Ba hành tinh nằm trên quỹ đạo xung quanh một ngôi sao "lùn".
ESO/M. Kornmesser/N. Risinger/Handout via Reuters
Theo một công trình nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature ngày 02/05/2016, các nhà khoa học vừa tìm được ba hành tinh “có thể có sự sống” trên quỹ đạo của một ngôi sao nhỏ. Phát hiện này lần đầu tiên mang đến cho con người khả năng tìm được các dấu vết hóa học của sự sống bên ngoài Thái dương hệ.
Ba hành tinh này, nằm trên quỹ đạo của một ngôi sao “lùn”được đặt tên là TRAPPIST-1, có kích thước và nhiệt độ như Trái Đất và Sao Kim. Một êkíp quốc tế các nhà nghiên cứu, đứng đầu là ông Michael Gillon thuộc đại học Liège, Bỉ, đã phát hiện bộ tam hành tinh này ở cách Trái đất 39 năm ánh sáng.
Cho tới nay, người ta vẫn không biết là có những hành tinh tương tự như Trái Đất nằm trên quỹ đạo của một ngôi sao nhỏ. Việc tìm kiếm các hành tinh có thể có sự sống cho tới nay thường tập trung vào khu vực chung quanh các ngôi sao lớn hơn, giống như là Mặt trời.
Trong ba hành tinh nằm trên quỹ đạo ngôi sao TRAPPIST-1, có một hành tinh nằm ở khu vực không quá nóng, không quá lạnh, nhờ vậy mà nước có thể được giữ ở thể lỏng, cho phép phát triển một dạng sự sống giống như là trên Trái Đất. Hai hành tinh kia nằm gần ngôi sao hơn, có nhiệt độ nóng hơn nhiều, nhưng vẫn có những vùng mà sự sống có thể phát triển.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, cần phải tìm hiểu thêm về trọng lượng, các đặc tính của bầu khí quyển ( nếu các hành tinh nói trên có một bầu khí quyển ), nhưng thông tin mà họ hy vọng có thể nhanh chóng đạt được nhờ công nghệ tiên tiến hiện nay, nhất là nhờ viễn vọng kính không gian James Webb sẽ được phóng lên vào năm 2018.
Theo RFI