Trong năm 2016, chương trình của anh Thạch đã lập được hơn 12.000 tủ sách có trị giá khoảng 40 tỷ đồng, tương đương gần 2 triệu đôla, với sự đóng góp từ nhiều người trong đó có những người Việt ở nước ngoài.
Anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng và duy trì chương trình “Sách hóa nông thôn” ở Việt Nam, cho VOA biết trong năm 2017 sắp tới, anh mong lập được 300.000 tủ sách trong tất cả các lớp học trên toàn quốc. Để đạt mục tiêu này, anh nói sẽ “thúc đẩy” sự tham gia của toàn xã hội, và sẽ cần đến số tiền 30 triệu đôla.
Trong năm 2016, chương trình của anh Thạch đã lập được hơn 12.000 tủ sách có trị giá khoảng 40 tỷ đồng, tương đương gần 2 triệu đôla, với sự đóng góp từ nhiều người trong đó có những người Việt ở nước ngoài. Nỗ lực này của anh đã được bạn đọc của báo điện tử Infonet của Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh. Họ đã bầu chọn anh là Nhân vật của năm 2016.
Trong danh sách các ứng viên của cuộc bầu chọn, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng về hoạt động cứu trợ lũ lụt Phan Anh và xạ thủ đạt huy chương vàng Olympic Hoàng Xuân Vinh đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3. Anh Thạch nói về ý nghĩa khi đứng vị trí thứ nhất:
“Đó cũng là một biểu thị nhận thức của cộng đồng là bây giờ người ta đã tập trung vào hướng tới khai trí là quan trọng. Khi mà chúng ta bị gặp các biến động xã hội, tầng lớp trung lưu cấp tiến trong xã hội bắt đầu nghĩ phải làm gì đấy để thay đổi. Người ta hướng tới việc khai trí đấy là việc tích cực. Người ta đánh giá, quan tâm đến người đóng góp vào tiến trình góp phần vào nâng cao dân trí thì tôi nghĩ là một chỉ số tích cực của xã hội của chúng ta”.
Những biến động xã hội mà anh Thạch nhắc đến là thực trạng Trung Quốc ngày càng có những động thái hung hăng trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Việt Nam, các thảm họa ô nhiễm môi trường trong nước và những vấn đề nghiêm trọng về đạo đức, kinh tế, chính trị khác. Anh Thạch cho rằng đây là giai đoạn “người Việt thức tỉnh mạnh nhất” và “hành động vì sự bền vững của đất nước”.
Chương trình “Sách hóa nông thôn” do anh Nguyễn Quang Thạch, 41 tuổi, lập ra cách đây 20 năm và từ đó đến nay anh dành công sức to lớn để phát triển. Về những mục tiêu lâu dài của chương trình, anh chia sẻ:
“Chiến lược của chương trình sách hóa nông thôn là đánh thức nhân tâm và trách nhiệm của xã hội. Tôi thường nói rằng người Việt chúng ta phải đi đến số phận, tương lai đất nước của mình. Chúng ta phải đánh thức trái tim của mình để tất cả những trái tim tổng hợp tạo thành một tâm lực lớn, để tác động ra đến quy mô xã hội, thậm chí còn tác động ra thế giới bên ngoài nữa. Dần dần chúng ta sẽ có đủ năng lực xây dựng ra một xã hội nhân văn và sáng tạo, góp phần vào làm cho đất nước mình được tôn trọng, được cường thịnh, và có năng lực đóng góp vào sự phát triển của nhân loại”.
Thành công của chương trình cũng đã đưa anh Thạch trở thành người Việt đầu tiên đoạt một giải thưởng của UNESCO trong năm 2016 về tôn vinh những người có nỗ lực xóa mù chữ và khai trí.
Anh Thạch đã hai lần đi xe đạp và đi bộ xuyên Việt trong các năm 2010 và 2015 để vận động và quảng bá cho chương trình. Anh cho VOA biết vì điều kiện sức khỏe, anh dự định đi xe lăn xuyên Việt trong năm 2017 để tiếp tục vận động cho chương trình.
Theo VOA