Nhạc Jazz cùng thân phận người con Việt.
Tôi thấy em trong đêm “Jazz is you” ở Viện Việt Học. Em sóng sánh Jazz trong tiếng piano dìu dặt. Em rực rỡ Jazz, trong đêm xanh rền rĩ kèn đồng Trumpet. Em nhè nhẹ thở chậm hơi Jazz, qua thanh âm cực trầm của đàn bass từng nốt buông lơi. Show “Jazz là em” đã được Thùy Linh mang tới Quận Cam với một nỗ lực tích cực để cộng đồng người Việt biết thêm về nhạc Jazz.
Riêng với Viện Việt Học, đây là lần đầu, Viện được đón chào Thùy Linh. Người MC đã giới thiệu về Thùy Linh bằng một câu nói đầy nhiệt tình và ấn tượng “Quí vị sẽ được gặp một người con gái có nỗi đam mê nhạc Jazz lớn đến độ cô không cần biết ngày mai cô sẽ ăn gì và phải sống ở đâu. Cô chỉ ước muốn đem nhạc Jazz đến giới thiệu với công đồng Việt Nam dù cô không một xu dính túi.”
Thùy Linh là một người Mỹ gốc Việt đầu tiên hát và sáng tác nhạc Jazz ở vùng vịnh Bắc Cali. Cô cũng sáng tác, phổ và dịch thơ Việt Nam qua nhạc Jazz và ngược lại, với mục đích kết hợp hai màu sắc văn hóa Âu Tây vào Jazz. Từ trước tới giờ, show nhạc của cô luôn độc đáo với “full band” và các nhạc công Jazz chuyên nghiệp. Trong show, cô thường mời thêm các ca sĩ chuyên hát Jazz của địa phương tham dự với mục đích giao lưu văn hoá và giúp chương trình thêm nhiều màu sắc cá biệt.
Cô tốt nghiệp đại học với Master (Thạc sĩ) của ngành International Relations (Liên hệ quốc tế) ở Đại học Washington DC và UC Berkeley. Cô từ bỏ nghề nghiệp để chạy theo nghề ca hát chuyên nghiệp hơn 10 năm nay từ lúc biết Jazz.
Cô đã ra một CD “then&now 2012” và những ca khúc được hợp soạn cùng các thi sĩ Bashou, Jenny Do, nhạc sĩ Nguyễn Dự, Nguyễn Đức Đạt và sự giúp đỡ của thân hữu như: Jazz is you-Jazz là em, Lotus child-Bé hoa sen, Jackfruit-Quả mít (ý thơ Hồ Xuân Hương), Lady moon-vịnh vấn nguyệt (ý thơ Hồ Xuân Hương)
___________
Thanh Thư: Chị nghe nói em có một niềm đam mê mãnh liệt với nhạc Jazz. Em có thể bỏ mọi thứ, hy sinh tiền bạc, hay tuổi trẻ nhưng không thể bỏ âm nhạc, nhất là Jazz. Em có thể cho chị biết về nỗi đam mê đó không?
Thùy Linh: Chị MC Vanessa Hồng Vân có nhận xét là, “chị thấy Thùy Linh sống và chết với nhạc Jazz”. Ngay bản thân em, em cũng không nghĩ đến điều này vì một khi mình theo đuổi một cái gì, tâm thức mình đẩy mình về hướng đó, khiến cho tất cả mọi việc mình làm, biến thành điều tự nhiên. Nó không có nghĩa như một sự hy sinh. Người ngoài, khi họ không hình dung hay biết về việc mình làm, dĩ nhiên họ đánh giá mình theo quan niệm hay mắt nhìn của họ. Đối với họ, họ không biết đường lối của em nên họ thấy lạ, khác thường, còn với em, âm nhạc như hơi thở, nhịp tim và máu thịt của em vậy. Em không nhận ra cho đến ngày em ly thân, em mới biết cuộc đời em từ nay về sau phải gắn liền với âm nhạc. Em không thể để mất cơ hội của đời mình. Có lẽ sự ly thân đã là một dứt khoát, thúc đẩy em vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp mà em chắc chắn phải đi.
