Một thời taxi (cab) ngự trị ở Mỹ khi bạn cần đi đâu đó. Với người Việt mình ở Mỹ đi taxi không thịnh hành như những nơi khác trên thế giới. Qua Đại Hàn, có dịp sống gần gũi với cộng đồng người Việt mình mới thấy đi taxi là tiện và gọn nhất. Cần tụm năm túm ba hay có dịp gặp gỡ đồng hương, người ta chỉ cần ra đường vẫy tay gọi taxi. Ở Thái Lan cũng thế, vì có nhiều phương tiện di chuyển cá nhân nên taxi muốn tồn tại phải cạnh tranh. Hơn nữa là quốc gia du lịch nên kỹ nghệ taxi được đẩy mạnh để phục vụ nhu cầu của du khách. Ngoài ra các xe taxi ở Thái Lan đều sử dụng khí đốt (natural gas) nên giá biểu không cao lắm, rất phù hợp với túi tiền của khách đi taxi. Còn ở Sài gòn hay những thành phố lớn của Việt Nam, taxi càng ngày càng trở nên quen thuộc với những người có tiền. Bởi lẽ taxi ngày nay không còn là một dịch vụ sang trọng xa xỉ nữa, nhất là nhiều con đường của các thành phố lớn đã được nâng cấp, mở rộng hai chiều nên xe taxi có thể lưu thông dễ dàng hơn.
Xe taxi ở Mỹ phục vụ những nhu cầu cá nhân khi người Mỹ cần đi đến một số nơi như phi trường hay khách sạn, hoặc giữa các tòa nhà trong downtown. Thỉnh thoảng xe hư hay vì một lý do nào đó dân Mỹ sẽ đi xe taxi một vài bữa cho đến khi chiếc xe của mình được sửa chữa xong. Thông thường người Mỹ ít khi đi taxi thường xuyên vì xe hơi đa phần ai cũng có. Nếu không, cần đi hằng ngày họ sẽ đi xe chung với bạn đồng nghiệp rồi phụ tiền xăng, hoặc họ sẽ đi xe buýt.
Tuy vậy xe taxi tại Mỹ vẫn là một thị trường khá lớn. Tìm hiểu thị trường taxi Mỹ qua Google với từ khóa “taxi industry stats” bạn sẽ có nhiều trang website khá hấp dẫn hiện ra. Mở vào một trang website, bạn sẽ có được vài thông tin về hai thành phố lớn của Hoa Kỳ là Las Vegas và New York City. Điều này cho thấy taxi hiện diện và hoạt động rất nhộn nhịp tại những nơi có mật độ dân cư đông đúc, sở hữu xe hơi không quan trọng lắm, đặc biệt là đường sá chen chúc, chật hẹp.
Theo thông tin của trang website
www.statisticbrain.com/taxi-cab-statistics cung cấp, tại Las Vegas thị trường taxi ở đây có doanh thu hằng năm lên đến hơn 386 triệu Mỹ kim. Tại đây số lần khách sử dụng dịch vụ taxi lên đến 72.168.000 lần/năm. Trung bình mỗi ca làm việc, một tài xế taxi thực hiện 18.8 lần chở khách. Trung bình mỗi người tài xế một ca đem về doanh thu khoảng 275.38 Mỹ kim. Trung bình mỗi lần khách sử dụng dịch vụ taxi sẽ phải trả 14.65 Mỹ kim.
Còn tại thành phố New York tình hình dân lái taxi được mô tả bằng những đặc tính rất khác. Theo đó tại đây số xe taxi của Big Apple lên đến 13,237 chiếc cần đến một đội ngũ tài xế lái taxi là 42.000 người. Bạn hiếu kỳ: Ai là những tài xế này. Theo kết quả thống kê, có đến 82% dân tài xế taxi ở đây là người sinh ra tại nước ngoài. Trung bình mỗi ca một tài xế taxi sẽ lái khoảng 180 dặm. Mỗi năm tại New York có khoảng 241 triệu lượt khách đi xe taxi.
