Hành động nắm chặt mỗi tay làm tăng cường hoạt động của bán cầu não bên kia (Credit: ABC Licensed)Bạn học thi ư? Hãy làm một nắm đấm thật chặt bên tay phải. Bạn cố nhớ một số điện thoại? Hãy làm như vậy cho tay trái.
Đó là gợi ý đưa ra từ một nghiên cứu mới về tác động của việc nắm chặt tay đối với trí nhớ.
Các nhà khoa học Mỹ đã tìm hiểu tác động của việc nắm chặt mỗi bàn tay với trí nhớ, dựa trên giả thuyết cho rằng hành động nắm chặt mỗi tay làm tăng cường hoạt động của bán cầu não bên kia.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ là nghiên cứu đầu tiên kiểm nghiệm vai trò của mỗi bán cầu não với việc giải mã và ghi nhớ trong bộ nhớ. Phát hiện được đăng trên tạp chí ‘PLoS One’ số ra cuối tháng 04/2013 .
“Các bộ phận cơ thể con người kết nối chéo với bán cầu não. Nếu nắm chặt tay phải, bạn tạo ra thay đổi hoạt động ở bán cầu não trái và ngược lại,” phó giáo sư Ruth Propper, giám đốc Phòng Thí nghiệm Não bộ tại Đại học bang Montclair, cho biết.
“Thí nghiệm cho thấy không chỉ vùng điều khiển vận động của não bộ được kích hoạt, vốn là điều bạn mong đợi nếu bạn dịch chuyển một bộ phận cơ thể, mà một số vùng não trước (thùy trán) cũng hoạt động mạnh lên khi bạn nắm chặt bàn tay.”
Nghiên cứu cho thấy nắm chặt tay phải kích hoạt bán cầu não trái trước khi tiếp nhận thông tin và nắm tay trái kích hoạt bán cầu não phải trước khi gợi nhớ lại. Như vậy, bạn có thể nhớ tốt hơn nhiều so với các động tác nắm tay ngược lại.
Cách nắm tay này cũng cải thiện trí nhớ so với việc không nắm tay mặc dù sự khác biệt không lớn, có lẽ là do số lượng mẫu nghiên cứu còn ít.
Trong nghiên cứu, 51 người thuận tay phải được yêu cầu nắm một quả bóng cao su nhỏ càng chặt càng tốt trong hai lần, mỗi lần 45 giây, sau đó được yêu cầu nhớ hoặc gợi nhớ lại từ trong một danh sách gồm 36 từ.
Nghiên cứu được thực hiện tiếp nối một nghiên cứu trước đó về tác động của chuyển động mắt với trí nhớ và có lẽ phù hợp với quan điểm chung cho rằng ánh mắt có thể tiết lộ hành vi nói dối của con người.
“Một số người cho rằng nếu nói thật và nhớ lại điều gì đã xảy ra, bạn tưởng tượng và tái hiện hình ảnh trong đầu,” phó giáo sư Propper nói. “Những hình ảnh và sự hình dung đó thuộc kiểm soát của bán cầu não phải. Nhớ lại cũng liên quan tới bán cầu não phải. Như vậy, người đó sẽ nhìn sang bên trái vì não bộ và các bộ phận cơ thể kết nối chéo.”
Tuy nhiên, nếu ai đó nói dối, họ không có gì để hình dung và phụ thuộc chủ yếu vào khả năng ngôn ngữ, một quy trình điều khiển bởi bán cầu não trái. Có lẽ họ sẽ nhìn lên hoặc nhìn sang phải, phó giáo sư Propper suy đoán.
Bước nghiên cứu tiếp theo có lẽ là tìm hiểu hiện tượng này ở những người thuận tay trái bởi bằng chứng từ nghiên cứu chuyển động mắt cho thấy tác động với những người này hơi khác biệt.
Phó giáo sư Propper cho rằng cần thực hiện thêm nghiên cứu khác để xác định hành động nắm tay có cải thiện hình thức nhận thức hay không, ví dụ khả năng về thẩm định không gian và sử dụng ngôn ngữ.
Source: ABC Australia