Một bạn sinh viên ở sài Gòn làm thêm sau giờ họcThời kinh tế khó khănThành phố Sài Gòn với hệ thống đại học quốc gia tồn tại trên mười năm nay cộng với các trường đại học bán công khác, cái lò đào tạo nhiều chuyên ngành khác nhau, từ ngành y tế cho đến luật học, kinh tế, báo chí, văn khoa, sư phạm, toán tin, quản trị học, xã hội học, triết học Mác – Lê nin, kinh tế chính trị Mác – Lê nin, kĩ thuật sửa chữa ô tô, cơ giới, kĩ thuật tin học, nữ công gia chánh… Nhìn chung, môi trường đại học Sài Gòn khá phong phú và cũng khá phức tạp. Lượng sinh viên ở thành phố này đông lên đến vài chục ngàn. Họ sống trong các căn phòng thuê chật hẹp, điều kiện sinh hoạt tối thiểu và giá cả đắt đỏ. Nhất là trong tình hình kinh tế biến động theo chiều xấu đi, đời sống sinh viên Sài Gòn cũng khốn đốn, khó khăn theo.
Một sinh viên trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Sài Gòn, tên Thúy, quê Quảng Ngãi, vào Sài Gòn học ngành báo chí tại trường này được ba năm nay cho biết rằng đời sống của các sinh viên xa quê rất khó khăn, phần lớn sinh viên ở các tỉnh lẻ vào Sài Gòn theo đuổi việc học đều là con nhà nghèo, chính vì con nhà nghèo, cha mẹ làm nông, nên họ muốn đổi đời, quyết tâm chọn trường đại học ở thành phố lớn này ghi danh để trong lúc đi học còn có chỗ làm thêm, kiếm tiền trang trải học phí, khi đỗ đạt cũng dễ kiếm việc làm. Thúy cũng không ngoại lệ.
Gia đình Thúy có ba chị em gái, Thúy là con đầu lòng, hai đứa em của Thúy, một đứa đi làm công nhân trong khu công nghiệp Dung Quất, đứa út đang học lớp 12. Cha mẹ Thúy làm nông, có xoay xở cách gì cũng không tài nào đủ tiền gửi cho Thúy ăn học, đứa em gái cũng phải góp thêm tiền lương giúp Thúy đi học. Thúy đi làm gia sư mỗi buổi tối, kiếm được mỗi tháng một triệu hai trăm ngàn đồng. Vật giá đắt đỏ, cầm số tiền đó chẳng biết tiêu xài cách nào cho hợp lý, đời sống luôn khó khăn, chật vật.
Nam sinh viên làm thêm cho một quán ăn vỉa hè. RFA photo Tiền thuê phòng trọ tốn mất 400 ngàn đồng mỗi tháng, vì giá phòng quá cao, không thể gánh riêng tiền phòng một mình, Thúy rủ thêm hai người bạn đồng hương cùng thuê phòng. Căn phòng chưa đầy 10m2, có một gác lửng rộng chừng 3m2, giá thuê mỗi tháng là một triệu hai trăm ngàn đồng. Cũng theo Thúy cho biết, giá phòng của cô thuộc vào diện thấp trong thành phố, hiếm có ai cho thuê phòng với giá thấp hơn.
Giàu – nghèo phân nhóm đối xửHải, người Ninh Thuận, sinh viên đại học Bách khoa Sài Gòn năm thứ nhì, cho chúng tôi biết rằng đời sống của sinh viên Sài Gòn chia làm ba thành phần rất rõ: Thành phần thuộc giới thượng lưu; Thành phần thuộc giới trọc phú và thành phần con nhà nghèo, các nhóm chơi với nhau căn cứ vào thành phần và giới. Nếu như sinh viên giới thượng lưu chơi với nhau theo phong cách dùng xe hơi đắt tiền, thuê biệt thự hoặc mua biệt thự, mua nhà cao cấp ở Sài Gòn để ăn học, sinh hoạt và ăn cơm trưa ở những nhà hàng sang trọng thì sinh viên giới trọc phú cũng có cách chọn lựa y hệt giới thượng lưu, chỉ có khác là giới thượng lưu chăm chỉ học tập, giới trọc phú thì siêng năng ăn chơi, không quan tâm đến chuyện học mấy, thậm chí, có đời sống sa đọa và kém trí tuệ.
