Ngày 13/05 năm nay là ngày kỷ niệm 2 năm ngày mất của nhạc sĩ tiền chiến Tô Vũ.
Nhạc sĩ Tô Vũ sinh năm 1923, sinh ra trong một gia đình âm nhạc. Ông là anh ruột của Hoàng Quí, một nhạc sĩ tiền chiến khác với ca khúc bất tử Cô Láng Giềng.
Nói đến dòng thi nhạc tiền chiến, từ ngữ để diễn tả ngắn gọn nhưng chính xác nhất đặc điểm của nó chính là “lãng mạn”. Thơ tình, nhạc tình được viết trong thời tiền chiến đẹp, nhẹ nhàng, thanh thoát một cách lạ kỳ. Và rất nhiều bài nhạc tiền chiến có mang tính chất thơ, với giai điệu mượt mà, lời ca ý nhị, sâu sắc, cách sử dụng từ thật trau chuốt, xúc tích.
Những ca khúc của nhạc sĩ Tô Vũ trong thời tiền chiến tuy không nhiều, nhưng thể hiện rất rõ tính thi ca trong nhạc tiền chiến.
Ca khúc được nhiều người biết đến nhất của nhạc sĩ Tô Vũ chính là bài Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa. Hình ảnh đôi tình nhân trong mưa là một hình ảnh lãng mạn tiêu biểu, mà rất nhiều ca khúc Việt Nam khác cũng sử dụng. Tuy nhiên, đối với nhiều người yêu nhạc, Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa vẫn là ca khúc thơ mộng nhất. Lời của bài hát như một bài thơ, với hình ảnh người thiếu nữ đến thăm người trong một chiều đông mưa gió:
Em đến thăm anh một chiều đông
Em đến thăm anh một chiều mưa
Mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều
Em đến thăm anh người em gái
Tà áo hương nồng, mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh…
Ca khúc được viết trong tiết tấu slow, với cách diễn tả thường là lơi nhịp, tự sự, tâm tình. Dòng nhạc lên cao trào vào đoạn cuối, như để diễn tả niềm cảm xúc dâng tràn của chàng trai khi tiễn người yêu về trong một chiều mưa khó quên ấy:
…Có hay lúc em về, gót chân bước reo âm thầm
Trên đường một mình ngoài mưa, mưa như mưa trong lòng anh
Lòng bồi hồi nhìn theo chân em, chìm trong ngàn xanh
Ta ước mơ một chiều thêu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng
... và quên... đường về…”
Người xưa yêu nhau sao mà lãng mạn quá!
Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa là một tình khúc, nên nó dễ được ưa chuộng. Nhưng có nhiều người cho rằng đó chưa chắc là ca khúc hay nhất của Tô Vũ. Chẳng hạn như Tạ Từ, một ca khúc tiền chiến cũng được nhiều người yêu mến:
VIDEO Hay xin thử nghe Tiếng Chuông Chiều Thu, một ca khúc ít phổ biến hơn của Tô Vũ. Đây không phải là tình khúc, mà cũng không phải ca khúc tả cảnh thiên nhiên. Tiếng Chuông Chiều Thu là một đoản khúc, diễn tả tâm trạng của một chàng trai đi kháng chiến chống Pháp, nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vào một chiều thu, mà nhớ về người yêu ở quê nhà:
Lá thu nhẹ rơi rơi.
Nắng thu vàng phai phai
Ai về âm thầm nẻo cũ bâng khuâng tình xưa?
Hiu hiu luồng hơi may, Du du làn mây bay
Ai nhắn theo mây miền quê vấn vương xa đó ngàn dâu thưa?
Đây có lẽ là một trong những ca khúc có giai điệu đẹp nhất của Tô Vũ. Ông là một nhạc sĩ chơi vĩ cầm. Nghe Tiếng Chuông Chiều Thu, người nghe có thể tưởng tượng ra đó là giai điệu dành cho cây đàn “vua” của thể nhạc cổ điển. Nhất là trong đoạn giai điệu vút cao và ngân dài, như để diễn tả tiếng chuông ngân:
…Hồi chuông…. ngân nga trong chiều thu ngợp gió .
Ngàn tiếng…thiết tha êm đềm ru lời thu…
Không cần có lời nhạc, người nghe cũng cảm được tiếng chuông đang ngân nga. Giai điệu âm nhạc mà tượng hình, diễn tả được ý lời trong ca khúc như vậy không phải nhạc sĩ nào cũng viết được! Trong đoạn cuối, người nhạc sĩ mơ chinh chiến tàn, để ca khúc khải hoàn trở về gặp người yêu trong tiếng chuông ngân chào đón người về:
Ngày nào khi chiến chinh xong.
Hồi chuông vui reo như tiếng đồng
Chuông khơi mùa nắng mới. Tình ta đẹp bao nhiêu.
Hồn anh thầm nhắn tiếng chuông ban chiều…
Vào trước năm 1975, ca sĩ Duy Trác đã trình bày ca khúc này một cách hoàn chỉnh. Nghe Duy Trác hát Tiếng Chuông Chiều Thu, người nghe cảm nhận được trọn vẹn cái đẹp của giai điệu bài hát, và cũng thưởng thức trọn vẹn được chất giọng ấm cúng, quí phái rất đặc trưng của giọng ca vàng Duy Trác.
Chỉ với 3 ca khúc Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, Tạ Từ, Tiếng Chuông Chiều Thu, Tô Vũ đã thể hiện phong độ của một nhạc sĩ lớn.
Vào sau năm 1954, nhạc sĩ Tô Vũ ở lại miền Bắc. Trong giai đoạn này, ông còn sáng tác thêm một số ca khúc nữa để ca ngợi bác, đảng. Nhưng những ca khúc này rất ít được nhắc đến hay hát lại, ngay cả trong nền âm nhạc cách mạng trong nước!
Nhắc lại như vậy, để thấy những tài năng âm nhạc, những tâm hồn nghệ sĩ đã bị tàn lụi như thế nào trong một nền văn nghệ chỉ để phục vụ tuyên truyền. Nhiều người tin rằng nếu ông có dịp vào trong Nam như Phạm Duy, Phạm Đình Chương … chúng ta sẽ còn được nghe nhiều ca khúc bất hủ khác của Tô Vũ.
Xin cảm ơn thời tiền chiến, đã tạo điều kiện để nền âm nhạc Việt Nam có một Tô Vũ lãng mạn, đầy tính thơ với Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, Tạ Từ, và Tiếng Chuông Chiều Thu…
SBTN