Bộ quốc phục nặng 45 ký có hình ảnh lấy cảm hứng từ thời Lạc Long Quân của nhà thiết kế thời trang Lê Long Dũng.
Photo courtesy of Zing/NVCC
Nhân câu chuyện nhà thiết kế thời trang Lê Long Dũng trình bày bộ quốc phục nặng 45 ký có hình ảnh lấy cảm hứng từ thời Lạc Long Quân mà tác giả cho là đã được người Việt cổ tôn tạo, Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn ngắn ông Phan Cẩm Thượng, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật cổ Việt Nam về trang phục của người Việt từ nhiều thế kỷ qua để thêm khái niệm về một bộ quốc phục của Việt Nam nếu được những cơ quan văn hóa nghĩ tới một cách nghiêm túc.
Ảnh hưởng Trung Quốc và Ấn Độ Trước tiên ông Phan Cẩm Thượng chia sẻ:
Phan Cẩm Thượng: Văn hóa Việt Nam, đặc biệt về khu vực mỹ thuật thì có những đặc trưng rất là riêng. Mặc dầu Việt Nam nằm ở giữa Trung Quốc và Ấn Độ nên cũng có ảnh hưởng của hai luồng văn hóa ấy nhưng văn hóa làng xã rất là mạnh.
Văn hóa làng xã thì cũng ảnh hưởng một chút về nguyên lý thôi; Họ cũng nghe nói Trung Quốc là như thế, Ấn Độ là như thế chứ họ có bao giờ tận mắt trông thấy đâu.
Những người ở trong làng trực tiếp nhìn thấy những cái mẫu bị ảnh hưởng đâu thành ra người ta phải tự sáng tạo ra cái gì đấy của văn hóa bản địa. Cái đấy từ dân ca, ca dao, trang phục… Ví dụ như khu vực trang phục cung đình thì có ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng trang phục bình dân của dân Việt Nam thì rõ ràng phải căn cứ vào địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng mà người ta nghĩ ra. Rồi căn cứ vào nghề dệt, nghề may của mình chứ không có ảnh hưởng gì phía Trung Quốc cả. Đó là những đặc trưng riêng của người Việt Nam. Trong những kiến trúc đình, đền, chùa của Việt Nam cũng khác hẳn với những mô hình của Trung Quốc và Ấn Độ.
Cái bình thường của Việt Nam nó mang tính bản địa rất là sâu sắc. Việt Nam có 54 dân tộc thì mỗi một sắc tộc có một các ăn mặc riêng. Những cái đấy không thể nói trong một câu được. Ở đây phát sinh từ đời sống nội sinh của bản địa, của tín ngưỡng, của từng sắc tộc người chứ không thể đơn giản nói nó bị ảnh hưởng từ đâu đến đâu.
Mặc Lâm: Theo ghi nhận của ông thì quan nhiều thời kỳ lịch sử trang phục của người Việt thay đổi chính nằm trong phần nào của bộ quần áo?
Phan Cẩm Thượng: Tôi thấy trong lịch sử, có những thời kỳ người Việt Nam mặc rất là đơn giản, chẳng hạn như đàn ông, đàn bà gần giống như mô hình phương Nam: đàn ông chỉ ở trần đóng khố, phụ nữ thì chỉ quấn một cái váy. Cái này có thể thấy ở những tượng cổ ở chùa Dâu; Ngay những tượng Phật như Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện mình thì trần và chỉ quấn xà rông phía dưới thôi, giống hệt như trang phục của người phương Nam giống Khmer hay Ấn Độ ngày xưa, đi đâu họ cũng chỉ quấn xà rông, kể cả phụ nữ cũng chỉ mặc một cái váy.