Thanh Thư: Theo một báo cáo cuối năm 2014 của công ty âm nhạc Nielsen thì con số khách thưởng ngoạn nhạc Jazz ngày càng giảm sút. Con đường em đi và sẽ đi chắc nhiều gian nan. Em đến với nhạc Jazz thế nào?
Thùy Linh: Lúc 5 tuổi em đã bắt đầu hát và trình diễn trên sân khấu ở Việt Nam. Ngày đó em cũng có ước mơ sau này trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Dĩ nhiên trong gia đình em, không ai muốn em theo con đường này cả. Thành ra với con đường âm nhạc tự chọn, em phải tự học nhạc lấy. Trong thời gian học ở trường Đại Học UC Berkerly, em tình cờ khám phá ra Jazz mà mê nó từ đó. Em học Jazz với các nhạc sĩ piano và thực tập bằng cách tham dự các buổi “Jazz Jam” của người Mỹ, giống hình thức hát cho nhau nghe vậy. Em cũng thực tập bằng cách nghe các ca sĩ nhạc Jazz hát như, Ella Fitzgerald, Sarah Vaughan, Billie Holiday, Nat King Cole, Louis Armstrong v..v..Em bắt đầu thích hát những bài hát xưa với tình cảm rất lãng mạn, vì nó hợp với thời bắt đầu yêu của em. Tuy em bước vào con đường có nhạc Jazz rất muộn, và sức khoẻ em yếu hơn trước, nhưng em quyết định phải hát Jazz một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp. Em nghĩ, thà sống nghèo hơn xưa nhưng không để mất cơ hội thực hiện điều mình thích. Sau khi quyết định, em thấy hạnh phúc với quyết định này vì với bản chất nghệ sĩ, em không thể sống với sự gò bó và lập đi lập lại của cuộc sống thường nhật. Em bắt đầu tổ chức show.
Thanh Thư: Em nói,“sức khoẻ em yếu hơn trước”. Em có thể tiết lộ cho chị biết về khó khăn của em không?
Thùy Linh: Hồi ở Nha Trang, Việt Nam, lúc 3 tuổi em bị sốt tê liệt (polio) và liệt cả tay lẫn chân. Sau đó nhờ sự tận tâm chạy chữa của gia đình em, hai tay và chân phải em đã mạnh trở lại. Tuy nhiên khi vi trùng polio tấn công nó giết hết các tế bào khiến sau này các tế bào thần kinh không thể sống lại được. Nếu có thể cũng không được 100% như trước. Theo thời gian và tuổi tác, sức khoẻ em ngày càng xấu đi, cho đến khoảng, cách đây 10 năm, em phải đương đầu với tình trạng mệt nhọc và yếu dần. Em đứng lâu cũng khó, tình trạng mất thăng bằng ảnh hưởng việc đi đứng trên sân khấu và có khi bị lỡ nhịp lúc hát.
Em qua Mỹ năm 9 tuổi, cha mẹ em quá lo lắng bảo vệ và thương con nên giữ cho em không được chơi thể thao hay các trò chơi mạnh bạo. Tuy nhiên, em luôn chống lại những cấm đoán ấy để sống cuộc đời của một người bình thường hơn là người khuyết tật. Càng cấm đoán, ước muốn chống đối càng mạnh. Nhờ trời thương, phú cho em một tinh thần vững mạnh để chống trả lại bệnh tật. Em luôn tự nhủ “Em không có tật” và cố gắng sống mạnh mẽ hơn cả một người bình thường. Mới đây, em thấy yếu đi nhiều và biết rằng mình cần giảm bớt sinh hoạt. Em hiểu ra em cần phải cho mọi người biết về giới hạn của điều kiện sức khoẻ của em có chỗ không được như ý hay cho phép.
Thanh Thư: Em có tâm sự một mình em gánh vác hết mọi việc từ A đến z, khi tổ chức một show diễn. Em bắt đầu làm việc và kết thúc thế nào?
