Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước - Nguồn: Đàn Chim Việt
Cách đây 21 năm, vào ngày 1 tháng 8 1995, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã vĩnh viễn ra đi về cõi vĩnh hằng. Sinh năm 1915, bắt đầu sáng tác từ thập niên 40 trước cả nhạc sĩ Phạm Duy, ông được xem là một trong những con chim đầu đàn của nền tân nhạc Việt Nam. Ông bắt đầu học chơi đàn nguyệt từ năm 7 tuổi, và chơi được cả đàn tranh. Ông chơi đàn tây ban cầm rất giỏi, sau nầy là giáo sư dạy tây ban cầm tại Viện Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Thông thạo cả âm nhạc Tây Phương lẫn cổ truyền Việt Nam, nhưng nhạc sĩ Dương Thiệu Tước luôn có chủ trương là người nhạc sĩ Việt Nam phải thể hiện rõ được cá tính Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác phong phú của ông đã thể hiện rõ điều này. Những tác phẩm được khán giả yêu mến nhất của Dương Thiệu Tước được viết theo cả phong cách Tây Phương lẫn âm hưởng dân ca Việt Nam.
Rất khó mà chọn ra một vài tác phẩm gọi là “tiêu biểu nhất” cho dòng nhạc Dương Thiệu Tước. Nhưng một trong những ca khúc của ông được nhiều người hát nhất, có lẽ là nhạc phẩm Chiều, phổ thơ của thi sĩ tiền chiến Hồ Dzếnh. Có thể nói rằng chính bài nhạc Chiều làm cho bài thơ trở nên nổi tiếng hơn:
Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây...
Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?
Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây...
Cả bài thơ lẫn ca khúc Chiều đều mang đậm nét lãng mạn theo kiểu Tây Phương. Bài thơ được phổ nhạc gần như giữ nguyên phần lời. Chiều của Dương Thiệu Tước là một trong những ca khúc tango tiêu biểu nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Bài hát đơn giản, dễ hát, nhưng hoàn toàn không “dễ dãi”. Nó khoan thai, tao nhã một cách nhẹ nhàng. Để sáng tác một ca khúc để đời mà giản dị như vậy không phải dễ. Để mãi đến bây giờ, sau gần một thế kỷ, nhiều chàng thanh niên Việt Nam vẫn lấy hình ảnh: “…nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây…” làm mẫu mực cho sự lãng mạn.
Có một số người yêu nhạc Dương Thiệu Tước đã ví ca khúc Bến Xuân Xanh của Dương Thiệu Tước là bản Dòng Sông Xanh của Việt Nam (Le Beau Danube Bleu- Johann Strauss). Nhận xét này rất có lý. Dòng Sông Xanh là ca khúc kinh điển theo tiết tấu valse của dòng nhạc cổ điển Tây Phương. Như để chứng minh là nhạc sĩ Việt Nam cũng có thể sáng tác thành công theo phong cách này, Bến Xuân Xanh của Dương Thiệu Tước ra đời. Cũng giống như Dòng Sông Xanh, Bến Xuân Xanh cũng diễn tả cảnh sông nước, nhưng gắn liền với một hình ảnh một bến thuyền vào một mùa xuân. Cũng giống như Dòng Sông Xanh, tiết tấu của Bến Xuân Xanh là điệu valse, nhưng khi nhanh khi chậm, khi sôi nổi khi dìu dặt khoan thoai, để diễn tả những cảnh tượng khác nhau trên bến xuân:
Ngày xuân êm ấm,
Nắng xuân tưng bừng,
Hoa tô màu thắm,
Bướm bay quyến luyến.. hoa dịu dàng
Bầy chim ríu rít vui ca trên cành,
Thấy xuân vừa tới hót vang chào mừng xuân khắp nơi
Gió dâng trầm hương tinh hoa theo gió bốn phương
Say sưa trong bầu trời
Xuân tưng bừng tràn lan bao sáng tươi
Hồ xuân duyên dáng, sóng xuân nhẹ nhàng,
Lướt trên làn nước gió đưa thuyền trôi về bến xuân xanh…
Bài hát chuyển tiết tấu, chuyển cung khá nhiều lần, cho nên rất khó hát, và trở thành một ca khúc valse hay nhất của Việt Nam. Không có nhiều ca sĩ có đủ kỹ thuật để trình diễn bài Bến Xuân Xanh, trong đó có tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh.
Xin mời nghe Bến Xuân Xanh với giọng ca Thái Thanh trước 1975 trên Youtube:
VIDEO Như đã nhắc ngay từ đầu, cho dù có khả năng sáng tác theo phong cách Tây Phương dễ dàng, nhưng Dương Thiệu Tước là một nhạc sĩ “về nguồn”. Nhiều ca khúc để đời của ông viết dựa trên những thể điệu dân ca Việt Nam: Tiếng Xưa, Ơn Nghĩa Sinh Thành, và nhất là Đêm Tàn Bến Ngự. Ca khúc Đêm Tàn Bến Ngự của ông được sáng tác vào khoảng đầu thập niên 50. Đêm Tàn Bến Ngự viết về một địa danh biểu tượng của Huế, có âm sắc của các điệu Nam Ai, Nam Bình, làm người nghe liên tưởng đến những câu hò Huế buồn của người cố đô:
Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng
Nhớ chăng non nước Hương Bình!
Có những ngày xanh,
Lưu luyến bao tình,
Vương mối tơ mành!
Hàng cây soi bóng nước Hương,
Thuyền xa đậu bến Tiêu Tương
Lưu luyến thay phút say hương dịu buồn…
Tác giả không phải là người Huế. Bài hát cũng không có chữ “Huế” trong lời ca. Nhưng Đêm Tàn Bến Ngự vẫn được xem là một trong những ca khúc viết cho Huế, có “hồn Huế” nhất của nền tân nhạc Việt Nam.
Cảm ơn nhạc sĩ Dương Thiệu Tước với lời nhắc nhở “về nguồn”. Lời nhắc nhở này vẫn luôn luôn đúng cho mãi đến tận ngày hôm nay, và không chỉ dành cho giới nhạc sĩ. Ngay trên quê hương Việt Nam vào thời điểm này, hiểm họa bản sắc dân tộc Việt Nam bị hủy diệt hiện đang rõ nét hơn bao giờ hết…
SBTN