Việt Nam sẽ tiếp tục biểu tình vụ cá chết miền Trung Người biểu tình với biểu ngữ kêu gọi 'cứu biển' Việt Nam trong cuộc biểu tình ở Hà Nội ngày 1/5/2016.
Lời kêu gọi toàn dân tiếp tục xuống đường vì môi trường được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội hôm nay (6/5) sau một tháng chưa được công bố thủ phạm gây cá chết hàng loạt tại miền Trung.
Theo thư ngỏ phổ biến trên mạng, biểu tình dự kiến diễn ra vào 9 giờ sáng chủ nhật 8/5 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Công viên 30/4 Sài Gòn, Công viên Tứ Tượng ở Huế, hay ‘bất cứ địa điểm công cộng nào ở các tỉnh khác’.
Thư viết ‘Chúng tôi, những người đã tổ chức, thực hiện và tham gia cuộc biểu tình vì môi trường ngày 1/5 vừa qua tiếp tục kêu gọi đồng bào cả nước hướng về ngư dân miền Trung thân yêu’ để yêu cầu chính phủ công bố ‘thủ phạm đầu độc biển miền Trung’.
Thư kêu gọi người dân tiếp tục tuần hành để phản đối việc chính phủ trì trệ công bố nguồn gốc gây cá chết, đàn áp những người biểu tình ôn hòa và bắt bớ các nhà báo độc lập đưa tin về vụ việc.
Thư nói ‘Lên tiếng yêu cầu nhà nước bảo vệ môi trường, bảo vệ người dân là trách nhiệm của mỗi người’.
Hôm 1/5, đông đảo người dân từ nhiều miền trên cả nước đã xuống đường tuần hành ôn hòa với các biểu ngữ kêu gọi ‘môi trường sạch’, ‘chính quyền sạch’.
Bất chấp những tin tức và hình ảnh về một số vụ hành hung, bắt bớ của lực lượng chính quyền đối với người biểu tình hồi Chủ nhật tuần qua, những người tham gia khẳng định họ không chùn bước.
Huỳnh Phương Ngọc, một người tham gia cuộc tuần hành tại Sài Gòn, nói với VOA Việt ngữ:
“Bây giờ biểu tình vẫn là phương pháp em lựa chọn mà em nghĩ là tốt nhất. Ngoài cách đó ra, mình không bao giờ phản kháng được bằng cách nào khác với vị trí của mình hiện nay để nói lên nguyện vọng, mong muốn đối với các vấn đề của đất nước. Việc người biểu tình bị đánh đập chỉ càng làm tăng thêm sự phẫn nộ mà thôi”.
Nhà hoạt động xã hội Thái Văn Dung từ Nghệ An nói biểu tình là quyền thể hiện quan điểm được Hiến pháp quy định và công dân nên mạnh dạn thực hành quyền này để cùng lên tiếng vì môi trường trong sạch, thúc đẩy xã hội phát triển.
“Tôi kêu gọi người dân đứng lên tuần hành để đòi các quyền lợi của mình. Chúng ta đòi quyền về môi trường-môi sinh là điều tốt chứ không có gì xấu, nhưng nhà cầm quyền lại có chính sách đàn áp. Tôi mong nhà cầm quyền nên xem xét lại, tìm hiểu tâm tư-nguyện vọng của người dân để cùng nhau phát triển đất nước”.
Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khu vực Đông Nam Á hôm 5/5 lên tiếng quan ngại về việc nhà chức trách Việt Nam đàn áp các cuộc biểu tình liên quan vụ cá chết, đồng thời kêu gọi Hà Nội tôn trọng quyền tự do tập hợp ôn hòa được bảo đảm trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của công dân mà Việt Nam đã ký kết.
Thảm họa ô nhiễm tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế gây rúng động công luận trong và ngoài nước từ đầu tháng 4 với hàng tấn cá chết trôi vào bờ la liệt.
Giới chức ngành Môi trường và Y tế Việt Nam trấn an dân chúng rằng biển và hải sản tại các khu vực bị ảnh hưởng vẫn ‘an toàn’ trong khi báo nhà nước đưa tin tình trạng cá chết hàng loạt vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi.
Truyền thông trong nước ngày 5/5 dẫn tin từ ngư dân Quảng Bình cho biết phát hiện vô số hải sản chết xếp lớp dưới đáy biển trong phạm vi cách bờ 6 hải lý, nhiều hơn cả lượng xác cá dạt lên bờ.
Tỉnh Quảng Trị cho hay hiện tượng cá chết gây thiệt hại khoảng 134 tỷ đồng, ảnh hưởng tới hàng chục ngàn cư dân và hàng ngàn tàu bè.
Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế ngày 5/5 báo cáo cá nuôi trên vùng đầm phá trong tỉnh chết hàng tấn trong khi Sở Tài Nguyên Môi trường của tỉnh nói xét nghiệm mẫu nước gần vùng bị ảnh hưởng, tại cửa biển và tại bãi tắm Thuận An cho kết quả ‘an toàn’.
Báo Giao thông cùng ngày loan tin tại khu vực Thanh Hóa mấy ngày nay, cá vẫn chết hàng tấn, trôi nổi trên sông, bốc mùi hôi thối.
Tờ Tiền Phong ngày 5/5 trích lời Thứ trưởng Nông Nghiệp-Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám loan báo kết quả phân tích của Bộ về hiện tượng cá chết ở các tỉnh miền Trung cho thấy có kim loại nặng. Tuy nhiên, hàm lượng bị nhiễm đến mức nào thì Bộ ‘không được công bố’.
Ông Tám nói kết quả đã được chuyển qua Bộ Tài Nguyên Môi trường và Bộ Khoa học Công nghệ để thông báo nguyên nhân.
Ông cho biết công tác điều tra nguyên nhân cá chết có sự tham gia của giới khoa học cả trong lẫn ngoài nước.
Vẫn theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, số liệu chưa đầy đủ cho thấy số cá chết trôi vào bờ ở các tỉnh Bắc Trung Bộ thời gian qua ước khoảng 100 tấn, số cá chết chìm dưới đáy biển không thống kê được.
Theo VOA