Đó là tại hai thành phố lớn của Mỹ. Xét chung trên toàn nước Mỹ lương trung bình của tài xế taxi vào khoảng 22,400 Mỹ kim. Từ con số này chúng ta có thể tính ra mức chung; dĩ nhiên có nhiều người kiếm được nhiều hơn hoặc ít hơn. Cả nước Mỹ có khoảng 239.000 tài xế lái taxi. Ước tính trong khoảng 10 năm tới, số tài xế taxi nước Mỹ cần sẽ tăng khoảng 20%. Theo những con số cho thấy người Mỹ sẽ lựa chọn sống tại những thành phố lớn chật chội, nhu cầu xe hơi không cần, và họ cũng chẳng thấy việc sở hữu một chiếc xe hơi là điều cần thiết nữa!
Như vậy thị trường taxi phục vụ tại Hoa Kỳ vẫn còn hấp dẫn trên địa bàn rộng với nhu cầu khác hàng mỗi lúc một tăng. Nhưng Uber từ khi xuất hiện đã là đối thủ mới nhưng đáng gờm của taxi New York. Sơ sơ trong năm 2015 đã tăng 88%. Và nói đến Uber là người ta nói đến một công ty sinh sau đẻ muộn nhưng có đầy tham vọng. Giá cổ phiếu của Uber không còn nóng hổi như ban đầu, và thị phần cũng đang thu hẹp lại bởi nhiều công ty taxi nhỏ khác liên tục tấn công vào thị trường dịch vụ taxi.
Nói qua về Uber, công ty này có số vốn đầu tư rất lớn và giá trị tài sản của Uber lớn hơn của Ford hay của General Motors. Với công thức và đường lối kinh doanh khá độc đáo, Uber hiện diện được 6 năm trong kỹ nghệ dịch vụ taxi chủ yếu nhờ vào sự bùng nổ của ứng dụng điện thoại thông minh. Mọi cái bỗng nhiên trở nên dễ dàng hơn. Hệ thống liên lạc được thiết kế rất tiện nghi và dễ sử dụng cho khách hàng và cho các tài xế của Uber, thị trường này bỗng nhiên trở nên béo bở với những công ty biết nắm bắt ứng dụng của các thế hệ điện thoại thông minh hiện nay.
Tham vọng của Uber là thay đổi lịch sử của kỹ nghệ dịch vụ taxi. Tuy nhiên vào năm 2016, tình hình có vẻ không còn sáng sủa lắm với Uber. Tháng 08 năm nay, Uber phải tìm cách tháo chạy sau khi đầu tư vào Trung Quốc một số tiền to: 2 tỷ Mỹ kim với khát khao sẽ là công ty đi xe chung (ride-share company) lớn nhất tại đây. Để tiếp cận thị trường béo bở của một quốc gia có số dân đông hơn 1 tỷ 300 triệu người, Uber phải mượn một đối thủ tại địa phương là công ty Didi nên mọi kế hoạch chiến lược tiếp cận thị trường chỉ dừng lại ở mức gián tiếp chứ không thể trực tiếp được.
Tại thị trường Mỹ, Uber đang gặp phải một số rắc rối với một số công ty lớn trong nghề như Lyft và một số thương hiệu có tiếng tăm khác. Để chơi trội, Uber đã đưa ra các khoản tiền thưởng trong việc hấp dẫn những tài xế mới. Chuyện này đã ngốn mất một khoản tiền khá to của Uber. Đã thế, để cạnh tranh, Uber đưa ra nhiều chương trình giảm giá cho khách, điều này vô tình khiến cho doanh thu của Uber bị suy giảm đáng kể. Theo các nhà đánh giá chuyên môn thì đây là một cuộc chạy đua lao xuống vũng bùn đen.
Với lối làm việc này, người quan sát thấy đường lối làm việc của Uber cũng giống như nhiều kỹ nghệ thương mại khác: Chọn cách sử dụng giá cả để tấn công vào thị trường. Thực ra đây là một cách làm ăn (như bao nhiêu cách làm ăn khác). Vấn đề được đưa ra: Liệu đây có phải là cách làm ăn khôn ngoan nhất? Nếu như bài học của fast food đua nhau trình làng những menu $1 giữa các đối thủ mạnh. Hoặc như kỹ nghệ nail bị làm hỏng bởi sự cạnh tranh về giá cả giữa các chủ tiệm. Cuối cùng một kỹ nghệ đã bị làm hỏng, thu nhập và giá trị của nghề mỗi lúc cứ một đi xuống, buông bỏ thuở vàng son hôm nào.
