Ở Tây phương bi kịch tình ái được tiểu thuyết hóa đến nay vẫn được đời sau truyền tụng và ca ngợi, nào là chuyện tình của Romeo và Juliet, của Tristan và Iseult… Ở Á đông, nhất là ở Việt Nam, trong khoảng đầu thế kỷ 20, chuyện tình của Hà Mộng Hà và Lê Nương (trong Tuyết hồng lệ sử) của Nga và Chi (trong Lá ngọc cành vàng) kết thúc bi thảm vì truyền thống cổ hủ đạo đức cũ đã bóp nghẹt những trái tim yêu nhau. Bi kịch ái tình của họ lại phản ảnh nhu cầu nhân bản, sự tự do trong luyến ái và sự chung thủy “sống chết vì tình” khiến người đọc tuy căm ghét cái cũ nhưng vẫn cảm thấy chính những cái cũ đã làm nổi bật cái đẹp, chất lãng mạn của tình yêu chân chính.
Hơn một thế kỷ trôi qua, bước sang 2016, nhiều người tưởng rằng bi kịch tình yêu chỉ còn trong phim ảnh cổ tích và nếu xảy ra chuyện đáng buồn giữa hai kẻ yêu nhau cũng chỉ do hoàn cảnh xã hội giàu nghèo, sang hèn khác nhau mà thôi như thiên tình sử Love Story mà Erich Segal kể lại.
Hiển nhiên tình yêu đầy mâu thuẫn do tiền bạc, địa vị khác biệt gây ra thì thời nào cũng có và thường tạo thành bi ca và giọt lệ. Tuy vậy, ai cũng tưởng rằng thời đại chúng ta không thể có trường hợp gia đình, xã hội dùng uy quyền của mình bóp nghẹt tình ái, bằng bạo lực và rằng hủ tục này đã lui vào dĩ vãng từ lâu rồi.
Lạc quan như thế là lầm. Mới đây, tháng 6, 2016, báo chí đã phản ảnh ở Pakistan, một quốc gia Nam Á, tình trạng những kẻ yêu nhau trái với quy luật xã hội đã bị đày đọa, chia cắt như thế nào. Nạn nhân chính là phụ nữ và nhiều người bị sát hại dã man chỉ vì một chữ tình và tập thể đã nhân danh “Danh dự” gia đình bị tổn hại để ra tay. Những vụ sát hại này được goi là giết người để bảo vệ gia phong hay vì danh dự (honour killing.)
Những vụ sát nhân vì động cơ danh dự gia đình bị tổn hại thường thấy trong một số bộ tộc Nam Á hay Trung Đông còn theo truyền thống cổ xưa. Nhưng khi Đông Tây giao lưu, thì các vụ án loại này đôi khi lại diễn ra ở các nước văn minh ở Bắc Mỹ vì di dân nhập cư đổ sang đây mỗi năm một đông.
Đông Tây giao lưu lại thường diễn ra va chạm giữa hai nền văn hóa. Một số kẻ thủ cựu cứ tưởng những “giá trị” hình thành hàng ngàn năm trước đề cao nam quyền, hủy diệt nữ quyền, luôn luôn là khuôn vàng thước ngọc đối với họ.
Khi tiếp xúc với văn minh, thế hệ di dân trẻ, nhất là nữ giới, không tránh được làn sóng mới thu hút và theo nếp sống mới, giới cổ hủ nghĩ rằng như thế là họ đã bị sỉ nhục và tín điều họ tôn thờ bị xúc phạm, nên đã ra tay tiêu diệt kẻ phạm thượng. Xem các cô gái mới bị nhóm cổ hủ cảm thấy chướng tai gái mắt và ra tay quét sạch môn hộ.
Ở Mỹ trong năm cuối của thập niên 80, Zein Isa, một người cha gốc Palestine cư ngụ tại St. Louis, cùng với vợ là Maria, đã đâm chết cô con gái 16 tuổi Palestina chỉ vì cô này quá ham thời thượng chạy theo Âu hóa (“too-western”.)
