Một điểm truy cập internet dành cho nông dân ở Tiền Giang, ảnh chụp năm 2012.Photo courtesy of tiengiang.gov.vnMột phần ba dân số Việt Nam thường xuyên lên mạng nhưng cho đến nay internet vẫn là một dịch vụ xa lạ, đắt tiền vượt khả năng của người dân nông thôn.
Xa như con đường thiên lýPhần lớn 32 triệu người Việt Nam sử dụng internet tập trung ở các đô thị. Mặc dù mục tiêu quốc gia là đưa internet về nông thôn được đề ra từ kế hoạch 5 năm 2005-2010, nhưng cho đến nay kết quả rất hạn chế. Điểm nổi bật là internet đã xuất hiện ở những vùng nông thôn trên toàn quốc, ở những nơi không quá hẻo lánh hoặc quá xa trục lộ giao thông. Tuy vậy, việc có thể kết nối internet cho đến việc nông dân ứng dụng phương tiện này trong đời sống vẫn còn xa như con đường thiên lý.
Trò chuyện với chúng tôi, TS Phạm Văn Tấn chuyên gia công nghệ sau thu hoạch hiện làm việc ở miền Nam nhận định:
“Đồng bằng sông Cửu Long có một số điểm Câu lạc bộ @ nơi nông dân tới để uống cà phê, trao đổi các vấn đề kỹ thuật trong nông nghiệp rồi truy cập internet để tham khảo thông tin về khoa học công nghệ, các thông tin về thị trường. Trong vòng 2 năm qua thì một số nơi làm cũng tốt, nhưng hiện nay khó khăn thứ nhất là nguồn kinh phí của chính phủ cho các nơi để nhân rộng mô hình này ra.
Nhưng quan trọng hơn theo tôi nghĩ, khả năng của người nông dân để có thể tiếp cận nguồn thông tin trên internet rất là hạn chế. Việc này phải qua tập huấn để biết cách tìm được nguồn thông tin cần thiết ở trên mạng. Ở đồng bằng sông Cửu Long người nông dân thường nhờ trong gia đình thí dụ có con đi học, hoặc những người trẻ trong gia đình mà họ tiếp cận. Theo cách này thì người nông dân vẫn bị hạn chế, họ không chủ động trực tiếp tìm được nguồn tài liệu ở trên mạng.”
Chúng tôi nói chuyện với ông Ba một nông dân vào hàng khá giả, ông có 10 ha trồng lúa 2 vụ mỗi năm ở khu Tứ giác Long Xuyên. Ông Ba là một trong số hiếm hoi nông dân làm quen với internet. Ông nói:
“Người dân không quan tâm, nông dân đi làm quần quật suốt ngày, tối về thì xúm quanh cái TV, xem thời sự giây lát rồi còn đi ngủ để sáng đi làm. Hơn nữa kiến thức người ta còn thấp lắm thành ra không tiếp cận cái đó, người ta cho là nó không cần thiết cho đời sống. Thực tế dịch vụ rất tốt, mình chỉ cần đăng ký là họ tới nhà lắp ráp đường dây dẫn tới nhà cho mình, chỉ vài tiếng đồng hồ là có, như trường hợp tôi nhanh lắm. Mình có thể lựa chọn nhà mạng này nhà mạng nọ, nhưng ít người xài lắm. Giá dịch vụ cũng là một vấn đề, giá mỗi tháng 90.000 đ còn truy cập dung lượng đến đâu trả đến đó, ít nhất 200.000 đ/tháng.”
Ông Tám, một nông dân khác ở Thốt Nốt Cần Thơ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện nhà mạng đem internet về xóm ông, nơi cách thị trấn gần nhất hơn 10km và từ xóm ông bước qua đường đã là đồng ruộng. Ông nói:
“Mấy anh đó kéo internet về địa phương, mình hỏi vào internet mỗi tháng phải đóng bao nhiêu? Họ nói 380.000đ/tháng…nông dân thu nhập quá thấp, giá này nông dân xài không nổi…để tiền sử dụng việc khác. Nếu internet cho nông dân từ 100.000đ/tháng trở xuống thì còn có nhà dám xài. Nói chung nhiều thứ lắm điện nước, điện thoại các cái tính ra nhiều lắm.”
Nâng cao dân trí và đời sống là những điều kiện cần thiết để đạt mục tiêu đưa internet về nông thôn với đầy đủ ý nghĩa. Ông Ba người nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên phát biểu:
“Nếu đời sống nông dân được nâng cao lên, nông sản bán ra được giá hợp lý, đời sống có ăn, có để, có của dư, của thừa, cuộc sống thoải mái thì người ta mới tính đến chuyện sử dụng internet. Thực tế thì nó cũng có ích đó nhưng cái nghèo làm người ta dù muốn cũng không được. Cuộc sống quanh năm nông dân còn khổ lắm, người khổ còn quá nhiều, thành thử nó cũng không thiết thực cho lắm.”
Một lớp tập huấn truy cập internet dành cho nông dân ở tỉnh Hòa Bình, ảnh chụp năm 2012. Courtesy nongdan.com.vnCần giải pháp hữu hiệuTheo chúng tôi ghi nhận, có sự khác biệt giữa nông dân làm lúa đồng bằng sông Cửu Long và nông dân trồng tiêu, trồng cà phê ở Tây nguyên. Rất đơn giản, một kg tiêu bằng 30kg lúa, một kg nhân cà phê ít nhất gấp 8-9 lần một kg lúa. Thu nhập từ tiêu và cà phê rất ổn định trong ba năm vừa qua có sự góp phần của internet. Thông tin nhanh nhạy kịp thời của các trang mạng tư vấn cho người trồng cà phê, trồng tiêu được sử dụng hữu hiệu. Đã không còn cảnh nông dân xả hàng ồ ạt làm rớt giá, người nông dân đã góp phần điều tiết thị trường ổn định giá cả vì lợi ích của chính mình.
Ông Nguyễn Vịnh, nhà tư vấn trên mạng của nông dân trồng cà phê, trồng tiêu hiện sống ở Đăc Lăk phát biểu:
“Ở vùng tôi tiếng là làm cà phê nhưng có lẽ 80%-90% người ta đã có máy tính trong nhà nối mạng để cho con cái học hành. Không phải tất cả mọi người trong nhà đều lên mạng nhưng là có. Thông tin mùa màng giá cả, chuyển biến thị trường thì được nông dân lên mạng xem nhiều hơn. Bây giờ họ học hành qua con cái…những cái click chuột đơn giản thôi…còn số sử dụng mạng di động để báo giá cả, mạng đó chủ yếu dành cho người chuyên nghiệp, tầng lớp thương nhân buôn bán hơn là nông dân. Còn nông dân khi cần bán là họ chỉ cần 5 phút mở máy lên mạng vào các trang web thường xuyên là biết ngay giá cả rồi.”
Các nhà quản lý có lẽ sẽ tìm được giải pháp hữu hiệu để internet thực sự không còn xa lạ hoặc quá xa xỉ với nông dân. Quốc tế cũng tiếp tay trong việc này, Quỹ Bill&Melinda Gates đã tài trợ Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam” bước đầu thực hiện ở 12 tỉnh và đến năm 2016 sẽ mở rộng đến 40 tỉnh với kỳ vọng 760.000 người ở nông thôn trong đó nông dân là đối tượng quan trọng được sử dụng máy tính nối mạng internet.
Source: RFA