Người Việt Nam thực tập Pháp Luân Công vào buổi sáng tại Hà Nội hôm 8/5/2013. AFP
Phát triển tương đối nhanhPháp Luân Công (PLC) là một môn tu luyện khí công của TQ, được sáng lập vào năm 1992. Hiện nay môn PLC được phổ biến ở 114 quốc gia trên thế giới, với số thành viên trên 100 triệu người.
Ông Nguyễn Xuân Toàn, một người tham gia PLC ở tỉnh Bình Dương cho biết, PLC được du nhập vào VN từ khoảng năm 1997 đang phát triển nhanh chóng và hiện nay vẫn có hàng trăm điểm tập luyện PLC công khai trên toàn quốc. Ông đánh giá:
“Đến nay ở VN có chừng vài vạn người đọc sách và tham gia tập PLC, có người tham gia PLC vì muốn chữa bệnh khỏe người, cũng có người muốn tu luyện tâm tính. Cũng có người thực sự mong muốn cả 2 điều và tập trung vào tu luyện, song cũng có người chỉ tu luyện vì sức khỏe Thường những người tham gia tập luyện PLC đều là những người nghiêm túc.”
Nói về tác dụng của việc tập luyện PLC, ông Nguyễn Anh Đức, một thành viên PLC ở Hải phòng cho biết:
“Tôi là một người học môn PLC và môn này chỉ đơn giản trong 2 chữ là tu-luyện, tu là tu tâm tính và luyện là luyện bản thể. Nó có tác dụng giúp cho mình có một cơ thể khỏe mạnh và tâm tính của mình ngày một tốt lên. Những người tập PLC với tôi ai cũng có một sức khỏe được cải thiện rất nhiều, 100% là không phải dùng thuốc và cơ thể họ rất khỏe. Riêng cá nhân tôi từ ngày luyện tập không có bệnh tật gì cả; thứ 2 là tâm tính của mình nó tốt hơn. Mình không còn nghĩ xấu hay có các hành động làm tổn hại hay tổn thương cho người khác và luôn luôn nghĩ tốt cho cộng đồng.”
PLC không phải là một tổ chứcÔng Nguyễn Anh Đức cho biết PLC không phải là một tổ chức. cũng không phải là tôn giáo và càng không phải là một tà đạo như nhiều người vẫn tưởng. Theo ông, PLC là phương pháp tu luyện cả thân và tâm, với những bài tập khí công và luyện Pháp để trau dồi tâm tính qua học đạo lý Chân-Thiện-Nhẫn. Ông giải thích:
“Tất nhiên PLC không phải là một tổ chức, càng không phải là một tổ chức tôn giáo, mọi người tham gia dưới hình thức tự nguyện. Ai muốn tập thì cứ đến tập, rồi người đến trước hướng dẫn cho người đến sau. Không có chuyện phải ghi danh, điểm danh hay đóng kinh phí, tất cả là tự nguyện. Điểm luyện công có thể là công viên hoặc một nơi công cộng nào đó, mà không mất chi phí và chuyện mua sách PLC thì rất là rẻ. Tóm lại không tốn bất cứ chi phí nào hết.”
Về sự hiện diện của một số người được coi là đại diện cho PLC ở các khu vực tập luyện, ông Nguyễn Xuân Toàn lý giải:
“PLC đã quy định rõ không là tổ chức, không có ghi danh và phi kinh tế, phi chính trị. Song không hiểu tại sao gần đây xuất hiện một số người lấy danh nghĩa là liên lạc viên, điều phối viên. Mà những người đó không có ai phong tặng cho họ những chức như vậy. Nhưng có thể hiểu đơn giản họ là giữ vai trò liên lạc viên, ví dụ khi anh muốn học PLC thì anh có thể liên lạc với họ. Người này không giữ vai trò tổ chức nào hết, mà chỉ có vai trò liên lạc.”
