Mặc dầu nưóc Mỹ là một xã hội có nhiều điểm bất toàn, nhưng không nơi đâu dễ xây dựng một tương lai rạng rỡ như ở đây. Vì thế nên nhiều cha mẹ
Việt khi sang Mỹ, đã kỳ vọng nhiều ở con họ, mong rằng chúng sẽ thành công mỹ mãn, đem lại vinh dự cho gia đình. Nhũng trẻ em lớn lên ở Việt
Nam, vì đã biết về lich sử nước nhà và biết rõ sự khó tiến thân trong xã hội Việt cũng chia xẻ ý niệm này. Các em cũng tin rằng với quyết tâm cao độ,
với sự cần cù chịu khó, một ngày kia các em sẽ đạt được mục đích tiến thân của đời mình.
Trên thực tế mọi việc không hoàn toàn xảy ra như vậy. Trong khi một số học sinh Việt Nam rất giỏi giang, thành đạt thì một số ít trẻ Việt khác lại dính
líu vào các hoạt động tội phạm và băng đảng.
Bài văn ngắn này xin đưa ra một vài nhận xét và suy nghĩ về việc nuôi con ở Mỹ, hy vọng giúp vào việc hiểu thêm vể hoàn cảnh của các cha mẹ Việt
trong khi cố gắng hội nhập vào môi trưòng sống mới, đã nuôi dạy con như thế nào và xin nhấn mạnh đến những khó khăn mà họ gặp phải từ khi đặt
chân lên đất Mỹ.
Sau đây là một số khó khăn mà các phụ huynh định cư tại Mỹ đã gặp trong việc nuôi dạy con:
1, Sự khác biệt về Văn Hóa:
Ở Viêt Nam, cha mẹ đụợc sự hỗ trợ của xã hội. Theo truyền thống, con cái phải biết vâng lời cha mẹ. Người cha là chủ gia đình, đi làm nuôi vợ con
và có quyền tối hậu trong những quyết định quan trọng của gia đình. Bà mẹ thường chỉ ở nhà săn sóc,nuôi nấng con cái.
Trẻ em được dạy dỗ phải kính trọng các bậc trưởng thượng trong gia tộc. Trong một xã hội phụ hệ như thế, người cha có thể ra uy và uốn nắn con
cái bằng cách lớn tiếng hay đánh phạt. Bà mẹ khi muốn con cái nghe lời có thể dùng bài bản Gia Huấn Ca hoặc cứ cằn nhằn, nói tới nói lui.
Đối với các trẻ em sống ở Mỹ thì lại khác. Muốn được kính trọng, người lớn phải tỏ ra có hành vi,cử chỉ đàng hoàng và thực sự đóng góp cho việc
phúc lợi của gia đình, chứ không hoàn toàn hưởng theo cái quan niệm hễ là thuộc nam giới, và giữ vị thế huynh trưởng, thì nói gì ai cũng phải nghe.
Phụ nữ ở Mỹ khi đã đi làm và có góp phần vào các chi tiêu trong gia đình, thường đòi hỏi các ông chồng phải chia xẻ quyền hành trong gia đình với
họ.
2. Sự khác biệt về Ngôn Ngữ:
Ở Mỹ, sự đối thoại giữa cha mẹ và con cái thường không dễ dàng. Con cái càng Mỹ hoá bao nhiêu thì chúng lại càng xa cách bố mẹ Việt bấy nhiêu.
Hầu hết cha mẹ chỉ nói tiếng Việt còn con cái thì nói tiếng Anh, cộng thêm một nhúm tiếng Việt nhát gừng. Có khi, con cái chỉ báo cho cha mẹ biết
một cách đơn giản về các sinh hoạt hằng ngày của chúng như đi học, ăn cơm hay đi ngủ. Nếu cha mẹ vì lo lắng muốn hỏi con thêm thì cuộc đối thoại
có thể như sau:
- Con đi đâu đó?
- Ra ngoài.
- Bao giờ con về?
- Không biết.
Mặc dầu sống chung nhà nhưng nhiều cha mẹ Việt không thể hiểu gì khi con họ nói tiếng Anh như gió với bạn bè bằng điện thoại.