Tình trạng này không giảm mà có chiều hướng gia tăng ở Pakistan. Trong năm 2015, thống kê cho biết mỗi ngày có 3 nạn nhân thiệt mạng vì “honour killing”. Theo kết quả điều tra của Ủy hội nhân quyền ở Pakistan (Human Rights Commission) thì nạn nhân thương vong gồm 1096 phụ nữ và 88 nam giới. Trong năm 2014, con số là 1.005 phụ nữ, trong đó có 82 trẻ em, so với năm 2013 với số nạn nhân 869 phụ nữ thì mức gia tăng khiến nhiều người kinh hoàng. Đó mới là những con số nạn nhân chính thức, chứ con số thực sự còn cao hơn nhiều vì có nhiều vụ ở làng xã xa xôi khó có thông tin và nhiều vụ chìm xuồng nên không ai biết tới.
Tại sao có mức gia tăng này. Các nhà nghiên cứu về nữ quyền ở Pakistan cho rằng trước đà phát triển của xã hội, nữ giới ở Pakistan có nhiều người đi học và ra ngoài làm việc. Lớp người này tiêm nhiễm tư tưởng mới, có thể có xu hương thoát ly hủ tục gia đình trong việc chọn lựa hôn nhân. Trong khi ấy phe bảo thủ muốn duy trì quyền lợi gia trưởng, độc tôn của mình nên phải ra tay đàn áp những kẻ chống đối.
Lý do này rất quan trọng để tìm hiểu những xã hội còn đầy hủ tục. Hiện giờ có tới 70 phần trăm dân Pakistan ở tuổi dưới 30, trong dân số 180 triệu, và trong đám trẻ nhiều người có học nên tạo thành một sức ly tâm đe dọa chế độ cũ và nền đạo đức cổ hũ đã lưu truyền trong bao nhiêu thế kỷ.
Mới đây nguồn tin AP thuật lại một bi kịch gia đình bà mẹ giết con để bảo vệ danh dự gia đình.
Nguồn tin 8 tháng 6, 2016 của tờ Star, lấy nguồn từ AP, cho biết một phụ nữ có tên Parveen Rafiq ở phía đông Lahore, Pakistan đã gây ra một vụ án hết sức tàn bạo, giết chết đứa con út 18 tuổi bằng cách bóp cổ và thiêu sống. Vì tội gì mà hùm dữ lại ăn thịt con như thế? Nguyên nhân chỉ tại nạn nhân, Zeenat, yêu người bạn trai từ tuổi ấu thơ, khi nàng mới 12 và chàng 14, và khi lớn, bị mẹ dồn vào đường cùng, ép gả mình cho một người khác, nghe nói dòng dõi một hoàng tộc đời xưa, cô chống đối và thoát ly gia đình, xây tổ ấm với người mình chọn lựa dù chàng chỉ là một thợ cơ khí tầm thường.
Họ hàng cô gái căm tức, nhất là bà mẹ có trái tim biến chất vì hủ tục lâu đời, nên cho rằng mình bị nhục, thanh danh họ hàng bị tổn hại, nên quyết tâm rửa sạch môn hộ. Bà đích thân tới dụ dỗ con gái về nhà, hứa rằng sẽ cho tổ chức đám cưới đàng hoàng.
Zeenat tuy hiểu bụng dạ sâu độc của mẹ nhưng không có đường chọn lựa nên quay về gia đình hy vọng được tha thứ. Thế là cuộc bạo hành xảy ra. Parveen Rafiq khóa chặt cửa lại, rồi trói chặt nạn nhân, bóp cổ bé Zeenat và khi bé ngất đi thì bà tẩm xăng đốt nạn nhân.
Ngọn lửa bùng lên có người biết kêu cứu nhưng hàng xóm làm sao vào lọt căn phòng đang khóa kín bên trong nên Zeenat bị thiêu sống. Bà mẹ thỏa mãn với hành động của mình leo lên mái nhà và tuyên bố: “Tôi đã rửa sạch vết nhơ cho gia đình tôi. Từ nay nó không làm nhục tôi nữa.”
Trước đó không lâu ở Lahore cũng xảy ra cái chết đáng thương của một nạn nhân khác cũng chỉ vì thứ danh dự vô lý, đầy ích kỷ của gia trưởng: một cô gái từ chối lời cầu hôn của một người lớn gấp đôi tuổi cô, con của gia đình có quyền thế trong làng nên gia đình này cho rằng bị xúc phạm nên giết cô. Nạn nhân là Maria Bibi đang đêm bị năm người lôi ra khỏi nhà và tẩm xăng đốt chết. Trước khi nhắm mắt cô đã tố cáo người cha của “kẻ cầu hôn hụt” chính là thủ phạm
Dĩ nhiên thủ phạm đã bị bắt giữ và truy tố ra tòa về tội cố sát. Tuy nhiên, luật lệ ở Pakistan, Afghanistan, Ấn độ… đối với loại tội này luôn luôn là “giơ cao đánh khẽ”, và vì “phép vua còn thua lệ làng” vì hủ tục còn đó, kẻ giết người và nạn nhân rốt cuộc cũng chỉ là nạn nhân của một xã hội giậm chân tại chỗ trong cuộc biến chuyển của toàn thế giới, khi nữ quyền là nhân quyền phải được tôn trọng.