Hải nói rằng giới chiếm số đông nhất và dễ nhận biết, dễ gặp mặt nhất chính là sinh viên con nhà lao động, nhà nông, nói chung là sinh viên nghèo. Có thể bắt gặp họ làm thuê ở các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán bar, các trung tâm giới thiệu việc làm, nhiều người còn đi phụ hồ trong những ngày cuối tuần để cải thiện đời sống. Đặc điểm dễ nhận biết của sinh viên nghèo là người nào cũng ốm, da xanh, xài áo quần bành, đi xe máy dỏm và ánh mắt buồn nhiều hơn vui.
Ngọc, sinh viên khoa Luật quốc tế đại học luật Sài Gòn cho biết thêm sở dĩ sinh viên nghèo lúc nào cũng buồn vì cái buồn này đến từ hai nguyên nhân chính: Thân phận cá nhân và; Tác động xã hội. Vì có xuất thân con nhà nghèo, từ miền quê xa xôi vào thành phố để theo đuổi việc đèn sách, các sinh viên nghèo chấp nhận mọi khó khăn và thiếu thốn để học, họ phải đi làm thêm, đi kiếm cơm duy trì mỗi ngày trên đất Sài Thành bằng mọi giá. Cũng chính vì chấp nhận và cam chịu, đôi khi, trong công việc làm thêm, họ bị giới chủ quở trách, la mắng và không ngoại trừ đánh đập. Điều này đã làm tổn thương rất nhiều sinh viên nhà nghèo.
Đó cũng là những tác động xã hội không lành tính đến sinh viên nhà nghèo, khiến họ thấy cô đơn, thất vọng về tương lai, dễ sa ngã và sống vội. Có thể nói, phần lớn các đôi sinh viên nam nữ sống chung như vợ chồng trong các phòng trọ ở Sài Gòn đều nằm trong giới sinh viên trọc phú và sinh viên nhà nghèo.
Sống kiểu vợ chồng trong các khu nhà trọThư, sinh viên ngành Xã hội học, năm cuối, trường đại học khoa học xã hội và nhân văn chia sẻ về tâm lý của cô khi quyết định sống chung với một bạn trai từ năm thứ nhì đại học rằng cô vốn rất sợ chuyện chung đụng giới tính trước hôn nhân. Nhưng vào đại học, một phần nhớ nhà, một phần buồn vì mỗi khi đi học về, nhai vội một ổ bánh mì rồi lại đạp xe đi làm, không khí làm việc lúc nào cũng cho cô cảm giác mình thuộc tầng lớp nghèo khổ, đói kém, đôi khi, cô tuyệt vọng vì thấy tương lai của mình quá mù mịt. Chính vì thế, cô quyết định sống chung với bạn trai để cả hai cùng san sẻ cơm áo với nhau, chăm sóc và lo lắng, an ủi nhau.
Nhưng, Thư cũng cho biết là không phải cặp đôi sinh viên nào sống chung cũng nghĩ như cô, phần lớn vì đua đòi, tò mò giới tính và cảm thấy đó là xu thế thời đại.
Cũng theo Thư chia sẻ thì số lượng điều tra thực tập của cô về vấn đề phá thai trong giới sinh viên nghào ở Sài Gòn từ năm 2009 đến nay tăng đều đặn, năm sau nhiều hơn năm trước. Nhưng đây chỉ là con số nắm được, theo cô nghĩ thì nhiều hơn gấp vài lần.
Nguyệt, cựu sinh viên khoa báo chí đại học khoa học xã hội và nhân văn cho biết thêm rằng cô để ý, thấy kinh tế càng xuống thấp, vật giá càng đắt đỏ, thì tỉ lệ phá thai trong giới sinh viên càng tăng cao. Nhất là trong thời kinh tế khó khăn, đồng tiền liên tục rớt giá và giá nông sản rẻ bèo, nhà nông dỡ khóc dỡ cười, đời sống sinh viên ghèo trong thành phố trở nên túng quẫn, thì phong trào sống chung đã lây lan sang những sinh viên đại học năm đầu, thay vì trước đây, các lớp sinh viên đàn anh đàn chị phải bước qua năm thứ hai, thứ ba mới dám sống chung, bây giờ, các sinh viên đã rủ nhau sống chung thành cặp trong những tháng đầu vào đại học. Cô không đưa ra nhận xét nào về vấn đề này.
Tình hình kinh tế hiện tại khiến cho nhiều sinh viên phải bỏ học để đi làm kiếm tiền trả khoản nợ ngân hàng mà cha mẹ họ đã vay cho họ ăn học. Nhìn chung, đời sống sinh viên Sài Gòn có dấu hiệu xấu đi bởi tác động từ tình hình kinh tế đất nước.
Source: RFA