Ở Việt Nam, người nhỏ tuổi hay con em không bao giờ dám gọi trổng tên ngưòi lớn. Dầu là với người ngoài, người nhỏ hơn phải đệm thêm tiếng anh,
chị, cô, chú hay ông bà như là thân tộc của mình. Cách tự xưng cũng cho thấy cách nhìn của người trong cuộc về mối quan hệ. Họ có thể là chị hay
em, là cháu chắt hay chỉ là một người bạn. Ở Mỹ, chuyện dâu hay rễ có thể gọi bố mẹ vợ hay chồng bằng tên riêng, đối với nhiều cha mẹ Viêt có con
lập gia đình với người Mỹ, thì thật là kỳ quặc, khó chấp nhận.
3. Sự khác biệt trong phương cách giáo dục.
Ở Mỹ không thể dùng cái lối dạy theo kiểu:” Con phải nghe lời cha mẹ, đừng thắc mắc chuyện người lớn.” Trẻ em rất tinh ý, chúng dò xét kỹ xem
người lớn cư xử như thế nào, và có khi trong tương lai lại vô thức lập lại những cách hành xử sai trái hay những lời nói năng thô lỗ của cha mẹ.
Trường học cũng dạy chúng phải thưc thà và công bằng nên chúng quan sát cha mẹ để học hỏi và không khỏi so sánh.
Nếu các em thấy cha mẹ nói dối hay nói xấu sau lưng người khác, mà lại phạt con cái khi chúng phạm lỗi tương tự, thì chúng sẽ chẳng hiểu gì cả và
sẽ không kính trọng cha mẹ.
Khoảng cách giữa hai thế hệ và hai nền văn hóa lại càng rộng hơn khi các em vì sống qúa gần cha mẹ nên có khuynh hướng dòm ngó và phóng đại
các khuyết điểm hay thiếu sót của các người này.
Cha mẹ khó thể dạy con thật thà, chăm chỉ khi họ dối trá hay lười biếng, khi họ rượu chè, cờ bạc hay ngoại tình lăng nhăng.
4. Học vấn thấp và cuộc sống bận rộn.
Cha mẹ người Việt bắt đầu cuôc sống mới bằng cách học tiếng Anh và học nghề. Ngoại trừ một số ít có nghề chuyên môn và một số có học thức
cao, có thể tìm được việc tốt sau một thời gian, nhiều người Việt thường phải làm các việc lương thấp trong các hảng xưởng, nhà hàng hay các
Thẫm mỹ viện. Mỗi ngày họ làm từ 9 đến 10 tiếng. Để đủ trả tiền bill, họ thường làm việc 6 ngày một tuần và làm thêm ngoài giờ, chỉ dành một ngày
để lo chuyện cá nhân và gia đình.
Bởi thế nên trẻ em phải tự lo. Vì cha mẹ bận rộn lại không rành Anh ngữ nên họ đặt niềm tin vào trường học. Họ thành thực tin rằng trường học và
thầy cô sẽ hết lòng dạy dỗ con em họ. Hầu hết cha mẹ không đi đi dự các buổi họp phụ huynh, hay gặp thầy giáo nói chuyện để biết con cái mình học
hành như thế nào, và môn học nào không theo kịp. Nhiều phụ huynh không đọc được các văn thư gởi cho họ bằng Anh ngữ.
Ở trường các em học sinh có vấn đề, đã dính vào xì ke ma tuý, thường hay rủ rê bạn bè vào vòng tội phạm. Cha mẹ quá bận rộn vì miếng cơm
manh áo hay lo bận làm giàu, bỗng một ngày kia, chợt giật mình, khi thấy con em mình đang trốn học, bắt đầu sử dụng ma túy hay dính líu đến băng
đảng.
5. An ninh và việc dùng TV giữ trẻ:
Trong nhiều gia đình Việt Nam, TV đã làm người giữ trẻ khi cha mẹ đang còn bận rộn với đủ thứ chuyện trên đời. Khi ánh đèn từ cái màn hình TV vĩ
đaị, sáng nhấp nháy trong nhà chiếu ra, cha mẹ cảm thấy yên tâm vì ít ra con họ cũng được an toàn. Trẻ em không thể ra ngoài chơi khi không có
người lớn đi theo xem chừng vì rất nguy hiểm, ngay cả khi ra chơi ở một công viên gần đó. Mấy chục năm trước, khi còn ở trại tỵ nạn, trẻ em có thể
chạy chơi khắp nơi. Nhưng ở xứ Mỹ này, chúng không thể làm như thế vì nạn bắt cóc. Tin và hình ành các trẻ em bị bắt đi mất tích làm cha mẹ rất
hãi hùng. Họ không dám để cho các đứa nhỏ đi một mình ra trạm xe buýt trường ở đầu ngõ.