Trở lại Canada trong vòng mười năm gần đây cũng có khá nhiều vụ phụ nữ là nạn nhân bị sát hại vì tệ trạng “danh dự gia đình.”
Cái chết của Jaswinder Kauer Sidhu
Jaswinder Kauer Sidhu thường được gọi là Jassi, tuy gốc Punjab, trên lục địa Ấn độ nhưng ra đời ở Maple Ridge, British Columbia vào năm 1975.
Dù có cha mẹ người Sikh, nhưng trưởng thành trong một môi trường tự do, tôn trọng nữ quyền, cô gái xinh đẹp và yêu đời này đã được hưởng thụ một nền giáo dục mới. Nhờ đó cô tiêm nhiễm tư tưởng Âu Mỹ trong việc yêu đương và tạo hạnh phúc theo hướng mình chọn lựa.
Năm 1995, Jassi trở về quê hương Punjab thăm thân nhân và tại đây tình cờ gặp một chàng trai có tên là Sukhwinder Singh Sidhu, thường gọi là Mittoo, kém cô hai tuổi.
Mittoo là một chàng trai nghèo, ham thích thể thao và hành nghề lái xe kéo ở Punjab.
Ngay giây phút ban đầu gặp nhau, đôi trai gái này đã yêu nhau.
Năm 1999 họ đã lén lút kết hôn và thề sẽ ở bên nhau trọn đời. Jassi cũng tìm cách bảo lãnh chồng sang Canada sống với mình vì họ đã có một bé thơ ra đời.
Nhưng xã hội nào cho họ toại nguyện. Gia đình Jassi thuộc một họ giàu có và thế lực ở Punjab và Canada, có khi nào lại chấp nhận cho con mình lấy một kẻ nghèo khổ lam lũ ở vùng quê mùa lạc hậu nên ra sức cản trở mối tình này.
Jassi bị ngăn cấm gặp Mittoo và được dỗ dành bằng đủ hứa hẹn để bỏ người yêu và để kết hôn với một người giàu có khác. Nhưng cô gái cương quyết từ chối mọi bả vinh hoa mà nhất định trở về quê nghèo đoàn tụ với người yêu.
Còn Mittoo ở Punjab thì cũng chẳng có thể sống yên lành khi dám yêu một kẻ ở giai cấp trên. Chàng bị hăm dọa đủ điều và nhiều lần bị giam về những lý do không chánh đáng và cũng không ít lần bị đánh đập tàn nhẫn tới mức nằm liệt trên lề đường chờ chết.
Dù thử thách ghê gớm, nhưng chúng vẫn không chia cắt được mối tình chân mà Jassi-Mittoo dành cho nhau.
Gia đình Jassi đã làm hết cách không chia rẽ được mối chân tình nên tức giận và tuyên án tử cho con gái.
Thế rồi vào đầu tháng 09, 2009 Jassi đang lúc sống với chồng ở Punjab, đã bị bắt cóc, bị cắt đứt cuống họng và thây bị ném ngoài rãnh hoang.
Cảnh sát Ấn sau cuộc điều tra vào năm 2000 đã bắt 11 người có dính dáng tới vụ giết Jassi theo một hợp đồng hàng chục ngàn. Hợp đồng này do ai ký kết?
Người ta ngờ rằng thủ phạm chính là bà mẹ Jassi và người cậu ruột của nạn nhân.
Nhưng trong viên xử tháng 10, 2005 chỉ có bảy kẻ lãnh án sát hại Jassi, còn bà mẹ và người cậu nạn nhân được thoát vòng tù tội vì Ấn không dẫn độ được họ về Ấn để nghe phán xử.
