Thất nghiệp nhức nhối... Học cao sẽ thất nghiệp kiểu cao cấp, học thấp sẽ thất nghiệp kiểu đời thường. Và thất nghiệp ở người trình độ cao sẽ đau đớn hơn, vì học rất gian nan và tốn tiền.
Báo VnEconomy đưa ra lời “Báo động tình trạng thất nghiệp “trình độ cao”...”
Bản tin naà nói, hiện có gần 200 ngàn người có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp trong quý 1/2016...
Bản tin VnEconomy viết:
“Vẫn còn tới hơn 1 triệu người trong đội tuổi lao động thất nghiệp, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của nhóm có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học cũng đang chiếm tỷ lệ cao.
Thông tin này được ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội công bố tại hội thảo cập nhật bản tin thị trường số 9, do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với Tổng cục thống kê tổ chức chiều 26/5.”
Như thế, tỷ lệ thất nghiệp là bao nhiêu?
So với quý 4/2015 thì tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý 1/2016 có giảm, trong khi số người có việc làm giảm 211,12 nghìn người; số lượng và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.
Tuy nhiên, theo ông Đào Quang Vinh, điểm sáng cùa thị trường là tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tiếp tục tăng, đạt 44,1%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị và thất nghiệp thanh niên đã có phần giảm so với cùng thời kỳ năm trước.
Cụ thể, quý 1/2016, cả nước có 53,29 triệu người có việc làm, trong đó khu vực thành thị có 16,88 triệu người.
So với cùng kỳ 2015, số người có việc làm đã tăng 859,08 nghìn người, trong đó khu vực thành thị tăng 490,49 nghìn người.
Trong quý 1/2016, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 20,7 nghìn người so với quý 4/2015 và giảm 87,5 nghìn người so với cùng kỳ năm 2015.
So với quý 4/2015, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giảm còn 1,95%; khu vực thành thị giảm còn 3,08% (so với 3,15% của quý 4/2015).
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của nam và khu vực nông thôn tăng nhẹ lên tương ứng là 2,50% và 1,83%.
Đặc biệt nhóm thanh niên ở lứa tuổi 15-24 tuổi có 540,7 nghìn người thất nghiệp, giảm 18,7 nghìn người so với quý 4/2015, nhưng vẫn chiếm đến 50,4% tổng số người thất nghiệp.
Nếu tính theo trình độ đào tạo, thì có 190,9 nghìn người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp.
Con số này với trình độ cao đẳng chuyên nghiệp là 118,9 nghìn người; 10 nghìn người có trình độ cao đẳng nghề; 60,2 nghìn người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp; 17,5 nghìn người có trình độ trung cấp nghề; 32,3 nghìn người có trình độ sơ cấp nghề và 11,2 nghìn người có chứng chỉ nghề dưới 3 tháng.
Cũng cần nghi ngờ các con số này vậy...
Còn người chỉ làm có vài giờ/ngày thì nằm trong con số nào?
Báo Nhân Dân hôm Thứ Năm 26/05/2016 có bản tin “Cả nước có 225 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp” trong đó, có đoạn viết:
“Thế nhưng, có một nghịch lý mà theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội), ở một số tỉnh, có tới 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng ra trường phải làm trái nghề và hiện cả nước có 225 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Nguyên nhân do đào tạo chưa bám sát được nhiệm vụ phát triển của đất nước, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển.”
Nghĩa là, nhiều hơn con số 200 ngàn...
Cô Tư Sài Gòn