Nửa tháng trước, tại Hà Nội, Matt Gabler, Giám Đốc Phát Triển Toàn Cầu của GotIt, công bố kế hoạch tuyển dụng ít nhất 10,000 giáo viên Việt Nam để dạy thêm qua mạng cho học sinh cấp 3 ở Mỹ về Toán, Lý, Hóa. Matt tin rằng với kiến thức vững vàng về toán-lý hóa, các giáo viên Việt Nam sẽ dễ dàng tham gia cuộc chơi lớn này.
Một gia sư tại Sài Gòn (ảnh: Đỗ Vinh)
Điều thú vị ở đây là GotIt có nguồn gốc từ dạy thêm - học thêm của Việt Nam. Nhà sáng lập, ông Trần Việt Hùng, là một học sinh của trường cấp 3 trường huyện rất bình thường ở Giao Thủy, Nam Định. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, nhờ những nỗ lực vượt bậc, ông nhận được học bổng làm luận án tiến sĩ tại Mỹ. Để kiếm thêm tiền sinh sống, ông phải làm gia sư, dạy thêm cho học sinh Mỹ. Và chính từ trải nghiệm đó, cộng thêm việc quan sát kỹ thói quen của học sinh Mỹ, ông Hùng đã viết thành ứng dụng, và ngay lập tức gây được sự chú ý của các nhà đầu tư ở Silicon Valley.
GotIt là một trong những công ty khởi nghiệp giáo dục 'hot' nhất Silicon Valley hiện nay. Với GotIt, học sinh gặp vướng mắc về Toán, Lý, Hóa, chỉ cần đăng tải vấn đề của mình lên, sẽ được thầy cô giáo từ khắp nơi trên thế giới giải đáp tức thời qua một ứng dụng trên điện thoại di động. Mặc dù chưa chính thức khai trương, GotIt đã có hàng triệu học sinh và hàng trăm ngàn giáo viên tham gia.
Với sự ủng hộ của các giảng viên đại học FPT, các thủ tục thành lập Hiệp hội các thầy cô giáo GotIt đang xúc tiến. Hiệp hội sẽ hoạt động trên cơ sở phi lợi nhuận, giúp giáo viên, sinh viên Việt Nam trở thành chuyên viên dạy kèm. “Chúng tôi chia sẻ hy vọng, là họ, sau khi được trui rèn ở môi trường cạnh tranh, sẽ mang những kiến thức đó trở lại cho học sinh trong những ngôi trường Việt Nam”, ông Nguyễn Thành Nam, giảng viên của FPT, nói.
Trong khi đó, ở Việt Nam, dạy thêm tiếp tục bị coi là “vấn nạn”. 10 năm trước, bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định sẽ xóa bỏ nó. Mới đây nhất, bí thư Đinh La Thăng lại ra chỉ thị cấm đoán. Tân bộ trưởng bộ giáo dục, ông Phùng Xuân Nhạ cũng tuyên bố dạy thêm là “vấn nạn”.
Tuyên bố của Matt Gabler hồi trung tuần tháng 6, cho thấy Việt Nam đang có một nguồn lực mà nước ngoài đang muốn sử dụng. Lãng phí họ, hay tận dụng họ một cách sáng tạo như Trần Việt Hùng và các đồng nghiệp Mỹ đang làm, phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà chức trách giáo dục Việt Nam.
SBTN