Cái chết của Amandeep Atwal
Amandeep Atwal, 17 tuổi ở Kitimat, B.C. chết trong tay người cha với hàng chục vết đâm trên người vào tháng 07 năm 2003. Người cha nạn nhân, Rajinder Atwal, chở con tới một bệnh viện ở B.C. và khai rằng con ông tự sát. Nhưng sau khi khám nghiệm tử thi và điều tra vụ án, nhà chức trách biết rằng chính Rajinder Atwal là thủ phạm giết Amandeep. Vì đâu nên nỗi cha giết con?
Nguyên nhân chỉ vì cô gái Amandeep có một người yêu cùng lớp là Todd McIsaac nhưng không được cha mẹ chấp nhận.
Cô gái phản đối bằng cách bỏ nhà tới Prince George ở với người yêu. Điều này khiến người cha cho rằng Amandeep đã làm nhục tới dòng họ nên trong khi chở Amandeep trên xe đã đâm chết con gái bằng 11 nhát dao mặc dù biết rằng mình sẽ lãnh án tù chung thân.
Cái chết của Amandeep Kaur Dhillon
Amandeep Kaur Dhillon, 22 tuổi bị đâm nhiều nhát vào cổ và vào ngực tới tử thương tại một cửa tiệm tạp hóa ở Mississauga vào đầu năm 2009.
Ông bố chồng của nạn nhân là Kamikar Singh Dhillon được tìm thấy trong tình trạng bị thương dưới tầng hầm.
Ban đầu cảnh sát cho rằng đây là một vụ kẻ trộm đột nhập gia cư và gây hung án nhưng sau đó mới phát giác đây là một vụ án mạng mà thủ phạm chính là người cha chồng.
Cảnh sát cũng khám phá ra mưu gian của hung thủ. Thì ra những vết thương trên người nghi can chỉ là tự tạo ra mà thôi!
Vì dâu cha chồng giết con dâu?
Cuộc điều tra cho biết chỉ vì tiền và vì tiền mà hung thủ cho rằng danh dự mình bị xúc phạm.
Câu chuyện bắt đầu từ đám cưới của Amandeep với Gurinder Singh Dhillon, con trai của Kamikar Singh Dhillon vào năm 2005.
Cuộc hôn nhân này không dựa trên tình yêu mà là cuộc hôn nhân do cha mẹ dàn xếp sẵn với điều kiện bên gái trả cho bên trai của hồi môn trên dưới 100.000 Gia kim. Nhưng rồi sau khi “gạo thổi thành cơm” thì bên gái không hoàn thành lời hứa về tiền bạc. Bên trai cho rằng đã bị xúc phạm danh dự nên mang nạn nhân ra rửa hận!
Vào năm 2009, một vụ án thảm thương cũng liên quan đến việc “bảo vệ gia phong” của gia trưởng gốc Afghanistan khiến ba cô gái còn son trẻ và một phụ nữ trung niên thiệt mạng ở Thủy môn Kingston (Kingston Mills locks)
Vụ án được thế giới quan tâm có bốn người thiệt mạng thuộc gia đình Shafia ở Montreal. Trong đó có ba cô gái trẻ là Zainab, Sahari và Geeti. Ngoài ra còn một phụ nữ, bà Rona Amir, bà vợ cả của Mohammad Shafia, người cha của ba cô gái nạn nhân.
Ba nạn nhân tuổi từ 13 tới 19 bị sát hại tại Kingston Mill locks
Bốn nạn nhân mất tích trong một đêm sau một chuyến thăm Niagara Falls trở về Montreal, được tìm thấy trong chiếc xe Nissan Sentra chìm dưới nước tại thủy môn hay cống nước Kingston vào đêm 30 tháng 06, 2009.
Vụ án này theo dư luận và cuộc điều tra của cảnh sát là một vụ giết người vì danh dự gia đình bị tổn hại, ngụy trang thành tai nạn xe lạc tay lái đâm xuống nước, và ba nghi can là người cha (ông Mohammad Shafia), bà vợ hai (Tooba) và cậu con trai (Hamed). Bộ ba đã bị bắt giam về tội cố sát bốn mạng người vào năm 2012 và bị giam từ đó trong bản án chung thân.
Nhưng mới đây, tháng 10, 2015, các luật sư biện hộ cho các bị cáo đang dự định xin tái thẩm vụ án tại tòa thượng thẩm Ontario vì cho rằng chứng cớ kết tội các bị cáo không phải dữ liệu trực tiếp mà do suy luận căn cứ vào dư luận và thành kiến về các vụ giết người vì danh tự.
Chu Nguyễn