Thùy Linh: Quả thật, em đã lo mọi thứ một mình, từ việc quảng cáo, nối kết ngoại giao, tìm người bảo trợ, sắp xếp chương trình, tìm địa điểm, thuê mướn và quản lý nhạc công. Liên lạc và mời các ca sĩ nhạc Jazz tại địa phương. Em còn sáng tác nhạc và ca diễn nữa, chỉ mình em làm. Có người thắc mắc hỏi tại sao em bỏ công trình học vấn bao năm để chạy theo con đường âm nhạc vừa khó khăn, tài chánh lại eo hẹp. Thật ra chẳng có gì phí phạm cả, tất cả những gì em học hỏi trong quá khứ kể cả lợi ích của học vấn đều đã giúp em gây dựng nên con người của em ngày nay. Vì vậy em có thể làm được mọi thứ với tất cả nỗ lực của mình. Tỷ như khi giới thiệu nhạc Jazz với cộng đồng Việt, em phải giới thiệu nó với những gì đẹp đẽ nhất. Em ráng thuê mướn những nhạc công chuyên nghiệp cho một ban nhạc đầy đủ. Phần lớn những buổi diễn của em đều miễn phí, do đó em cần người yêu nhạc Jazz giúp đỡ và tài trợ.
Thanh Thư: Em cho độc giả biết chút ít về việc em phổ thơ và sáng tác nhạc Jazz.
Thùy Linh: Tất cả có 3 đợt chính:
1) Đợt đầu em viết nhạc cho bài “Lotus child tức Bé hoa sen” lời Anh của Bashou, lời Việt J Dovinh và Nguyễn Đức Đạt. Bài này được sáng tác để tưởng nhớ các nạn nhân Việt Nam còn sống sót qua các tệ nạn buôn người. Thân phận đau xót của những người con gái Việt Nam ấy không thua gì thân phận người Mỹ Châu Phi ngày xưa đã làm em xúc động. Sự đồng cảm khiến em nghĩ nhạc Jazz thể hiện được nỗi đau cùng cực và đắng chát của thân phận bạc bẽo của các thiếu nữ Việt Nam đã lâm vào các cảnh khốn khổ đó. ("Lotus Child" live in concert, May 2012
VIDEO 2) Thơ tiếng Việt của Jenny Do lấy ý bài thơ “Quả mít” của Hồ Xuân Hương, em viết nhạc và lời Anh “Jack Fruit”; Phổ thơ “Vịnh vấn nguyệt” của Hồ Xuân Hương, nhạc và lời Anh do em viết “Lady moon”.
VIDEO 3) Soạn và hát các bài hát dân gian nổi tiếng, nhạc vàng hay tiền chiến qua nhạc Jazz như bài “Sending wind -Gởi gió cho mây ngàn bay”
VIDEO Thanh Thư: Em có dự định gì cho tương lai
Thùy Linh: Em mong mỏi được đem nhạc Jazz đến những nơi có cộng đồng VN. Với Cali em xem như đã ổn, vì em từng trình diễn ở cả 2 miền Nam và Bắc. Em nghĩ nếu có thể em sẽ mang nhạc Jazz đi xa hơn tới các tiểu bang hay các quốc gia khác có người Việt. Em cũng mong xin được sự bảo trợ của đồng bào ở các nơi em đến về tài chánh cũng như tinh thần. Phần lớn chương trình của em đều là vào cửa miễn phí, để khuyến khích mọi người đến tham dự đông đảo. Em tin một điều là nếu họ chưa biết đến em họ sẽ không chịu bỏ thì giờ và tiền bạc để tới nghe. Do đó em phải mở cửa đón chào họ , khi đến họ sẽ thấy trình độ của một chương trình chuyên nghiệp mà em thực hiện. Khi thấy giá trị của nó họ sẽ sẵn sàng trở lại.
Thanh Thư: Cám ơn Thùy Linh, chúc em thành công và các ước mơ đều đạt được.
Thanh Thư