Trong mấy năm vừa qua, một hiện tượng lạ xảy ra là từng bầy ong mật cứ biến mất dần đi. Đến nay vẫn chưa có ai đưa ra được giải pháp
nào để cứu vãn những bầy ong và luôn cả những người nuôi ong. Lý do là vì người ta chưa tìm ra được nguyên nhân đích thực đưa đến tình
trạng trên. Những con ong thợ một ngày bỗng bay đi rồi không bao giờ trở lại để những con ong non ở lại trong tổ bơ vơ lạc lõng không được
chăm sóc, và những công việc hằng ngày trong tổ cũng bị trễ nải vì không đủ số ong làm việc cho đến khi số mật ong ngừng sản xuất và trứng
trong tổ cũng chết theo vì không được chăm sóc đúng mức. Kể từ năm 2007 đến nay, hiện tượng từng bầy ong cứ dần biến mất đã làm cho
số ong trên thế giới giảm bớt khoảng 30% vào mỗi mùa đông.
Nếu ong bị tuyệt chủng thì hậu quả sẽ kéo theo một loạt tuyệt chủng khác theo hiệu ứng domino, bởi vì các loại hoa màu từ táo, cam đến rau
xanh đều cần đến giống côn trùng đầy ích lợi này để làm công việc thụ phấn.
Phải chăng hiện tượng từng bầy ong cứ biến mất dần một cách bí mật là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang chứng kiến giai đoạn đầu của một
cuột tuyệt chủng hàng loạt đưa đến cái chết của hàng triệu những loại động và thực vật trên trái đất, trong đó rất có thể có cả con người nữa?
Đối với một số người tin vào giả thuyết “cuộc tuyệt chủng thứ sáu” thì câu trả lời là đúng.
Trái đất chúng ta đang sống đã từng trải qua năm cuộc tuyệt chủng lớn trước đây. Sự tuyệt chủng của loài khủng long là mới nhất, cách đây
khoảng… 66 triệu năm, nhưng đó không phải là cuộc tuyệt chủng lớn nhất: loài khủng long chỉ là một trong số 76% các loài động vật khác trên
trái đất đã biến mất vĩnh viễn, dấu vết còn lại cho đến nay chỉ là những bộ xương trắng được tìm thấy và được cất giữ trong các bảo tàng viện
khoa học; nhưng trước đó khoảng 185 triệu năm, một cuộc tuyệt chủng mà sự thiệt hại lớn hơn gấp bội đến nỗi các nhà cổ sinh vật học đã đặt
cho nó cái biệt hiệu là Cuộc-tử-nạn-vĩ-đại (Great Dying). Vào lúc đó, 95% các loài động vật đã bị quét sạch khỏi trái đất trong một thời gian
kéo dài khoảng 100,000 năm.
Hầu hết các cuộc tuyệt chủng lớn xảy ra là do hiện tượng biến đổi khí hậu, và ở cuộc tuyệt chủng lớn nhất đó, hiện tượng biến đổi khí hậu xảy
ra là do nhiều ngọn núi lửa khổng lồ đã phun nhám thạch, tro bụi liên tiếp trong nhiều thế kỷ tại khu vực hiện nay là Tây bá lợi á (Siberia), và nó
được so sánh tương tự như hiện tượng biến đổi khí hậu hiện đang xảy ra trên trái đất. Khác một điều là trước đây hiện tượng biến đổi khí hậu
là do thiên nhiên tác động, còn hiện nay, một phần lớn là do chính con người gây ra. Mặc dù đang có nhiều nỗ lực để làm chậm lại hiện tượng
này, nhiều nhà khoa học tin rằng cuộc tuyệt chủng thứ sáu chắc chắn sẽ xảy ra. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy trái đất của chúng ta đang
tiến dần đến thảm họa đó, từ tỉ lệ tuyệt chủng của một số giống chim và loài lưỡng cư càng ngày càng gia tăng cho đến những cơn siêu bão
và nạn hạn hán xảy ra thường xuyên hơn, và những sự kiện này giúp củng cố thêm cho ý kiến nói rằng có thể chúng ta đang sống ở thời kỳ
đầu của một cuộc tuyệt chủng quy mô mới.
