Nền móng cung điện nhà Nguyên dưới chân Tử Cấm Thành.
BẮC KINH - Trong nhiều thế kỷ, vị trí chính xác tại Bắc Kinh của cung điện của hoàng đế Hốt Tất Liệt dưới thời nhà Nguyên vẫn là một bí ẩn lớn đối với các nhà khoa học. Các chuyên gia khảo cổ ở Viện bảo tàng Cố Cung tin rằng, cung điện của nhà Nguyên do Hốt Tất Liệt sáng lập vào thế kỷ 13 không nằm tại địa điểm gần Tử Cấm Thành, mà nằm ngay dưới chân công trình nổi tiếng nhất Bắc Kinh.
Trong buổi họp báo công bố phát hiện hôm 5 tháng 6 vừa qua, nhóm chuyên gia cho biết họ tìm thấy nền móng nơi ở của hoàng tộc có niên đại 700 năm, ở tầng dưới cùng một khu vực khai quật nằm giữa Tử Cấm Thành. Tổ hợp công trình trong Tử Cấm Thành được xây từ năm 1406 đến 1420, là hoàng cung của triều Minh (1368 - 1644) và sau đó là triều Thanh cho đến năm 1912.
Các nhà khảo cổ thực hiện một loạt cuộc khai quật ở trung tâm tổ hợp vào năm 2014, với hy vọng hiểu rõ hơn về lịch sử công trình. Một trong những địa điểm khai quật có 4 tầng móng, gồm tầng móng nhà Thanh ở trên cùng, tiếp đó là tầng móng ở cuối và đầu thời nhà Minh, tầng móng của nhà Nguyên nằm ở cuối cùng.
Theo ông Li Ji, giám đốc khảo cổ ở viện bảo tàng, các thợ xây nhà Minh đã đập bỏ tất cả cung điện của nhà Nguyên tại khu vực trước khi bắt đầu xây Tử Cấm Thành. Những phát hiện khác ở lân cận gồm tàn tích khu vườn dành cho thái hậu và hố chôn đồ gốm sứ thời nhà Thanh.
Theo báo Viễn Đông