Marie Skłodowska-Curie, Nobel Vật Lý (1903) và Nobel Hóa Học (1911). Ảnh chụp năm 1920.
Phần lớn các nhà khoa học nữ đoạt giải Nobel đều rất nổi tiếng … nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Sự nổi tiếng của họ rơi vào quên lãng nhanh chóng hơn rất nhiều so các đồng nghiệp nam đoạt giải Nobel.
Tỉ lệ các nhà khoa học đạt giải Nobel là nữ giới cũng rất thấp : 2.9%. Từ năm 1901 cho tới nay (chưa tính giải thưởng năm 2016), chỉ có 17 nhà khoa học nữ đạt giải Nobel so với 583 nhà Nobel là nam giới.
Cuộc sống và sự nghiệp của họ diễn ra như thế nào ? Họ đã phải vượt qua những rào cản khó khăn như thế nào ? Đó là những câu hỏi mà bà Hélène Merle-Béral, giáo sư huyết học đặt ra khi viết về các nhà khoa học nữ lỗi lạc đã đã từng được vinh danh ở giải Nobel.
Điểm chung giữa các nhà khoa học nữ này là luôn tràn đầy khao khát hiểu biết, niềm đam mê chinh phục tri thức và một tính cách được tôi luyện kỹ càng. Giáo sư Hélène Merle-Béral nhận xét : « Họ luôn có một người đàn ông sát cánh, cho dù đó là chồng, người tình, bạn hay đồng nghiệp. Người đàn ông này giữ vai trò như một quân sư hay một cộng tác viên khoa học và luôn nhiệt tình với họ ngay từ khi họ khởi đầu sự nghiệp nghiên cứu ».
Trong số 17 nhà Nobel là nữ giới, có 4 người được trao giải chung với chồng, và đa số được trao giải chung với các đồng nghiệp nam. Thế nhưng, trước khi được trao giải Nobel danh giá, các nhà khoa học nữ đều bị phân biệt đối xử.
Marie Curie đã không được nhận giải thưởng Nobel đầu tiên nếu chồng bà là Pierre Curie và nhà nghiên cứu Henri Becquerel không viết thư cho các thành viên ủy ban Nobel giải thích là bà có công đóng góp vào nghiên cứu chung của họ. Đến lần thứ hai bà đoạt giải Nobel, ủy ban Nobel đã gợi ý là Marie Curie không nên đến Stockhom dự lễ trao giải để tránh rắc rối, vì vào thời điểm đó, dư luận đang xôn xao về mối tình của bà với nhà nghiên cứu trẻ Paul Langevin vốn đã có vợ con.
Một đôi vợ chồng nhà khoa học khác cũng đã đoạt giải Nobel là Carl và Gerty Cori. Ông bà Cori đã đoạt giải Nobel Y học năm 1947. Thế nhưng, trước đó, vào năm 1931, khi họ chuyển tới Saint Louis (Missouri), ông Carl Cori đã dễ dàng có được vị trí giảng viên dược lý, trong khi đó, bà Gerty Cori, cho dù có cùng trình độ với chồng, nhưng phải chấp nhận làm trợ lý nghiên cứu, với mức lương bằng 1/10 lương của ông Carl Cori. Bà được tuyển dụng với một yêu cầu là « không được làm gì để hủy hoại sự nghiệp của chồng bà ».
Còn bà Maria Goeppert-Mayer đoạt giải Nobel vật lý năm 1963 đã làm việc không lương trong các phòng thí nghiệm của Mỹ trong vòng 30 năm.
Đây chỉ là một vài ví dụ trong số rất nhiều chuyện khiến công chúng phải sửng sốt. Có một điều chắc chắn là vị trí của phụ nữ trong giới khoa học đã được cải thiện đáng kể và ủy ban Nobel đã nỗ lực rất nhiều để vinh danh các nhà khoa học nữ (từ năm 2004 tới nay đã có 7 nhà nữ khoa học đạt giải Nobel). Thế nhưng, cuốn sách của tác giả Hélène Merle-Béral, cũng là một nhà khoa học, đã cho chúng ta thấy con đường mà các nhà khoa học nữ đoạt giải Nobel trải qua đã từng chông gai như thế nào.
Theo RFI