Biểu diễn thời trang áo dài tại Hà Nội ngày 4/3/2016.AFP/HOANG DINH NAM
Ở thế kỷ 20, tôi xem nhiều ký họa của nhiều họa sĩ đi vẽ ở các vùng sâu, vùng xa của người dân tộc, họ vẫn vẽ những người phụ nữ dân tộc cũng chỉ độc mỗi một cái váy chứ không mặc gì phía trên cả. Tất nhiên, đi ra chợ thì họ có áo, có khăn, có địu của trẻ con mà họ quấn làm địu trẻ con luôn. Trang phục rất là cổ xưa và phổ thông. Sau đó, ví dụ như phục trang của người Việt Kinh thì nông dân ăn mặc tương đối đơn giản. Ở trong Nam thì bộ áo bà ba đen nhẹ nhàng còn ở Bắc thì may vải nâu. Tất cả những vải mộc nầy người ta may theo kiểu quần “xắn móng lợn” (lý do là người ta may hơi chéo chéo nên có cái đũng hơi to) hay may theo kiểu quần “lá tỏa” tức là người ta may một cái quần rộng rồi lồng một cái dây vào buộc ở bụng làm quần tỏa ra nên gọi là quần “lá tỏa” và ở trên thì mặc một cái áo cánh.
Mặc Lâm: Còn trang phục trong dịp lễ lạc hay hội hè ngay cả khi có quan hôn tang tế thì có gì khác biệt xa lắm đối với ngày thường hay không?
Phan Cẩm Thượng: Nếu đi việc quan hay có nghi lễ gì thì người Việt mặc thêm một cái áo dài. Phụ nữ thì mặc áo dài tứ thân hay năm thân, đàn ông mặc áo dài hai thân giống như áo ta; Đầu thì quấn khăn. Ngày xưa có 3 loại: một là khăn vấn tức là khăn họ tự vấn to sù sù; Loại thứ hai là khăn đóng tức là họ làm cái đầu bằng gỗ rồi họ đóng cái khăn lên rồi họ lấy cái khăn đấy đội; Loại thứ ba thì được làm gần đây ở thế kỷ 19, 20 được gọi là khăn xếp, còn phụ nữ thì làm khăn vành.
Với khăn vành thì họ tết vào trong tóc rồi họ quấn vành lên trên đầu và họ để lại một lọn tóc nho nhỏ như cái đuôi gà để vắt ra ngoài. Khi đi ra ngoài họ lại đội một cái khăn vuông cho ấm. Khi đội lên thì có hình mỏ quạ nên được gọi là khăn mỏ quạ. Sau cùng là đội một cái nón thúng rất là to. Khi nào phụ nữ đi ra ngoài thì họ thường mặc một cái yếm với một cái áo cánh hay áo dài nhưng họ không cài gì cả, họ vắt chéo vào nhau ở phía trước bụng nhưng không ra buộc hay không buộc gì cả mà chỉ vắt vào nhau thành ra hai tà xòa xuống dưới ở phía trước. Ở trong bụng của họ thì ngoài cái cạp váy buộc rất chặt ra thì họ còn có một bao tượng nữa. Cái bao tượng này giữ cho váy chặt hơn nữa và còn để túi tiền. Đấy là trang phục rất là cổ của người nông dân Việt Nam mà tôi nghĩ có lẽ nó tồn tại ba trăm năm gần đây.
Mặc đơn giản nhưng hoa văn thì cầu kỳ Mặc Lâm: Nhà thiết kế Lê Long Dũng khi tạo mẫu bộ quốc phục dự thi thế giới gần đây tuyên bố rằng ông theo ý tưởng của người Việt cổ 3.000 ngàn trước. Liệu có bằng chứng gì về việc này không?
