ rơi vào hệ thống con nuôi tại Mỹ? Xét về mặt xã hội học, có tới 52% là các em nam (tức 48% còn lại là các bé
gái) rơi vào cảnh phải sống trong hệ thống con nuôi. Độ tuổi các em nam được nhận làm con nuôi nhiều nhất là 8.9 tuổi và các em gái là 8.2
tuổi. Các em nhỏ da trắng được đưa đến các gia đình xin con nuôi đông nhất, chiếm đến 42%. Kế đến là số các em da đen chiếm 24%. Xếp
hạng thứ ba là các em nhỏ thuộc nhóm gân gốc Hispanic chiếm 22%. Các em nhỏ thuộc gốc châu Á chỉ chiếm 1%. (Có lẽ) điều này xảy ra vì
tỷ lệ các sắc dân tại Hoa Kỳ khác nhau với dân da trắng đông nhất và dân châu Á chiếm ít nhất.
Theo thống kê của năm 2014, tính đến 30 tháng 09, hiện có khoảng 415,129 em nhỏ sống trong hệ thống con nuôi (tăng 4% so với năm
2012). Trong đó riêng năm 2014 có tới 264,746 em là “lính mới” rơi vào cảnh ngộ này, tương đương với cứ 2 phút sẽ có một em nhỏ được
đưa vào hệ thống con nuôi (foster care) tại Mỹ. Đồng thời cũng trong năm 2014, có đến 238,230 em được lấy tên ra khỏi danh sách hệ
thống con nuôi. Một phần các em này đã lớn. Số còn lại được giao lại cho gia đình ruột vì các điều kiện đoàn tụ với người thân đã được đáp
ứng. Trong số 415,129 em nhỏ trong hệ thống con nuôi, có đến 107,918 em đang trong danh sách chờ đợi một gia đình đến đón em về.
Đáng buồn là trong số 415.129 em này, có đến 60.898 em bố mẹ ruột đã vĩnh viễn mất quyền nhận lại các em, thông thường do phán quyết
của tòa án cho rằng cha mẹ ruột đã mất (và sẽ) không có đủ tư cách pháp lý nuôi nấng các em bình thường được. Ngoài ra có đến 50.644
em trước khi được dọn đến các gia đình nhận con nuôi đã phải trải qua những can thiệp điều tra do các cơ quan bảo vệ trẻ em tiến hành.
Đây thường là những di hại tâm lý rất độc hại đối với các em.
Xét về tuổi tác của các em nhỏ này, các em từ 05 tuổi trở xuống chiếm 39%. Độ tuổi từ 6-10 chiếm 23%. Độ tuổi từ 11-15 chiếm 22%. Các
em trong độ tuổi 16-20 chiếm 16%. Từ những con số này, ta thấy các em được nhận làm con nuôi gồm đủ mọi thành phần lứa tuổi. Tuy nhiên
chúng ta không có dữ kiện thông tin về độ tuổi nào sẽ thuận tiện dễ dàng cho các em cũng như cho bố mẹ nuôi khi sống chung với nhau.
Thông thường người ta nghĩ rằng nhận con nuôi càng nhỏ tuổi càng dễ dàng thuận lợi hơn. Nhưng điều này xem ra vẫn không thể là một bảo
đảm vững chắc.
Các em nhỏ trong hệ thống con nuôi sống với ai? Có khoảng 4% sống tại các gia đình nuôi tạm thời (Pre-adoptive home) trước khi được
chuyển qua diện được một gia đình nhận về nuôi dài hạn. Khoảng 29% các em em sẽ sống trong các gia đình nhận nuôi là thân nhân (relative
Foster Family Home). Đông hơn con số này, tức 46% các em sống trong gia đình nhận con nuôi là người ngoài (non-relative Foster Family
Home). Khoảng 6% các em sống trong các gia đình nhận các em về sống thành nhóm. Có đến 8% các em sống trong những trại chuyên
chăm sóc trẻ trong hệ thống con nuôi (institution). Khoảng chừng 1% các em sống tự lập nhưng vẫn chịu sự kiểm soát và theo dõi chăn sóc
của các cơ quan xã hội. Tiếng Anh gọi nhóm này là nhóm “supervised independent living”. Có khoảng 1% các em bỏ trốn khỏi hệ thống con
nuôi. Nhóm này thuộc nhóm runaway. Khoảng 5% các em sống trong các gia đình nuôi thử (Trial Home Visit) trước khi cha mẹ nuôi và cơ
quan chức năng đồng ý rằng gia đình bố mẹ nuôi sẽ nuôi các em ổn định dài hạn.
