Sau ba tháng sống qua các trại tị nạn, tôi đến Mỹ vào mùa hè năm 1975. Khi đó ra đường thấy những trạm đổ xăng mang thương hiệu số 76
trên quả cầu tròn mà không hiểu và thấy lạ, vì nhắc đến xăng dầu khách đi đường thường quen với tên của những công ty như Shell, Caltex
hay BP, Chevron. Sau mới hiểu ra thương hiệu 76 là mang tinh thần độc lập của người Mỹ được công ty Union Oil ở California chọn đặt tên từ
những năm 1932.
Một năm sau khi định cư tại Hoa Kỳ, năm 1976 là dịp kỷ niệm 200 năm ngày khai sinh Bản Tuyên ngôn Độc lập nên nước Mỹ tổ chức rất
nhiều sinh hoạt chào đón Lễ Độc lập, nhưng tôi chỉ nhớ nhất là được đi xem bắn pháo bông rực rỡ trên bầu trời San Francisco. Còn những
món ăn truyền thống trong ngày lễ hội này thì chưa được biết đến nhiều, hay cũng vì chưa quen ăn.
Mới qua Mỹ, đã quen cơm gạo lâu năm nên hot dog, burger hay BBQ không gây ấn tượng gì về ẩm thực Mỹ đối với tôi. Tô canh, đĩa rau xào
vẫn ngon miệng hơn. Hơn nữa chiếc bánh hamburger đầu tiên tôi được ăn là từ tiệm có tên Oscar ở Berkeley, với quầy bếp nướng thịt trước
mắt khách hàng và thịt như bíp-tếch, thơm ngon. Đây là bữa ăn burger đầu tiên của tôi trên đất Mỹ, khi theo cô giáo dạy ESL đưa học trò đi
ăn trưa, vì thế tôi chẳng bao giờ mê ăn những món ở cửa hàng McDonald’s vì vừa khô lại không mùi vị.
Thoáng một cái mà tôi đã ở Hoa Kỳ hơn 40 năm. Đã quen với nếp sống Mỹ, thích nhiều món ăn lạ, thích pizza, hot dog, nhưng vẫn không thể
thích McDonald’s vì có những chọn lựa khác, cũng burger nhưng của In n Out hay từ những cửa tiệm burger nho nhỏ vẫn có hương vị đậm đà
hơn. Còn BBQ giờ cũng đã trở thành truyền thống trong gia đình mỗi khi anh em, bạn bè tụ lại vui chơi, ăn nhậu với đủ thứ hương vị Mỹ, Mễ,
Hàn, Tàu pha trộn.
Independence Hall ở Thành phố Philadelphia nơi Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ được công bố cách đây 240 năm (ảnh Bùi Văn Phú).
Năm nay là Sinh nhật Hoa Kỳ lần thứ 240. Lịch sử ghi rằng ngày 4 tháng Bảy năm 1776, Quốc hội Mỹ thông qua Tuyên ngôn Độc lập, với
mười ba tiểu bang đầu tiên chính thức tuyên bố chấm dứt sự lệ thuộc vào Anh quốc.
Năm mươi sáu đại biểu quốc hội từ 13 tiểu bang họp tại Independence Hall ở Thủ đô Philadelphia, bang Pennsylvania, đã ký tên vào bản
tuyên ngôn. Nước Mỹ chính thức chấm dứt sự lệ thuộc vào vương quốc Anh từ đó.
Ngày nay 13 tiểu bang đầu tiên của Hiệp Chúng Quốc được biểu hiện trên cờ Mỹ bằng 13 vạch đỏ và trắng, gồm: Connecticut, New
Hamsphire, Rhode Island, Massachusetts, New York, Delaware, Pennsylvania, New Jersey, Virginia, Maryland, South Carolina, North
Carolina và Georgia.
Sau khi tuyên bố độc lập, người Mỹ tiếp tục mở rộng cõi bờ bằng những cuộc nam tiến và tây tiến, chiếm đất giành dân cùng trải qua rất
nhiều cuộc chiến tranh để mở mang biên thùy. Có những cuộc chiến ngắn ngủi chỉ vài tháng, một năm, thường là đánh nhau với những bộ lạc
da đỏ như ba lần chiến tranh với dân Seminole. Có những cuộc chiến kéo dài nhiều năm như Texas Indian Wars từ 1820 đến 1875, hơn nửa
thế kỷ.