6. Ảnh hưởng của giới truyền thông, TV và phim ảnh:
Để giải trí, hầu hết các em xem TV khi rảnh, trước hay sau khi làm bài tập ở nhà. Các em chịu ảnh hưởng của TV và các quảng cáo nhiều hơn người
lớn. Từ màn ảnh TV, các em có thể thấy những kiểu áo quần mốt mới nhất, các kiểu xe bóng lộn, đẹp nhất và các cuộc sống giàu sang đầy phô
trương của các người nổi tiếng, được tung ra như thể đó là những lý tưởng của cuộc đời.
Nhờ TV, các em có thể xem tin tức mới nhất, các sự kiện lớn lao đang xảy ra, và các chương trình giáo dục, nhưng các em cũng biết thêm về một số
mặt khác của cuộc đời như chiến tranh, tội phạm, các vụ giết người, các xì-căng-đan và những chuyện yêu đương vớ vẩn của các tài tử xi nê hay
của ông hoàng bà chúa. Truyền thông tung ra đủ loại nhân vật, được đánh bóng thêm để cho thiên hạ ngưỡng mộ và bắt chước. Thế nên cha mẹ cần
phải sáng suốt phê phán để chống lại ảnh hưởng đó, nhất là khi con em đã tỏ lòng hâm mộ. Các người nổi tiếng với cách sống xa hoa, phù phiếm,
thuộc giới điện ảnh và thể thao, sẽ chẳng có lợi gì cho các trẻ bình thường đang phải lo cho việc hoc hành và nghề nghiệp về sau.
7. Ảnh hưỏng của computer và các trò chơi điện tử:
Bây giờ xin nhắc đến thời đại thống trị của máy computer và các trò chơi điện tử. Lúc đầu, con cái thường có thể gạt cha mẹ bằng cách thức khuya
trong phòng riêng, xem computer và chơi game, làm cho các vị cha mẹ ngờ nghệch cứ tưởng rằng con mình học hành chăm chỉ quá. Khi biết sự thật
thì mới hỡi ôi! Hiện tại vẫn có nhiều cha mẹ vô vọng, không biết tính sao khi nhìn con mình chơi suốt ngày đêm, quên ăn quên ngủ, say mê với cái trò
chơi đã hớp hồn chúng. Dầu trò chơi game này có thể giúp các em có thêm nhạy bén trong việc xử dụng bàn tay, giúp chúng trong việc nhanh chóng
suy tính và mưu lược, nhưng các trò chơi này thật đã tạo cho người trẻ một thế giới ảo trong đó họ có thể đối thoại và đấu trí với các tay chơi khác
trong những cuộc tranh tài vừa hấp dẫn lại vừa đại họa vì thanh thiếu niên có biết đâu là chừng mực, là phải chăng.
8. Ảnh hưởng của một xã hội thịnh vượng dựa trên sự tiêu thụ:
Người Việt Nam đến từ một xứ sở đã chịu nhiều cuộc binh biến, nơi mà tuyệt đại đa số dân còn rất nghèo khổ, đã nhận ra rằng họ đang bị lối sống
tiêu thụ tấn công. Ai đó đã nói rất thật rằng:” Nhiều người đi mua những món đồ họ không cần, bằng số tiền họ không có, để làm oai với những người
không thèm để ý tới.” Trên TV và báo chí, luôn luôn có các quảng cáo:” Đại hạ giá! Giảm giá 50%, 70%... Câu quảng cáo nghịch lý:” Mua bao nhiêu
thì tiết kiệm bấy nhiêu” nhằm khơi dậy lòng tham con người, vẫn còn có tác dụng. Đa số người ở Mỹ có dư thừa áo quần và giày dép. Nhưng trẻ em
thì cứ luôn luôn đòi mua sắm, dù không cần, vì chúng có nhu cầu học đòi theo bè nhóm. Các em cần có vẻ bề ngoài, cách ăn mặc, hành vi, cử chỉ
giống bạn bè. TV và các quảng cáo nhấn mạnh về bề ngoài và các giá trị rỗng tếch làm cho các em có mặc cảm thua kém nếu em không mua nỗi
các món đồ bạn em có. Các em có nhu cầu và đòi hỏi không được thoả mãn, có thể trở nên bất kính. Nếu không được giáo dục về đạo đức, các em
có thề coi thường những cha mẹ vừa ít học vừa ít tiền không chu cấp nỗi các nhu cầu vật chất ngày càng tăng gia của chúng.