Nguyên nhân đưa đến hiện tượng biến đổi khí hậu của trái đất hiện nay thì có nhiều, nhưng như đã nói, một phần lớn là do chính con người tác
động đến, theo một số nhà nghiên cứu, là vì dân số trên thế giới tăng trưởng quá nhanh. Vào đầu thế kỷ 19, chúng ta chỉ có khoảng một tỉ
người trên thế giới, và nay đã là 7 tỉ – chỉ trong vòng có 200 năm. Chúng ta đang chờ đợi con số 9 tỉ vào giữa thế kỷ 21 này và đến cuối thế
kỷ con số sẽ là 10 hoặc 11 tỉ. Sự tăng trưởng dân số quá nhanh này xảy ra trong thời đại của chúng ta, mà dân số tăng nhanh nhất là ngay
sau Thế chiến II. Có lẽ đó là động lực chính nhưng nhiều người lại không nhìn vấn đề khí hậu ở khía cạnh đó. Nếu như giả thử dân số trên thế
giới chỉ có 1 tỉ người thôi thì cho dù những hoạt động của loài người có tác động mạnh đến đâu chăng nữa thì hiện tượng biến đổi khí hậu
cũng không đến nỗi quá tệ hại như hiện nay.
Tại cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Paris vào cuối năm ngoái với kết quả là tất cả 195 quốc gia tham
dự đã cùng ký vào một thoả thuận chung cam kết giảm thiểu việc thải khí carbon và chuyển dần sang việc sử dụng những nguồn năng lượng
sạch như là bước tiến cần thiết để ngăn chặn hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu có thể đưa tới những thảm họa trong tương lai. Mục tiêu chung
trong thỏa thuận này là giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C (Celsius). Theo các nhà khoa học, nếu để nhiệt độ tăng
cao hơn con số đó – ví dụ 5 độ C như nhiều nhà nghiên cứu dự đoán vào cuối thế kỷ này – sẽ đưa đến nguy cơ tràn lan của lũ lụt, nạn đói,
hạn hán, mực nước biển dâng cao, tuyệt chủng hàng loạt và, tệ hơn nữa, là khả năng nhiệt độ vượt quá đỉnh điểm (thường được đặt ở mức 6
độ C) thì có thể biến phần lớn diện tích của trái đất thành một nơi không thể sống được và hầu hết các loài động vật, trong đó có con người,
sẽ bị diệt vong. Thậm chí nếu nhiệt độ chỉ tăng 2 độ C như mục tiêu đưa ra trong thoả thuận chung tại Paris, theo nhiều nhà nghiên cứu môi
trường dự đoán, đến năm 2100, mực nước biển sẽ dâng cao hơn một mét và đủ để làm nhiều triệu người trên thế giới mất nhà mất cửa và
lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Điều quan trọng nhất hiện nay là phải tìm cho được những giải pháp nào để chuẩn bị đối phó với thảm họa không thể tránh khỏi đó và để sinh
tồn – không chỉ riêng cho loài người thôi mà cùng lúc là cứu luôn cả vô vàn những hệ sinh thái khác trên trái đất. Mục tiêu lâu dài mà các nhà
khoa học đưa ra hiện nay là làm thế nào để giống người có thể sinh tồn được ít nhất thêm một triệu năm nữa, bằng khoảng thời gian kể từ khi
tổ tiên lâu đời nhất của loài người bắt đầu xuất hiện. Đây là điều không vượt quá tầm tay của con người vì với trí thông minh và những kỹ thuật
tân tiến mà chúng ta đã và đang đạt được. Như khoa học chứng minh, có nhiều giống động và thực vật đã tồn tại trên trái đất hàng chục triệu
năm. Riêng tổ tiên loài người chúng ta đã từng vượt ra khỏi biên giới Phi châu và thám hiểm thế giới từ một triệu năm trước trong khi một
giống người khác là Neanderthals (một giống gần như chúng ta từng sống tại lục địa Âu-Á) đã không làm được. Điều này không chỉ vì may
mắn mà loài người chúng ta là giống cực kỳ khôn ngoan tháo vát khi cần phải sinh tồn.
