Mùa Tháng Bảy Âm Lịch, mùa Vu Lan báo hiếu đã về. Cho dù ở Mỹ có ngày Mother’s Day vào Tháng Năm, nhưng đối với người Phật tử gốc Việt, mùa Vu Lan vẫn quan trọng hơn, vì nó đã ăn sâu trong nếp văn hóa của dân tộc từ xa xưa.
Cứ mỗi độ mùa Vu Lan về, là ca khúc Bông Hồng Cài Áo lại vang lên ở các ngôi chùa. Bài hát hay đi đôi với nghi thức cài hoa hồng cho những ai còn mẹ, hoa trắng cho những ai mẹ đã khuất. Cứ mỗi lần nghe lại bài Bồng Hồng Cài Áo, là biết bao người vẫn cứ rơi lệ, dù nghe đi nghe lại đã rất nhiều lần…
Bông Hồng Cài Áo là một ca khúc của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, phỏng theo đoản văn tuyệt tác Bông Hồng Cài Áo của Thiền Sư Nhất Hạnh. Lịch sử của Bồng Hồng Cài Áo đã bắt nguồn ở Miền Nam từ nửa thế kỷ trước. Còn nhớ khoảng năm 2005, khi Thiền Sư Nhất Hạnh lần đầu tiên trở về Việt Nam, một số trí thức Miền Bắc tò mò hỏi “Thầy Nhất Hạnh là ai?”. Họ được một số bạn bè trong Nam gởi cho tác phẩm Bông Hồng Cài Áo để đọc. Và họ đã sững sờ! Một đoản văn viết về mẹ, về lòng hiếu thảo thuộc hàng hay nhất của văn học Việt Nam thuộc mọi thời đại. Như vậy mà họ hoàn toàn không được biết!
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1962. Theo tác giả Tâm Huy viết trên trang web Thư Viện Hoa Sen, vào năm ấy, Thầy Nhất Hạnh phổ biến tác phẩm Bông Hồng Cài Áo, trong đó ông có giới thiệu về tục cài hoa trong ngày Mother’s Day của người Nhật, và khuyên người Việt nên áp dụng vào ngày Vu Lan của mình. Đoàn Sinh Viên Gia Đình Phật Tử Sài Gòn đã thực hiện nghi thức cài hoa trong mùa Vu Lan lần đầu tiên tại chùa Xá Lợi cũng trang năm 1962. Có một điểm khác với phong tục của người Nhật: người Việt sử dụng hoa hồng, trong khi người Nhật dùng hoa cẩm chướng. Đến năm 1965, Nhà Xuất Bản Lá Bối xuất bản chính thức Bông Hồng Cài Áo nhưng không giữ bản quyền. Tác phẩm được tự do phổ biến qua nhiều hình thức in ấn, và đã trở thành tác phẩm được phổ biến rộng nhất trong nước của Thầy Nhất Hạnh. Đến năm 1967, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã phỏng theo ý của đoản văn để viết nên ca khúc Bông Hồng Cài Áo. Có lẽ không ai có thể tóm ý của toàn bộ đoản văn để chuyển thành lời ca hay hơn thế:
Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm…
Dĩ nhiên là chính quyền cộng sản Bắc Việt vào thời điểm đó đã phủ nhận giá trị của tác phẩm Bông Hồng Cái Áo. Nhà văn cách mạng Anh Đức kết án rằng tác giả đã “…cố ý làm cho người ta chỉ nhớ đến bà mẹ cá nhân của mình, mà quên đi bà mẹ lớn lao là tổ quốc…” (Bức Thư Cà Mau, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội 1966). Sau 1975, Bông Hồng Cài Áo bị cấm phổ biến. Nhưng họ không thể cấm cản được tất cả những tấm lòng của những người muốn duy trì đạo lý, văn hóa Miền Nam. Ở một số ngôi chùa tại Sài Gòn chừng vài năm sau 1975, bài hát Bông Hồng Cái Áo và nghi thức cài hoa vẫn tiếp tục được duy trì. Và cho đến ngày hôm nay, bài hát này đã chính thức được hát ở khắp mọi miền đất nước. Bông Hồng Cài Áo vẫn là biểu tượng của những mùa Vu Lan của những người Phật tử Việt trong và ngoài nước.