Phan Cẩm Thượng: Trước đây thì chúng tôi không quan niệm thời kỳ Đông Sơn cách đây 2.500 năm người ta nghĩ ra vải mặc dù trên đồ đồng tôi thấy người ta cũng có khắc phụ nữ mặc váy hẳn hoi và vấn khăn hẳn hoi. Tuy nhiên, để tìm được chứng cứ về vải thì rất là khó vì vải không tồn tại được lâu như thế. Gần đây, tôi có xem vài di tích do nhà khảo cổ học Nguyễn Việt cho xem. Trước đây khi khảo cổ thì người ta thường bỏ qua phần bùn vì họ cho rằng không quan trọng. Bây giờ, anh Nguyễn Việt cho rằng phải có loại kính gì đấy hoặc loại chất gì đấy để khám phá xem có những hợp chất gì đi theo con người mà nó bị tan ở trong bùn. Bằng cách đó, anh Nguyễn Việt đã cho tôi xem rất nhiều những mẫu vải thời kỳ Đông Sơn.
Chúng tôi xem bằng cái kính phóng to lên thì rõ ràng là người ta dệt bằng cái sợi gì đó, anh ấy bảo có cả những sợi lụa nhưng đã bị tan mất rồi chứ còn sợi gai hay sợi tơ thì họ dệt khá đẹp. Chất lượng dệt khá đẹp, có ý thức tạo hoa văn giống như hình khắc trên trống đồng Đông Sơn. Như vậy có thể chắc chắn khẳng định nghề dệt vải có ở Việt Nam từ hai đến ba nghìn năm.
Biểu diễn thời trang áo dài tại Hà Nội ngày 4/3/2016.AFP/HOANG DINH NAM
Vấn đề là có biết may thành quần thành áo hay không. Tôi nghĩ Việt Nam thuộc giòng Nam Á nên không chú trọng đến may lắm mà chỉ quấn thôi. Đặc trưng nhất là phụ nữ Mường có ba cái quấn: một là quấn bên dưới - là cái váy; Hai là quấn ở trên ngực mà sau nầy trở thành váy cao mà sau này, cái váy của họ kéo lên đến sát nách và người ta chỉ cần mặc thêm một cái áo rất ngắn bên ngoài nữa gọi là áo khóm; Cái quấn thứ ba là cái quấn trên đầu một cái khăn.
Việc mặc thì đơn giản như thế nhưng hoa văn thì rất cầu kỳ.
Mặc Lâm: Nếu được cố vấn về mẫu mã cho một bộ quốc phục cả nam lẫn nữ thì ông sẽ có ý kiến ra sao và căn cứ vào điều gì để mà triển khai ý tưởng ấy?
Phan Cẩm Thượng: Từ trước tơi nay tôi hay dự các hội lễ ở làng thì các cụ mặc giống nhau. Họ mặc đơn giản: nhà vua thì mặc áo vàng, quần vàng còn đàn ông trong làng thì mặc áo dài the, quần trắng và đầu đội khăn xếp. Đó là những hình ảnh đặc trưng mà tôi thấy rất phù hợp với khổ người đàn ông Việt Nam. Phụ nữ cổ thì họ vẫn mặc áo tứ thân mà giống với các cô quan họ Bắc Ninh hay mặc. Nếu mà mặc đẹp hơn một chút thì mặc màu mè một chút với “mớ bảy, mớ ba” thì nó có thêm một chút màu mè nữa tức là trong thì áo cánh mà ngoài thì áo lụa và vấn khăn vành. Tuy nhiên đến những năm 50 thì có sự cách tân về mặt phục trang của hai họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ khai sinh ra cái áo dài. Cho đến nay thì áo dài là một “design” thành công nhất vì nó nêu được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam hiện đại mà lại rất là truyền thống.
Tôi nghĩ là áo dài vẫn là trang phục đặc trưng của phụ nữ Việt Nam. Trong thời kỳ thế kỷ 20, họ vẫn đi cùng người đàn ông mặc áo the, khăn xếp hoặc là mặc Âu phục cũng được. Ái dài nữ cùng áo the khăn xếp hay Âu phục vẫn đi đôi với nhau không có vấn đề gì cả. Tôi không phải là người design nhưng tôi thấy những trang phục đó hợp mắt và hợp thẩm mỹ là được.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
Theo RFA
Sửa bởi người viết 11/12/2016 lúc 11:31:51(UTC)
| Lý do: Chưa rõ