Rồi đến chiến tranh Cayuse từ 1847 đến 1855. Cuộc chiến Navajo từ 1858 đến 1866 ở vùng đất ngày nay là tiểu bang New Mexico. Cuộc
chiến Bắc Nam giải phóng nô lệ 1861-1865. Chiến tranh Yaqui ở Arizona và Mexico từ năm 1896 đến 1918.
Không chỉ chiến tranh nội bộ mà người Mỹ còn phải chống ngoại xâm đến từ Anh quốc, Tây Ban Nha, Pháp.
Cho đến đầu thế kỷ 20, chiến tranh vẫn còn xảy ra trong nội địa Hoa Kỳ với cuộc chiến biên giới với Mexico từ năm 1910 đến 1919.
Trong 240 năm lập quốc, hầu hết có chiến tranh trong nước Mỹ. Vô số những cuộc chiến lớn nhỏ, dài ngắn để thành hình liên bang Hoa Kỳ
như ngày nay.
Khởi đi với 13 tiểu bang nguyên thủy khi Bản Tuyên ngôn Độc lập được ký ban hành, đến nay với 50 tiểu bang hợp quần gây sức mạnh đã
đưa nước Mỹ lên hàng cường quốc trong hơn nửa thế kỷ qua. Như chúng ta thấy 13 sọc và 50 sao trên cờ Mỹ.
California gia nhập liên bang Mỹ năm 1850. Những tiểu bang miền tây gia nhập liên bang sau cùng là Alaska và Hawaii vào năm 1959, New
Mexico và Arizona năm 1912 và Oklahoma năm 1907.
Khi Tuyên ngôn Độc lập ra đời, dân số Mỹ ước chừng 2 triệu 500 nghìn dân, tăng gấp đôi vào năm 1798. Đến năm 1871 là 40 triệu. Năm
1953, sau Thế Chiến thứ Hai là thời gian Hoa Kỳ bắt đầu phát triển nhanh, dân số Mỹ đạt mức 160 triệu. Hiện thời là 310 triệu.
Công dân Mỹ đa số có nguồn gốc di dân. Người Việt cũng như biết bao di dân khác đã đến đây định cư lập nghiệp là do ở truyền thống đón
tiếp di dân của đất nước này.
Bản Tuyên ngôn Độc lập được Quốc hội phê chuẩn năm 1776 thừa nhận rằng con người sinh ra ai cũng có quyền sống, quyền tự do và quyền
mưu cầu hạnh phúc. Tinh thần đó đã hấp dẫn người dân khắp thế giới muốn đến Hoa Kỳ sinh sống.
Thomas Jefferson là nhân vật chính soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập và có sự góp ý, sửa đổi của John Adams và Benjamin Franklin.
Chuông Tự do đặt trước Independence Hall (ảnh Bùi Văn Phú)
Những ý tưởng của Thomas Jefferson về tự do của con người đã được Hồ Chí Minh đưa vào Bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được
tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Đây là sự kiện mà lãnh đạo Việt Nam hiện thời hay nhắc đến để tiến tới quan hệ tốt đẹp
hơn với Hoa Kỳ.
Trong chuyến thăm Mỹ năm ngoái của lãnh đạo Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm đài tưởng niệm Thomas Jefferson ở
Thủ đô Washington. Tuy nhiên sự kiện này ít được truyền thông trong nước nhắc đến.
Tổng thống Barack Obama trong chuyến đi Việt Nam hôm tháng Năm nhắc đến tinh thần đấu tranh giành độc lập của dân Việt trong lịch sử
với bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt. Lãnh đạo Mỹ cũng nhắc đến tư tưởng về độc lập, tự do của Thomas Jefferson trong
Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam.
Nhưng nhìn vào thực tế lịch sử thì còn một khoảng cách lớn, như cả một đại dương bao la, trong tinh thần độc lập và tự do ở hai nước.
Nếu yêu và hiểu được nước Mỹ, bạn sẽ thấy ca từ trong quốc ca Hoa Kỳ thật ý nghĩa: “The land of the free and the home of the brave”.
Đúng là “Đất nước của con người tự do và quê hương của những người can đảm”.
Còn ở Việt Nam, khắp nơi nhan nhản khẩu hiệu “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, nhưng, như có lời giải thích tếu táo về những điều đó là “Độc
lập trừ tự do trừ hạnh phúc”. Nhưng đó lại là sự thực.
Bùi Văn Phú (VOA)