Trong mùa Vu Lan, rất nhiều bài hát về mẹ được trình diễn. Những ca khúc lâu đời đã trở thành bất tử như Lòng Mẹ (Y Vân), Quê Mẹ, Mẹ Tôi… tất nhiên không thể thiếu. Cũng có một số bài hát về mẹ chỉ mới xuất hiện ở hải ngoại. Trong số những ca khúc mới này, nhiều bạn trẻ thích bài Nhớ Mẹ, kể từ khi Trung Tâm Asia giới thiệu ca khúc này vài năm trước đây. 6 nam ca sĩ của Trung Tâm Asia đã hợp ca bài hát về mẹ này, với một phong cách trẻ trung, lôi cuốn. Thật là thú vị khi biết rằng Nhớ Mẹ đã được sáng tác bởi 2 vị sĩ quan cao cấp của quân lực VNCH: Thiếu Tướng Lê Minh Đảo và Đại Tá Đỗ Trọng Huề, khi các vị này cùng ở tù trong trại học tập cải tạo ở trên đất Bắc sau ngày mất nước. Trong những ngày tháng cực khổ trong lao tù, tướng Lê Minh Đảo đã nhớ đến mẹ mình thật nhiều, nên đã viết thành lời ca:
Những chiều buồn trên đất Bắc con hướng về Nam con nhớ mẹ nhiều
Mẹ ơi bao nhiêu năm tháng cứ trôi, cứ trôi cho bạc mái đầu
Không gian rưng rưng như sắp đứt
Gió về nghẹn ngào như tím ngắt
Còn đâu quê hương hoa gấm thơm làn tóc
Giã từ Miền Nam tang tóc, con sống trầm luân kiếp sống lưu đày
Hằng đêm con nghe thương tiếc xót xa đắng cay dâng ngạt tháng ngày
Trăng sao tin yêu ai dối trá
Đất trời hiền hòa ai đốt phá
Và đem thê lương che kín núi sông này …
Trong tiết điệu nhanh nhưng vẫn đượm buồn, những lời ca như lời tâm tình của những người anh hùng đã lỡ thời vận, không làm tròn bổn phận bảo vệ Mẹ Việt Nam. Và có cả lời người mẹ an ủi người con, vẫn hy vọng sẽ có một ngày tươi sáng về lại trên quê hương:
… Mẹ ơi, mẹ biết không !
Còn cháy mãi trong con những lời mẹ cầm tay nói
Nắng sẽ về đẩy lùi bóng tối
Và yêu thương, và tự do sẽ còn mãi mãi, nhé con !...
Tướng lê Minh Đảo đã hát lại cho Đại Tá Đỗ Trọng Hòe nghe khi gặp nhau mỗi chiều trong trại tù. Mỗi vị đã viết một lời, và ghi nhớ trong đầu cho đến ngày được trả tự do và ra nước ngoài định cư, để phổ biến ca khúc này đến đồng bào hải ngoại.
Lòng thương nhớ của con dành cho mẹ lúc nào cũng chan chứa, cho dù con là một đứa trẻ, hay là một vị tướng đã thành danh. Và tình mẹ dành cho con cũng thế, vẫn không thay đổi theo năm tháng, dù con đã bạc mái đầu…
Mùa Vu Lan Báo Hiếu đã về. Hãy hát lại những ca khúc viết về mẹ… Hãy dành cho mẹ thật nhiều thương yêu… Hãy vui mừng khi thấy mình còn được cài hoa hồng trên áo…
SBTN