Tại Ấn độ, một thị trường quan trọng khác của Uber cũng không mấy suôn sẻ. Lý do? Thấy Uber đến, kỹ nghệ dịch vụ taxi ở đây nhận ra họ không thể đứng yên để Uber có cơ hội làm mưa làm gió. Thế là họ đưa ra một phản ứng rất ngoạn mục. Phương pháp chủ yếu được sử dụng là đoàn kết. Vì thế chẳng ai thấy chuyện này là lạ lùng khi các công ty lớn của kỹ nghệ dịch vụ taxi quyết định dốc vốn và liên kết với Softbank – một ngân hàng có nguồn vốn khổng lồ. Mục tiêu của Ấn độ là tìm mọi cách để gây khó khăn cho Uber, kể cả chuyện phải sử dụng giá biểu như một đòn vũ khí tấn công. Họ nhất định phải đánh một trận sống mái với Uber lần này.
Một cơn bão u ám khác đang rình rập tấn công Uber đó là Google đang tìm cách giới thiệu một dịch vụ mới. Đó là Google đang thử nghiệm tại San Francisco một chương trình có tên Carpool services. Xét về lý thuyết dịch vụ này không can thiệp trực tiếp vào các dịch vụ của Uber, tuy nhiên dịch vụ carpool services của Google đã tác động gián tiếp khá mạnh. Nên biết cột sống của Uber là chiêu mộ tài xế có xe tốt và đưa họ vào danh mục những tài xế taxi nghiệp dư. Vì là nghề tay trái và kiếm thêm nên các tài xế của Uber có vẻ dễ dãi hơn các tài xế taxi chuyên nghiệp làm việc cho các công ty dịch vụ taxi. Nay dịch vụ carpool services của Google xuất hiện là hình thức môi giới để mọi người có nhu cầu đi lại tiếp xúc làm quen với nhau. (Ví dụ như người không có xe nhưng có nhu cầu đi nhờ xe và sẵn lòng phụ trả tiền xăng cho người chở mình, hoặc người có xe và có nhu cầu kiếm người phụ tiền xăng để nhẹ bớt chi phí đổ xăng, hoặc người muốn kiếm bạn tuần này đi xe mình, tuần sau đi xe người bạn mới; như vậy vừa không lái xe đường xa cảm thấy lẻ loi, cô đơn, vừa đỡ hại xe của mình). Từ đây khả năng nhiều vị khách hàng của Uber và của các công ty khác sẽ bị lấy bớt đi.) Còn nếu như Google quyết định tham gia cuộc chơi, lần này Uber coi như nắm chắc phần xiểng niểng.
Báo cáo chưa có, nhưng thông tin rò rỉ cho thấy chỉ nội sáu tháng đầu năm 2016, Uber đã thất thoát một khoản doanh thu lên đến 1.3 tỷ Mỹ kim. Số tiền này chủ yếu do thua lỗ tại Trung Quốc. Còn quý II của năm 2016, tại thị trường Mỹ Uber đã thất thu khoảng 100 triệu Mỹ kim. Điều này khiến nhiều cổ đông của Uber ngỡ ngàng vì CEO của Uber là Travis Kalanick hồi đầu năm nay cho biết Uber năm nay tại Mỹ nhất định sẽ có lời. Giới am tường cho biết Uber chỉ có thể có lời khi cắt giảm khoản thưởng (bonus) cho tài xế và tăng giá biểu dịch vụ. Nhưng làm thế có khác nào chọc giận khách hàng, và điều này sẽ đồng nghĩa với nhiều khách hàng sẽ “say goodbye” và chuyển qua hãng khác.
Trong nhiều thập niên qua bối cảnh landscape của kỹ nghệ dịch vụ taxi vẫn bình thản lặng lẽ tại Mỹ. Nhưng dạo gần đây, với sự có mặt của Uber, kỹ nghệ này đã thay đổi hẳn. Một phần vì khoảng cách giữa khách hàng và taxi truyền thống luôn hiện diện. Còn với Uber, khoảng cách giữa khách hàng và tài xế lái xe taxi nghiệp dư cho Uber có vẻ gần gũi hơn. Họ quen nhau. Sống gần nhà nhau. Cùng một neighborhood. Vả lại cảm giác an toàn cũng nhiều hơn vì đã biết nhau sau một vài lần. Thay vì cứ lo lắng phập phồng không biết người tài xế taxi mình đi có phải là người gian, tùy tiện bấm odometer thật nhanh để ăn gian tiền khách hay không!
Phan