Một cuộc nghiên cứu dài hơi của hai nhà nghiên cứu Mark R. Rank và Thomas A. Hirshchl thuộc Đại học Michigan được công bố
cách đây một năm cho biết kết quả làm nhiều người giật mình: cứ năm người Mỹ thì có ba sẽ phải trải qua ít nhất một lần trong
đời rơi vào cảnh nghèo. Hai nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu thu thập được của 4,800 gia đình trong suốt thời gian từ 1968 đến
2011, nhắm vào nhóm người tuổi từ 25 đến 60 để xem thử có bao nhiêu trong số này đã từng rơi vào cảnh nghèo hay thật nghèo
trong đời họ.
Các nhà nghiên cứu dựa trên mức lợi tức thu được và nếu lợi tức bị rơi dưới lằn mức nghèo được ấn định thì họ được xác định là
trong tình trạng nghèo cho dù có người may mắn nhận được sự giúp đỡ của người thân cho tạm tá túc trong nhà hay người kém
may mắn phải ra sống ở gầm cầu, góc chợ. Kết quả cho thấy có tới 61.8% trong số những người được nghiên cứu sẽ phải trải
qua ít nhất một năm nghèo trong đời họ, trong số này có 42.1% là rơi vào cảnh cực kỳ nghèo.
Lý do thì rất nhiều: mất việc, hôn nhân tan vỡ, bệnh tật, tai nạn v.v… Nhưng cho dù là lý do gì thì nguy cơ để một người bị rơi vào
hoàn cảnh nghèo kể ra là khá cao.
Vào những dịp cuối năm ở Mỹ, nếu có dịp đi tới bất cứ khu thương mại nào ta cũng được nghe những tiếng chuông lắc leng keng
của những người làm thiện nguyện của tổ chức Salvation Army kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người trút ra những đồng bạc lẻ cho
vào trong chiếc hũ sơn màu đỏ treo trước cửa những ngôi chợ. Tiếng chuông leng keng đó phần nào nhắc nhở chúng ta nghĩ về
những người kém may mắn ở đâu đó đang cần sự giúp đỡ.
Nhưng những người nghèo kém may mắn đó đôi khi lại ở rất gần với chúng ta, có thể họ đứng đâu đó nơi một góc đường hay ở
một ngã tư nào đó hoặc trong những khu xóm tồi tàn mà chúng ta vẫn thường lái xe qua nhưng lại không để ý. Nếu có gặp những
con người này và ai đó trong chúng ta muốn mở hầu bao giúp họ thì cứ nên làm, đừng ngại ngần gì cả. Rất có thể một vài đồng lẻ
chúng ta bỏ vào tay họ sẽ giúp họ có được giấc ngủ bình yên hơn, đỡ bị dằn vặt bởi những cơn đói cào ruột. Tuy nhiên, những
đồng tiền lẻ đó cũng chỉ giúp họ thoát qua được cơn đói trong ngày thôi và hôm sau thì họ vẫn nghèo, vẫn đói và vẫn tiếp tục vật
lộn với cuộc sống đầy những trắc trở.
Người nghèo thì nơi nào cũng có, từ những quốc gia chậm phát triển cho đến những quốc gia giàu có, và thời nào cũng có. Chính
phủ nào lên cầm quyền có tâm huyết lo cho dân cũng muốn giải quyết vấn nạn người nghèo. Họ đưa ra đủ mọi giải pháp nhưng
chẳng có giải pháp nào thành công và vấn nạn người nghèo thì vẫn còn y nguyên, hơn nữa, dường như càng ngày lại càng có
nhiều người nghèo hơn.
Mới đây, kết quả một cuộc nghiên cứu của các nhà kinh tế thuộc World Bank và Đại học Stanford cho biết một trong những cách
hiệu quả nhất để giảm bớt số người nghèo là hãy đưa thẳng cho họ tiền mặt.
Ý tưởng này thực ra không hẳn là bất ngờ nhưng từ lâu vẫn gặp sự chống đối là vì người ta vẫn lo ngại là nó tạo thêm cơ hội để
người nghèo hay người có lợi tức thấp có sẵn tiền trong tay liền đi mua những thứ dễ bị cám dỗ như rượu, thuốc lá, thuốc cấm
v.v… thay vì là những thứ cần thiết cho cuộc sống.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng điều lo ngại đó thật ra không đúng và không có cơ sở. Kết quả nghiên cứu cho thấy số
tiền cho đi không có điều kiện thì người nhận được tiền ít có khả năng sử dụng nó cho những thứ bị cho là cám dỗ hơn là những
người không nhận được đồng nào.
Những lý do mà các nhà nghiên cứu đưa ra: một, có thể là vì khi nhận được tiền làm người ta nghĩ và lo tới tương lai nhiều hơn và
cẩn thận trong việc chi tiêu; hai, số tiền thường được đưa thẳng tới tay người phụ nữ và được chi tiêu ngay cho gia đình.
Một chương trình từ thiện giúp đỡ người nghèo có tên là GiveDirectly đã chuyển một số tiền mặt tới khoảng 50,000 gia đình được
đánh giá là rất nghèo và cũng đã gặt hái được kết quả tương tự. Người đại diện của chương trình từ thiện này cho biết điều mà
nhiều người trước đây vẫn thường lo ngại là người nghèo thường vô trách nhiệm, lười biếng và sống ỷ vào các chương trình phúc
lợi xã hội là hoàn toàn không đúng. Có thể lý do mà người ta cho rằng người nghèo khi có tiền mặt trong tay thường nghĩ ngay
đến việc mua rượu hay thuốc phê, nhưng thực ra thì người nghèo có nhiều thứ cần kíp khác trong cuộc sống của họ phải lo toan
trước hết nên sẽ không có thì giờ để nghĩ đến những thứ dễ bị cám dỗ kia.