Ngoài sự hợp tác toàn diện của nhiều quốc gia trên thế giới để đối phó với cuộc khủng hoảng về khí hậu trong tương lai, các nhà nghiên cứu
còn kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia cần khuyến khích và tài trợ cho những chương trình nghiên cứu và phát triển kỹ thuật để đảo ngược
những gì mà loài người chúng ta đang làm và gây thương tổn đến trái đất. Hiện đã có nhiều kỹ thuật có thể sử dụng để cất giữ những chất
thải carbon an toàn thay vì thải ra ngoài không gian. Những kỹ thuật này có thể giúp loài người kéo dài thời gian để đến một ngày loài người
không còn phải sử dụng những loại năng lượng thải thán khí carbon đó nữa.
Ngoài hiện tượng biến đổi khí hậu, một nguy cơ khác cũng nên được nhắc tới như một hiểm họa có thể đưa tới diệt vong: chiến tranh hạch
tâm. Như có lần một nhà bác học đã từng nói nếu Thế chiến III xảy ra thì tất cả mọi loài trên trái đất sẽ không thể tồn tại ngoại trừ có lẽ là loài
gián vì chúng sống chui rúc trong những ống cống, đường hầm nằm sâu dưới lòng đất nên may ra tránh khỏi.
Một số nhà nghiên cứu xếp chiến tranh hạch tâm là nguy cơ cao nhất làm tuyệt chủng loài người chỉ đứng sau biến đổi khí hậu. Thế giới đã
từng nhiều phen đứng bên bờ vực diệt vong bởi hiểm họa vũ khí nguyên tử. Trong khi phần nhiều những nguy cơ về chiến tranh hạch tâm có
thể xảy ra trong thời chiến tranh lạnh, nhưng không vì thế mà chúng ta yên tâm trong thời bình như đã có lần thế giới tưởng đã phải chứng
kiến trái bom nguyên tử thứ ba phát nổ vào thập niên 1990.
Đó là năm 1995, một phi đạn thăm dò thời tiết của Na Uy được bắn lên không trung mà hệ thống phòng thủ của Nga lầm tưởng là một cuộc
tấn công với vũ khí hạch tâm. Tổng thống Nga lúc đó là Boris Yeltsin đã nhận được mật mã để khai mở dàn vũ khí hạch tâm và chiếc cặp táp
với nút nhấn kích hoạt được mở ra và đặt trước mặt ông. May mà ở phút cuối cùng các nhà lãnh đạo của Nga đi đến quyết định đây chỉ là vụ
báo động sai. Ngay vào thời điểm đó không người dân nào hay biết cả nhưng chắc đã có một số lãnh đạo trên thế giới bị một phen hết hồn.
Cho dù loài người có bị tuyệt chủng như một số nhà khoa học tiên đoán hay không nhưng quả thật cuộc sống của chúng ta quá đỗi bấp bênh.
Mà toàn là những điều do chính con người gây ra cả. Nó có thể là từ những hoạt động của con người trong một tiến trình kéo dài trong nhiều
thế kỷ như hiện tượng biến đổi khí hậu hiện nay. Nhưng nó cũng có thể là một quyết định hấp tấp trong tích tắc gây ra những hậu quả khôn
lường nếu như ngón tay của ông Yeltsin nhấn vào cái nút đó một cái và thế là xong. Lịch sử nhân loại kéo dài trong hàng triệu năm có thể
chấm dứt như thế.
Huy Lâm