Trong số 238.230 trẻ em từ giã hệ thống con nuôi năm 2014 có 51% các em được trở về với gia đình ruột thịt. Khoảng 7% được về sống với
thân nhân họ hàng. Khoảng 21% được bố mẹ nuôi xin nhận về và quyết định cắt đứt không liên hệ vơi hệ thống con nuôi này nữa. Có khoảng
9% các em đã lớn và không còn trong độ tuổi cần được theo dõi chăm sóc. Tương tự, khoảng 9% các em sống tự lập nhưng chịu sự giám
sát định kỳ. Khoảng 2% được chuyển đến các hệ thống khác (chẳng hạn như bệnh viện tâm thần, trại huấn luyện, nhà giam). Có đến 1.138
em đã đào tẩu khỏi hệ thống Foster Care và 326 em đã chết trong năm 2014.
Các em đến tuổi trưởng thành (age out) là các em được 18 tuổi hoặc đã tốt nghiệp Trung học – High School. Được biết hiện nay ở Mỹ vẫn
còn vài tiểu bang qui định tuổi age-out của các em trong hệ thống con nuôi là 20 hoặc 21 tuổi.
Nhìn chung các em trong hệ thống con nuôi này so với các bạn đồng trang lứa đã phải chịu rất nhiều thua thiệt. Một số rất đông thiếu sự quan
tâm giúp đỡ, hoặc đơn giản các em đã mất khả năng tin tưởng vào khả năng của bản thân. Vì thế nhiều em thiếu hẳn những chuẩn bị tâm lý
cần thiết cũng như các kiến thức phổ thông trung học. Tỷ lệ thất nghiệp của các em lớn lên trong hệ thống con nuôi khá cao. Nhiều em phải
dựa vào các chương trình hỗ trợ xã hội. Nhiều em nam sớm trở thành những ông bố và các bé gái mang thai khi tuổi đời còn quá trẻ. Không
ít rơi vào cảnh vô gia cư, lang thang cù bất cù bơ. Nhiều em tham gia băng đảng. Không ít đã trở thành đối tượng tội phạm và bị tống ngục
ngay sau khi thoát khỏi hệ thống con nuôi.
Năm 2012 tại Mỹ có đến 3.3 triệu cú điện thoại dẫn đến điều tra về các vụ bạo hành trong gia đình. Kết quả là 251.764 em nhỏ đã bị đưa vào
hệ thống con nuôi tại Mỹ. Thật đáng buồn, di hại là một nửa trong số các em này mãi đến năm 24 tuổi mới có được công việc tạm coi là ổn
định. Chưa đầy 3% các em trong số này có bằng Đại học. (Quá ít ỏi so với tỷ lệ chung). Đối với các em gái thì có đến hơn 71% các em sẽ
mang thai khi chưa đầy 21 tuổi.
Vâng. Giây phút cấn thai và ngày chào đời của một đứa trẻ có thiêng liêng huyền diệu hay không (?) điều này có lẽ chỉ là cảm nghiệm cá
nhân phụ thuộc vào những hoàn cảnh riêng. Nhiều đứa trẻ được cha mẹ mong đợi. Những đứa trẻ con-cầu-tự càng may mắn hơn. Có đứa
không may mắn ngay từ lúc mới được cấn thai đã bị coi là một sai lầm. Có nhiều em ban đầu tưởng như có được một gia đình ấm êm tốt
đẹp. Nhưng trải qua những thay đổi khốc liệt từ cuộc sống, cha mẹ ban đầu chẳng hề ghét bỏ gì các em; nhưng bi kịch gia đình cuối cùng đã
xảy ra. Những tai nạn bất ngờ. Những vạ gió tai bay không ai biết trước… cuối cùng là hệ thống con nuôi.
Để rồi những con số thống kê đau lòng (kiểu như trong năm 2010) đã xảy ra: 50% các em gái trong hệ thống con nuôi có thai năm 19 tuổi.
Hơn 74% phạm nhân trong các trại giam từng là trẻ em lớn lên từ hệ thống con nuôi. Dễ hiểu thôi, quá nửa các em lớn lên từ môi trường con
nuôi rơi vào cảnh tù tội. Và có tới 80% tội phạm trong danh sách tử tù (death row) từng có quá khứ lớn lên trong hệ thống con nuôi. Thật
đáng buồn. Những cảnh này lẽ ra không hề đáng có (đặc biệt là ở Mỹ). Nhưng cuối cùng bi kịch của các em nhỏ lớn lên từ hệ thống con nuôi
đã xảy ra, (đang xảy ra và sẽ) vẫn là một thách đố thật đáng xấu hổ với lương tri văn minh người Mỹ hôm nay.
Nguyễn Thơ Sinh