9. Sự xung đột trong gia đình.
Nổ lực để sống còn trong một môi trường mới với nền văn hóa và ngôn ngữ dị biệt đã tạo nên nhỉều cảnh xung đột trong gia đình. Nhiều khi vì con
cái, vì sợ thiên hạ đàm tiếu thì mất mặt, hay vì tôn giáo cấm cản mà cha mẹ còn ở laị với nhau, chứ không phải vì mối liên hệ gắn bó yêu thương
nhau giữa họ. Ở Mỹ, tất cả các hình thức bạo hành thể chất hay lạm dụng tình dục đều bị cấm. Nếu người cha cứ tiếp tục áp dụng các phương thức
kỷ luật con cái có đụng chạm đến thân thể trẻ em thì có thể bị tống giam vào tù, và Cơ Quan Bảo Vệ Trẻ em có thể can thiệp, đưa các đứa bé đi ở
chỗ khác. Nếu bạo hành trong gia đình xảy ra thì con cái cũng chịu đau khổ nhiều như người mẹ. Các em trai sau này có thể học cái thói đánh đập, la
mắng vợ con từ ông cha ngang tàng, và các em gái học từ mẹ mà chịu chấp nhận số phận của những kẻ yếu đuối, nên trở thành nạn nhân. Cảnh xào
xáo triền miên hay ly dị tác hại trên mọi thành viên trong gia đình. Hoàn cảnh này tạo thêm căng thẳng, và có thể gây nên các bệnh về tâm lý cho các
thiếu niên đang trong giai đoạn chịu những thay đổi về thể chất và cảm xúc.
Sau nhiều năm sống ở Mỹ, những cha mẹ hay sống nội tâm thường cảm thấy buồn; họ suy nghĩ về những khó khăn khi nuôi dạy con cái trong khi
chính bản thân còn phải cố thích ứng với hoàn cảnh mới, về một số những thành quả đáng thất vọng khi hai nền văn đụng chạm, ngay trong gia đình
hay ngoài xã hội. Một số giá trị đạo đức mà họ học ở Việt Nam thường đụng chạm với các giá trị được Tây Phương đề cao. Để gia đình tồn tại và
giữ hòa khí, cha mẹ thường phải chấp nhận thua cuộc. Muốn hiểu biết thêm và có thể hướng dẫn con cái, một số cha mẹ đã tập nhìn sự việc bằng
lăng kính của con và học hỏi từ chúng nếu cần. Cha mẹ thích triết lý thường hay dùng câu văn của Thi hào Gibran rằng “Con cái đi vào đời xuyên qua
bạn chứ không phải từ bạn” (They come through you but not from you) để tự an ủi. Các đứa con Mỹ hoá đã trưởng thành dần dần trở thành những
người bạn qúy mà cha mẹ không có quyền can thiệp vào chuyện của chúng. May lắm thì thỉnh thoảng các đứa này sẽ nghe lời họ khuyên. Cha mẹ có
con cái thành đạt không thể phàn nàn nhiều vì con cái họ đang có những thành quả xuất sắc trên trên mảnh đất dung chứa cơ hội này. Vì thế nên họ
biết lấy công tâm mà xét về mặt hay cũng như mặt dở của từng cách nhìn, cách sống. Và họ cũng tin rằng một ngày không xa, con cái họ sẽ nhận
thức được rằng chính chúng đã hưởng nhiều lợi điểm khi lớn lên từ một hoàn cảnh gia đình đa ngôn ngữ và đa văn hóa.
Trần Thúy Hạc