Đối với chiếc áo màu vàng mà các thành viên PLC thường mặc khi tập luyện, ông Nguyễn Xuân Toàn cho biết thêm:
“Cái áo màu vàng có ghi chữ PLC trên bằng tiếng Hoa và dưới bằng tiếng Việt đó không liên quan và không là trang phục hay đồng phục của PLC, nó chỉ là cái áo người tập PLC thường muốn mặc. Chứ nó không có ý nghĩa gì và không là biểu tượng, mà chỉ là người thích như vậy, không có quy định nào hết. Người tập PLC thích thì mặc áo nào thì mặc cái đó, không bắt buộc phải mặc áo vàng. Theo tôi nghĩ không cần và không nên mặc, vì như thế người ngoài sẽ hiểu nhầm mình là một nhóm, một tổ chức nào đó. Chính vì thế tôi không bao giờ mặc cái áo đó.”
Biểu giữ phản đối chính quyền Trung Quốc ngăn cấm thực hành Pháp Luân Công, bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Kuala Lumpur vào ngày 18 tháng 4 năm năm 2008. AFP photo
Nói về các hoạt động cụ thể của các nhóm PLC đang hoạt động ở VN hiện nay, ông Nguyễn Anh Đức cho biết mỗi nhóm thường có từ vài chục, đến vài trăm người, địa điểm hoạt động tại các khu vực công viên, vườn hoa. Các nhóm này không có sự liên kết lẫn nhau. Ông cho biết:
“Hàng ngày người ta tập luyện 5 bài công pháp và đọc cuốn Chuyển Pháp Luân. Mỗi tuần có thể 1 buổi, 2 buổi hoặc 3 buổi; thậm chí là 7 buổi, người ta tham gia học Pháp cùng với nhau, thông qua việc đọc lại các bài giảng của Sư phụ hoặc đọc cuốn Chuyển Pháp Luân. Sau đó cùng nhau chia sẻ cái thẻ ngộ cá nhân trong quá trình tu luyện của mình. Đó là hình thức sinh hoạt của PLC.”
Nhà nước không thừa nhậnNói về chính sách của nhà nước VN đối với PLC, từ Hà nội TS. Hoàng Anh Quân, thuộc Viện Nghiên Cứu Tôn giáo-Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN nhận định:
“Nhóm PLC ở VN được xếp vào loại tôn giáo mới, tại vì ở VN không có một văn bản chính thức nào cả đôi với PLC và các tôn giáo được truyền vào VN từ sau năm 1986. Đến nay nhà nước chưa có một chương trình hay hành lang pháp lý để thừa nhận họ. Không chỉ riêng với PLC mà còn một số các tôn giáo khác cũng được xếp vào tình trạng tương tự.”
Báo Người Lao động online ngày 24/6/2016 nhận xét, Pháp luân công là môn phái thiền, các bài tập sinh lực và các bài giảng đạo đức làm phương tiện tu luyện tâm thân. Tuy nhiên, trong nội dung tuyên truyền của Pháp Luân Công có một số điểm phản khoa học. Do vậy, cơ quan công an đã khuyến cáo người dân cảnh giác trước những thủ đoạn tuyên truyền trái phép của Pháp luân công.
Trả lời câu hỏi, phải chăng trong nội dung tuyên truyền của Pháp Luân Công có một số điểm phản khoa học như báo chí nhà nước đánh giá?
Ông Nguyễn Xuân Toàn đã bác bỏ điều này, theo ông việc luyện và học PLC có tác dụng rất tốt, song môn pháp này thường bị hiểu lầm. Ông giải thích:
“Môn học PLC với chủ đích tu luyện tâm tính, rèn luyện cho mình trở thành một con người tốt và hệ quả mà nó mang lại là mang lại điều tốt cho xã hội. Song ở VN hiện nay có tình trạng có một số người lầm lẫn, cũng như Đảng CSVN vẫn bị TQ đầu độc quá nhiều vì thế vẫn lan truyền thông tin cho là PLC là xấu, PLC là chống chính quyền. Mà ở VN mình, Đảng CSVN rất nhạy cảm với điều đó, họ rất ngại đối với những tổ chức chống chính quyền. Vì thế họ rất ngại PLC.”
Vừa qua, công an tỉnh Ninh Thuận, đã xử phạt hành chính với 2 thành viên PLC là ông Phạm Văn Mới ở Long Mỹ-Hậu Giang và bà Nguyễn Thị Sen ở Sơn Tây, Hà Nội. Cả hai bị bắt quả tang vì tuyên truyền và phát tán trái phép những tài liệu về PLC. Tang vật mà công an thu giữ được là các ấn phẩm, tài liệu, kinh sách nói về môn pháp này.
Theo RFA