Những điều xấu mà người ta thường gán cho người nghèo cũng dễ hiểu thôi là vì nạn nghiện ngập rượu và thuốc cấm đặc biệt
xuất hiện nhan nhản ở những khu vực người nghèo sống ở thành thị. Người ta chỉ cần lái xe vào những khu ổ chuột vài vòng là
thấy rõ ngay, rất dễ bắt gặp hình ảnh của một hai gã đàn ông say xỉn đang ngồi bệt ngất ngư bên vệ đường hay một nhóm người
đang tụm năm túm ba chích choác. Lẽ đương nhiên là hình ảnh đó không hoàn toàn phản ảnh toàn bộ sinh hoạt ở những khu xóm
ổ chuột, không hẳn đã là người nghèo thì ai cũng say xỉn hay chích choác, nhưng những hình ảnh người ta bắt gặp trên đường sẽ
in đậm vào tâm trí và là câu chuyện dễ làm nhiều người tin theo.
Kết quả nghiên cứu trên của World Bank và Đại học Stanford không chỉ quan trọng đối với chính sách giảm nghèo của chính phủ
mà nó còn có thể ảnh hưởng đến tương lai kinh tế nữa. Nhiều nhà kinh tế cho rằng nay mai hàng triệu công việc sẽ bị mất do tiến
bộ của khoa học. Người máy sẽ thay thế làm những công việc của người thật. Với chiều hướng đó, đến khoảng giữa thế kỷ này,
có khoảng một phần tư những người ở độ tuổi 25-54 sẽ không có việc làm.
Kỹ thuật tân tiến sẽ giúp việc sản xuất rẻ hơn và hiệu quả hơn. Nhưng người máy sẽ làm cho nhiều công việc bị biến mất nhanh
hơn là số công việc mới được tạo ra. Khi người ta không có công ăn việc làm thì người ta tìm đâu ra tiền để chi trả cho cuộc
sống? Để giải quyết vấn đề này hiện có một ý tưởng đang được nhiều người ủng hộ: đó là cung cấp cho mọi người một phần lợi
tức căn bản phụ vào với số lương ít ỏi để họ có đủ tiền chi trả cho cuộc sống. Số tiền lợi tức căn bản này cũng quan trọng giống
như chương trình an sinh xã hội, nhưng sự khác biệt ở đây là tiền được đưa trực tiếp cho mọi người, và những món tiền tiết kiệm
được vì không phải trả lương nhân công cho những người máy tương lai sẽ dùng để chi trả cho chương trình phụ cấp này.
Hiện đang có một nhóm nghiên cứu có tên Economic Security Project với ngân khoản $10 triệu đang làm một cuộc thử nghiệm
trên vài chục người, và những người này sẽ nhận mỗi người $2,000 mỗi tháng trong vòng một năm. Nếu cuộc thử nghiệm này có
kết quả, bước kế tiếp là một cuộc thử nghiệm quy mô hơn và cuối cùng có thể áp dụng cho các chương trình xã hội quốc gia
trong tương lai.
Có nhiều lý do để tin rằng chính sách giúp đỡ người nghèo trực tiếp bằng tiền mặt sẽ không thể nào giải quyết tận gốc vấn nạn
người nghèo. Nhưng nếu thử nghĩ xem nếu người nghèo cũng có cơ hội để có được một trương mục tiết kiệm, được theo đuổi
những chương trình huấn nghệ và được tới học ở những trường học có phẩm chất tốt như bất cứ ai thì chắc chắn họ cũng sẽ biết
chi tiêu tiền bạc cho đúng cách. Những cáo buộc cho rằng tiền đến tay người nghèo thì chỉ không mấy chốc là đi thẳng tới những
cửa tiệm bia, rượu và thuốc lá sẽ không có lý do để đứng vững.
Năm tới đây tại Canada, chính phủ sẽ cho thử nghiệm tại khu vực Ontario một chương trình về lợi tức căn bản trên một số người
nghèo với phần lợi tức bổ xung là $1,320 mỗi tháng với hy vọng là trong tương lai có thể giảm bớt số người nghèo trong xã hội
Canada. Nếu chương trình thử nghiệm này mang lại kết quả thực sự thì trong tương lai nó sẽ dần dà thay thế những chương trình
phúc lợi tốn kém khác của chính phủ.
Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm lợi tức căn bản này của Canada không hẳn là chương trình thử nghiệm đầu tiên của chính phủ của
một quốc gia. Một số chính phủ khác trên thế giới cũng đã bắt đầu thực hiện một số cuộc thử nghiệm tương tự để xem kết quả ra
sao khi những người nghèo nhận trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt và không một điều kiện nào kèm theo. Những quốc gia như Phần
Lan, Kenya và thành phố Utricht ở Hà Lan đã có kế hoạch để triển khai chương trình thử nghiệm này và nay mai sẽ có thêm chính
phủ của nhiều quốc gia khác sẽ nhập cuộc.
Kết quả thành công ra sao thì chưa biết nhưng rõ ràng đây là một nỗ lực mới để giải quyết vấn nạn người nghèo bằng việc trợ
giúp người nghèo một cách trực tiếp hơn.
Huy Lâm