Nạn nhà nước cưỡng đoạt đất đai gây căm phẫn tronng dân chúng (Credit: Audience Submitted) .Người Việt đang vượt biên sang Australia tị nạn với số lượng lớn nhất kể từ thập niên 1970 trong thời hậu chiến. Cộng đồng người Việt tại Úc và những người ủng hộ tị nạn cho rằng nguyên do là gần đây chính phủ Việt Nam tăng gia đàn áp giới bất đồng chính kiến.
Theo tin cho biết, 460 người Việt đã tới Úc bằng thuyền kể từ tháng 01/2013.
Cộng đồng người Việt ở Úc và những người ủng hộ tị nạn cho rằng đó là hậu quả của việc chính phủ Việt Nam gần đây tăng cường các biện pháp đàn áp những người bất đồng chính kiến. Họ chỉ trích rằng chính phủ Úc chưa công khai tạo sức ép đúng mức với chính phủ Việt Nam để họ cải thiện vấn đề nhân quyền.
Bà Marion Lê, chủ tịch Hội đồng Độc lập Ủng hộ Tị nạn cho biết trong hai thập niên 1970-1990, sau khi chính phủ cộng sản lên cầm quyền, người Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam đã vượt biển trong những điều kiện kinh khủng và sau đó phải sống lây lất tại các trại tị nạn Đông Nam Á trong một thời gian dài trước khi được phép định cư ở các nước như Mỹ, Úc, New Zealand và Châu Âu.
Đây là những người mà người Úc gọi là ‘thuyền nhân Việt Nam’ (Vietnamese boat people). Số lượng thuyền nhân đã giảm trong thập niên 80, sau đó tăng lên đỉnh điểm vào giữa thập niên 90. Giờ đây, sau gần 20 năm, gần 500 người Việt xin tị nạn đã tới Úc bằng thuyền tính từ đầu năm 2013.
“Khoảng ba, bốn năm trước có thêm một số thuyền chở người Việt tới Úc. Trong đơn xin tị nạn, một số người viết họ bị buộc phải rời nơi ăn chốn ở của họ vì chính phủ cộng sản chiếm đất mà không đền bù cho họ. Tuy nhiên, gần đây ở Việt Nam, nhà nước thẳng tay trừng trị những người chỉ trích chính phủ. Ví dụ, một số nhà báo đã bị bỏ tù và một số bloggers được xem là bất đồng chính kiến trên internet,” bà Lê cho biết. “Chúng ta chứng kiến sự hà khắc của chính phủ và vụ giết hại lãnh đạo Thiên Chúa Giáo của dân tộc Mông. Những người theo đạo Phật cũng đang bị thẳng tay đàn áp.”
Trong những năm gần đây, cựu ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, tới thăm Việt Nam và công khai nêu vấn đề nhân quyền và tự do Internet. Nói về phản ứng của Australia, bà Le cho biết chính phủ Úc đã có “những phản hồi đáng chú ý”. Theo bà, Đảng Lao Động đương quyền chưa bao giờ thẳng thừng tuyên bố rằng sự thất bại của miền nam Việt Nam là một diễn biến tiêu cực. Trong khi đó, Đảng Tự do đã từng lên tiếng về chế độ hà khắc của Đảng Cộng Sản và chào đón những người xin tị nạn, trong đó cựu Thủ tướng Malcolm Frazer nổi tiếng về việc giải quyết vấn đề thuyền nhân Việt Nam
Có nhận định cho rằng vì lợi ích kinh tế và thương mại trong quan hệ với Việt Nam, chính phủ Úc không muốn công khai nêu lên những quan ngại về nhân quyền mà muốn giải quyết vấn đề một cách kín đáo.
Bà Lê nói bà thực sự không hiểu tại sao chính phủ Úc không trực diện và giải quyết vấn đề và đưa nhiều thuyền nhân Việt tới Đảo Manus ở Papua New Guinea. Bà nói có lẽ chính phủ “không muốn mọi người biết tại sao các thuyền nhân Việt Nam đang chạy trốn khỏi đất nước”.
Source: ABC Australia