Trò chơi thực tế ảo "Pokemon Go" của Nintendo trên màn hình một chiếc điện thoại thông minh ở Palm Springs, California, ngày 11 tháng 7 năm 2016.
Mạng xã hội Facebook IQ vừa công bố kết quả khảo sát cho thấy 47% “game thủ” trên điện thoại di động là phụ nữ. Liệu kết quả khảo sát trên có “oan” cho phụ nữ không? Và điều gì khiến cho phái yếu mê chơi game trên điện thoại chẳng kém gì nam giới?
Khảo sát được thực hiện tại 12 quốc gia đại diện cho nhiều khu vực địa lý khác nhau, từ Bắc Mỹ, châu Mỹ La Tinh, châu Âu, Trung Đông đến châu Á vừa được công ty mạng xã hội khổng lồ Facebook công bố tuần rồi cho thấy điện thoại di động là công cụ số 1 được sử dụng trong các trò chơi trên mạng, chiếm 71%. Kế đến là máy vi tính với 64%, máy tính bảng 34% và trên các máy chơi game là 26%.
Trong số những người chơi game trên điện thoại di động, phụ nữ chiếm 47% so với nam giới là 53%.
Kết quả khảo sát trên toàn cầu của Facebook không hề khiến phụ nữ tại Việt Nam ngạc nhiên. Những phụ nữ được VOA phỏng vấn cho biết các trò chơi trên mạng rất dễ “gây nghiện” và điện thoại di động là công cụ tiện lợi nhất để họ theo sát trò chơi mọi lúc mọi nơi.
Chị Hoàng Bích, một phụ nữ ở quận Bình Thạnh, TP. HCM, cho VOA biết:
“Hấp dẫn chứ! Mới đầu mình nghĩ mình chơi giải trí thôi, khi nào rảnh thì chơi. Nhưng khi mình chơi, mình bị cuốn vô, mình phải theo nó. Mình muốn thêm nữa. Ví dụ như trò Hay Day, mới đầu có chút xíu đất, rồi em muốn có đất thêm nữa, nên em phải ráng em trồng, em làm để em mua đất nhiều hơn. Mua đất rồi thì sắm bò, sắm ngựa… cứ vậy nó cuốn mình theo. Nhiều khi chơi qua giờ ngủ hồi nào không hay luôn, đến hồi nhìn lại thì 2, 3 giờ sáng. Thậm chí nhiều khi đi đâu không có mạng để chơi thì bồn chồn nói ‘Chết rồi, hôm nay cây mình trồng chắc chết hết rồi’”.
Ngoài những thời điểm chơi game phổ biến như trong lúc chờ đợi hay trong thời gian đi du lịch, di chuyển trên các phương tiện công cộng, khảo sát của Facebook tiết lộ có đến 21% game thủ được khảo sát cho biết họ chơi game trong giờ làm việc.
Chị Hoàng Bích cho biết một khi đã “nghiện” trò chơi trên mạng, game thủ sẽ tranh thủ mọi lúc mọi nơi để thỏa mãn cơn ghiền chơi game, nhiều lúc xao nhãng cả những trách nhiệm, bổn phận đối với người thân, gia đình.
Người mẹ có hai con nhỏ này cho biết: “Nhiều khi nói ‘Đợi mẹ một chút nghe con, cho mẹ 5 phút mẹ thu hoạch cái này thôi, thì sau mình nhìn thấy không phải là 5 phút mà có khi là nửa tiếng đồng hồ. Nhiều khi sợ mình chơi, mình làm gương không tốt cho con nên lẳng lặng xách điện thoại vô toa-lét đóng cửa lại, thu hoạch xong đi ra cho nó không thấy”.
Đa số các game thủ biết đến trò chơi trên mạng là từ các trang mạng xã hội (chiếm gần 2/3 số người được khảo sát). Duyên, một sinh viên ở Việt Nam cho biết, cô gần như không quan tâm đến chuyện chơi game, nhưng từ những đường dẫn (links) mà bạn bè gửi trên mạng xã hội Facebook, cô cũng đã làm quen với các trò chơi trên mạng để giải trí vào những lúc rảnh rỗi.
Chị Duyên nói: “Thấy bạn bè chia sẻ trên đó thì em thử thôi ạ. Cái gì hay hay thì em link, mấy ứng dụng trắc nghiệm hay mấy cái ứng dụng vui vui, chứ em không chơi game. Em thấy cũng khá thú vị, cũng hay. Nếu Facebook không có mấy cái đấy thì cũng khá nhàm chán”.
Theo chị Hoàng Bích, ngoài tính giải trí, các trò chơi trên mạng cũng có yếu tố giáo dục, rèn luyện một số kỹ năng nhưng người chơi phải có khả năng tự chủ cao, điều mà chị cho là rất khó một khi đã bị cuốn vào trò chơi.
Chị Bích cho biết: “Trừ những cái game đánh nhau thì mang tính bạo lực nhiều quá, còn đa phần em thấy những trò chơi như xếp kẹo (Candy Crush), nó cũng làm cho mình nhanh nhẹn, nhìn rồi tính làm sao, cũng có tính giáo dục cao nhưng mình phải tự rèn thêm một cái tính nữa là ráng làm sao đừng để mình ghiền vô nó là được, mà cái đó cũng khó”.
Một nguyên nhân nữa khiến cho phụ nữ mê chơi game trên mạng, theo tâm sự của những người được VOA phỏng vấn, là chúng thỏa mãn những nhu cầu, ước muốn mà nhiều người không có cơ hội thỏa mãn được trong cuộc sống thực tế.
Chị Bích nói: “Không phải chỉ em mà mấy bạn trẻ quanh em cũng vậy. Ví dụ như trò chơi về nhu cầu mặc đẹp, fashion, mấy bạn chơi rất đam mê vì sở thích người ta như vậy. Bản thân mình thích kinh doanh, nên khi mình chơi cái đó, mình cũng thỏa [lòng] như mình mua cái này, rồi lùng mua đồ rẻ bán cao lên cũng có. Game mà em chơi nhiều rồi em bỏ thì cũng đi mua, canh người ta bán cái đó rẻ mới mua, mua xong rồi để bán tới 50 đồng, lời được mấy chục đồng thì rất là khoái, quá trời tiền luôn! Nó cũng thỏa mãn được cái mà ngoài đời mình không kiếm được”.
Một nghiên cứu khác do Giáo sư Chang Jae-yeon của Trường đại học Ajou, Hàn Quốc, hồi tháng 5 vừa qua cũng cho biết phụ nữ dễ bị nghiện điện thoại hơn nam giới. Có đến 52% số phụ nữ trong cuộc khảo sát sử dụng điện thoại trung bình 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày hoặc hơn, và họ chủ yếu dùng điện thoại để lướt mạng xã hội, chơi game hoặc cả hai.
Theo VOA